Lời Chủ Chăn – tháng 2 – 2023

‘Vì kìa đông đã quaNgàn hoa nở rực rỡ… Mùa ca hát đã trở lại… (Cf. Dc 2: 11.12)

Quý Cha và Quý Tu sĩ thân mến,

Những giờ phút cuối năm cũ hướng tới ngày đầu năm mới, chúng ta sống cẩn thận hơn những thời gian khác.

Người ta thu xếp kết toán công việc cho gọn trong năm cũ, rửa sạch nhà cửa và mua sắm hoa tươi đón xuân mới.

Đông qua, xuân về. Mùa xuân chào đón ngàn hoa.

Một

Mùa Xuân chào đón cái đẹp

Các gia đình sum họp, các Thánh đường đón xuân giữa ngàn hoa ấm áp thắm tình…

Mùa xuân, mùa của muôn hoa:

Hoa Lê:

‘Cỏ non xanh rợn chân trời
 Cành lê trắng điểm một vài bông hoa’ (Nguyễn Du, tk 19)

Hoa Đào:

‘Mỗi năm hoa đào nở
 Lại thấy ông đồ già
 Bày mực tàu giấy đỏ
 Bên phố đông người qua’  (Vũ Đình Liên, tk 20)

Hoa Mai:

‘Xuân đi trăm hoa rụng
 Xuân đến trăm hoa nở…
 Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
 Đêm qua sân trước một nhành mai’ (Thiền sư Mãn Giác, tk 11)

Mỗi vần thơ hàm ẩn những ý tứ cuộc đời…

Mùa xuân trên đất Việt còn hàm ẩn vẻ đẹp tinh khôi, những phẩm hạnh làm người:

      ‘Thiên thiêm tuế nguyệt, nhân thiêm thọ
        Phúc cả càn khôn, phúc mãn đường’
        (Trời thêm năm tháng, người thêm thọ. Phúc khắp trời đất, phúc đầy nhà)

            ‘Mở cửa ‘Nhân’, đón chào khách đến
            Trồng cây ‘Đức’, tâm nguyện con ăn’

Hai

Mùa Xuân trăn trở thân phận

Dừng chân… thư thái một chút trong không khí hương xuân, hiện lên trong lòng những trăn trở. Trái đất này có phải đang từng phút giây trở thành ‘mảnh đất ít người nhiều ma?’… vì phải soi đuốc giữa ban ngày tìm người tử tế… ‘cái thật’ teo tóp, trí tuệ rập khuôn xơ cứng… ‘cái thiện’ hiếm hoi, nhạt nhòa lòng trắc ẩn… ‘cái đẹp’ giả lừa, sống vội sống cuồng thiêu thân…

‘Mùa xuân chín ửng trên đôi má
 Xui khiến lòng ai thấy não nề’ (Xuân Diệu)

Cuối năm 1988, nhà thơ Nguyễn Duy trăn trở giằng co trước những câu hỏi chất chứa trong lòng:

‘Thời hậu chiến ta vẫn người trong cuộc

Xứ sở phì nhiêu
 Sao thật lắm ăn mày?
(…)

Xứ sở từ bi

Sao thật lắm thứ ma
Ma quái – ma cô – ma tà – ma-mãnh…
Quỷ nhập tràng xiêu vẹo những hình hài
(…)

Xứ sở linh thiêng

Sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác
Đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh
(…)

Xứ sở thông minh

Sao thật lắm trẻ thơ thất học
Lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương
(…)

Xứ sở thật thà

Sao thật lắm thứ điếm
Điếm biệt thự – điếm chợ – điếm vườn…
Vật giá tăng
vì hạ giá linh hồn…
(…) 

Và nhà văn Lê Lựu (1942-2022):

‘Nửa đời người phải yêu cái người khác yêu, nửa còn lại đi yêu cái mình không có’
… thân phận người bi đát về tự do bị cưỡng chế và về những ảo tưởng bị vướng vào…[1]

Cái đẹp ‘một bông sen’

Kho tàng ca dao:

‘Trong đầm gì đẹp bằng sen
 Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
 Nhị vàng bông trắng lá xanh
 Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn’

Chỉ hai cặp lục bát, ngôn từ giản dị, tác giả không những gợi lên đầy đủ trọn vẹn cả sắc hương mà cả sức mạnh hiện sinh vươn lên phẩm hạnh làm người.

Bài thơ mang vẻ đẹp: ‘lá xanh, bông trắng, nhị vàng’, đã tả đi và còn nhắc lại ngược chiều: ‘nhị vàng, bông trắng, lá xanh’… như thể ngắm nghía trong – ngoài, trước – sau, cái hiển lộ và cái ẩn tàng… một thứ hoa, hoa sen trọn vẹn sắc hương, cái đẹp ngoại hình lưu chuyển trong lòng sức mạnh hiện sinh vượt lên cái hôi tanh môi sinh của mình.

Và đây là cái đỉnh của bài thơ, ‘huyết lệ’ của tác giả, niềm khát khao cho đời:

‘Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn’

Ba

Mùa Xuân khát khao ‘chí thiện’, ‘Bonum bonorum’

Một trong tứ thư của Khổng học là phần ‘Đại học’ đã đề ra Tam cương mục: ‘Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện’ (làm sáng đức tánh của mình, cải cách canh tân mọi người, nhắm mức trọn lành).

Từ nguồn sống Lời Chúa, các nhiệm tích, được cử hành thành phụng vụ thánh, con người được soi dẫn và được sức mạnh vượt qua những cạm bẫy ‘ra ma’, cõi ‘bùn’ phong trần, để trở thành người ‘họa ảnh’ Thiên Chúa.

Đức Bênêđictô, một người tiêu biểu làm người phẩm hạnh giữa nhân loại hiện đại. Chúc thư tinh thần của Người:

‘Thiên Chúa đã nâng tôi dậy khi tôi bắt đầu trượt ngã và luôn cho tôi lại được thấy ánh sáng từ dung nhan của Người. Khi nhìn lại, tôi thấy và hiểu ngay rằng cả những đoạn đường tăm tối và gian khổ của hành trình này cũng là vì ơn cứu độ của tôi và Thiên Chúa  đã hướng dẫn tôi tận tình trong chính những đoạn đường đó… Tôi muốn nói với tất cả những ai được ủy thác để tôi phục vụ trong Giáo hội: Hãy vững vàng trong đức Tin! Đừng để bị bối rối! Từ xa xưa, tôi đã chứng kiến những thay đổi trong khoa học tự nhiên và đã thấy những điều rõ ràng chắc chắn chống lại đức Tin đã biến mất như thế nào, chứng tỏ chúng không phải là khoa học mà là những diễn giải triết học chỉ có vẻ bề ngoài của khoa học… 60 năm qua, tôi đã đồng hành trên con đường thần học, đặc biệt là nghiên cứu Kinh Thánh, tôi đã chứng kiến những luận điểm dường như không thể lay chuyển được đã sụp đổ cùng với sự đổi thay của các thế hệ, những điều hóa ra chỉ là những giả thuyết: thế hệ tự do… thế hệ chủ nghĩa hiện sinh… thế hệ chủ nghĩa Macxít… Tôi đã thấy và thấy, từ mớ giả thuyết rối rắm, tính hợp lý của đức Tin xuất hiện và đang xuất hiện trở lại như thế nào… Chúa Giêsu Kitô thực sự là con Đường, sự Thật và sự Sống, và Giáo hội, trong mọi khuyết điểm của mình, thực sự là Thân Thể của Chúa’.

Ngày 19 tháng 5 năm 2005, gánh vác nhiệm vụ Đấng kế nhiệm Thánh Phêrô, Người trình bày Người không có thông điệp đề ra đường hướng sống và phục vụ, nhưng, như vốn đã từng, hoàn toàn đặt mình trong ơn soi dẫn của Thánh Thần, vâng nghe như một trong những người cộng tác loan truyền chân lý ‘Cooperatores Veritatis’. Mười năm dạy tại bốn Đại học (1959-1969), được tín nhiệm và nhận những Bằng Tiến Sĩ Danh Dự từ một số các Đại học tại Peru, Hoa Kỳ, Đức, Tây Ban Nha, Ba lan, Italia. Tại Thánh Công đồng Vat. II (1662-1965), Người là cố vấn thần học của ĐHY Joseph Frings (Gp Koln) và được chọn là chuyên viên của Thánh Công đồng. Người phục vụ HĐGM Đức, là tác giả nhiều khảo luận cho những tập san Thần học nổi tiếng ‘Concilium’ và ‘Communio’. Trong cùng một năm, 1977, Người được tấn phong Tổng Giám mục và Hồng Y. Suốt triều Giáo hoàng của Thánh Gioan – Phaolô trải dài trên 25 năm, Người là Bộ trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức Tin và là thành viên của hơn mười Thánh bộ và Hội đồng Tòa Thánh.

Điều đặc sắc của ‘người thợ’ trong vườn nho ‘Veritatis’ của Thiên Chúa, bên cạnh tầm tri thức uyên bác, là lòng khiên tốn, nếp sống ‘kenosis’. Người từ nhiệm vì trách nhiệm với Giáo hội, vì thấy mình tuổi cao và yếu sức không thể tiếp tục phục vụ. Cần đứng sang một bên, nhường chỗ cho một vị khác… Bên Đông phương các hiền nhân thường nhận thức thời điểm ‘xuất-xử’, biết dừng: ‘tri chỉ’. ‘Tri chỉ’ nhưng vẫn thuộc trọn về Giáo hội: ‘Tôi không bỏ Giáo hội nhưng tôi phục vụ bằng cách khác phù hợp tuổi tác và sức khỏe…’ Đức Bênêđictô xác tín phục vụ Giáo hội bằng cầu nguyện và đau khổ’ (Cf. Diễn từ ngày 11 tháng 02 năm 2013)

Anh chị em rất thân mến,

Mùa xuân khơi lên trong lòng ta những khát khao… những khát khao hội nhập những khát khao ‘ngọn lửa bùng cháy’ của Chúa Giêsu, để đi tiếp hành trình nhằm thành quả Nước Thiên Chúa (cf. Lc 12: 49). Thời điểm Chúa Giêsu cử hành lễ Vượt Qua, niềm khát khao dâng tột độ: ‘Thầy ước ao khao khát ăn lễ Vượt Qua này với các con…’ (Lc 22:15).

Xin Đức Trinh Mẫu diễm phúc và Thánh Cả chuyển cầu trước nhan Thiên Chúa cho ta được khao khát mãi, khao khát những gì Chúa khát khao cho vinh danh Chúa và cho phần rỗi các tâm hồn… cho mảnh đất quê hương thoát cảnh ‘ít người nhiều ma’, đặc biệt khát khao cử hành phụng vụ thánh, nhiệm hiệp liên lỉ, nối nguồn Giêsu…

† Gioan Đỗ Văn Ngân
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

[1] X. Khổng Thành Ngọc, ‘Vĩnh biệt nhà văn Lê Lựu’ (1942-2022), in Hiệp Thông, số 133, năm 2023 p.161-172.