Lời Chủ Chăn tháng 4 – 2021 

TÌM MỘT CON ĐƯỜNG

Quý Cha và Quý Tu Sĩ rất thân mến,
Xin kính chào, mến thăm quí Cha, quí Tu Sĩ trong Chúa Kitô.

Với lời chủ chăn đầu tiên này, tôi đặt mình trước Nhan Thánh Chúa, cùng anh chị em tìm con đường sống ơn gọi linh mục và tu sĩ của chúng ta. Chúng ta không muốn ‘đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt’, nhưng tìm định hướng, khám phá con đường thiết yếu, bền vững, trổ sinh trái phúc cho cả đời dâng hiến: Đường Giêsu: ‘Đường và sự thật, sự sống, chính là Ta!’ (Ga 14:6). Đường Vượt Qua: Chúa Giêsu chết và sống lại. Đường về cùng Chúa Cha: ‘Không ai đến với Cha mà lại không nhờ Ta’ (Ga 14:6).

Bước vào ngay đầu tháng tư, chúng ta hiệp thông cùng Giáo hội cử hành Tam Nhật Vượt Qua hướng đến đỉnh cao Đại Lễ Phục Sinh. Giáo hội nhắn nhủ:

‘Chúa Kitô đã hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo, nhất là nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Người; nhờ đó, Người đã chết để tiêu diệt sự chết của chúng ta và sống lại để khôi phục sự sống cho chúng ta. Vì thế Tam Nhật Vượt Qua, nhằm tưởng niệm cuộc thương khó và Phục Sinh của Chúa, sáng chói lên như tột đỉnh của năm Phụng Vụ’ (AC 18).

Để trải nghiệm ‘ơn được cứu’, bước đầu cần ý thức mình là ai…

Có nhiều luồng tư tưởng quan niệm khác nhau về một thực tại: con người…

Nhà Phật quan niệm ‘vô thường’ là đặc tính chung của mọi sự, sinh ra có điều kiện, tức là thành, trụ, hoại diệt… ‘Vô thường’ là gốc của khổ vì sinh, thành, hoại diệt tự nó là khổ. Tính vô thường của ngũ uẩn (năm thành tố làm nên người: sắc thân, thọ cảm, tư tưởng, hành vi, thức trí) dẫn đến kết luận ‘vô ngã’ vì không có gì vừa vô thường vừa khổ lại là một cái ngã trường tồn được. Trong Đại Thừa, tính vô thường của mọi pháp dẫn đến kết luận về tính ‘Không’, ‘Không Tánh’.

Tư tưởng Hy lạp quan niệm phần cao quí của con người là ‘hồn’ hay ‘tinh thần’, thuộc yếu tính thần linh, giúp nhận thức được các thần. Chính ‘hồn’, chứ không phải hợp thể ‘hồn-xác’ định nghĩa ‘người’ là ai… Do đó gây nên tư tưởng sai lầm về tương quan của ‘hồn’ với ‘xác’ nơi con người. Con người bị chia đôi xác hồn, xác bị xem nhẹ và hồn mới đáng quí trọng. Xác phải chết, hồn bất tử.

Đức Tin của chúng ta đặt nền tảng trên Kinh Thánh. Sách Sáng Thế mạc khải ‘người’ được tạo dựng ‘theo hình ảnh’‘như họa ảnh’ (St 1:26) Thiên Chúa… ‘Là nam là nữ’ (St 1:27), Thiên Chúa đã dựng nên chúng, đỉnh cao trên các thụ tạo và làm chủ mặt đất. Kinh Thánh còn tường thuật một trật ‘người’ được ‘nắn… với bụi lấy từ đất đai’‘hơi sống’ của Thiên Chúa để ‘thành mạng sống’ (St 2:7). ‘Bụi lấy từ đất đai’ nhấn mạnh phương diện trần thế và liên quan tới phần còn lại của thụ tạo. ‘Hơi sống’ nhấn mạnh đặc tính ‘sống’ liên hệ tới Thiên Chúa. Thánh Grégoire de Nysse định vị ‘người’ hiện hữu trong toàn thể thụ tạo trong vũ trụ, là đỉnh cao của tiến trình từ vật chất sang loài thực vật, đến loài động vật và sau đó đạt tới động vật lý trí. ‘Người’ mang nơi mình các đặc tính hiện hữu nơi các loài thấp hơn, với hồn là thành tố làm nên một thực thể xác – hồn. 

Trong nhãn quan lịch sử, ‘người’ đã một thời hạnh phúc tuyệt hảo, thông hiệp với Thiên Chúa, đã từng sánh bước bên ‘Đức Chúa là Thiên Chúa tản bộ trong vườn với gió hiu hiu thổi chiều hôm’ (St 3:8)… Nhưng đã xẩy ra ‘người đàn bà đã nhìn: quả là cây phải ngon. Mà nhìn thì đã sướng mắt. Nó đáng quí thực, cái cây ấy, để được tinh khôn. Và bà đã hái lấy quả mà ăn, bà cũng đã trao cho chồng ở bên bà. Và ông đã ăn…’ (St 3:6). Đánh mất phần phúc trong ‘vườn’ của Thiên Chúa, từ đây là tình trạng: dịch chuyển từ ‘cả hai đều trần truồng, người và vợ nó, mà chúng không hổ ngươi’ (St 2:25) sang ‘chúng đã khâu lá vả làm khố cho mình’ (St 3:7); từ đây là tình trạng: ‘Bởi ngươi là bụi đất ngươi sẽ trở về bụi đất’ (St 3:19). Đây là tình trạng ngoài ‘vườn’ của Thiên Chúa.

Chúng ta cũng trải nghiệm thực trạng ngoài ‘vườn’ của Thiên Chúa, đối diện ‘những gai cùng góc’ (St 3:18), ‘mồ hôi đẫm mặt’ (St 3:19)… hổ ngươi… trăn trở… ‘cho đến lúc… về lại bụi đất’ (St 3:19). 

Cha Karl Rahner chiêm niệm:

‘Chúng ta là bụi đất. Chúng ta luôn luôn xuôi về cõi chết. Chúng ta là những hữu thể đang sắp xếp bước đường của mình về cái chết… Không thể nghi ngờ là bụi đất mang mối liên hệ nội tại, nếu không nói là căn tính cốt yếu, với một ý niệm khác trong Cựu Ước và Tân Ước: Ý niệm ‘xác phàm’. ‘Xác phàm’ trong cả hai Giao Ước, chắc chắn chỉ về hữu thể người trọn vẹn… là ‘cái khác’ trước Thiên Chúa, trong căn cội, trong nỗi mong manh, trong phận yếu đuối luân lý và trí thức, trong sự việc con người tách lìa Thiên Chúa, sự kiện tách lìa này biểu lộ qua tội lỗi và chết chóc. Hai câu khẳng định ‘chúng ta là bụi đất’‘chúng ta là xác phàm’ hơn kém là những khẳng định giống nhau.

Tuy nhiên, từ kết luận trên, chúng ta phải đi tới nhận thức sự đổi thay nội dung câu ‘Con người là bụi đất’ trong nhiệm cuộc cứu độ của Kitô giáo. Tin Mừng cứu độ đã vang lên ‘Ngôi Lời đã thành xác phàm’ (Ga 1:14). Thánh Phaolô đã nói Thiên Chúa ban chính Con mình trở nên giống con người, là kẻ mang phận xác thịt tội lỗi (Rm 8:3). Chúng ta có thể thêm và nói rằng: Thiên Chúa đã rắc tro bụi của địa cầu này trên chính đầu của Người, nói rằng Người ngã sấp mặt xuống đất, mà mặt đất đầy gian ác đã uống cạn nước mắt và máu của Người. Hơn nữa ta có thể nói đúng về Người điều được nói về chúng ta, vâng, chúng ta có thể nói cho Thiên Chúa hằng hữu: ‘Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi đất, và qua cái chết sẽ trở về bụi đất’… vì Người (Ngôi Lời) đã trở thành thực tại chúng ta là sau thời địa đàng. Thiên Chúa trở thành xác phàm, xác phàm gánh chịu khổ đau ngay cả đến chết, thân bụi đất nay còn mai mất, mong manh, bấp bênh’.

‘Thiên Chúa, không ai đã thấy bao giờ; Con Một, Đấng ở nơi cung lòng Cha, chính Người đã thông tri’ (Ga 1:18). Con Một, Chúa Giêsu Kitô, tự Người là ‘thông tri’, là ‘Tin Mừng’.

Từ trên núi cao đi xuống, Chúa Giêsu ‘căn dặn họ không được thuật lại cho ai hay các điều họ đã thấy, trừ phi là Con Người đã sống lại từ cõi chết’ (Mc 9:9). Tại sao biến cố hiển dung đặc sắc như vậy Chúa không muốn công bố ngay, mà muốn giữ lại cho đến khi Chúa từ cõi chết sống lại? Bởi vì chân dung Chúa chỉ hoàn hảo khi sóng đôi với biến cố ‘mồ hôi Người như máu nặng giọt rỏ xuống đất’ (Lc 22:44), nằm trong cuộc thương khó mà Người đã ba lần báo trước. ‘Giờ’ Chúa được tôn vinh cũng là ‘giờ’ hạt lúa gieo xuống đất… (x. Ga 12:20-25).

‘Gieo xuống trong hư hoại, sống lại trong bất hoại… Gieo xuống là xác khí huyết, sống lại là xác thần thiêng’ (1Cr 15:42.44). ‘Được nhắc lên bên hữu Thiên Chúa, Ngài đã lĩnh nơi Cha ơn đã hứa là Thánh Thần mà đổ xuống’ (CvTđ 2:33). Trên nền tảng này, nhân học Kitô giáo nhận thức con người là ‘Thần khí, linh hồn, thân xác’ qua lời Thánh Phaolô, như một tổng hợp, chúc lành cho tín hữu giáo đoàn Thessalônikê: ‘Xin chính Thiên Chúa bình an thánh hoá anh em, cả con người toàn diện, khiến cho thần khí, linh hồn và thân xác anh em được gìn giữ vẹn toàn, vô tì tích vào thời Quang lâm của Đức Giêsu Kitô…’ (1Thess 5:23).

Các Thánh Tông đồ, qua lời rao giảng tiên khởi của Thánh Phêrô, đã tuyên tín Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại. Sách Công vụ Tông đồ thuật lời Thánh Phêrô: ‘Các ông, người Israel, xin nghe các lời này: Đức Giêsu Nazaret, các ông đã thủ tiêu Người đi, là dùng tay vô đạo đóng đinh thập giá. Thiên Chúa đã cho Người sống lại…’ (CvTđ 2:22-24). Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định đây là ‘tâm điểm của Tin Mừng’, ‘là những gì cốt yếu, những gì đẹp nhất, lớn nhất, lôi cuốn nhất và đồng thời cần thiết nhất… Trong cái cốt lõi cơ bản này, cái toả sáng chính là vẻ đẹp của tình thương cứu độ của Thiên Chúa, được mạc khải nơi Đức Kitô đã chết và sống lại…’ (Evangelii Gaudium 35.36). 

Tâm điểm này là chìa khoá vạn năng mở vào con đường thánh thiện. ‘Sự thánh thiện hệ tại việc kết hợp chính mình với cái chết và sự phục sinh của Chúa, trong một cách thế rất độc đáo riêng tư không ngừng chết và sống lại với Người…’ (Gaudete et Exsultate 20)… Thánh Bộ Giáo lý Đức Tin tiếp lời: ‘Tất cả những con đường riêng tư này đều đổ vào con đường dẫn tới Chúa Cha, con đường mà chính Chúa Giêsu Kitô đã mô tả. Thế là đang khi tìm kiếm con đường riêng của mình, mỗi người sẽ không để sở thích riêng của mình hướng dẫn mình nhiều hơn là để Chúa Thánh Thần hướng dẫn mình, Đấng dẫn đưa người ấy tới Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô’ (Thư Gửi Các Giám Mục Công Giáo Về Một Số Khía Cạnh Của Việc Chiêm Niệm Kitô Giáo, 29).

Quý Cha và Quý Tu Sĩ thân mến,

Một chút bụi tro nhận trên đầu ngày thứ Tư Lễ Tro… lưu lại mãi… trong đời ta. Càng ý thức thân phận tro bụi, ta càng mong mỏi mình được cứu, càng khát khao lòng Chúa xót thương… Và để lòng Chúa xót thương sinh hiệu quả, chúng ta cộng tác với ơn Chúa nỗ lực ‘trong một cách thế rất độc đáo riêng tư không ngừng chết và sống lại với Người…’ (Gaudete et Exsultate 20).

Trong năm Đức Thánh Cha Phanxicô dâng kính Thánh Cả Giuse, chúng ta tìm được mẫu gương ‘trong một cách thế rất độc đáo riêng tư không ngừng chết và sống lại với Chúa…’ Cuộc đời Thánh Cả là những hành trình trong không gian, đã từng từ Galilê lên Giêrusalem… sang Ai Cập…về Nazaret… là những hành trình nội tâm giữa những băn khoăn dịch chuyển ý riêng nên một trong Ý Thiên Chúa qua cách diễn tả của Tin Mừng ‘Giuse đã làm như Thiên Thần Chúa truyền cho ông’ (Mt 1:24).

Xin Đức Mẹ, mẫu gương trinh thục dẫn dắt các con cái của Mẹ đặt bước cuộc đời dâng hiến vào ‘Đường Giêsu’, ‘trong một cách thế rất độc đáo riêng tư không ngừng chết và sống lại với Người…’  (Gaudete et Exsultate 20).

+ Giám mục Gioan Đỗ Văn Ngân
Giáo phận Xuân Lộc