Lời chủ chăn tháng 4 / 2023

‘Vinh quang của ta là Thánh Giá Chúa Kitô…’

Quý Cha và Quý Tu Sĩ mến,

Buổi tĩnh tâm đầu tháng Tư đưa chúng ta bước vào Tuần Thánh. Một lời nguyện cầu in sâu trong tâm tưởng chúng ta: ‘Vinh quang của ta là Thánh Giá Chúa Kitô, nơi Người ơn cứu độ ta, sức sống của ta, và sự phục sinh của ta’. Các thánh nhân nghe tiếng Chúa gõ cửa (Kh 3: 20), đón Chúa vào cõi riêng tư, sống với Chúa trong ‘dạ nhớ’ (thánh Gioan Thánh giá)… lại có nhiều người, xuôi dòng lịch sử, tấm lòng như ‘cái chiếu chật hẹp’ đến độ không còn chỗ cho Đấng yêu thương họ đến cùng.

Một

Bi kịch của vua Hêrôđê xẩy ra: Khi các Đạo sĩ ‘theo đường khác mà về quê’ (Mt 2: 12), vua Hêrôđê ‘tức cuồng lên’ (Mt 2: 16). Thái độ này tiếp nối nỗi ‘hoảng hốt người lên’ (Mt 2: 3) khi vua vừa nghe câu hỏi của các Đạo sĩ từ phương Đông đến Giêrusalem: ‘Vua dân Dothái mới sinh hiện ở đâu ?’ (x. Mt: 2)… Để loại trừ hậu họa, vua đã sát hại rất nhiều thơ nhi… Nhà độc tài luôn luôn không chấp nhận một ai đứng chung với mình, nhưng:

‘Hêrôđê hỡi, này bạo chúa,

             Khi Đức Kitô ngự xuống trần,
             Vua cả màng chi ngôi báu nhỏ,
             Mà vua hoảng sợ với băn khoăn ?’ (Thánh Thi lễ Hiển Linh)

Cũng một ‘Bi kịch của vua Hêrôđê’ tái diễn vào khởi đầu thời kỳ Triết học Đương đại, triết gia Friedrich Nietzsche (1844-1900) muốn đánh giá lại mọi giá trị. Ông đấu tranh cho một lý tưởng giáo dục mới, theo mô mẫu ‘thần’ của thần thoại Hylạp ‘Dionysos’, cá nhân anh hùng siêu nhân, buông thả, ý chí quyền lực tuyệt đối. Cái thiện là tất cả những gì làm nảy sinh trong con người cảm giác về quyền lực. Cái ác là những gì bắt nguồn từ sự yếu đuối. Cái nguy hại hơn bất kỳ thói hư tật xấu nào là thiện cảm, lòng trắc ẩn dành cho những kẻ kém cỏi và yếu nhược… đó là ‘Kitô giáo’ là nô lệ. Ông muốn treo luân lý lên cái cây cao nhất, muốn chống lại mọi thứ thuộc về Kitô giáo. Ông cho rằng luân lý và Kitô giáo chống lại và hủy hoại sự sống, làm cho ‘Con mãnh thú lông vàng’ của quyền lực bị hư hoại vô phương cứu chữa. Thượng đế đã chết’. Tuyên ngôn cách mạng của F. Nietzsche: ‘Tôi là người’, ‘yêu lấy định mệnh của mình’ (amor fati).

Nietzsche ban đầu công kích Kitô giáo phát minh ý niệm ‘Thượng đế’ nhằm đè nén những bản năng, niềm vui sống và sự phong phú của nhân sinh. Đời sống sau cái chết được tạo ra nhằm thủ tiêu giá trị đời sống này. Linh hồn được nghĩ ra chống lại thân xác và những thú vui xác thể. Tình yêu, lòng vị tha, hy sinh, khiêm nhường, tội lỗi, lương tâm, sự tự do của ý chí… là luân lý nô lệ, được tạo nên bởi những kẻ nô lệ, để cướp đoạt quyền lực. Nhân vật Zarathustra công bố thông điệp ‘Cái chết của Thượng đế’…’ Dyonysos chống lại Người bị đóng đinh trên cây thập giá, để trung thành với mặt đất’. Giờ đây, báng bổ mặt đất và coi trọng thứ không thể biết được, hơn là ý nghĩa của mặt đất, mới chính là tội ác khủng khiếp nhất…

Giữa cảm thức ‘Này người kẻ cô đơn, người đang tự đi trên con đường đến với chính mình, đang đi trên con đường của kẻ sáng tạo’, biết được cái gì là thiện cái gì là ác… ‘Thượng đế đã chết để siêu nhân có thể được sống’… Nhưng siêu nhân, con người cứu chuộc ấy đã không đến… Chính F. Nietzsche cũng nhận ra rằng ông không hoàn thành được những gì mình đặt ra: ‘Thực ra ta luôn bị đưa lên rất cao, lên đến những cõi mây: Ở đó ta đặt những con rối cầu lỳ loè loẹt và rồi gọi chúng là những thần linh và các siêu nhân… Ôi ta đã quá sức mệt mỏi về tất cả những sự không thỏa đáng cứ khăng khăng đòi trở thành sự thật…’ F. Nietzsche rơi vào bi kịch…

Một cách tổng quát, qua các tác phẩm, F. Nietzsche lại cũng thường xuyên ca ngợi Kitô giáo: ‘Ta không thể ngăn được sự mỉa mai, châm biếm, khi suy ngẫm về những người cho rằng họ đã chiến thắng Kitô giáo bằng khoa học tự nhiên hiện đại. Những giá trị của Kitô giáo không thể bị đánh bại bởi những con người như vậy. ‘Đấng Kitô trên thập tự giá’ vẫn là biểu tượng cao cả nhất. F. Nietzsche lại tìm thấy lý tưởng của mình về sự ưu việt nơi ‘một hoàng đế mang linh hồn của Đấng Kitô’.

Hai

Xuôi dòng lịch sử nhân loại, thời nào cũng có những người mang tâm trạng về cuộc đời như ‘cái chiếu chật hẹp’: không còn chỗ cho Thiên Chúa. Cái ‘thế tục’ được Thiên Chúa tạo thành không muốn tiếp nhận tác giả của chính mình… Dù vậy, Thiên Chúa vẫn đi bên từng cuộc đời.

Phụng vụ Lời Chúa từng ngày được Mẹ Giáo hội tuyển chọn trong mùa Chay nhắc lại cho các thực tại ‘thế tục’ gốc gác của mình. Riêng con người đã tự ý tách khỏi ân sủng hạnh phúc Thiên Chúa ban, ra khỏi ‘nhà tổ địa đàng’… vẫn được tình yêu Thiên Chúa ôm về qua lời tuyên phán với con rắn: ‘Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống ngươi và dòng giống nó. Dòng giống nó sẽ đạp đầu ngươi, còn ngươi sẽ táp lại gót chân’ (Kn 3: 15)

Lịch sử cứu độ khởi đầu bằng một tiếng gọi dành cho ông Abram, tiếng của Thiên Chúa: ‘Hãy đi…Thiên Chúa trung tín trong ơn tuyển chọn Abram và con cháu ông… Một đoàn dân đông đảo nô lệ, được cứu khỏi Aicập, đến núi Horeb trong hoang địa để nhận giao ước và các huấn lệnh thánh hóa họ… Thiên Chúa trung tín trong lịch sử thăng trầm của dân con cháu Abraham. Tội lỗi và sự bất trung của dân được thứ tha… Những cuộc lưu đầy ‘xóa sổ dân Israel khỏi bản đồ’, những thử thách ‘bên sông Babylone ngồi khóc’… lại là dịp Thiên Chúa tỏ sự nhẫn nại chẳng nỡ… chẳng nỡ bẻ gẫy cây lau đã dập, chẳng nỡ úm lịm tim đèn ngún khói…

Lịch sử Israel trong trải nghiệm của tiên tri Ezekiel: ‘Có lời Đức Chúa đến với tôi… hãy vạch ra cho Giêrusalem biết các điều ghê tởm của nó… cha nó là người Amori, Mẹ là người Hittit. Vào ngày nó sinh ra, không ai cắt rốn, không nước tắm sạch, muối không xát, tã không bọc. Không ai rớm mắt gọi là có chút tình thương. Nó bị quăng ngoài đồng, lê lết trong máu me… Đức Chúa đã đón nó, chăm sóc nó mọi bề… Nó lớn khôn xinh đẹp ‘quá chừng quá đỗi’, mặc trang phục trúc bâu hàng mịn, khuyên vàng đeo tai, vàng bạc trang sức… Vậy mà nó ‘cậy có sắc đẹp, ỷ vào danh tiếng mà sinh đàng điếm, trút thói đĩ thõa trên mọi kẻ qua đàng và đèo queo lấy nó…’ (x. Ez 16). Dù tệ như vậy, dân phản bội vẫn được bao bọc bằng lòng xót thương của Đức Chúa. Ơn tha thứ nhưng không, tạo thành một Giáo ước mới, hé mở cho thấy hình ảnh hôn ước thời Cứu thế trong Tân Ước

‘Đã lắm phen cùng nhiều cách, xưa kia Thiên Chúa đã nói với cha ông nơi các tiên tri. Vào thời sau hết, tức là những ngày này, Người đã nói với ta nơi một Người Con…’ (Hr 1: 1.2)

Đấng là Con, như đã phác họa qua Thánh vịnh: ‘Người là Con Ta, chính Ta, hôm nay, Ta đã sinh ra Người… Ta sẽ cho Người, các dân làm cơ nghiệp’ (Tv 2:7.8)… Đấng là Con, như nơi lời truyền cho ông Abraham: ‘Ngươi hãy lấy con ngươi, con một ngươi, ngươi yêu dấu tức là Ysaac, mà đi tới đất Mơriah và ở đó, hãy dâng nó làm của lễ thượng tiến trên một quả núi Ta sẽ tỏ cho ngươi’ (Kn 22: 2)…Đấng là Con, như được mô tả: ‘Này là Tôi Tớ của Ta’… Người bị tra tấn ‘hình thù suy biến không phải là người… lắm kẻ thấy Người thì đã khiếp vía’ (x. Is 52: 14) mà Người vẫn không nao không núng’ (Is 42-53).

Đấng là Con, dù phải gánh chịu nhục hình, vẫn khẳng định làm lời đáp cho nghi vấn của Thượng tế Caipha và Công nghị: ‘Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi thỉnh cầu ông nói cho chúng tôi biết: Ông là Đức Kitô Con Thiên Chúa phải không? Tại tòa án Rôma, sau khi Philatô tha bổng Barabba, ông cho đánh đòn Đấng là Con‘phó nộp cho đóng đinh thập giá’ (Mt 27: 26). Tại phủ đường lính của trấn thủ lột áo Đấng là Con, khoác vào chiếc nhung y đỏ tía, tết một triều thiên gai, khạc nhổ, lấy cây sậy đã bắt Ngài cầm nơi tay phải mà khỏ đầu Ngài… ‘rồi họ điệu Ngài đi mà đóng đinh thập giá’ (x. Mt 27: 22-31)…

… ‘Vãn ngày Hưu lễ, rạng ngày thứ nhất trong tuần’ (Mt 26: 1), ‘… Lúc tảng sáng’ (Mc 16: 9), ‘Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tang tảng bình minh’ (Lc 24: 1), ‘Lúc sáng sớm, trời vẫn còn tối…’ (Ga 20: 1)… ‘Vào lúc xế chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần’ (Ga 20: 19)… Trong tâm trạng các phụ nữ và các Tông đồ vừa hoang mang vừa vui mừng… Chúa Giêsu Kitô đã ‘đứng giữa họ’ (Ga 20: 19))… Tất cả các sự kiện kết nối lại thành tiếng reo: ‘Chúa đã sống lại và đã hiện ra cho Simon’ (Lc 24: 34)

Ba

Giáo hội tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa hằng sống và cầu nguyện: ‘Ngày nay, cũng vì thương xót nhân loại, Chúa đã đưa chúng con vào đời sống mới nhờ các bí tích nhiệm mầu’ (Kinh Tiền Tụng, CN V, mùa Chay)

‘Chúa Kitô hằng hiện diện trong Giáo hội, nhất là trong các hoạt động Phụng vụ. Người hiện diện thực sự trong Hy lễ, không những trong con người của thừa tác viên… mà nhất là hiện diện thực sự dưới hai hình thái Thánh Thể’ (s. 7). Nhờ Phụng vụ, công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện và sứ vụ loan Tin Mừng được kiện cường.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắn nhủ con cái Giáo hội nỗi niềm của Chúa Giêsu: ‘Thầy rất mong ăn lễ Vượt Qua này với các con trước khi Thầy chịu khổ hình’ (Lc 22: 15). Chính tính cách mới mẻ tuyệt đối của ‘bữa tối cuối cùng’ này đáp ứng niềm Chúa khao khát thiết lập mối hiệp thông với mọi người thuộc mọi chi họ, ngôn ngữ (x. Kh 5: 9). Trước khi chúng ta đáp lại lời mời, thì từ rất lâu trước, Chúa đã khao khát muốn gặp chúng ta. Chỉ vài giờ sau bữa tiệc ly, các Tông đồ, nếu ‘tỉnh táo’ có thể đọc được nơi thập giá của Chúa Giêsu, ý nghĩa của ‘Lời’ Người đã bộc bạch: Mình bị nộp’, ‘Máu đổ ra’. Đấng Phục Sinh trở lại từ cõi chết bẻ tấm bánh cho hai môn đệ ở Emmaus… và đối với các môn đệ về biển Galilê để lưới cá hơn là nghĩ tới đi lưới người, cử chỉ bẻ tấm bánh ấy sẽ làm mắt họ mở ra… Cử chỉ ấy chữa lành đôi mắt mù lòa do nỗi kinh hoàng của cây thập giá, giúp họ ‘thấy được’ Đấng Phục Sinh và có thể tin vào sự phục sinh (x. Tông thư Desiderio Desideravi, ngày 29 tháng 6 năm 2022).

Ngay từ đầu, cùng với Mẹ Chúa Giêsu, trong ơn Chúa Thánh Thần, Giáo hội ý thức cử hành giây phút cao quý nhất trong cuộc đời của Thầy mình. Giáo hội đã hiểu rằng những gì có thể nhìn thấy, chạm tới, nghe được… tất cả những gì thuộc về Ngôi Lời Nhập Thể qua phương cách bí tích được cử hành làm nên sự hiện diện ‘ở đây và bây giờ’ của Đấng Phục Sinh.

Anh chị em thân mến,

Bi kịch cuộc đời vua Hêrôđê, bi kịch cuộc đời F. Nietzsche, bi kịch cuộc đời như cái ‘chiếu hẹp’ của lịch sử loài người… bi kịch loại trừ Thiên Chúa… vẫn tiếp diễn…

Cuộc đời tôi, dù là mục tử, có như một ‘cái chiếu chật hẹp’? Tôi không minh nhiên loại trừ Thiên Chúa nhưng có không… sự hiện diện của Người… nhạt nhòa, mờ mỏng…?

Người ta nói: ‘Bạn cần thay đổi nếu như bạn muốn thấy thế giới đổi thay’ và chìa khóa đổi thay nội tâm là Phụng vụ Thánh… Lời Chúa và các Bí tích.

Nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Chúa Giêsu, Thánh Cả, hiệp cùng lời nguyện thứ sáu Thánh của Mẹ Giáo hội, chúng ta thưa lên cùng Thiên Chúa:

Lạy Chúa,

Từ lòng mẹ, chúng con đã phải mang án chết do tội Ađam truyền lại, nhưng nhờ mầu nhiệm Con Chúa chịu khổ hình, Chúa đã tiêu diệt sự chết.

Vậy giờ đây, xin Chúa ban ơn thánh hóa biến đổi chúng con nên giống hình ảnh Ađam mới là Đức Kitô, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Gioan Đỗ Văn Ngân
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc