‘Tâm lòng nói với tâm lòng’
(Cor ad cor loquitur, Thánh John Henry Newman)
Quý Cha và quý Tu sĩ thân mến,
Bước vào tháng sáu, lời chủ chăn xin hướng lòng lên Thánh Tâm Chúa Giêsu…
Phụng vụ Thánh mùa Phục Sinh đưa chúng ta vào mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người sâu thăm thẳm, cao vời vợi… Hãy trầm lặng bằng nguyện cầu và hồi tưởng dòng chảy Ân Thánh rót vào lòng ta… Đại lễ canh thức Phục Sinh: Chúa Kitô Ánh Sáng, lịch sử ‘Lời cứu độ’, bí tích Rửa tội mở ‘cửa đức Tin’ (Porta Fidei), Thánh Thể, hiện diện của Chúa Kitô phục sinh… Chúa nhật Lòng Chúa thương xót với cảnh tượng Tông đồ Tôma ‘tay chắp gối quỳ’ làm nên mối phúc cho các thế hệ ‘không thấy mà yêu, không giáp mặt mà tin’ (1Pr 1: 8)… Chúa nhật Chúa Chiên Lành với dạt dào hoài niệm những mạc khải từ chiều sâu tận đáy lòng trong những giờ khắc cuối đời tại thế đáng ghi nhớ nhất của Chúa… Chúa về Trời nhưng không rời xa thân phận yếu hèn tro bụi nhân loại… Nhờ ơn Thánh Thần, Chúa Phục Sinh nâng tầm vóc nhóm Mười Hai Chúa gọi từ đầu sứ vụ loan Tin Mừng thành nền tảng của Giáo hội những chứng nhân… Tín hữu ‘chuyên cần với giáo huấn của các Tông đồ và sự hiệp thông, việc bẻ bánh và kinh nguyện’ (Cvtđ 2: 42) sống nhiệm hiệp cùng Chúa Ba Ngôi, Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu… chiêm niệm dấu ‘đòng đâm cạnh sườn Người, và lập tức có máu và nước chảy ra’ (Ga 19: 34)… Thánh Tâm…
Bước vào tháng sáu, lời chủ chăn mời gọi anh chị em đi ngược dòng thời gian từ đại lễ Thánh Tâm về đại lễ Canh Thức Vượt Qua… nguyện cầu hồi tưởng dòng chảy Ân Thánh rót vào lòng ta…
Một
Đức Thánh Cha Phanxicô vương vấn mãi ‘một trái tim-một tâm lòng’…
Đức Thánh Cha Phaolô VI đã thiết lập ‘Ngày Thế Giới Truyền Thông’ năm 1967. Trong nỗ lực đưa dân Thiên Chúa vào tinh thần sống hiệp hành, với Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI, năm 2021 – 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở rộng suy tư trong các sứ điệp ngày thế giới truyền thông.
Qua sứ điệp năm 2021, Đức Thánh Cha nhận định nhiều người lạm dụng phương tiện kỹ thuật số của ‘thế giới phẳng’ tung ra những thông tin ‘tiền chế’ hay ‘đóng gói sẵn’, thao túng sự thật, gây chia rẽ hận thù, kéo nhiều tâm hồn vào những ngõ tối…
Điều quan trọng ở đây không phải xem internet là xấu xa, đe dọa, mà là có khả năng phân định cao hơn và ý thức trách nhiệm trưởng thành hơn, đối với nội dung chúng ta gửi cũng như nhận. Tất cả chúng ta đều được mời gọi trở thành chứng nhân của sự thật: đi, xem và chia sẻ.
‘Hãy đến và xem’, Đức Thánh Cha đưa chúng ta đến kinh nghiệm điển hình ‘cuộc gặp gỡ đầu tiên đầy cảm xúc giữa Chúa Giêsu và các môn đệ’, Philipphê, Nathanael và nhất là Gioan. Gặp gỡ mọi người trong chính thực tại hiện hữu của họ. Chân phước Manuel Lozano Garrido khuyên các nhà báo đồng nghiệp: “Hãy mở mắt ngạc nhiên với những gì bạn thấy, và để cho đôi bàn tay chạm vào sự tươi mát và sinh động của sự việc, để khi người khác đọc điều bạn viết, chính họ cũng có thể chạm vào điều kỳ diệu của cuộc sống.”
Qua sứ điệp năm 2022, Đức Thánh Cha gợi lên kinh nghiệm một bác sĩ đáng kính, chữa trị những vết thương tâm hồn, nhận định nhu cầu lớn nhất của con người là ‘vô cùng mong muốn được lắng nghe’. Niềm mong muốn cố hữu nhưng thường ẩn tàng ấy thách thức các nhà giáo dục đào tạo, cha mẹ, linh mục tu sĩ và những nhân viên mục vụ…
Từ các trang Kinh thánh, Đức Thánh Cha giải thích ‘lắng nghe’ không chỉ có nghĩa là nhận thức âm thanh, mà về cơ bản được liên kết với mối tương quan đối thoại giữa Thiên Chúa và loài người. ‘Shema Israel – Nghe đây, hỡi Israel’ (Đnl 6,4), lời mở đầu của điều răn thứ nhất trong kinh Torah, liên tục được nhắc lại trong Kinh thánh, đến mức thánh Phaolô khẳng định rằng “Đức tin có được là nhờ lắng nghe” (x. Rm 10: 17). Quả thực, sáng kiến là của Thiên Chúa, Đấng nói chuyện với chúng ta, và chúng ta đáp lại bằng cách lắng nghe Ngài. Cuối cùng, ngay cả sự lắng nghe này cũng xuất phát từ ân sủng của Chúa, như trường hợp của đứa trẻ sơ sinh đáp lại ánh mắt và giọng nói của cha mẹ em.
Tất cả chúng ta đều có đôi tai, nhưng nhiều khi ngay cả những người có thính giác hoàn hảo cũng không thể nghe thấy người khác. Trên thực tế, có một chứng điếc nội tâm còn tồi tệ hơn điếc thể chất. Thật vậy, việc lắng nghe liên quan đến toàn bộ con người, chứ không chỉ là thính giác. Cơ quan thực sự của lắng nghe là trái tim. Dù còn rất trẻ, Vua Salômôn đã tỏ ra mình khôn ngoan vì ông đã xin Chúa ban cho ông một ‘trái tim biết lắng nghe’ (x.1V 3: 9). Thánh Augustinô từng khuyến khích chúng ta lắng nghe bằng trái tim (Corde audire), đón nhận những lời nói không phải để lọt ra ngoài qua lỗ tai, nhưng đi vào tim ta cách linh thiêng: ‘Chớ để trái tim ở lỗ tai, mà hãy để lỗ tai trong tim mình’. Thánh Phanxicô Assisi đã khuyến khích các anh em của mình ‘hãy nghiêng lỗ tai của con tim mà lắng nghe’. Một nhà ngoại giao vĩ đại của Tòa Thánh, Hồng y Agostino Casaroli, đã thường nói về “thái độ kiên nhẫn tử đạo” cần có khi lắng nghe và được lắng nghe trong các cuộc đàm phán với các bên khó tính nhất trong điều kiện tự do hạn chế nhất, để đạt được lợi ích lớn nhất có thể.
Nhiệm vụ quan trọng nhất trong hoạt động mục vụ chính là việc ‘tông đồ lắng nghe’, lắng nghe trước khi nói, như Thánh Tông đồ Giacôbê khuyên nhủ: ‘Mỗi người hãy lo sao mau nghe nhưng chậm nói, chậm giận’ (1,19). Tự nguyện dành một chút thời gian của riêng mình để lắng nghe mọi người là hành vi bác ái đầu tiên.
Một tiến trình Thượng hội đồng vừa được khởi động. Chúng ta hãy cầu xin cho đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để lắng nghe nhau. Thực ra, sự hiệp thông không phải là kết quả của các chiến lược và chương trình, nhưng được xây dựng trên sự lắng nghe nhau giữa các anh chị em. Như trong một dàn hợp xướng, sự thống nhất không đòi hỏi sự đồng đều, đơn điệu mà là sự đa dạng, đa âm. Đồng thời, trong dàn hợp xướng mỗi giọng vừa hát vừa lắng nghe các giọng khác và để ý đến sự hòa hợp của tổng thể. Sự hòa hợp này là do nhà soạn nhạc tạo ra, nhưng thể hiện sự hoà hợp này lại do tất cả và từng giọng hát hoà âm với nhau.
Khi ý thức rằng chúng ta tham gia vào một sự hiệp thông đã có trước và bao gồm cả chúng ta, chúng ta có thể tái khám phá một Giáo hội giao hưởng, trong đó mỗi người có thể hát bằng chính giọng hát của mình, đón nhận giọng hát của người khác như một món quà để thể hiện hòa âm của toàn bộ bản giao hưởng do Chúa Thánh Thần soạn thảo.
Qua sứ điệp năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đưa nhân loại ý thức cuộc xung đột toàn cầu và toàn diện: Chiến tranh trên thực địa và chiến tranh ẩn nấp trong trái tim chúng ta, đồng thời tặng cho nhân loại chìa khóa giải trừ: ‘Một trái tim-một tâm lòng’. ‘Đến và xem’, ‘Lắng nghe’ và ‘Nói’… ‘Tâm lòng nói với tâm lòng’ (Cor ad cor loquitur)… Nói ‘Sự thật trong tình yêu’ (Ep 4:15).
Chúng ta có thể thấy cung cách này nơi người lữ khách bí ẩn đối thoại với các môn đệ trên đường Emmaus, sau thảm kịch xảy ra tại Golgotha. Chúa Giêsu Phục Sinh nói với họ bằng trái tim, đồng hành với hành trình đau khổ của họ một cách tôn trọng, đề nghị chứ không áp đặt, âu yếm mở trí cho họ hiểu ý nghĩa sâu xa của những gì đã xảy ra. Thật vậy, họ có thể vui mừng thốt lên rằng tâm hồn họ bừng cháy khi Người nói chuyện với họ trên đường và giải thích Kinh Thánh cho họ (x. Lc 24: 32).
Chúa Giê-su hấp dẫn những ai gặp Người vì sự thật trong lời Người rao giảng, nhưng hiệu quả của những điều Người nói không thể tách rời cách Chúa nhìn người khác, cách Người đối xử và cả sự im lặng của Người với họ. Các môn đệ không chỉ lắng nghe lời Chúa, họ còn quan sát Người nói. Thực vậy nơi Chúa Giêsu, Logos nhập thể, Ngôi Lời mang lấy một khuôn mặt. Thiên Chúa vô hình để cho mình được nhìn thấy, được cảm nhận và được chạm vào, như chính trải nghiệm sống động của Thánh Gioan (x. 1Ga 1: 1-3). Lời nói chỉ hiệu quả khi ‘Lời’ được ‘nhìn thấy”, chỉ hiệu quả khi ‘Lời’ liên quan đến chúng ta bằng kinh nghiệm, bằng đối thoại. Do đó, ‘Đến và xem’, ‘Lắng nghe’ và ‘Nói bằng trái tim’ đã và tiếp tục là phong cách giao tiếp Chúa Giêsu dẫn dắt Giáo hội và nhân loại.
Hai
Thông thường từ ngữ ‘trái tim-tâm lòng’ liên hệ đến phạm vi tình cảm: Lòng yêu thương hay ghét bỏ, niềm ao ước hay nỗi hãi sợ. Người Dothái dùng từ ‘trái tim-tâm lòng’ với nghĩa rộng hơn. ‘Trái tim-tâm lòng’ ở nơi thân thương nhất sản sinh tình cảm, kỷ niệm, tư tưởng, lý luận và những dự phóng… Từ này đồng nghĩa với ký ức, tinh thần, lương tâm. Nói ‘trái tim quảng đại’ được hiểu là tầm sâu rộng của tri thức (x. 1V 5: 9)… Nói ‘để lòng vào’ cũng có nghĩa ‘hãy chú ý’ (Cn 23: 26) và nói ‘lòng dạ chai đá’ cũng ngụ ý ‘tinh thần trái trở’… ‘Trái tim-tâm lòng’ chỉ toàn bộ nhân cách: lương tâm, trí tuệ và tự do.
Đại lễ Thánh Tâm cử hành trong tháng sáu làm nên ý nghĩa: ‘Tháng kính thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu’. Khi nâng lòng chiêm niệm Thánh Tâm, chúng ta hướng về toàn bộ hiện hũu của Chúa Giêsu, theo nội hàm ý nghĩa từ ngữ dân Chúa vẫn dùng.
‘Một trái tim-một tâm lòng’ của Đấng ‘Ai thấy Thầy là đã thấy Cha’ (Ga 14: 9). ‘Một trái tim-một tâm lòng’ của Ngôi Lời làm người ‘Chúng tôi đã từng thấy tận mắt… tay chúng tôi đã rờ đến’ (1Ga 1: 1) nhiệm hiệp mầu nhiệm khôn tả tuyệt đối vô hình vô lượng của Thiên Chúa…
Lòng tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu đặt nền tảng trên chứng từ giáo lý các Tông đồ: Người môn đệ được yêu thương, trong bữa tiệc thánh, ‘tựa sát lòng’ ‘áp ngay ngực’ Chúa Giêsu (Ga 13: 23-25). Chính người môn đệ ấy ‘trông thấy đã làm chứng, và chứng của người là chứng xác thực, và người biết là đã nói thật, ngõ hầu cả anh em nữa cũng tin’ về sự kiện diễn ra trên đỉnh Calvê: ‘Đến bên Đức Giêsu, họ thấy Ngài đã chết, thì không đập bể ống chân Ngài, nhưng một người lính lấy đòng đâm cạnh sườn Ngài, và lập tức có máu và nước chảy ra’ (x. Ga 19: 33-36). Giáo hội đã chiêm niệm và nhận thức Chúa Giêsu chịu đóng đinh mang năm Dấu Thánh tỏ lộ nội tâm và nguồn ơn lòng thương xót.
Thánh Bênađô rất mực tôn thờ Chúa Giêsu chịu đóng đinh thập giá. Thánh Gioan Eudes tôn thờ Thánh Tâm đi đôi với lòng sùng kính Trái Tim Đức Mẹ. Thánh nhân và nền linh đạo thời Trung cổ tôn vinh Thánh Tâm Chúa Giêsu với tiến trình đi sâu vào nội thể Thiên Chúa, vào Chúa Thánh Thần và Chúa Cha.
Chúng ta hãy mở lòng tiếp tục đón lấy giáo huấn của Giáo hội. Đức Thánh Cha Lêô XIII, ngày 25 tháng 5 năm 1899, với thông điệp Annum Sacrum, đã dâng cả loài người lên Thánh Tâm Chúa Giêsu, mời gọi lương dân đón nhận bí tích Thánh Tẩy biểu lộ nhận thức hồng ân Thánh Tâm tặng ban. Đức Thánh Cha Piô XI, ngày 08 tháng 5 năm 1928, với tông thư Miserentissimus Redemptor, nhấn mạnh sự cộng tác của mỗi người với Thánh Tâm Chúa Giêsu để được ơn hoán cải. Đức Thánh Cha Piô XII, ngày 15 tháng 5 năm 1956, đã soi sáng giáo lý lòng tôn thờ Thánh Tâm trên chứng từ Thánh Gioan về dấu lưỡi đòng đâm xuyên cạnh nương long Chúa là ‘vết thương hữu hình giúp chúng ta nhận thức vết thương vô hình của tình thương’, là ‘dấu trên xác thể Chúa biểu lộ lòng nhân ái vô hạn dành cho nhân loại’. Tôn thờ Thánh Tâm là tôn thờ tình yêu Thiên Chúa nơi Ngôi Lời nhập thể, nơi ‘trái tim Thánh Thể’.
Trong suốt lòng lịch sử, Giáo hội chiêm niệm Thánh Tâm với niềm khát khao đáp lại Thánh ý Thiên Chúa. ‘Đức Chúa thấu lòng dạ, dò tâm can’ (Gr 17: 10) như ‘lửa thiêu’ rụi đi (Đnl 4: 24) lòng dạ mập mờ (Am 5: 21) của con người để con người được ơn hoán cải chân thực ‘xé lòng chứ đừng xé áo’ (Ge 2: 13) và ‘có gan dám lại gần’ Đức Chúa (Gr 30: 21).
Chiêm niệm Thánh Tâm để không ngừng ‘tìm Đức Chúa hết lòng’ (Đnl 4: 29), ‘đóng chắc con tim vào Đức Chúa’ (1Sm 7: 3) và ‘mến yêu Đức Chúa tận tình’ (Đnl 6: 5).
Chiêm niệm Thánh Tâm, Giáo hội mong mỏi được nghe ‘Này Ta dụ dỗ nó, đem nó vào sa mạc, và kề lòng, Ta nói khó với nó’ (Hs 2: 16), được ‘tạo cho quả tim trong sạch’ (Tv 50: 12), được ‘quả tim mới’ (Gr 32: 39), ‘quả tim hiền lành và khiêm nhường’ (Mt 11: 29), được ‘lòng chúng ta lại đã không cháy bừng lúc dọc đàng Người ngỏ lời với ta và giải nghĩa Kinh Thánh cho ta đó sao? (Lc 24: 32) để được ‘mắt họ mở ra và họ nhận biết Ngài’ (Lc 24: 31)…
Anh chị em rất thân mến,
Trong tháng kính thờ Thánh Tâm, xin ít ra một lần ngước mắt chiêm niệm Đấng ngự trên Thập giá và dồn sức lực thân thưa:
‘Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa’…
‘Một trái tim-một tâm lòng’, ‘Đến và xem’, ‘Lắng nghe’ và ‘Nói bằng trái tim’… trước Chúa Ba Ngôi, trước anh chị em và trước lòng mình…
Có thể có một Đấng… cũng có thể có một tín hữu… và cũng có thể có chính tôi… đang ước mơ chứng thực ‘chính tôi’ bắt đầu khiêm nhường nương nhờ Thánh Tâm mà canh tân nội tâm và mục vụ.
† Gioan Đỗ Văn Ngân
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc