‘Hãy nới rộng lều…’
(Is 54:2)
Quý Cha và Quý Tu sĩ thân mến,
Trong diễn từ mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục (17.10.2015), Đức Thánh Cha Phanxicô xác tín: ‘Con đường hiệp hành là chính con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba’. Với Thượng Hội đồng Giám mục XVI, khai mạc tháng 10 năm 2021, qua chủ đề: ‘Hiệp hành: Hiệp thông – Tham gia – Sứ vụ’, Đức Thánh Cha triển khai tối đa giáo huấn Giáo hội là dân Thiên Chúa của Công đồng Vaticanô II, khát khao mọi tín hữu nhận thức và sống phong cách hiệp hành…
Đã trải qua 20 tháng, tinh thần hiệp hành đã thấm tháp mức nào vào tâm tư chúng ta, được ‘tiêu hóa’ và chuyển thành phong cách đến mức nào nơi một mục tử. Mục tử sống hiệp hành biết định vị mình ở vị trí nào, ‘đi trước, đi giữa hay đi sau’ đoàn chiên…
Một
Đến nay, Thượng Hội đồng đã bước sang giai đoạn châu lục, đã nhận ra được chìa khóa giải thích ơn gọi của Giáo hội qua ánh sáng của ‘Lời’:
‘Hãy nới rộng lều ngươi đang ở, căng các tấm bạt ra, đừng hẹp lòng hẹp dạ. Nối dây thừng dài thêm, đóng cọc lều cho chắc’ (Is 54,2).
Vị ngôn sứ ngỏ lời với dân từng trải nghiệm hành trình trên sa mạc và cuộc lưu đầy vong quốc. Dựng một căn lều, cần lưu ý ba yếu tố cấu trúc của lều. Trước hết vải lều đáp ứng nhu cầu che mưa trú nắng, đủ không gian sống và sum họp vui vầy cho cả gia đình. Yếu tố thứ hai là các sợi dây mang những đặc tính thích ứng các tình huống, đủ độ co-giãn trước gió bão sa mạc. Sau nữa, cọc lều cần neo chặt xuống nền vững vàng, tạo điều kiện cho sự an toàn thanh bình.
‘Nới rộng lều’ hàm ẩn lời hứa về tương lai đầy niềm vui và hy vọng. Khi nói ‘nới rộng lều’ và để có thể ‘nới rộng lều’, cả ba yếu tố cấu trúc cần biến đổi ‘hiệp hành’ theo tỷ lệ và ăn khớp với nhau. Vải lều tăng không gian che chở cho nhiều người hơn, dây thêm độ dài kéo giữ tứ phía và cọc lều có thể nhổ lên di chuyển sang vị trí mới phù hợp của hành trình… Căn lều vừa vững vàng cho cư trú vừa uyển chuyển hòa nhập cho nhu cầu nhổ trại để lên đường.
Hình ảnh ‘căn lều’, ‘nới rộng lều’… gợi lên thực tại Giáo hội. Giáo hội bao bọc gia đình dân Thiên Chúa qua sa mạc, qua lịch sử nhân loại. Giáo hội từng được nới rộng đón lấy mọi dân tộc, vừa đồng nhất vừa đa dạng và dịch chuyển linh hoạt để mọi người có thể, qua ‘cửa Giêsu’ (Ga 10:9), ra vào, ra đi chia sẻ Tin Mừng và vào căn lều như trở về quê nhà mơ ước… Gia đình sống trong căn lều hạnh phúc hiệp thông thương mến nhờ sống chân lý hạt lúa được gieo vào cộng đoàn. ‘Cái chết của hạt lúa không phải là sự hủy diệt nhưng là sự trao ban đến rỗng không để được lấp đầy bởi Thánh Thần, là ‘hơi thở’ của Chúa Kitô Phục Sinh và là Tình yêu Chúa Cha ban. Đây là kinh nghiệm về ân sủng nghĩa là ơn được yêu và được biến đổi (x. Tài liệu châu lục s. 25-28).
Hai
Hai biến cố lớn ai trong chúng ta cũng đang chứng kiến và liên quan sát sườn mỗi người, mỗi gia đình và mỗi quốc gia là ‘trận dịch CoViD-19’ và cuộc chiến tranh khốc liệt Ucraina – Nga… Đó là những triệu chứng các bệnh nan y về một mảng thế giới với những trái tim ích kỷ khép kín. Một mảng thế giới những người thải bỏ trẻ sơ sinh, người khuyết tật và người già cả vì tiêu chí ‘không hữu dụng’. Một thành phần thế giới truyền thông hung hăng lừa láo áp đặt… Thế giới ‘vô liêm sỉ’ (không biết phân định nên-chăng, không biết xấu hổ mà trâng tráo…)
Đức Thánh Cha Phanxicô mẫn cảm trước thân phận người, xót đau nỗi đau cuộc đời… nỗi đau ‘kêu van của người khách lạ’ (x. Fratelli Tutti 84-86), lấy ánh sáng Tin Mừng dẫn lối cho các tâm hồn. Hãy kiến tạo thế giới mở, mở đến mức không thể mở hơn, thế giới những người mang giá trị vô song của tình yêu, những người coi trọng hoa trái tình yêu hơn cả sự thành công. Hãy dựng xây nền văn hóa mới, ‘văn hóa gặp gỡ’, văn hóa của những người trải nghiệm niềm vui khi nhìn nhận người khác hơn là loại trừ, những người bắt đầu từ mình ‘trở lại’ làm người tử tế. Tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội thành tựu nhờ lộ trình bắt đầu từ sự thật, đặt ưu tiên những người thấp kém nhất, chạnh lòng thương xót tha thứ cho nhau như mình đã nhận được từ Thiên Chúa.
‘Tha thứ nhưng không quên’ Sự tha thứ cần bao hàm ký ức lành mạnh về sự thật các lỗi lầm cá nhân hay tập thể đã gây ra các bất công để nỗ lực loại trừ nguyên cớ. Không thể ‘dùng sắc lệnh để băng bó các vết thương’ hay cũng không thể ‘dùng sự quên lãng’, sự chôn vùi ký ức vào quá khứ để xóa bỏ những bất công. Không được phép quên thảm họa Shoah (nạn tàn sát người Do Thái do Đức Quốc Xã), cũng không được phép quên vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki… Nhớ, để diệt cái ác. Nhớ, để ý thức từng con người phải được tôn trọng tuyệt đối dù họ ‘thế nào’. Nhớ, để biết đau cái đau người đồng loại… ‘Những ai thực sự tha thứ thì không quên, nhưng họ không chấp nhận để cho chính cái sức mạnh hủy diệt đã làm cho họ bị tổn thương ấy chi phối họ. Họ phá vỡ vòng luẩn quẩn của sự ác, ngăn chặn đà tiến của sức mạnh hủy diệt… Thiên Chúa chạnh lòng thương xót và tha thứ ‘nhưng không’, nghĩa là không đặt điều kiện, cho cả ‘những ai không hề hối lỗi và không có khả năng xin tha thứ’ (x. Fratelli Tutti 250-254) là mẫu mực sống và nới rộng lều của gia đình nhân loại.
Ba
Âm vang ‘nới rộng lều’ lan tỏa qua ‘Hội Nghị Thế Giới về Tình Huynh Đệ Nhân Loại’ diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô và đồng thời tại tám quảng trường khác trên thế giới ngày 10 tháng 6 năm 2023.
Với chủ đề ‘Không đơn độc’ (Not Alone), Hội nghị qui tụ khoảng 30 người đã nhận giải Nobel, nhiều đại diện những người đang dấn thân trong các tổ chức Giáo hội, xã hội, những bạn trẻ và những người hoàn cảnh khó khăn. Vào cuối Hội nghị, họ đã cùng nắm chặt tay nhau bên hàng cột của quảng trường Thánh Phêrô, kiến trúc biểu tượng cử chỉ Giáo hội mở rộng vòng tay ôm toàn thế giới.
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ Khanh Toà Thánh, hiện diện nhân danh Đức Thánh Cha cùng công bố tuyên ngôn về mọi người, giữa những khác biệt, đều là anh chị em, chung sống hòa bình, trong khu vườn trái đất, khu vườn chan chứa tình huynh đệ. Tiến tới tình gia đình nhân loại, mọi người cùng lau khô những giọt nước mắt cho nhau, tôn trọng nhân phẩm, đối thoại tha thứ để triệt tiêu mọi sức mạnh hận thù hủy diệt. Nhân danh tình huynh đệ, Hội nghị ‘hét lên với thế giới’: ‘Đừng bao giờ chiến tranh nữa, đừng bao giờ còn những chế độ độc tài, tham nhũng, nô lệ’.
Việc gieo mầm tình huynh đệ thiêng liêng khởi đi từ chính bản thân mỗi người, gieo mầm hạt giống nhỏ trong gia đình, khu xóm, nơi làm việc… Với tình huynh đệ xã hội, nền kinh tế, giáo dục, sinh thái… sẽ đem lại phúc lợi thể chất và tinh thần cho mọi người. Tiến tới tình gia đình nhân loại, trên bình diện thiên nhiên, sinh thái, cuộc sống và lịch sử, mọi sự đều tương quan với nhau, vận mệnh nhân văn và siêu nhiên của mỗi người ảnh hưởng đến từng người khác của cả gia đình nhân loại trong khu vườn trái đất.
Anh chị em thân mến,
Niềm khao khát ‘Nới rộng lều…’ cho Giáo hội có giống số phận sương sớm mây chiều… thi vị thì có thi vị, nhưng chỉ ‘tỏa sáng vẻ đẹp’ chốc lát… và chết lịm ngay… vì ‘nắng cháy cát bỏng’, vì thiếu sinh thái thích hợp… trước hết nơi mục tử… như Tiên tri Hôsê nhắn nhủ Israel: ‘Lòng tín nghĩa của các ngươi như mây ban sáng, như màn sương sớm tan’ (Hs 6:4).
Niềm khao khát ‘nới rộng lều…’ trở thành hiện thực khi mỗi mục tử nghiệm ra nhu cầu lòng trắc ẩn, giá trị vô song của ‘trái tim mở’, làm sống lại ‘trái tim mở Giêsu’, mở từ tình yêu thập giá… máu và nước trào tràn…
Xin được đôi mắt của dân làng Nazareth ‘đăm đăm nhìn’ Chúa Giêsu (Lc 4:20), đôi mắt người môn đệ Chúa yêu đã thấy, đã tin và làm chứng:
‘Một người lính lấy đòng đâm cạnh sườn Ngài, và lập tức có máu và nước chảy ra. Người trông thấy đã làm chứng, và chứng của người là chứng xác thực, và người biết là đã nói thật, ngõ hầu cả anh em nữa cũng tin’ (Ga 19:34.35).
† Gioan Đỗ Văn Ngân
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc