MẠNH DẠN ĐỂ CHIẾN ĐẤU VỚI MA QUỶ.

Thứ Hai Mùa Thường Niên Năm lẻ (Dt 11, 32-40; Mc 5, 1-20)

          Qua trang Tin Mừng hôm nay, thánh Máccô cho chúng ta thấy sức mạnh, quyền năng và lòng xót thương của Thiên Chúa đã chiến thắng trên ma quỷ và giải thoát con người khỏi sự giam hãm của chúng.

          Một chàng thanh niên bao năm bị quỷ thần điều khiển, hành hạ. Mang thân xác, hình hài con người nhưng anh bị dân làng, bà con lối xóm xa lánh, trốn chạy chỉ vì anh là quỷ, là ma với một lối sống sinh hoạt khác người như sống trên núi đồi, nơi mồ mả, miệng la hét, tự đập đầu… và không gông cùm, xích xiềng nào có thể giam hãm anh ta lại (Mc 5, 3-6). Nhưng may mắn và phúc lành cho anh, hôm nay Chúa Giêsu tình thương chính là Người đã giải thoát anh khỏi ách thống trị của ma quỷ và cho anh được tự do hòa nhập lại với cuộc sống dân làng.

          Quỷ ô uế làm cho anh ra thân tàn ma dại: anh lang thang nơi mồ mả; anh hung dữ đến độ xiềng xích anh cũng bẻ gãy; anh “tru tréo và lấy đá rạch mình”. Thế  nhưng, Chúa đã dùng quyền năng giải cứu anh khỏi ách thống trị của quỷ. Ai có cảm nghiệm được nỗi thống khổ của anh thì mới hiểu được niềm hạnh phúc của anh khi được giải thoát. Và nhất là hiểu niềm tri ân sâu xa của anh muốn đi theo Ngài để đền ơn cứu mạng. Thế mà lạ thay, Chúa lại nói anh trở về với thân quyến, nhưng lần này trở về như một con người mới và với sứ mạng loan báo cho người thân của mình biết quyền năng Chúa và lòng thương xót của Ngài.

          Chúa Giêsu đã giải thoát anh khỏi sự thống trị của thần ô uế để anh ta có thể trở về với đời sống cộng đoàn. Hành động trừ quỷ của Chúa Giêsu nói lên lòng xót thương vô bờ bến của Thiên Chúa. Ngài không nỡ để con cái mình bị trói buộc bởi thế lực của bóng tối, nhưng muốn dẫn họ tới nguồn ánh sáng và tự do. Tuy nhiên, chứng kiến những việc Chúa Giêsu đã làm, dân thành Ghêrasa lại xin Chúa rời khỏi vùng đất của họ, vì họ cho rằng sự xuất hiện của Chúa làm thiệt hại tài sản và khuấy động nếp sống yên ổn trong dân.

          Sau khi được trừ quỷ, Chúa muốn người này trở về nhà với thân nhân và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh và Người đã thương xót anh như thế nào. Đối với người này thì Chúa bảo ở lại với thân nhân, còn đối với người khác Chúa lại dạy hãy đi theo Người.

          Trong Hội Thánh hiệp nhất và hiệp thông, mỗi người được Chúa trù liệu cho một nhiệm vụ. Nhưng dù đó là nhiệm vụ gì thì cũng là cơ hội để mỗi người chúng ta thuật lại cho những người xung quanh biết Chúa đã thương xót mình như thế nào.

          Thế gian, ma quỷ và xác thịt là ba kẻ thù lớn nhất ngăn cản người Kitô hữu chúng ta trên con đường tiến lên hoàn trọn như Cha của chúng ta là Đấng hoàn trọn. Bộ ba kẻ thù này luôn rảo quanh, rình rập và tìm mọi cơ hội để kéo chúng ta xa khỏi tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng bất chấp, không vị nể bất cứ ai, dù người đó là thánh thiện, dù người đó đạo đức, dù người đó là bậc tu hành hay dù người đó có lý chí vững vàng… chúng cũng không buông tha. Bộ ba kẻ thù này như ma lực trực chờ ta sơ hở kéo ta sa vào đường tội lỗi. Vậy làm thế nào để người Kitô hữu có thể tự giải thoát mình khỏi những sự kìm kẹp này? Không gì khác hơn là tin vào sức mạnh, quyền năng và lòng xót thương của Thiên Chúa. Đồng thời chúng ta khiêm nhường thống hối, trung thành với lời cầu nguyện và năng lãnh nhận Bí Tích Giao Hòa.

          Ma quỉ là kẻ duy nhất biết rõ Ngài là ai nhưng chẳng bao giờ có thể hoán cải được nữa. Các luật sĩ và biệt phái thì càng lúc càng tỏ ra chai lỳ, bà con thân thuộc thì chỉ nhìn về Ngài với những tính toán vụ lợi, đám đông dân chúng thì không nhận ra được ý nghĩa đích thực của sứ mệnh thiên sai của Ngài, còn dân ngoại thì nài nỉ Ngài quay trở lại quê hương Ngài để họ khỏi phải mang họa vào thân, và khi Chúa Giêsu chiến thắng được ma quỉ, thì đó cũng là lúc loài người tẩy chay Ngài. Trong một tình thế bi đát như vậy, cái chết trên Thập giá là chuyện tất yếu đối với Chúa Giêsu. Trong cái nhìn của Marcô, mỗi cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người đương thời của Ngài là một tiên báo về cuộc tử nạn của Ngài, Ngài là một con người triền miên bị khước từ.

          Tuy vậy, hành động đi bước trước của Chúa Giêsu đem lại hai thái độ đáp trả hoàn toàn khác nhau. Nếu như chàng thanh niên được giải thoát khỏi ma quỷ, anh muốn được ở với Người (Mc 5, 18) hay anh mạnh dạn ra đi rao truyền tất cả những gì mà Người đã làm cho anh (Mc 5, 20). Trái lại, đám đông dân chúng khi biết Chúa Giêsu thực thi, giải thoát cho anh, họ lại “đuổi khéo” Người.

          Thay vì được chứng kiến một phép lạ cả thể như thế, họ sẽ hân hoan vui mừng mời Ngài ở lại với họ. Nhưng tất cả là không, họ đã quen thuộc với những việc làm của chàng thanh niên, những hành động kỳ quái của ma quỷ. Thay vì phải khước từ quyền lực của quỷ ma, dân làng lại chối từ Đấng có sức mạnh trên ma quỷ (Mc 5,17). Hai thái độ, hai hành vi đáp trả hoàn toàn trái ngược. Chàng thanh niên được giải thoát khỏi ma quỷ đã thành tâm, khiêm tốn đón nhận lòng xót thương và thực sự đã trở nên chứng nhân của lòng thương xót (Mc 5, 20). Đám đông, dân làng khép mình, đóng cửa và trốn chạy khỏi Đấng xót thương.

          Trên con đường nhân đức tiến về quê hương Nước Trời, đôi khi chúng ta cũng mang tâm tưởng của đám đông. Chúng ta bám víu, níu kéo những thực tại trần gian như quyền lực, lợi lộc, danh vọng… mà không dám mạnh dạn nói không với “ba thù” để rồi đời sống đức tin của người con cái Chúa bị chao đảo, khủng hoảng khi phải đối diện với những nghịch cảnh, bệnh tật, đâu khổ, khó khăn và tội lỗi…

          Chúa vẫn đứng đó mời gọi, mong chờ sự tự do đáp trả của mỗi người để có thể bước vào cuộc đời của họ. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện tại, vẫn còn có những người khước từ lời mời gọi yêu thương của Chúa vì đắm chìm trong những đam mê, vì sợ hy sinh hoặc vì không thể từ bỏ cái tôi cũng như ý riêng của mình.

          Ước mong sao chúng ta luôn biết năng nhận Bí Tích Giao Hòa để lắng nghe và đón nhận lòng nhân từ nơi Cha Nhân Lành để rồi mạnh dạn ra đi, rao truyền về tình thương và lòng nhân hậu của Thiên Chúa cho anh chị em đang sống xung quanh chúng ta.

Huệ Minh