Bạn thân mến,
Khi các bạn cần có những quyết định quan trọng cho đời sống của mình thì điều gì là sự bảo đảm cho những quyết định ấy. Có điều gì quan trọng hơn sự sống mà bạn lại lấy chính sự sống của mình ra để bảo đảm. Chính Chúa Giêsu đã lấy Mình và Máu của chính mình để bảo đảm cho một quyết định quan trọng. Quyết định trao tặng và hiến mình vì bạn và tôi. Mình và Máu Thánh Chúa như một giao ước tình yêu đem lại sự sự sống cho con người
1. Giao ước, lời cam kết cho một sự bảo đảm
Khi các bạn lật lại những trang lịch sử, bạn thấy rằng, trong những xã hội cổ xưa, khi người ta cần có những bằng chứng bảo đảm cho những quyết định quan trọng, người ta thường dùng máu động vật hay máu của chính mình để làm bằng chứng, hay để kí kết giao ước. Người ta dùng máu để kết nghĩa huynh đệ hay dùng những bức huyết thư để bày tỏ những cam kết quan trọng và không thể đảo ngược. Hậu quả của việc vi phạm giao ước sẽ dấn đến việc đổ máu.
Lịch sử Is-ra-en cũng có những ý nghĩa tương tự. Người ta dùng máu của động vật, để thực hiện những quyết định quan trọng trong đời sống con người đặc biệt là việc thanh tẩy, việc hiến tế, việc ký kết giao ước. Máu trong Cựu Ước, đặc biệt trong sách Xuất Hành như dấu chỉ của việc bảo vệ, dấu chỉ của niềm tin và sự cam kết trung thành “Đây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi theo đúng tất cả những lời đó.”[1] Kinh nghiệm về việc được Thiên Chúa uy quyền bảo vệ đã dẫn đến việc Is-ra-en ký kết giao ước với Thiên Chúa. Nét đặc biệt trong giao ước chính là việc thuộc về nhau: “Ta là Thiên Chúa của ngươi, còn ngươi là dân của ta.”[2]
Khác với Cựu Ước thường dùng những con vật để hiến tế, Chúa Kitô dùng chính thân mình làm của lễ sống động dâng lên Thiên Chúa. Với hiến lễ giao ước mới, Chúa Giêsu dâng hiến toàn bộ thế giới lên Thiên Chúa như của lễ sống động. Đỉnh cao của hiến lễ chính là việc Chúa Giêsu trao hiến chính mình cho con người và cho Chúa Cha để trao ban sự sống cho con người. Tình yêu trao ban sự sống và sự sống hiện thực hóa tình yêu qua việc trao hiến. Còn gì cao cả và quý giá hơn khi một người trao ban sự sống và hơi thở của chính mình cho người khác.
2. Giao ước, thanh tẩy và biến đổi
Chúa Giêsu đã trao ban Mình và Máu của Ngài cho bạn. Ngài đã ký kết với bạn một giao ước. Giao ước đó thanh tẩy và làm cho lương tâm của bạn trở nên trong sạch. “Máu Chúa Kitô tẩy sạch lương tâm chúng ta.”[3] Khi bạn phạm tội thì tâm hồn bạn trở nên ô uế, nhưng khi được trở nên một với Đức Kitô, thì sự thánh thiện của Ngài thanh tẩy tâm hồn bạn. Tình yêu vô điều kiện của Ngài chữa lành những tổn thương. Nói cách khác, tình yêu và ân sủng tuôn trào từ cạnh sườn bị đâm thâu trên thập giá “chuộc tội” cho bạn. Ngài mang những ô uế của thế gian vào trong thân mình để trả lại cho thế gian bộ mặt tươi mới. Tình yêu dâng hiến vô điều kiện nơi Mình và Máu Thánh Chúa biến đổi bạn.
Khi bạn được dìm vào trong Mình và Máu Thánh Chúa, Mình Máu Thánh Chúa sẽ thấm nhuần toàn thể con người các bạn. Khi đó bạn sẽ sống như Ngài đã sống và nói cùng một loại ngôn ngữ của Ngài. Phải chăng có những hình thức giao tiếp vượt qua những giới hạn của ngôn ngữ, có những loại ngôn ngữ phi âm thanh, đó chính là ngôn ngữ của sự sống, ngôn ngữ của tình yêu, ngôn ngữ của trái tim.
Vả lại, sau khi được đón lấy Mình và Máu Chúa Kitô, bạn cũng được mời gọi để trở nên tấm bánh của Chúa cho tha nhân. Khi bạn chấp nhận bẻ bánh cuộc đời cho tha nhân, bạn trở nên sứ giả của hòa bình và niềm hy vọng. Hòa bình không thể có nếu thiếu sự đối thoại, đối thoại không thể có nếu thiếu lòng tin tưởng, và lòng tin tưởng không thể có nếu thiếu Thiện Tâm. Và Thiện Tâm chỉ thực sự có được khi Nhân Tâm được hòa làm một với Thánh Tâm. Chính Thánh Tâm uốn nắn Nhân Tâm trở nên Thiện Tâm. Đức Kitô tự nhân hóa để chúng ta được thần hóa.
3.Giao ước, lời đem lại sự sống
Mỗi lần các bạn tham dự thánh lễ là một lần các bạn được nghe những lời trao ban sự sống của Chúa Giêsu. Tin Mừng Chúa Nhật Tuần X Mùa Thường Niên Năm B lễ Mình Máu Thánh Chúa tường thuật về việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Thánh Thánh Thể trong lễ Tiệc Ly: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy,…đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.”[4] Chính những lời này của Chúa Giêsu đã biến đổi Bánh và Rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa. Chúa Giêsu đã giao nộp sự sống, nhân tính và thần tính, những gì Ngài có và Ngài là vào trong tay những con người phàm. Ngài chấp nhận bị bẻ ra để trao ban sự sống cho đến hơi thở cuối cùng. Sự sống thần linh “chấp nhận bị hút cạn”[5] cho nhân tính được tròn đầy. Bạn chính là đối tượng của tình yêu hiến tế ấy.
Khi quyết định chọn lựa dấn thân vào đời sống gia đình hay đời sống dâng hiến, các bạn đã quyết định trao ban bản thân và sự sống của mình cho người khác. Việc trao tặng bản thân và sự sống của mình cho người khác vừa là động lực của tình yêu và là hoa trái của tình yêu. Giống như Chúa Kitô, vì yêu thương bạn, đã chấp nhận trao ban Mình và Máu Thánh của Ngài cho bạn. Tình yêu trao hiến thân mình cho người khác là một tình yêu dễ bị tổn thương, và có thể bị phản bội nhưng nó lại biểu hiện ý nghĩa cao đẹp nhất của tình yêu, tình yêu vô vị lợi. “Tình yêu sẽ biến đổi phận người.”[6]
Vả lại khi nói đến giao ước tình yêu đem lại sự sống cho con người là nói đến sự hiệp nhất. Giao ước là mắt xích để nối kết sự khác biệt và tình yêu duy trì sự hiệp nhất. Giao ước nối kết bạn và duy trì tương quan của bạn với người khác và tình yêu nuôi dưỡng sự kết nối đó. “Hãy ở lại trong tình yêu của thầy”[7] là lời mời gọi liên lỷ của Chúa Giêsu dành cho người môn đệ khi Ngài trao ban sự sống và tình yêu của Ngài cho họ. Các chi thể của Giáo Hội có được sự hiệp nhất khi được chia sẻ cùng một đức tin, một phép rửa, một Thần Khí, một Tấm Bánh và một Chén Rượu. Thần Khí đã làm cho Đức Kitô phục sinh cũng sẽ duy trì sự hiệp nhất cho những ai đón nhận Mình và Máu Thánh Người.
Mình và Máu Đức Kitô đang được trao ban trong những đôi tay biết trao tặng sự sống của mình cho người khác. Trái tim và sự sống của Chúa Giêsu cũng đã thấm nhuần trong trái tim của những con người dám chết vì người mình yêu. Và cứ thế, giao ước tình yêu mà Chúa Kitô đã thực hiện qua việc trao tặng sự sống và thân mình của Ngài, sẽ tiếp tục được tuôn chảy trong trái tim của bạn và những người mà bạn phục vụ. Hãy thực hiện giao ước quan trọng của bạn mỗi ngày bằng việc đón nhận và trao ban Mình và Máu Thánh Chúa.
Gioan Phạm Duy Anh, SJ
[1] Xh 24, 8
\[2] Xh 20: 1-18
[3] Dt 9, 14
[4] Mc 14, 23; 25
[5] Ý nói tình yêu hiến tế cho đến tận cùng. Trên thánh giá, Ngài đã chút hơi thở và sự sống vào trong tay Cha, chấp nhận chịu chết để cứu độ con người. Tình yêu trọn vẹn của Ngài dành cho Cha và cho nhân loại dẫn đến sự hy sinh cho đến cùng.
[6] Nguyễn Duy, Sống Trong Niềm Vui
[7] Ga 15, 9
BÁNH THIÊN THẦN
Trong bài ca tiếp liên “Lauda Sion” (Hỡi Sion, Hãy Ngợi Khen) có lời nguyện này: “Này đây BÁNH CỦA CÁC THIÊN THẦN, biến thành lương thực của khách hành hương; thật là bánh của những người con, không nên ném cho loài khuyển. Bánh này đã được báo trước bằng hình ảnh, khi người ta sát tế Isaac, chiên của lễ vượt qua đã được kể ra, khi cha ông chúng ta được tặng man-na. Lạy Chúa Giêsu là mục tử tốt lành, là Bánh thật, xin Người thương xót, chăn nuôi và bảo vệ chúng con; xin Người ban cho chúng con nhìn thấy những điều thiện hảo trong cõi nhân sinh. Chúa là Ðấng thông biết và có thể làm nên mọi sự, Chúa nuôi dưỡng chúng con trong đời sống tạm gửi này, trên cõi cao xanh, xin cho chúng con được trở nên thực khách đồng bàn của Chúa, đồng thừa kế và đồng danh phận với những công dân thánh của nước trời. Amen.”
Thánh Thomas More (Công giáo quen đọc là Tôma Môrô, 1478-1535, Anh quốc) là luật sư, triết gia, chính khách, phản đối cải cách Tin Lành, phản đối Henry VIII ly khai Giáo hội La Mã, từ chối thừa nhận Quốc vương trở thành người Lãnh đạo tối cao của Giáo hội Anh, và đặc biệt gay gắt phản đối ý tưởng nhà vua ly hôn với Catherine xứ Aragon để cưới Anne Boleyn. Khi từ chối tham gia Lời Tuyên Thệ Tối Cao (Oath of Supremacy), Thomas More bị vua Henry VIII kết tội phản quốc và bị tử hình. Trong buổi hành hình, Thomas More thẳng thắn tuyên bố: “Tôi chết như là một đầy tớ trung thành của nhà vua, nhưng trước tiên tôi là tôi tớ của Chúa!”
Công việc bận rộn nhưng Thánh Thomas More luôn yêu mến Thánh Thể. Ngài nhận xét: “Nếu tôi xao lãng, việc hiệp lễ sẽ giúp tôi tịnh tâm trở lại. Nếu hằng ngày có những dịp xảy đến xúi giục tôi xúc phạm đến Thiên Chúa, tôi sẽ tự trang bị cho cuộc chiến mỗi ngày bằng việc lãnh nhận Thánh Thể. Nếu tôi đặc biệt cần đến ánh sáng và sự khôn ngoan để thực thi các phận sự nặng nề của tôi, tôi sẽ đến bên Đấng Cứu Độ, mong tìm được lời khuyên và ánh sáng của Người.” Thật là tuyệt vời!
Thánh Phêrô Giulianô Eymard (1811-1868, sáng lập Dòng Thánh Thể, Societas Sanctissimi Sacramenti, SSS) xác định: “Chúng ta chỉ chuốc lấy thất bại nếu chúng ta xa rời Thánh Thể.” Một câu nhắc nhở thực sự rất quan trọng đối với tín nhân Công giáo.
Năm 700 (sau công nguyên), tại Nhà thờ Thánh Domitian ở Lanciano (Ý), Lm Thomases (tu sĩ Dòng Basilian) đã nghi ngờ sự hiện hữu thật của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Thời đó có nhiều tà thuyết nổi lên đã làm lung lay đức tin của ông. Một buổi sáng nọ, Lm Thomases dâng lễ mà vẫn nghi ngờ. Đến phần truyền phép, có điều lạ xảy ra trên đôi tay khiến toàn thân Lm Thomases rung động: Bánh biến thành Thịt thật, Rượu biến thành Máu thật.
Lm Thomases lặng người một lúc rồi từ từ đưa lên cho mọi người thấy và nói: “Ôi chứng cớ hữu hình của Chúa để xóa bỏ sự nghi ngờ của tôi, Ngài muốn mặc khải chính Ngài trong bí tích Thánh Thể hoặc để chúng ta nhìn thấy tỏ tường. Anh chị em hãy đến chiêm ngưỡng phép lạ của Chúa. Đây là Mình Máu Thánh Đức Kitô.” Đây là phép lạ Thánh Thể đầu tiên được Giáo Hội Công giáo công nhận.
Trước khi từ giã thế gian, chính Chúa Giêsu đã xác lập Giao Ước Máu trong Bữa Tiệc Ly: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.” (Lc 22:20) Giao ước (hiệp ước, thỏa ước, khế ước, minh ước) khác với hợp đồng, và đặc biệt đó là giao ước mới được ký kết bằng chính Bửu Huyết của Chúa Giêsu – Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế, chứ không là máu loài động vật.
Theo nghĩa Kinh Thánh, giao ước được thiết lập và đóng ấn bằng một lễ nghi công khai và long trọng. Theo phong tục của dân ở Thánh Địa xưa, người ta đóng ấn giao ước bằng nghi thức sát tế một con vật, rồi phân thây con vật ấy thành hai phần và đặt dưới đất. Sau đó, đại diện hai bên lần lượt đi ngang qua giữa hai phần con vật đó, ngụ ý quyết tâm thi hành giao ước và sẵn sàng chịu cùng một số phận như con vật bị giết nếu vi phạm giao ước. (x. St 15:7-20; Gr 31:31; Gr 34:18-22)
Thiên Chúa đã nhiều lần thiết lập giao ước với loài người. (x. St 8:20-21; St 9:8-17; St 12:1-3) Có hai giao ước được nhắc tới trong Kinh Thánh – Giao Ước Cũ và Giao Ước Mới. Cựu Ước là giao ước được thiết lập giữa Thiên Chúa và dân Israel, được đóng ấn bằng máu con vật sát tế. Tân Ước là giao ước được thiết lập trực tiếp giữa Thiên Chúa và toàn thể nhân loại, và được đóng ấn bằng chính Bửu Huyết của Đức Kitô.
Thực sự Chúa Giêsu muốn chúng ta sống dồi dào, (Ga 10:10) nên Ngài đã thiết lập bí tích Thánh Thể để nuôi dưỡng chúng ta, và để ở cùng chúng ta cho đến tận thế như Ngài đã hứa. (Mt 28:20) Đặc biệt là chính Ngài minh định: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6:51) Hoàn toàn chắc chắn như vậy!
Khi Saun – Saolê, sau trở thành Phaolô – lùng sục khắp nơi để bắt giết các tín nhân, Chúa Giêsu đã nói thẳng với ông: “Đá lại mũi nhọn thì khốn cho ngươi!” (Cv 26:14) Những người có “máu xấu” cố ý làm ngơ chứ chắc chắn không phải không biết. Còn máu, còn sống; mất máu, đông máu hoặc “khô máu,” chết chắc! Đó là quy luật tự nhiên – tức là Luật Chúa. Saolê đã tỉnh ngộ vì cú ngã ngựa chí mạng, và rồi nhìn vào thực tế của cuộc đời nhiễu nhương này, ông đã phải thốt lên: “Mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành.” (2 Tx 2:7)
Người ta đã và đang muốn loại bỏ Thiên Chúa, bằng chứng là xưa nay luôn xuất hiện các tà thuyết, tà giáo – chẳng hạn Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc, một phụ nữ ảo tưởng và ảo giác mà sao nhiều người vẫn bị mê hoặc? Thật khủng khiếp! Chỉ vì cái tôi quá lớn nên cố chấp, người ta vẫn không hề biết sợ, dù đã có những điều nhãn tiền: Tại Fatima Bình Triệu – Thủ Đức, tháp chuông hình chữ M với Thánh Giá vẫn vươn cao giữa sân trường ĐH Luật; tượng Thánh Vinh-sơn Liêm vẫn đứng giữa sân trường Nguyễn Trung Trực – Gò Vấp. Và còn những điều khác xung quanh chúng ta hằng ngày. Thật chí lý với nhận xét của Epictetus, triết gia khắc kỷ Hy Lạp: “Con người không bị mọi thứ gây phiền nhiễu, mà bị phiền nhiễu bởi suy nghĩ của họ về mọi thứ.”
Thời Cựu Ước,khi ông Môsê xuống núi thuật lại cho dân mọi lời và mọi điều luật của Đức Chúa thì toàn dân đồng thanh: “Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành.” (Xh 24:3) Rất tốt. Một lời hứa rất đẹp. Ước gì họ luôn ngoan ngoãn như vậy, và chúng ta cũng luôn “biết điều” như vậy. Thế nhưng chuyện đời không đơn giản.
Chính ông Môsê chép lại mọi lời của Đức Chúa. Sáng hôm sau, ông dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân núi và dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Israel. Rồi ông sai các thanh niên trong dân Israel dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế Đức Chúa. Ông Môsê lấy một nửa phần máu đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo.” (Xh 24:7) Bấy giờ, ông Môsê lấy máu rảy lên dân và nói: “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này.” (Xh 24:8)
Máu biểu hiện sự sống. Vì thế, máu rất quan trọng, vì sự sống là thứ bất khả xâm phạm. Màu máu cũng rất khác lạ, sắc đỏ khác với mọi màu đỏ khác. Với những con người bình thường, lời thề cũng thường liên quan máu. Ngày xưa, người ta thường “uống máu ăn thề” – họ cùng cắt máu ngón tay, cho chảy chung vào một cái chén rồi chia nhau uống, thề sống chết có nhau. Trong các Thánh Vịnh từ “giao ước” được đề cập ít nhất 18 lần.
Mặc dù phàm nhân chẳng đáng gì, nhưng Thiên Chúa vẫn tha tội chết, cho quyền sống, và còn ký kết giao ước vĩnh viễn, cụ thể là giao ước cầu vồng: “Đây là dấu hiệu giao ước Ta đặt giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật ở với các ngươi, cho đến muôn thế hệ mai sau: Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất.” (St 9:12) Cảm được lòng thương xót bao la của Thiên Chúa, Thánh Vịnh gia đã tự nhủ: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho? Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Chúa.” (Tv 116:12-13)
Ngài là Thiên Chúa của người sống, Ngài yêu thương họ tới cùng và muốn mọi người được sống dồi dào. Thánh Vịnh gia tự hứa với Thiên Chúa: “Đối với Chúa thật là đắt giá, cái chết của những ai trung hiếu với Người. Vâng lạy Chúa, thân này là tôi tớ, tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài, xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi.” (Tv 116:15-16) Và quyết tâm hành động: “Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn, và kêu cầu thánh danh Chúa. Lời khấn nguyền với Chúa, tôi xin giữ trọn, trước toàn thể dân Người.” (Tv 116:17-18) Đó là lời nhắc nhở mỗi tín nhân ngày nay.
Như một cách lý giải, Thánh Phaolô cho biết: “Đức Kitô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này. Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta.” (Dt 9:11-12) Kinh nghiệm sống cho thấy rằng cái gì liên quan máu đều là vấn đề nghiêm trọng. Máu động vật đã vậy, máu người còn nghiêm trọng hơn. Và còn hơn thế nữa, Máu Chúa Giêsu vô cùng quý giá, cực thánh, không gì có thể so sánh.
Thánh Phaolô so sánh: “Nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hóa được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.” (Dt 9:13-14) Máu động vật và máu người có thể làm chúng ta bị dơ bẩn, nhưng Máu Thánh Chúa Giêsu lại khác, không làm chúng ta dơ bẩn mà còn tẩy sạch chúng ta khỏi mọi thứ ô uế. Thật kỳ diệu, bất cứ ai “tắm gội” bằng Bửu Huyết Đức Kitô sẽ nên tinh tuyền.
Mối liên kết giữa Cựu Ước và Tân Ước, giữa sự sống thể lý và sự sống tâm linh vô cùng lạ lùng. Thánh Phaolô cho biết: “Người [Chúa Giêsu] là trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa.” (Dt 9:15)
Trình thuật Mc 14:12-16, 22-26 cho biết: Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ hỏi Đức Giêsu để biết ý Thầy muốn họ dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu. Ngài sai hai môn đệ đi và dặn họ đi vào thành, gặp một người mang vò nước thì đi theo người đó. Người đó vào nhà nào thì họ hỏi chủ nhà về căn phòng dành cho Thầy ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ, người ấy sẽ chỉ cho một phòng rộng rãi trên lầu đã được chuẩn bị sẵn sàng, và họ sẽ dọn tiệc ở đó. Hai môn đệ ra, vào thành và thấy mọi sự y như Ngài đã nói. Chỉ có Thiên Chúa mới khả dĩ biết trước như vậy, vì Ngài thấu suốt mọi sự.
Trong bữa tiệc đêm đó, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.” Rồi Ngài cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa.” Nghe Thầy nói và nhìn phong cách Thầy lúc đó, chắc hẳn họ vô cùng ngạc nhiên – dù Kinh Thánh không ghi lại chi tiết. Không lạ sao được, vì bánh mà bảo là “thịt,” rượu mà bảo là “máu.”
Trí tuệ phàm nhân không thể hiểu thấu, vì thế mà phải “lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì.” (Đây Nhiệm Tích) Quả thật, đức tin vô cùng quan trọng đối với chúng ta, những người mệnh danh là Kitô hữu Công giáo.
Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương chúng con, Ngài đã thiết lập bí tích Thánh Thể, xin cho chúng con xứng đáng và siêng năng kết hiệp với Ngài, xin ở với chúng con luôn để chúng con được sự sống viên mãn. Xin giúp chúng con biết cầm lấy tấm-bánh-cuộc-đời của chính chúng con mà tạ ơn, bẻ ra và trao cho mọi người. Xin ban Thần Khí Thánh Thần và dẫn chúng con về với Chúa Cha. Amen.