Một chút
Để nhận định hang đá đẹp “ư”?
Rất khó, vì trăm hang đá, trăm vẻ đẹp.
Vậy đâu là tiêu chuẩn – chẳng có tiêu chuẩn nào chuẩn cả, chỉ có bằng cảm nhận và thị giác của mỗi người. Vì thế, hang đá này với chị A đẹp nhưng chị B thì không …
Bài viết
Bài viết nói gì? Cảm nhận cá nhân, bài giảng cho ngươi khác, diễn giải ý nghĩa chủ đề hang đá… mỗi bài mỗi khác. Thế thì, lấy gì làm tiêu chuẩn để cho là bài hay, bài đạt.
Tóm lại: Rất khó để mà nhận định 1 hang đá, 1 bài viết.
Thôi thì bằng cảm nhận của con tim để tìm thấy 1 hang đá “đẹp”. Không phải vẻ bên ngoài hay ánh điện nhấp nháy.
Bài viết: đủ ý là được, vì bài nào cũng nói lên điều chị em muốn nói.
Cuối cùng: chẳng có tiêu chuẩn nào là chuẩn, là mẫu.
“ NGÔI LỜI ĐÃ LÀM NGƯỜI
”(Ga 1,14)
NGÔI Lời giáng thế làm người
HAI cõi đất – trời nối kết yêu thương
NHẬP vào cõi thế đời thường
THỂ nhân đón Chúa ở cùng ngày đêm
LÀM cho nhân loại vui thêm
NGƯỜI người biết Đấng nhân hiền quyền linh.
Hằng năm, cứ mỗi dịp Giáng Sinh về, chúng ta lại được nhìn ngắm những hang đá được trang hoàng thật lung linh và lấp lánh. Tuy nhiên, một trong những ý nghĩa sâu xa mà các hang đá này muốn nhắm đến không gì khác hơn là cố diễn lại cho chúng ta một sự kiện đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm: Vào một đêm khuya giá rét, một bé trai đã được sinh ra trong cảnh nghèo nàn. Người mẹ đã đặt em bé nằm trong một máng cỏ mà người ta dùng cho bò lừa ăn, bên cạnh có bố nuôi và vài mục đồng đến thăm viếng… Khung cảnh thật nghèo khó, lạnh lẽo… Em bé ấy là ai?
Chắc chắn sẽ không một ai có thể đoán nổi em bé này là ai, nếu không có lời chứng của các tông đồ và môn đệ, là những người đã được trông thấy Đức Giêsu chết, sống lại và lên trời ngự bên hữu Chúa Cha! Hãy chậm lại để chiêm ngắm Ngôi Lời đến với con người. Maria và Giuse bị người thủ đô xua đuổi, Mẹ đã biết gần đến giờ, hai Đấng đã vội vã ra đồng vắng tìm hang trú qua đêm. Này là Người! Khởi đầu là một Hài Nhi mới sinh giữa vòng tay mẹ cha, được bọc trong khăn và nằm trong máng cỏ, ngoài trời gió lạnh vẫn cứ thổi và rồi Giêsu đến với con người trong âm thầm và lặng lẽ, con đường làm người đã mở ra từ đó .Phải chăng quà tặng vô giá mà Thiên Chúa muốn ban tặng nhân loại chính là việc cho Ngôi lời nhập thể, mang lấy thân phận mỏng dòn, yếu đuối của kiếp nhân sinh? Đúng vậy, Người đến để chia sẻ với con người, để đồng hành với con người trong mọi hoàn cảnh. Người đến để yêu thương, để gánh lấy tội lỗi của nhân loại và cuối cùng chấp nhận hy sinh thân mình vì nhân loại. Giáng Sinh về, chúng ta không chỉ kỷ niệm một biến cố quan trọng đã xảy ra trong lịch sử nhân loại cách đây hơn hai ngàn năm: biến cố “Ngôi Lời trở thành xác phàm và cư ngụ giữa lòng nhân loại”, mà còn là cơ hội để mỗi người chúng ta nhận ra chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa trong dòng lịch sử, trong chính cuộc đời của mỗi người!
Giêsu Hài Đồng ơi! là những dự tu nghèo của Chúa , chúng con có gì để dâng Chúa bây giờ? Nhìn ngoài kia người ta trang hoàng lộng lẫy còn chúng con chỉ có hang đáng đơn sơ này để dâng Chúa. Mái tranh nghèo là biểu tượng của con đường chúng con theo Chúa, bởi chính Chúa đã chọn lấy hang bò lừa để sinh ra. Máng rơm nhỏ là lòng mến của chúng con muốn có chút gì đó góp lên để sưởi ấm Chúa, mặc dù hơi xù xì và không mềm mại. Mạng nhện kia chính là những yếu đuối của chúng con, Chúa Hài Đồng ơi xin ôm lấy và biến đổi chúng con nhé. Chúng con xin dâng Chúa tất cả lòng thành của mỗi chị em chúng con hợp cùng muôn đoàn thiên thần và các tạo vật của Chúa là chiên cừu, là bò lừa để ca mừng và chúc tụng ngày Chúa giáng trần.
Xin Chúa đón nhận tấm lòng chúng con !!!
Dự Tu.
“ GLORY TO GOD IN THE HIGHEST”
“ Vinh danh Thiên Chúa trên trời , bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.
Cứ mỗi dịp Giáng Sinh về là dịp Chúa muốn nhắc nhở chúng ta rằng, Ta yêu Con biết chừng nào. Giáng sinh là mùa đem lại nhiều cảm xúc nhất trong tâm hồn chúng ta. Để chào đón đại lễ Giáng Sinh mọi người khắp nơi trên thế giới đều nô nức hớn hở trang hoàng đường phố thật đẹp với nhiều ánh đèn lung linh, người thì tìm cách mua những món quà đặc biệt để tặng cho người thân yêu của mình, người thì viết thư, làm thiệp cũng như gửi gắm những lời chúc tốt đẹp đến với bạn bè người quen. Trong tâm tình đó, lớp Dự tu chúng con cũng đã chuẩn bị cho mình một hang đá đơn sơ nhỏ bé để chuẩn bị cho Chúa ngự vào.
Giáng Sinh không chỉ là trang trí hay chuẩn bị bề ngoài, có những lúc chúng ta chỉ tập trung trang trí vẻ đẹp bề ngoài mà quên đi món quà quý giá nhất trong đêm Giáng Sinh chính là Con Một Thiên Chúa. Giáng Sinh là một sự khởi đầu trong hành trình thiêng liêng của mỗi người chúng con, bắt đầu bằng chuẩn bị tâm hồn mình trong mùa vọng, trông chờ sự kiện Chúa đến trong cuộc đời của chính mình, trong ngày lễ này chúng ta mở lòng để đón rước Chúa và biến đổi cuộc đời và Ngài làm cho ta trở thành món quà thiêng liêng cho tha nhân.
Hang đá này nhắc nhở chúng con rằng tâm hồn chúng con là những máng cỏ cho Chúa ngự vào, hang đá của chúng con rất đơn sơ nhưng bày tỏ được tâm tình. Khi nhìn vào hang đá chúng ta có thể thấy rằng Chúa Giê – su là trung tâm và là tột đỉnh bên cạnh Ngài còn có Mẹ Maria và Thánh Cả Giu – se là hai mẫu gương luôn khiêm nhường làm theo thánh ý Chúa. Chúng ta cũng thấy rằng Chúa Giê – su giáng trần cả trên trời dưới đất đều vui mừng hớn hở, nào chiên bò đủ loại, nào súc vật ngoài đồng tất cả đều vui mừng vì Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, mọi sự được tạo dựng để vinh danh Ngài và một mình Ngài mà thôi. Chúa Giê – su sinh ra nơi hang đá để biểu hiện tình yêu và sự liên kết giữa ta với Thiên Chúa. Chúa Giê – su đến để đem lại bình an, sự sống và nhất là sống dồi dào. Nơi hang đá có các quả châu, bông tuyết,… Đây là biểu tượng liên kết với Chúa rồi còn có các cọng rơm nói lên những việc lành phúc đức những hy sinh mà chúng con gom góp để sưởi ấm cho Chúa. Bên cạnh đó, còn còn có ngôi sao là biểu tượng dường như không thể thiếu trong mùa Giáng Sinh, ngôi sao chỉ đường trong đêm tối của cuộc đời, ngôi sao sáng nói lên ánh sáng thiêng liêng của Chúa trong tâm hồn mỗi người chúng con. Khi làm nên hang đá này, chúng con liên tưởng và nhớ đến Chúa Giê – su trong máng cỏ chính là những người không nhà, không cửa và những người già neo đơn sống ở đầu đường xó chợ trong đêm đông lạnh lẽo mong có được những hình ảnh và bàn tay của chúa đến để sưởi ấm trên tâm hồn mỗi người.
Chúc mọi người thân yêu một mùa Giáng Sinh vui vẻ may mắn và an lành. Chúc cho tất cả mọi người luôn hạnh phúc, chúc cho những em nhỏ không có mái ấm gia đình ấm áp hơn, chúc cho những người nghèo được củng cố niềm tin và chữa lành những nỗi buồn và thất vọng. Nguyện chúc tình yêu của Chúa Hài Nhi, mọi điều an lành đến với Qúy Dì, các chị và gia đình của mỗi người.
Dự Tu
KÌA NGƯỜI ĐÃ ĐẾN
Bước vào Mùa Vọng là khởi đầu của năm phụng vụ mới, Giáo Hội trước hết mời gọi các kitô hữu cần phải sống lại lòng chờ mong việc Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người.
Cùng với chủ đề mục vụ: “Giáo Hội hiệp hành nhờ lời Chúa và Thánh Thể” của Giáo phận, trong cộng đoàn, mọi người ai cũng xôn xao, bàn luận về ý tưởng cho hang đá. Và trong một cuộc họp thường lệ, chị phụ trách thông báo:
-
“ Hôm nay, chúng ta sẽ lên ý tưởng hang đá cho cộng đoàn, ai có ý tưởng gì không?”.
-
Chị A nói: “Mình làm thế này đi cho xứng với cộng đoàn mình”.
-
Chị B đáp: “Cái này thì tầm thường quá”.
Mọi người ai cũng nói lên ý kiến nhưng lại không có điểm chung làm cho cuộc họp trở nên nặng nề. Thấy thế, chị phụ trách lên tiếng: “Hay bây giờ chúng ta cùng nhau suy nghĩ và phân định xem có thể nối kết các ý tưởng với nhau không?”.
Sau một hồi suy nghĩ, chị D lên tiếng:
-
“ Em có ý tưởng này, các chị xem có được không? Vì chủ đề mục vụ năm nay là Hiệp hành nhờ lời Chúa và Thánh Thể, đó sẽ là trung tâm, mà Dòng mình là Nữ Tỳ Thánh Thể nên chúng ta sẽ làm ngôi nhà là biểu tượng cho Giáo Hội, Hội Dòng mình. Giáo Hội, Hội Dòng có mạnh, vững chắc là nhờ mỗi thành viên biết Đặt lời Chúa và Thánh Thể làm trung tâm cuộc sống của mình. Ngoài ra, từng thành viên cần chung tay, chung lòng, chung sức gắn kết bền chặt với nhau để xây dựng Giáo Hội, Hội Dòng phát triển theo sự dẫn dắt của Lời Chúa và tiến bước trên hành trình lữ hành tiến về quê trời. Để làm được điều đó, chị em phải luôn yêu thương, quan tâm, hiệp thông và cầu nguyện cho nhau như Thánh Thể tỏ hiện.”
Cả cộng đoàn đều thấy ý tưởng có ý nghĩa nên đã bắt tay vào làm, và mọi người đều ý thức rằng mình đang cộng tác với Giáo Hội trên con đường hiệp hành.
Lễ Giáng Sinh đã đến, Chúa Hài Nhi được đặt vào chính giữa hang đá như nói lên Ngài là trung tâm của đời sống. Và năm đó, cộng đoàn đã đón một mùa Giáng Sinh đầy niềm vui, hạnh phúc vì “Kìa Người đã đến” (Mt 25,6) và ở giữa chúng ta, “ Hãy ra đón Người”( Mt25,6).
Qua câu chuyện trên đây, chúng con ước mong rằng mỗi người sẽ luôn ý thức tất cả đều là anh chị em cùng một Cha trên trời, cũng sống chung mái nhà trái đất, hãy biết yêu thương, tôn trọng, hiệp thông với nhau, đặc biệt hướng lòng cầu nguyên cho hòa bình thế giới, nhất là những nơi đang xảy ra chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh.
Tập Viện
TÂM TÌNH MÙA VỌNG
HƠI ẤM THÁNH THỂ
Mùa Vọng–mùa chuẩn bị củi, lửa. Có là phi lý khi phải tìm củi lửa để sưởi ấm tại một quốc gia khí hậu nhiệt đới, một quốc gia mà mùa đông không quá lạnh. Nhưng không phải thế, củi mà Mùa Vọng mang tới là củi thiêng liêng, đốt thành lửa mang hơi nóng của tình yêu. Đối với chị Nữ Tỳ Thánh Thể, đó chính là hơi ấm Thánh Thể theo tinh thần của Cha Thánh Eymard đã từng ước mong: “Thánh Thể là gì? Đó là ngọn lửa… Hãy đặt ngọn lửa nhỏ trong tâm hồn anh em vào trong ngọn lửa lớn là chính phép Thánh Thể” (PS 330, 2).
Đứng trước khung cảnh một mùa Giáng Sinh mà người ta luôn mặc định là lạnh lẽo, thì Giáng Sinh năm nay lại có biết bao người đang phải lạnh cả thể xác lẫn tâm hồn. Chiến tranh, thiên tai…, không chỉ lấy đi nhà cửa, người thân của họ, mà còn mang luôn cả sự ấm áp trong thâm tâm con người. Với sự chờ đợi và hi vọng vào Đấng Cứu Thế sắp giáng trần, con người không chỉ mong mỏi hòa bình, bình an tầm thường. Họ cần một sự nóng ấm của Đấng là tình yêu đích thực, Đấng Emmanuel. Vì thế, Mùa Vọng càng tỏ rõ hơn sự chờ mong của mình; càng khao khát đốt cháy lò lửa Thánh Thể hơn nữa. Nhưng thật ra nơi Thánh Thể, ngọn lửa tình yêu ấy chưa bao giờ tàn. Chúa Giê-su vẫn ở đó chờ đợi con người đến để Ngài làm tan đi cái lạnh lẽo của mất mát, bi thương, nhất là cái lạnh vô cảm trong lòng người thời hiện đại. Chúa vẫn ở đó, Chúa vẫn cần có những con người sẵn sàng đến với Ngài để cùng làm bùng lên và lan tỏa ngọn lửa tình yêu. Hãy đến với Thánh Thể, hãy sưởi ấm tâm hồn tha nhân và chính mình hầu sẵn sàng đón Chúa Hài Đồng ngự đến.
Những tâm tình Mùa Vọng trên đây thật nhỏ bé, nhưng mang trọn niềm ước mong cho mùa Giáng Sinh năm nay, cả thế giới sẽ được sống, được sưởi trong hơi ấm Giê-su Hài Nhi, hơi ấm Thánh Thể và hơi ấm của lòng người.
Học Viện (Hoàng Mai)
Hòa Bình! Nơi Đâu?
-
Lừa: Cháu chào Bác! Lâu rồi mới gặp Bác.
Tình hình thế giới sao rồi Bác?
-
Bò: Chiến tranh, thiên tai khắp nơi.
-
Lừa: Giữa thời buổi chiến tranh thiên tai như thế này. Chị chết ghé thăm lúc nào không biết. Ai ai cũng lo tìm an toàn cho bản thân. Thế mà Bác lại đi đâu thế? Bác không thấy nguy hiểm à?
-
Bò: Nguy hiểm thì cũng có đó, nhưng ai có thể cho mình hòa bình yên ổn được?
-
Lừa: Thì phòng bệnh hơn chữa bệnh mà Bác. ở nhà cho an toàn.
-
Bò: Nói như cháu thì cũng có phần đúng.
Nhưng!!
-
Lừa: Nhưng gì hả Bác?
-
Bò: Như cháu nói đó: Chị chết ghé thăm bất ngờ. Vả lại, có được yên ổn hòa bình thực đâu.
-
Lừa: Nghĩa là sao? Mình ở nhà mà.
-
Bò: Ừ! Đúng!
Nhưng cứ trong nhà mà lòng luôn lo lắng thì cũng khổ lắm.
-
Lừa: Là sao?
-
Bò: Lừa à! Cháu còn trẻ, chưa trải sự đời. nên có suy nghĩ vậy thôi.
Để Bác nói cho nghe: “Đúng là mình phải lo cho bản thân được an toàn và Thiên Chúa cũng muốn thế. Nhưng ta không thể không quan tâm đến những người xung quanh, cũng không thể tránh khỏi những thực tại chết chóc đau thương được. Giờ phải phó thác mọi sự vào tay Chúa. Xin ơn bình an, ít ra là được bình an trong tâm hồn, để có thể vui vẻ đón nhận những đau thương không mong đó.
Cháu biết không?
-
Lừa: Biết gì ạ?
-
Bò: Chúa Giê-su là Hoàng Tử Hòa Bình. Người sẽ ban cho con ơn bình an thật, nhất là bình an trong tâm hồn. Với niềm tin: Chúa có thể vẽ những nét thẳng trên những đường cong. Chúa không sai, cho dù phương tiện Chúa dùng có sai nhưng thông điệp gửi tới mình luôn luôn đúng. Khi đến giờ, Người sẽ ra tay.
Giờ cháu có muốn đi không?
-
Lừa: Đi đâu hả Bác?
-
Bò: Xin hòa bình.
-
Lừa: À ha! Mà ở đâu hả Bác?
-
Bò: Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể.
-
Lừa: Ồ! Nghe tên cũng đã thấy hòa bình rồi đây.
Đi thôi Bác.
Xin hòa bình nơi Hoàng Tử Hòa Bình ở Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể.
Học Viện (Nhà Chính)
NGÔI LỜI LÀ ÁNH SÁNG
Trong một buổi học, thầy giáo hỏi học trò: “Theo các em điều cần thiết cho sự phát triển của cây xanh là gì?”
-Một học trò giơ tay: “Dạ thưa thầy đó là nước ạ.
– Em khác: Dạ theo con, đó là phân bón ạ.
– Một ý kiến nữa: Dạ đó là đất ạ.
Thầy giáo: Tất cả ý kiến của các em đều đúng nhưng chưa đủ, còn một yếu tố rất quan trọng nữa mà các em chưa nêu lên. Bây giờ, các em cùng làm thí nghiệm này với thầy nhé.
Ở đây, thầy đã chuẩn bị hai cây xanh nhỏ. Chúng ta sẽ để một cây vào trong một phòng tối và cây còn lại để ở ngoài tường hoa cạnh lớp học. Sau 3 ngày, chúng ta sẽ cùng nhau quan sát.
Trong ba ngày đó, các học trò hết sức hồi hộp không biết điều gì sẽ xảy ra cho hai cây đó?
Và rồi ngày chờ đợi đã đến. Thầy giáo đặt hai cây lên bàn cho các trò quan sát và đưa ra nhận xét. Mọi người đều nhận thấy cây bên ngoài phát triển rất tốt, còn cây trong phòng yếu hơn, lá không còn xanh tươi như trước nữa mặc dù vẫn được tưới nước và bón phân đầy đủ.
Thầy liền hỏi lại câu hỏi hôm trước. Nhưng hôm nay, chỉ có một câu trả lời chung là “ánh sáng là điều kiện rất cần cho cây xanh phát triển”
Thời đại chúng ta đang sống được gọi là “kỷ nguyên ánh sáng”. Có lẽ vì người ta đã phát minh được nhiều nguồn năng lượng phát ra ánh sáng để phục vụ đời sống con người. Tại sao lại là ánh sáng? Thưa vì không có ánh sáng, chúng ta không thể nhìn thấy gì để làm việc hay bất cứ hoạt động nào được.
Ngược dòng lịch sử sáng tạo, chúng ta thấy Thiên Chúa đã sáng tạo ánh sáng đầu tiên, vì sự sống chính là ánh sáng cho nhân loại (Ga1,3b). Khi dân Chúa hành trình trong sa mạc, chính cột lửa là biểu tượng cho ánh sáng soi dẫn đoàn dân vượt thắng sự rượt bắt của Pharao, vua Ai-cập và đi đúng đường trong suốt hành trình về Đất Hứa.
Ánh sáng giúp chúng ta phân biệt ngày và đêm hầu cuộc sống được nhịp nhàng, cho con người có giờ nghỉ ngơi và làm việc phù hợp. Nhờ ánh sáng, chúng ta có thể cảm nhận được vẻ đẹp của vũ trụ vạn vật mà hiểu được quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa.
Ánh sáng là biểu tượng của niềm vui chiến thắng. Khi không còn ánh sáng, con người bị chìm vào u tối và không còn làm được việc gì. Như dân Chúa xưa, khi phải lưu đày nơi đất khách quê người, họ mới cảm nhận sự thất vọng và cuộc sống như không còn chút ánh sáng của niềm vui nữa. Và chính lúc đó, lời ngôn sứ đã vang lên để an ủi dân, mang lại cho dân một tia hy vọng về Đấng Thiên Sai. Ngài sẽ đến giải thoát dân khỏi bóng đêm của kiếp sống nô lệ “đoàn dân đang chìm trong bóng tối đã nhìn thấy ánh sáng”
Cuộc đời mỗi người chúng ta thường xuyên bị chìm vào trong bóng tối của tội lỗi, khi ta quay lưng lại với Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa nhân từ đã cho chúng ta có những ngày tháng dể nhìn lại bản thân, xem những vùng tối trong tôi là gì để tôi biết mở lòng cho ánh sáng chân lý và tình yêu Chúa chiếu vào vì “ánh sáng phá tan bóng tối và bóng tối không diệt được ánh sáng”. Ánh sáng đó chính là Ngôi Lời, là cội nguồn của sự sống. Chính nhờ Ngôi Lời mà muôn vật được tạo thành (Ga1,3)
Mùa Vọng chính là cuộc hành trình đi ra khỏi vùng tăm tối của lòng mình, để bước vào miền ánh sáng mà Thiên Chúa tỏ cho chúng ta qua Con của Ngài, như các nhà hiền sĩ xưa đã được ánh sao lạ dẫn đường đến gặp Chúa Giáng Sinh. Ngày nay, chúng ta được chính Người Con ấy soi đường dẫn lối qua lời của Ngài và những chỉ dẫn của Mẹ Giáo Hội. Nhờ đó chúng ta luôn được sống trong niềm vui và hạnh phúc mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho chúng ta. Cho dù, thế giới chúng ta đang phải đối diện với bóng tối của chiến tranh, nhất là chiến tranh ngay tại nơi Ngôi Hai Thiên Chúa đã sinh ra và còn bao nhiêu điều khhiến chúng ta cảm thấy chán ngán, sợ hãi, thất vọng… Trong tất cả hoàn cảnh ấy, chúng ta hãy tin rằng Ngôi Lời vẫn luôn là ánh sáng cho chúng ta, dẫn chúng ta ra khỏi miền u tối đó. Điều quan trọng là chúng ta mở lòng cho ánh sáng Ngài chiếu qua.
Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, là ánh sáng cho nhân loại khi vui cũng như khi buồn. lúc bình an hay khi sợ hãi. Xin ở cùng chúng con luôn mãi!
CĐ Nhà Chính
NGƯỜI ĐÃ ĐẾN NHÀ MÌNH
Mấy ngày hôm nay, không khí lạnh tràn về, gió cũng bắt đầu thổi nhiều. Gió tung qua vòm cây thổi lá rơi xào xạc, gió lốc cuốn bụi bay đầy trời, gió rít dưới mái tôn rầm rập. Ngày mừng Chúa Giáng Sinh đã cận kề, trong cái gió và lạnh, tôi mường tượng lại khung cảnh năm xưa Mẹ Maria đã sinh hạ Hài Nhi Giêsu.
Trời đã tối, gió lạnh thổi từng cơn rét căm, thánh Giuse cùng với Mẹ Maria chật vật đi hết quán trọ này đến quán trọ khác mà không thể tìm được một chỗ dừng chân, cuối cùng phải trú tạm nơi chuồng súc vật. Tôi tự hỏi lúc ấy Mẹ Maria đã cảm thấy thế nào? Ngày truyền tin, sứ thần Gabriel đã nói với Mẹ rằng Mẹ sẽ sinh hạ Con Đấng Tối Cao, Đấng ấy sẽ trị vì nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận (x. Lc 1,31-33). Đấng ấy chính là Đấng Cứu Thế mà muôn dân đang đợi trông. Thế mà khi Đấng ấy sắp sửa chào đời, không người nào biết, cũng chẳng ai hay, lại còn chịu cảnh bị xua đuổi, như lời thánh Gioan đã viết, Người đã đến nhà mình, mà người nhà lại không đón nhận (x. Ga 1,13). Có lẽ cái lạnh rét buốt Người phải chịu không là gì so với sự băng giá của lòng người.
Thế mới thấy Thiên Chúa yêu thương con người biết bao. Quả thực, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một Ngài (x. Ga 3,16). Người Con ấy là Ngôi Lời hằng hữu, là Đấng có quyền năng vô biên, Người chỉ phán một lời là mọi sự liền có. Vậy mà Người chấp nhận mặc lấy xác phàm, trở nên một con người yếu ớt, đầy giới hạn. Người đầy quyền uy như thế, mà nay dưới hình hài một bé thơ, Người cũng cần vòng tay và dòng sữa của mẹ, cần sự bảo bọc chở che của cha nuôi Giuse, cần đến hơi thở của bò lừa để sưởi ấm. Người đã tự hủy mình để đến “cắm lều” ở giữa dân Người. Người là Đấng Emmanuel, Người đến ở cùng và cùng đồng hành với dân Người, cùng chia sẻ phận người mong manh, yếu đuối và giới hạn. Người đến mang ơn cứu độ cho con người, thế nhưng có mấy ai thực sự mong chờ và nhận ra Người khi Người đến?
Trong cuộc sống hôm nay, Người vẫn hiện diện nơi những người nghèo khổ, yếu đau, bệnh tật, khiếm khuyết… không chỉ thể xác mà còn tinh thần. Những con người ấy vẫn lặng lẽ ở quanh tôi, có thể nơi đô thị phồn hoa hay những khu nhà ổ chuột, ở những vùng sâu vùng xa tít tắp hay trên vùng rẻo cao heo hút. Tôi có thấy Người ở nơi họ không? Tôi có dám vượt ra khỏi cái an toàn, khỏi sự ấm áp mình đang có để đến với họ và để họ đến với mình? Người đã đến nhà mình, ước mong sao tôi biết mở rộng tâm hồn mình đón tiếp Người để tôi được ở cùng với Người như Người vẫn ở cùng với tôi.
Cộng đoàn Pleiku
Nói Nhỏ Với Chúa Hài Nhi
Thưa Chúa Hài Nhi, năm phụng vụ mới chưa bắt đầu, nghĩa là chưa bước vào Mùa Vọng nhưng nơi nơi đã rộn ràng làm hang đá, trang trí đèn điện, các quán ăn, các shop cũng đã tưng bừng không khí Mừng Chúa Giáng Sinh.
Chị em chúng con không từng bừng, không náo nhiệt như bên ngoài nhưng trong sự âm thầm, giản dị chúng con đã cùng nhau chuẩn bị cho Chúa những hang đá nhỏ xinh với niềm khao khát mong chờ Chúa đến.
Bước vào Mùa Vọng chị em chúng con cùng có chung mong ước là có được một Mùa vọng sốt sắng, để nhắc nhở nhau sống tâm tình Mùa Vọng , chúng con đã viết lên bảng hàng chữ “ Hãy tỉnh thức”, để hàng ngày chúng con có thể nhìn thấy và nhắc nhở bản thân hãy sống tâm tình tỉnh thức. Nhà nguyện cũng được trang trí hàng tuần theo sứ điệp của Lời Chúa. Chúa nhật I” Hãy tỉnh thức”, Chúa Nhật II “ Hãy dọn đường”, Chúa Nhật III “ Hãy vui lên!”. Các ngọn nến dần được thắp sáng cho thấy niềm vui Chúa đến đã gần kề.
Trong chương trình sinh hoạt cũng có chút thay đổi, chúng con bớt đi một ngày chơi để cùng nhau thinh lặng và suy gẫm về mầu nhiệm Chúa Nhập Thể qua các bài đọc của các giáo phụ trong giờ Kinh Sách, bớt một món ăn để chia sẻ cho những người có hoàn cảnh khó xung quanh chúng con, dành thời gian nhiều hơn đi thăm những người già yếu, bệnh tật trong giáo xứ.
Lạy Chúa Hài Nhi, nhỏ bé thôi, đơn sơ thôi nhưng chúng con muốn dâng lên Chúa để cầu nguyện cho thế giới được an bình, cho quê hương của chúa sớm kết thúc chiến tranh, chúng con còn cầu nguyện cho Hội dòng, tỉnh dòng, cho cộng đoàn và từng chị em Nữ Tỳ Thánh Thể sống đúng ơn gọi của người Nữ Tỳ tôn thờ.
CĐ Bình Hải
HANG ĐÁ HIỆP HÀNH
Hang đá hiệp hành.
Hiệp hành chị em cùng dựng hang đá.
Người leo cao gắn sao, gắn điện,
Chị xây khách sạn, chị lợp mái lều.
Chị lục đục dọn chỗ cho gia đình thánh.
Chị bê cây cảnh, chị bế núi đồi…
Phút chốc trong nhà nguyện đã đổi thay,
Hang đá Bêlem đã hoàn thành
Mừng Chúa Giáng Sinh.
Nhìn ngoài chẳng đẹp cũng. chẳng xính.
Nhưng tình hiệp hành thật là đáng quý.
Giêsu, Ngài đã giáng trần,
Giúp con nên thánh hiền hòa từ đây.
CĐ Hiền Hòa
Cần một Bêlem như thế…
Bêlem nghĩa là Nhà Bánh và chính Chúa Giêsu là bánh Thánh Thể. Người là tâm điểm của ngôi nhà Bêlem và giờ đây chính Người là tâm điểm của đời tôi, đời chị và của tất cả chúng ta.
Bêlem năm ấy nghèo – lạnh – buồn. Cái nghèo của vật chất và nghèo tình người, cái lạnh của thời tiết và băng giá trong tâm hồn, cái hiu quạnh của đồng hoang và buồn vì lòng người vô cảm chẳng chịu đón nhận Chúa vào trong cuộc đời mình. Nhưng vượt trên tất cả, Chúa đã đến ở cùng, ở với, ở giữa và ở trong những điều tưởng chừng bi đát, tuyệt vọng và khốn cùng nhất. Người là EMMANUEL đã đến để cảm thông với những yếu hèn của thân phận loài người chúng ta; đem bình an, hy vọng và sự giàu có của tình yêu, hơi ấm của hòa giải và niềm vui của tha thứ. Chúa đã đến, đang đến với Bêlem tâm hồn của mỗi người, Bêlem Cộng đoàn, Bêlem thế giới này. Sẽ là một Bêlem nghèo khổ, giá lạnh, quạnh hiu và từ chối Chúa vì con người chỉ muốn ngủ mê trong kiêu ngạo, chai lì trong hận thù, tham lam, ích kỷ, vô cảm với mọi thứ ngoại trừ tiền bạc, danh vọng, thú vui vật chất… hay sẽ là một Bêlem ấm áp tình Chúa, tình người, một Bêlem chan hòa niềm vui, hạnh phúc và no thỏa. Tất cả tùy thuộc vào thái độ sống và sự chọn lựa của mỗi người chúng ta.
Người đã đến nhà mình… những ai đón nhận Người sẽ được quyền trở nên con Thiên Chúa. (Ga 1, 11-12). Vì thế, Giáng sinh này sẽ thật ý nghĩa khi người người, nhà nhà thực sự là một Bêlem thật mới, thật khác. Đó là một Bêlem mà mọi người nơi đó hiệp hành với nhau, cùng chia sẻ niềm vui nỗi khổ của nhau, cùng nhau đón Chúa. Và, cần biết bao một Bêlem bình yên, sâu lắng, khiêm tốn im tiếng để cung kính tôn thờ Đấng đem Lời và Thánh Thể Người dưỡng nuôi chúng ta.
Cđ Kim Thượng.
“ NGÔI LỜI ĐÃ LÀM NGƯỜI VÀ Ở GIỮA CHÚNG TA” ( Ga1,14)
Mỗi mùa Noel về, mọi người đều nô nức giăng đèn sáng khắp nơi, với nhiều kiểu dáng khác nhau. Nhiều giáo xứ tập trung làm nhiều hang đá rất lộng lẫy. Cùng hòa chung tâm tình đó, nhà hưu chúng con cũng bắt tay vào làm cho Chúa một máng cỏ với những vật dụng thô sơ, dân giã nhất.
Đặc biệt, chúng con gửi gắm tất cả tâm tình của chúng con qua chủ đề: “ Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” ( Ga 1, 14). Chúng con muốn mời Chúa ở lại trong thân phận của một người bệnh phải gắn bó cả đời trên xe lăn để chúng con cảm thấy Chúa cũng chịu những đau đớn như chúng con. Nhờ đó, chúng con cũng mong ước bản thân mình cũng đón nhận những trở ngại của tuổi già để được nên đồng hình đồng dạng với Chúa hơn.
-
Chúa Hài Đồng được đặt trên chiếc xe lăn:
Hình ảnh chiếc xe lăn thật gần gần gủi với người già, người khuyết tật. Đối với nhà hưu thì nó không thể thiếu được. Nó giúp chúng con dễ dàng đến với Chúa trong những giờ kinh nguyện. Nhất là vẫn có thể chu toàn sứ mệnh thờ phượng.
Qua hình ảnh Chúa trên xe lăn, chúng con mong ước mỗi chị em để cho Chúa được sinh ra và ở lại trong cuộc đời đau yếu bệnh tật của từng người chúng con.
-
Quyển kinh thánh và bánh thánh:
Với chủ đề “Hiệp hành với Giáo hội nhờ Lời Chúa và Thánh thể”, là một tu sĩ Thánh thể, chúng con cũng muốn có thêm bạn đồng hành là Kinh Thánh và Thánh Thể. Chúng được trang trí bằng xốp trắng như sự thuần khiết của Lời Chúa và Thánh Thể.
-
Hình ảnh núi đá được làm từ những bao đựng xi măng.
Chúng con muốn họa lại phần nào khung cảnh xa xưa, nơi Chúa chào đời. Núi đá là cái gì chắc chắn, vững trãi, có thể ngăn cản gió lốc lùa vào nơi Chúa nằm.
Để làm thành một núi đá đẹp thì dù là cái bao nguyên hay bao nửa, tất cả phải chịu lộn ra, bị sơn phết và bị bóp méo… để làm thành những viên đá lớn nhỏ. Từ đây, không ai gọi chúng là bao xi măng nữa. Mỗi viên đá được đặt vào những vị trí thích hợp: có khi là ở trước, sau, trên hay dưới và thậm chí phải đứng một mình… Nhất là chúng cần phải được gắn kết với nhau bằng những kim ghim. Nhờ đó mới làm thành hang đá đẹp và vững chắc được.
Đó chính là hình ảnh của những người sống đời dâng hiến nói chung và của quý chị em nhà hưu nói riêng: Lúc này đây: mắt mờ, tay yếu, chân run…thì Chúa vẫn muốn chúng con luôn là những “viên đá” trong “hang đá Hội Dòng”. “ Viên đá” đó tròn hay méo, to hay nhỏ, được đặt ở đâu không quan trọng, miễn sao chúng còn được đặt cạnh nhau, hiệp hành với nhau, động viên khích lệ nhau…Nhờ đó mọi người có thể nhận ra “Hang đá Nữ Tỳ Thánh Thể” thật sự là hang đá có Chúa hiện diện đầy tình yêu thương ấm áp.
-
Hình ảnh Đức Mẹ và Thánh Giuse trước các bánh xe.
Đôi khi chúng con dễ nại vào sức khỏe để cho phép mình trễ nải, không chu toàn bổn phận thì xin Đức Mẹ, thánh Giuse như những bánh xe giúp chúng con ra khỏi sự ươn lười và vượt thắng chính mình.
-
Hình ảnh một sr chống gậy và những bông hoa bằng giấy:
Mỗi chị hưu dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn cố gắng mỗi ngày để chu toàn sứ mệnh của mình. Đồng thời, chị em cùng nhắc nhở và trợ giúp nhau đến với Chúa.
-
Bộ bàn ghế đặt gần hồ cá. Bên cạnh là hình ảnh thiên thần và một người đang trò chuyện.
Đây là nơi thư giản. Chị em có thể đến đây để gặp gỡ nhau. Cùng nhau nói với Chúa và nói về Chúa…
-
Cây xanh: Đa số cây xanh được đặt vào đây là cây thân gỗ. Nó được xem là cây cổ thụ thu nhỏ. Điều này như muốn nhắc mỗi dì nhà hưu rằng: cho dù mọi thứ xung quanh, thân phận con người có nên như cát, đá…thì các chị hưu cũng sẽ cố gắng vươn lên mỗi ngày để có thể đem lại bóng mát, không khí trong lành, che chắn gió bão… cho các thế hệ con cháu của Dòng bằng chính lời cầu nguyện và gương sáng.
-
Ánh sáng: