Cv 10, 34a. 37- 43; Ga 20, 1-9
Chủ đề: Dấu chỉ giúp tin nhận Đức Giêsu đã sống lại.
*Ga 20,8b.9: Ông đã thấy (Ngôi mộ trống ngăn nắp) và ông đã tin. Thật vậy trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: Theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết.
*Cv 10, 40.42: TC… đã cho Đức Kitô chỗi dậy, xuất hiện tỏ tường trước chúng tôi… Và Đức Kitô truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân…
Halleluia- Chúa đã sống lại! Thánh Phaolô mời ta bước vào cuộc sống mới: “Thưa anh em, anh em không biết rằng chỉ một chút men cũng đủ làm cho cả khối bột dậy men lên sao? … Vì thế anh em hãy…lấy lòng tinh tuyền và chân thật mà ăn mừng đại lễ” (Bài đọc 2: 1Cr 5,6b- 8). Mùa Phục Sinh đã tới. Men mới là Đức Kitô Phục Sinh đã thấm nhập và hoạt động trong nhân tính của chúng ta. Từ nay cuộc sống của người Kitô hữu trở nên đầy ý nghĩa thần linh nhờ ánh sáng Phục Sinh soi chiếu. Đức Giêsu đã sống lại! Đó là niềm vui, niềm hy vọng, lẽ sống và nền tảng của đức tin Kitô giáo (x. 1Cr 15, 3.12-24).
Trong Mùa Phục Sinh phụng vụ Lời Chúa cũng đưa chúng ta vào bầu khí mới: Bài đọc 1 của Chúa Nhật thường trích từ các sách Cựu Ước, nay được thay thế bằng các đoạn trích từ sách Công Vụ Tông Đồ, nói về giai đoạn khai sinh của Giáo Hội. Từ nay, với men phục sinh, toàn thể nhân loại trở thành Dân Mới của Chúa không ai bị loại trừ. Đức tin, chứng từ của Giáo Hội, và chính Giáo Hội là phương thức Thiên Chúa dùng để bày tỏ Thánh Ý Người cho nhân loại và đón nhận biến đổi nhân loại thành Dân, Con của Chúa. Nội dung Lời Chúa trong phụng vụ Mùa Phục Sinh đương nhiên hướng về Mầu Nhiệm Đức Giêsu từ cõi chết sống lại. Tuy nhiên, điểm mà Lời Chúa Chúa Nhật 1 muốn nhấn mạnh không là SỰ KIỆN sống lại mà là BẰNG CÁCH NÀO? NHỜ NHỮNG YẾU TỐ NÀO mà các môn đệ, cũng như các tín hữu sau này nhận ra và tin được rằng ĐỨC GIÊSU đã PHỤC SINH?
Tin Mừng thuật lại sự việc xảy ra ngay tại ngôi mộ đã an táng Đức Giêsu vào “lúc trời còn tối, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần”. Mọi sự bắt đầu với việc bà Maria Madalena đi ra mồ Chúa trong tâm tình VIẾNG MỘT NGƯỜI THÂN VỪA MẤT. Điều bà nghĩ trong đầu chắc chắn Đức Giêsu là một xác chết! Do đó, trong lúc trời tranh tối tranh sáng, khi từ xa nhìn thấy tảng đá lấp cửa mồ đã bị lăn qua một bên. Hoang mang, hốt hoảng, chắc là bà không đến tận nơi để xem cho rõ sự việc như thế nào, nhưng đã sợ hãi vội chạy về báo cho Phê rô và người môn đệ được Chúa Yêu một cái tin động trời, bất hạnh do CHÍNH BÀ TƯỞNG TƯỢNG ra: Đã có người lấy trộm xác Đức Giêsu: “người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”. Nghe tin chẳng lành, hai môn đệ chạy vội ra mồ. Chắc chắn là lòng đầy bối rối, lo lắng không biết thực hư thế nào và rồi phải xử lý làm sao? Người môn đệ Chúa yêu chạy nhanh hơn. Ông đến mồ trước, nhưng không vào; từ bên ngoài nhìn vào ông chỉ thấy chung là những băng vải liệm còn để lại trong đó. Phêrô đến sau, và ông chạy thẳng vào trong mồ. Ông là người đầu tiên có mặt NGAY TẠI HIỆN TRƯỜNG. Ông thấy rõ từng chi tiết: hiện trường ngay ngắn, ngăn nắp, không có dấu hiệu gì cho thấy xác bị đánh cắp, các băng vải liệm, khăn che đầu được xếp cẩn thận đặt để đúng nơi đúng chỗ. Phêrô là CHỨNG NHÂN đầu tiên của sự kiện NGÔI MỘ TRỐNG. Lúc đó người môn đệ Chúa yêu mới vào trong mồ. Ông cũng thấy những gì Phêrô đã thấy và bản văn Tin Mừng viết thêm “VÀ ĐÃ TIN”. Thời điểm đó, Đấng Phục Sinh chưa hiện ra cho bất kì ai vậy yếu tố nào giúp ông TIN mà không cần tiếp xúc bằng giác quan với Đấng Phục Sinh? Lúc đó ông được ơn soi sáng HIỂU KINH THÁNH.
Thật ra, Lời Kinh Thánh liên quan đến phục sinh đã được Đức Giêsu loan báo trước, lúc Người còn sinh tiền. Nhưng khi đối đầu với cái chết đau thương, khủng khiếp của Đức Giêsu, các môn đệ không còn nhớ gì đến phục sinh nữa. Giờ đây đứng trước ngôi mộ trống với những chi tiết phản bác việc cho rằng xác bị đánh cắp, các ông nhớ lại và hiểu lời Đức Giêsu, cuối cùng khám phá ra và tin Người đã phục sinh mà không cần chứng kiến Người hiện ra.
Sau khi Chúa thăng thiên, các tông đồ đi khắp nơi công bố Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người. Bài đọc 1 hôm nay trích từ sách Công Vụ, thuật lại lời rao giảng của Phêrô cho viên sĩ quan Rôma tên Cornêliô để dọn lòng ông đón nhận đức tin Kitô giáo. Nội dung chính của lời rao giảng là mầu nhiệm chết và sống lại của Đức Giêsu. Các tín hữu thế hệ sau Thăng Thiên, không ai gặp được Đấng Phục Sinh, không mấy ai thấy ngôi mộ trống; Nhưng họ vẫn có Lời Chúa nhờ lời rao giảng của các tông đồ và của cộng đoàn tín hữu, kèm theo chứng từ tông truyền làm nền tảng (x.Cv10, 12), nhờ đó dù không trực tiếp gặp Đấng Phục Sinh bằng giác quan thể lý thì họ vẫn có được các yếu tố nền để tin rằng Đức Giêsu đã Phục Sinh.
Lời Chúa và chứng từ tông truyền mãi là yếu tố căn bản giúp tín hữu mọi thời, mọi nơi có điểm tựa vững chắc để tin rằng Chúa thực sự đã Phục Sinh.
Đời sống mỗi tín hữu và cuộc sống cộng đoàn kẻ tin đồng tâm nhất trí là máng chuyển lưu truyền đức tin Phục Sinh cho muôn thế hệ.
Frères Đình Long FSC