MỤC TỬ NHÂN LÀNH.

Chúa nhật IV Phục Sinh. Tin Mừng (Ga 10, 1-10)

            Hình ảnh mục tử có vẻ xa lạ đối với người Việt nam. Thế nhưng đối với người Palestine thời ấy, đầy là hình ảnh rất đẹp. Nó diễn tả sự gần gũi, quan tâm chăm sóc hết mình trong liên hệ chủ chăn và đàn chiên. Sự hiện diện gắn bó của mục tử đối với đàn chiên là không thể thiếu.

            Đời sống của mục tử tại Palestine rất vất vả. Không có bầy chiên nào dám ăn cỏ nếu không có người chăn chiên bên cạnh. Vì thế, người chăn chiên không hề được nghỉ ngơi. Những vùng cỏ ít, chiên phải đi dông dài, không hàng rào bảo vệ, người chăn phải luôn luôn dõi theo đàn không rời mắt. Công việc của người chăn chiên không chỉ có tính cách thường trực mà còn có khả ngăn gặp nhiều nguy hiểm nữa. Phải tìm cách chống trả với những bầy thú dữ như sói, hay những lần phải đối mặt với những tên trộm cướp đến bắt chiên. Có thể nói những đặc điểm nổi bật nhát của người chăn chiên là: thường xuyên canh thức theo dõi, can đảm không sợ hãi, khiên nhẫn yêu thương bầy chiên mình.

            Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng đã tự sánh ví mình như người mục tử nhân lành. Khác với những kẻ chăn thuê và giữ mướn, những kẻ trộm cướp và lợi dụng, người mục tử đích thực chỉ biết phục vụ đoàn chiên và giải thoát đoàn chiên khỏi mọi sự dữ.

            Đổi lại, con chiên nghe tiếng người mục tử, hăm hở đi theo và tỏ lòng yêu mến quyến luyến với người mục tử. Người ấy sẽ đi trước để bảo vệ đoàn chiên. Còn đoàn chiên thì theo sau một cách ngoan ngoãn, để rồi cuối cùng sẽ đến được nơi đồng cỏ xanh và nơi dòng suối mát. Chính Ngài đã phán: Ta đến để chúng được sống và được sống một cách dồi dào. Thực hiện mục đích ấy, Ngài đã phải trả bằng một giá rất đắt, bằng chính mạng sống của mình.

            Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh người mục tử với đoàn chiên để nói về Người với nhân loại, cách riêng đối với Hội Thánh là từng người Kitô hữu chúng ta. Giống như người mục tử trong Tin Mừng là biết đích danh từng con một, đi trước đoàn chiên và không để cho chiên nghe tiếng người lạ…Chúa Giêsu cũng khẳng định Ngài là mục tử biết từng người chúng ta luôn chăm sóc chúng ta và tâm sự với từng con chiên một là từng người chúng ta để giúp chúng ta không nghe theo tiếng của ma quỷ, của thế gian, của những thế lực không thuộc về Thiên Chúa. Người mục tử đi trước đoàn chiên, nói lên tâm tình của Chúa Giêsu là đi trước nhân loại, bảo vệ nhận loại, không để cho nhân loại bị rơi vào tay của ma quỷ, của sự chết bằng cái chết thập giá và phục sinh của Người. Người đã mang lại sự sống dồi dào cho đoàn chiên là những kẻ thuộc về Người.

            Chúa Giêsu đã nói về Ngài như là mục tử chăn dắt chiên. Ngài sẽ đến với đàn chiên qua cửa chuồng chiên. Ngài sánh ví mình với hình ảnh trái ngược về những người ăn trộm. Họ lần mò vào đàn chiên không bằng cửa chính, và sẽ không thể điều khiển đàn chiên theo họ đi ra ngoài. Họ là người xa lạ, và các con chiên sẽ chạy trốn, vì chúng không nghe được tiếng của họ.

            Chiên bị bỏ rơi nên đi hoang, bị thú dữ ăn thịt và kẻ cướp dẫn đi là chuyện đương nhiên phải xảy ra. Có trách là trách các chủ chăn đã không màng đến sự an nguy của chiên. Chuồng thì rách nát và tan hoang; cửa thì hư hỏng và bỏ ngỏ; thức ăn thì thiếu thốn và không hợp vệ sinh; sói chưa đến chủ chiên đã bỏ chạy. Với những điều kiện tồi tệ như thế, số phận của chiên thật thê thảm!.. Ý thức được vấn đề mất chiên mới là bước đầu. Bước quan trọng kế tiếp là duyệt xét và sửa sai vấn đề mục vụ, đời sống thiêng liêng, chương trình huấn luyện và vào đời theo mô hình Đức Kitô là Chúa chiên.

            “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27). Thiên Chúa là chủ chiên nhân lành, Người yêu thương mỗi người chúng ta bằng một tình yêu cá biệt, cho dù chúng ta có què quặt đui mù, có xấu xa đốn mạt đến đâu, mỗi người chúng ta đều có chỗ đứng độc nhất vô nhị trong tình yêu bao bọc của Chúa; mỗi người chúng ta đều có vị trí đặc biệt trong trái tim yêu thương của Người. 

            Chúa Giêsu đưa ra một tiêu chuẩn để phân biệt mục tử và kẻ trộm cướp. Mục tử thì đi vào ràn chiên bằng cửa ràn, nghĩa là với phong thái “đường đường chính chính”. Còn kẻ trộm hay kẻ cướp thì không qua cửa nhưng trèo qua lối khác mà vào, với phong thái lén lút, giả dối, không đàng hoàng. Mà cửa ràn chiên, theo bài Tin Mừng hôm nay, lại cũng chính là Chúa Giêsu: “Tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào”. Vậy để là mục tử đích thật, người mục tử phải qua Chúa Giêsu mà đến với đàn chiên, nghĩa là phải là người yêu mến Thiên Chúa, và phục vụ đàn chiên vì Ngài, không vì một động lực nào khác.

            Trong phần cuối của chương này, Chúa Giêsu đã đưa hình ảnh người chăn chiên nhân lành để nói về chính Ngài. Một khía cạnh khác khá quan trọng khi trưng dẫn hình ảnh này, đó là cánh cửa được mở ra cả hai hướng: Đi vào và đi ra. Nhưng Tin Mừng hôm nay quy chiếu về Đức Giêsu như là cửa chuồng chiên. Các môn đệ không chỉ đến với đàn chiên qua Ngài, nhưng họ còn được Ngài dẫn ra ngoài đồng cỏ để bổ dưỡng.

            Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên. Muốn đi vào đoàn chiên và phục vụ đoàn chiên thì người ta sẽ đi qua cửa chính mà vào, tất cả mọi lối đi vào khác đều là lối đi của quân trộm cướp. Qua hình ảnh này, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, chỉ có một cung cách phục vụ duy nhất đó là phục vụ như Ngài đã phục vụ, nghĩa là sẵn sàng hiến thân cho và vì tha nhân mà thôi. Ai sống và phục vụ như Chúa Giêsu thì kẻ ấy thuộc về Ngài, còn ai sống ngược lại cung cách phục vụ của Ngài thì kẻ ấy chỉ là quân trộm cướp mà thôi.

            Thật vậy, đã là mục tử chân chính thì tư tưởng, lời nói, hành động lúc nào cũng phải bộc lộ được tính “quang minh chính đại”, hay “đường đường chính chính”, luôn luôn thẳng thắn, trung thực, đáng tin. Người mục tử chân chính ít ra phải là một người quân tử. Nếu tư tưởng, lời nói và hành động như một kẻ tiểu nhân, thích quanh co, lén lút, dối trá, sợ sự thật… thì không xứng đáng làm mục tử. Hơn thế nữa, người mục tử chân chính phải có một tình yêu to tát, để có thể hy sinh đến tận cùng cho những người mà mình lãnh đạo, hướng dẫn.

            Chúa Giêsu luôn mời gọi mỗi người tiếp bước theo Ngài trong nhiệm vụ chăn dắt. Hình ảnh Mục tử nhân lành Giêsu sẽ không mờ nhạt đi nếu Giáo hội vẫn còn những con người dám xả thân phục vụ vì hạnh phúc con người, vì tương lai của Giáo hội và vì lý tưởng cao đẹp là mỗi ngày có thêm nhiều người nhận biết Thiên Chúa là tình yêu.

             Chúa Nhật thứ IV Phục Sinh hằng năm, còn gọi là Chúa Nhật Chúa Chăn Chiên Lành, Giáo Hội dành riêng để cầu nguyện cho ơn thiên triệu, nghĩa là cầu xin Chúa ban cho Giáo Hội có nhiều người trẻ biết hy sinh, biết quãng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu để dâng mình cho Chúa trong ơn gọi làm Linh mục, làm tu sĩ. Đây là vấn đề sống còn của Giáo Hội. Giáo Hội hôm nay cũng như trong tương lai vẫn luôn cần đến sự hướng dẫn của các mục tử để đoàn chiên được sống trong đồng cỏ xanh tươi. Vì thế, suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội, Chúa Giêsu vị Mục tử tối cao đã chọn các Mục Tử là các Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các Linh mục, Ngài trao phó cho họ tất cả với điều kiện là phải trở nên vị Mục Tử tốt lành như Ngài.

Huệ Minh