Thứ bảy vừa qua, Hiệp Hội Thánh Thể liên giáo xứ Micae, Giuse, Bùi Đức,… mừng lễ Bổn mạng Đức Mẹ núi Cát Minh tại nhà Chính dòng Nữ Tỳ Thánh Thể. Có khoảng 50 thành viên tham dự. Cha Đaminh Phạm Văn Vàng, dòng Thánh Thể chủ tế. Thánh lễ diễn ra thật sốt sắng. trang nghiêm. Sau thánh lễ, mọi người cùng chia sẻ bữa ăn Agape thật vui và ý nghĩa.
Đây là bài giảng của Cha, xin gởi đến quý thành viên
(Dcr 2, 14-17 ; Ep 1, 3-6.11-12; Mt 12, 46-50)
Kính thưa Anh chị em,
Hôm nay cùng với Giáo Hội, chúng ta mừng lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh mà chị em trong Hiệp Hội Thánh Thể đã chọn làm bổn mạng. Chị em có biết tại sao lại có tước hiệu Lễ Đức Mẹ Núi cát Minh này không? Và Núi Cát Minh này ở đâu? Lịch sử của ngày lễ này như thế nào? Lễ này có ý nghĩa gì trên cuộc đời của mỗi người Ki-tô hữu chúng ta ?
Vì thế, tôi mời anh chị em cùng tìm hiểu đôi nét về tước hiệu Đức Mẹ Núi Cát Minh này.
Trước hết, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về lịch sử và ý nghĩa của lễ này:
Thưa Anh chị em,
Núi Cát Minh là một ngọn núi có thể nói là thơ mộng tại đất nước Palestine (x. Is 33,9; 35,2; Gr 46,18; 50,19; Am 1,2).
Tại ngọn núi này, vào khoảng hơn 1.000 năm trước Chúa Giáng Sinh, ngôn sứ Êlia đã đứng lên thách thức các thần Bana là những người chống đối lại lời rao giảng của của ông, tất cả khoảng 400 vị. Cuối cùng, ngôn sứ Êlia đã chiến thắng nhờ lời cầu nguyện mà ông dâng lên Thiên Chúa và được Chúa nhận lời qua việc cho lửa từ trời xuống thiêu đốt của lễ thành lễ vật toàn thiêu (x. 1V 18,16-40).
Cũng tại Núi Cát Minh, vào thời Trung Cổ, khoảng năm 1155, có những nhà ẩn tu đã tìm đến nơi đây để tu luyện, dần dần họ sống thành cộng đoàn thay cho lối sống riêng lẻ như trước. Từ đó, nơi đây thành hình một cộng đoàn Đan tu chuyên lo việc cầu nguyện. Sau này cộng đoàn Đan tu đã lấy tên thành Dòng Cát Minh. Các tu sĩ ở đây đã chọn tiên tri Êlia làm tổ phụ của dòng. Cũng từ đây, sau này phát xuất ra nhiều dòng tu khác trong Giáo Hội.
Bên cạnh đó, các tu sĩ còn bày tỏ lòng tôn kính Đức Maria cách đặc biệt. Các ngài tôn sùng và noi gương Mẹ về đời sống chiêm niệm. Họ xác tín rằng, nơi Mẹ Maria là khuôn mẫu cho đời sống chiêm niệm, bởi vì Kinh Thánh đã nói: Mẹ luôn suy đi và nghĩ lại trong lòng cũng như đem ra thực hành trong đời sống những điều Thiên Chúa muốn (x. Lc 2,19. 51b).
Ngoài việc các tu sĩ yêu mến Đức Mẹ ra thì chính Đức Mẹ cũng tỏ lòng thương mến các tu sĩ cách đặc biệt, vì thế, năm 1251, tại Núi Cát Minh, Đức Mẹ đã trao cho thánh Simon Stock trong một thị kiến tại Cambridge khăn choàng vai, còn được gọi là “Bộ Áo Đức Bà”. Đây là dấu chứng tình thương của Mẹ dành cho con cái.
Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Núi Cát Minh được thiết lập khoảng năm 1380 vào thời Đức Giáo Hoàng Ho-no-ri-us III (1226). Nhưng mãi đến năm 1726 (nghĩa là 500 năm sau), lễ này mới được phổ biến rộng rãi trong toàn Giáo Hội.
Kế đến, chúng ta được mời gọi sống đời cầu nguyện và chiêm niệm theo gương Đức Maria:
Kính thưa Anh chị em,
Mừng kính lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh, Giáo Hội mong muốn con cái mình noi gương Mẹ về đời sống cầu nguyện và chiêm niệm trong thinh lặng, để nhận ra thánh ý Thiên Chúa và mau mắn thi hành.
Mặc dù Kinh Thánh không nói nhiều về tinh thần chiêm niệm nơi Đức Maria. Tuy nhiên, chỉ một vài đoạn Kinh Thánh cũng đủ cho thấy Mẹ có một đời sống chiêm niệm rất sâu xa.
Trong biến cố giáng sinh, sau khi các mục đồng đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu, khi họ ra về, Kinh Thánh nói về Đức Maria như sau: “Bà Maria hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng!” (Lc 2,19. 51b).
Qua câu nói này, tác giả Kinh Thánh muốn diễn tả nơi nội tâm Mẹ có một sự chiêm niệm rất sâu lắng và luôn kết hiệp mật thiết với Chúa.
Vì thế, cả cuộc đời Mẹ, chúng ta thấy Mẹ đã thể hiện một con người với những tính cách nội tâm sâu xa như:
+ Khi đủ 8 ngày, theo luật Môsê, Mẹ đã lên đền thờ thực thi nghi lễ tẩy uế và tiến dâng Con của mình cho Thiên Chúa. Lúc ấy, cụ già Simêon đã nói tiên tri về Hài Nhi và cũng tiên báo về những nỗi khổ đau mà Mẹ phải chịu. Mẹ đã không tỏ ra lo sợ, ngược lại, âm thầm và hiến dâng cho Thiên Chúa tất cả.
+ Khi được thánh Giuse báo tin, là sẽ phải trốn sang Aicập để lánh nạn, rồi một thời gian sau cũng từ Aicập trở về… Kinh Thánh không nói gì thêm, nhưng theo lẽ thường, chúng ta hiểu, Mẹ Maria đã hoàn toàn âm thầm và vâng phục thánh Giuse để thi hành ý muốn của Thiên Chúa.
+ Sau khi cùng con đi lễ đền thờ Giêrusalem, khi tan lễ, Đức Giêsu ở lại đền thờ, trong khi Mẹ Maria đã trở về. Sau 3 ngày mới phát hiện con không cùng về với đám bà con thân thuộc, vì thế Mẹ đã hối hả quay trở lại đền thờ để tìm, khi tìm thấy, Mẹ hết sức bình tĩnh và nhẹ nhàng.
+ Biến cố tiệc cưới Cana, đã làm cho chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi cách hành xử khôn khéo và tế nhị của Mẹ khi thấy gia chủ hết rượu. Mẹ rất nhẹ nhàng đến bên Đức Giêsu và nói:“Này con, họ hết rượu rồi”.
+ Trong suốt lộ trình thương khó của Đức Giêsu, Mẹ đã theo sát con mình trên từng bước đường đau thương, trong âm thầm và xót xa ! Rồi khi đứng dưới chân thập giá, Mẹ đã chứng kiến cảnh tượng hãi hùng đến ghê rợn khi người ta hành hạ Con mình. Tuy nhiên, Mẹ vẫn âm thần nén nỗi đau vào trong, để kết hợp với Con nhằm cứu chuộc nhân loại.
+ Trong thinh lặng, Đức Giêsu đã trao thánh Gioan cho Mẹ và trao Mẹ cho thánh Gioan, Mẹ đã âm thầm đón nhận.
+ Rồi khi cùng với các Tông đồ quy tụ trong nhà Tiệc Ly, Mẹ cũng âm thầm trong sự sâu lắng để tha thiết xin CTT ngự xuống.
Như vậy, nơi Mẹ Maria, chúng ta tìm thấy đời sống cầu nguyện và chiêm niệm thật tuyệt vời được diễn ra mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh.
Tiếp theo, Mẹ Maria là mẫu gương của việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa
Thưa Anh chị em,
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, tác giả đã chỉ ra cho chúng ta thấy sự tài tình và khéo léo của Đức Giêsu khi đề cao Mẹ mình trước dân chúng.
Đức Giêus đã ca ngợi sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa nơi Mẹ Maria qua câu nói: “Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”. Có lẽ hơn ai hết, Đức Giêsu hiểu Mẹ mình hơn tất cả mọi người ! Vì thế, câu nói này tuy gián tiếp, nhưng nó lại trực diện nơi người nghe, để ai nấy hiểu rằng: Mẹ Maria là người tiên phong trong việc lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa.
Tinh thần vâng phục tuyệt đối nơi Mẹ biểu trưng cho một tâm hồn tràn đầy Chúa. Vì thế, đời sống chiêm niệm và cầu nguyện cách sâu xa và mật thiết là điểm nổi bật nơi Mẹ Maira.
Mừng lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh hôm nay, Sứ điệp ngày lễ và Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy yêu mến đời sống cầu nguyện và chiêm niệm. Vì chỉ khi cầu nguyện trong tinh thần yêu mến, chúng ta mới thực sự trở thành môn đệ của Chúa cách trung thành. Bởi vì nhờ cầu nguyện, chúng ta biết được thánh ý Thiên Chúa. Nhờ đời sống chiêm niệm, chúng ta mới nhạy bén để thực thi thánh ý của Người.
Bên cạnh đó, cần phải chuyên chăm đọc và suy gẫm Lời của Thiên Chúa trong Thánh Kinh, để từ đó, biết sống sao cho đẹp lòng Thiên Chúa như Mẹ Maria khi xưa.
Noi gương Mẹ Maria, chúng ta hãy yêu mến đời sống cầu nguyện và chiêm niệm trong thinh lặng để suy đi nghĩ lại những biến cố đã và đang xảy đến với mỗi người chúng ta, gia đình chúng ta, để từ đó, biết nhận ra thánh ý của Thiên Chúa và mau mắn thi hành.
Cuối cùng, kính thưa Anh chị em,
Toàn thể Giáo Hội chúng ta đang sống trong giai đoạn đầu là cấp Giáo phận của tiến trình THĐ.GMTG lần thứ XVI, sẽ được tổ chức tại Rôma vào tháng 10 năm 2023 với chủ đề HƯỚNG TỚI MỘT GIÁO HỘI HIỆP HÀNH được triển khai qua 3 bước, đó là : Hiệp Thông, Tham Gia và Sứ Vụ.
Và để đạt được hiệu quả tốt nhất cũng như góp phần tích cực cho khóa họp của THĐ.GMTG lần thứ XVI sắp tới vào tháng 10/2023, khi triển khai 3 bước: Hiệp Thông, Tham Gia và Sứ Vụ, mỗi người chúng ta được mời gọi thực hành 3 phương thế căn bản và thiết yếu sau đây, đó là GẶP GỠ – LẮNG NGHE và PHÂN ĐỊNH.
+ Tại sao phải Gặp Gỡ ? Thưa, để tạo ra tương quan giữa chúng ta với nhau. Vậy, nếu thời đại bây giờ gọi cho nhau bằng Viber, hay nhắn tin trên Zalo cho nhau đã là gặp gỡ chưa? Thưa chưa, đó mới chỉ là liên lạc hay trao đổi. Bởi sẽ rất khác, nếu chúng ta có thể diện đối diện trong ánh nhìn, trong sẻ chia, trong những tâm tình mà chỉ tương quan trực tiếp mới có thể thực hiện được. Chúng ta có kinh nghiệm rất rõ thế nào là gặp gỡ trong những ngày vào dịp Lễ, Tết. Việc đến tận nhà để gặp nhau, diện đối diện, tay bắt mặt mừng mới cho chúng chúng ta một kinh nghiệm của Gặp Gỡ đúng nghĩa.
+ Tại sao phải Lắng Nghe? Thưa, chúng ta dễ Gặp gỡ để nói, chứ ít khi Gặp Gỡ để Lắng Nghe. Nhưng lắng Nghe mới là điều ĐGH Phanxico muốn chúng ta thực hiện trong Thượng Hội Đồng lần này. Nên, biết Lắng Nghe người khác hơn là nói cho người khác nghe; vì biết nghe thì khó hơn nói. Vì chính lắng Nghe sẽ giúp ta hiểu người khác để cảm thông với họ, hơn là chỉ muốn nói, để mong người khác hiểu và cảm thông với mình.
+ Và tại sao phải Phân Định ? Thưa, thông thường chúng ta tới gặp nhau để họp bàn điều gì đó, rồi biểu quyết để thực hiện theo ý kiến của đại đa số. Các tổ chức xã hội dân sự vẫn quen làm như thế! Tuy nhiên, đây có thể là cơn cám dỗ cho các sinh hoạt trong mỗi cộng đoàn giáo xứ hiện nay. Vì đấy không phải là phân định! Cộng đoàn Hội Thánh, nếu không cảnh giác sẽ có nguy cơ thực hiện như thế trong mọi sinh hoạt của mình.
Tại sao vậy? Vì sau khi mọi người đã GẶP GỠ và LẮNG NGHE nhau, cộng đoàn sẽ đi đến biểu quyết để lấy ý kiến chung cuộc. Nhưng nhiều khi, việc lấy ý kiến chung cuộc lại chỉ mang tính hình thức. Vì cuối cùng, ý chung cuộc vẫn là ý của Đức cha hay ý của của cha xứ, hoặc ý người đứng đầu hội đoàn! Điều ấy hoàn toàn có nguy cơ dẫn cộng đoàn Hội Thánh địa phương đó đi đến chỗ trở thành một tổ chức độc tài, nhưng với vỏ bọc tôn giáo, mà không dễ ai có thể phản kháng lại được! Bên cạnh đó, cũng có những cộng đoàn đang nỗ lực xây dựng mô hình “lấy dân làm gốc” như các tổ chức dân sự đang thường làm. Cha xứ, dù là người đứng đầu, nhưng chỉ đóng vai trò là người thi hành mọi ý kiến chung. Tuy nhiên, cách làm này lại có nguy cơ, dẫn Hội Thánh đi đến một mô hình xem ra lý tưởng của nhiều thể chế dân sự chủ trương dân chủ, nghĩa là mội quyết định được thực hiện luôn là ý kiến của đa số.
Tuy nhiên, CGS không hề dạy chúng ta xây dựng một cộng đoàn Hội Thánh theo kiểu một tập thể xã hội độc tài, hoặc dân chủ như mọi thể chế mà nhiều quốc gia vẫn thường làm.
Không! Một cộng đoàn Hội Thánh của CKT không thể là một tập thể dân chủ, càng không phải là một tập thể độc tài!
Nói như thế, ta mới hiểu được tầm quan trọng của từ PHÂN ĐỊNH. Nghĩa là sau khi mọi người đã GẶP GỠ và LẮNG NGHE nhau, chúng ta cần có thời gian để suy xét xem, dựa trên những điều chúng ta đã nghe nhau, ĐÂU LÀ Ý CHÚA? Và khi đã nhận ra được ý Chúa, cộng đoàn dốc lòng thực hiện cho bằng được. Làm như thế mới gọi là PHÂN ĐỊNH.
Thưa Anh chị em,
Bộ ba chân vạc: GẶP GỠ, LẮNG NGHE và PHÂN ĐỊNH chính là phương thế giúp mỗi người Ki-tô hữu chúng ta HƯỚNG TỚI MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH, nghĩa là cùng nhau HIỆP THÔNG, cùng nhau THAM GIA và cùng nhau THI HÀNH SỨ VỤ.
Chính cuộc đời Mẹ Maria đã là mẫu gương cho chúng ta thực hiện 3 phương thế GẶP GỠ, LẮNG NGHE và PHÂN ĐỊNH để nhận ra ý Chúa và mau mắn thi hành. Amen.