Muôn đời gọi tôi ‘Bà có phước’

MUÔN ĐỜI GỌI TÔI ‘BÀ CÓ PHƯỚC’

“Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”.

Kính thưa Anh Chị em,

Một trong những nguồn cảm hứng phong phú nhất cho các nghệ sĩ để họ có thể sáng tạo một tác phẩm nào đó mà ngợi khen Đức Mẹ, thì đó chính là kinh Magnificat chúng ta vừa nghe trong Tin Mừng ngày kính trọng thể Đức Maria Hồn Xác Lên Trời hôm nay.

Riêng tôi, tôi vẫn yêu quý những câu chữ mộc mạc dệt trong bản bình ca chơn chất Magnificat của cố linh mục Maria Giuse Nguyễn Văn Thích, một mục tử gương mẫu, một nhân tài cũng là một hiền giả của Tgp. Huế, “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa và trí khôn tôi nhảy mừng trong Chúa cứu chuộc tôi, vì Người đoái xem phận tớ hèn; rày từ này, muôn đời gọi tôi ‘Bà có phước’ vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều lớn lao, và danh Người là chí thánh; và lượng từ bi đối với kẻ kính sợ Người…”.

Những lời mở đầu ấy của Magnificat hé lộ cho chúng ta biết ‘Bà có phước’ là ai, Mẹ Maria là ai. ‘Bà có phước’ là người đã dành trọn cả cuộc đời mình để công bố sự vĩ đại của Thiên Chúa, như bản dịch của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ lột tả, “My soul proclaims the greatness of the Lord”, linh hồn tôi cao rao sự vĩ đại của Thiên Chúa; và điều đó làm cho Mẹ liên lỉ hỷ hoan vui mừng; thứ đến, ‘Bà có phước’ là người khiêm nhượng đến mức hoàn hảo, vì thế, Mẹ được Chúa cất nhắc lên qua muôn thế hệ, ‘để muôn đời gọi tôi ‘Bà có phước’’; và sau cùng, ‘Bà có phước’ là người được Chúa thực hiện những điều lớn lao cũng là người được bao phủ trong ơn thánh, ‘vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều lớn lao và danh Người là chí thánh’.

Bởi thế, việc Giáo Hội mừng kính long trọng ngày lễ hôm nay cho thấy chính Thiên Chúa, chứ không chỉ con người, nhìn nhận sự cao cả của Đức Mẹ. Thiên Chúa đã không để ‘Bà có phước’ nếm lấy sự đắng cay của cái chết cũng như bất cứ một hậu quả nào do tội lỗi gây nên. ‘Bà có phước’ là Mẹ Thiên Chúa như Giáo Hội đã tuyên tín rất sớm vào những thế kỷ đầu tiên cũng là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, hoàn hảo mọi bề từ lúc được thụ thai cho đến ngày hồn xác lên trời, ngự trị với muôn thần thánh bên Chúa Cha, Chúa Con như một Nữ Hoàng đến vạn đời.

Với nhiều người, ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ xem ra khó hiểu, bởi lẽ, nguyên cuộc đời của Mẹ cũng đã là một trong những mầu nhiệm lớn lao thuộc về niềm tin của chúng ta. Thánh Kinh nói rất ít về Mẹ, thế nhưng, sẽ có rất nhiều điều nói về Mẹ qua mọi thời bởi sự khiêm nhu của Mẹ vốn đã được nhìn nhận; cũng như sự cao cả của Mẹ vốn mãi ngời sáng để con người mọi thời có thể nhìn thấy bao điều cao cả Thiên Chúa đã làm nơi Mẹ.

‘Bà có phước’ là đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, nghĩa là không mắc tội, vì hai lý do. Trước hết, Thiên Chúa gìn giữ Mẹ khỏi tội nguyên tổ ngay từ lúc được đầu thai bởi một ân sủng đặc biệt; chúng ta gọi ơn này là “đặc ân được chở che”. Như Adam, Eva, Mẹ được thụ thai mà không mắc tội; nhưng khác với Adam, Eva, Mẹ được thụ thai trong trật tự của ân sủng, Mẹ được cứu thoát bởi ân sủng, ân sủng mà Con của Mẹ ngày kia sẽ mang đến và đổ xuống cho thế giới; ân sủng này vượt thời gian, bao phủ Mẹ ngay từ khi Mẹ được tượng thai.

Lý do thứ hai, Mẹ được gọi là đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội vì Mẹ khác với Adam, Eva, Mẹ không bao giờ phạm tội. Bởi thế, Mẹ là một Eva mới, một người Mẹ mới của mọi sinh linh, của tất cả những ai sống trong ân sủng của Chúa Giêsu Kitô. Và như một kết quả, nhờ hồng ân Vô Nhiễm Nguyên Tội và sự tự do chọn lựa liên lỉ sống trong ân sủng Chúa nơi Mẹ mà Thiên Chúa đã cho hồn xác Mẹ về trời sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế. Hiểu được như thế, mầu nhiệm này không còn quá khó đối với chúng ta. Mẹ hợp hoan cùng Chúa vì Con ở đâu, Mẹ sẽ ở đó và cả chúng ta nữa, những người sống trong ân sủng Chúa, ngày kia cũng được vui hưởng thánh nhan Cha trên trời như Mẹ mà Đức Giêsu Kitô là trưởng tử giữa một đoàn em đông đúc. Đó là những lý do để chúng ta vui mừng trong ngày đại lễ hôm nay.

Trong tông hiến Thiên Chúa Vô Cùng Đại Lượng của Đức Piô XII, vị Giáo Hoàng công bố tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời đã trích lời của thánh Gioan Đamas, “Đấng đã bảo toàn được nguyên vẹn đức đồng trinh khi sinh con hẳn cũng giữ gìn được cho thân xác mình khỏi mọi hư hoại khi lìa đời. Đấng đã bồng ẵm Tạo Hoá trong lòng mình như bồng ẵm một bé thơ phải được cư ngụ trong nhà Thiên Chúa. Đấng được Chúa Cha nhận làm hiền thê hẳn phải được ở trong loan phòng thiên quốc. Đấng đã ngắm nhìn Con mình trên thập giá và chịu lưỡi gươm đau đớn đâm thâu tâm hồn, lưỡi gươm đã tránh được lúc sinh Con, hẳn phải được ngắm nhìn người Con ấy đang ngự bên hữu Chúa Cha. Đấng làm Mẹ Thiên Chúa phải được những gì thuộc về Con mình và được mọi thụ tạo tôn kính như Thân Mẫu Thiên Chúa và như nữ tỳ của Người”.

Trong kinh tiền tụng hôm nay, Hội Thánh đọc, “Chúa không muốn Người chịu cảnh hư nát trong mồ, vì Người đã sinh hạ Con Chúa yêu quý, là Ðấng ban sự sống cho mọi loài”.

Anh Chị em,

‘Bà có phước’ đó là ai? Đó là Mẹ của chúng ta, một người Mẹ được Thiên Chúa yêu thương đến thế đó; một người Mẹ thiên quốc quyền phép vô song nhưng cũng là một người Mẹ đang rất gần gũi chúng ta vì Mẹ là “Đức Bà phù hộ các giáo hữu”, là “Nữ Vương các thánh tông đồ”, cũng là “Nữ Vương ban sự bình an”.

Chuyện kể rằng, trên một vùng núi cao Nam Mỹ, có một bộ tộc rất hiếu chiến, chuyên ăn thịt người. Ngày kia, họ đột ngột tấn công các làng ở đồng bằng. Không chỉ cướp lương thực, của cải, họ còn bắt một em bé ba tuổi lên núi. Trai tráng trong làng đã cách này cách khác cố sức tìm kiếm nhưng không tài nào vượt núi để tìm ra nơi giam giữ đứa trẻ. Sau những ngày vô vọng, họ bỏ cuộc quay về. Nhưng kìa, đang khi dỡ trại, họ kinh ngạc khi nhìn thấy một phụ nữ từ phía núi băng xuống. Không tin vào mắt mình khi họ thấy sau lưng bà là một đứa bé, họ hỏi, “Làm sao điều này có thể xảy ra?”; bà chỉ nhún vai trả lời, “Đứa bé không phải là con của các anh!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết, Mẹ Maria là Mẹ của con. Lạy ‘Bà có phước’, Nữ Vương uy quyền, xin chở che con, để con cũng luôn cao rao sự vĩ đại của Thiên Chúa; không chỉ ‘khi nay’ nhưng mãi cho đến giờ lâm tử”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)