NHẬP THỂ-CON ĐƯỜNG TÌNH YÊU.

Nói đến Nhập Thể (Incarnation) là nói đến tình yêu Thiên Chúa giáng trần. Tình yêu ấy phát sinh từ mối tình sâu đậm của Đấng Tạo Hóa dành cho loài thụ tạo. Mối tình sâu đậm ấy do chính Đấng Tác Thành khởi đầu, đi bước trước và sẵn sàng đưa ra những sáng kiến mà lý trí của con người không sao hiểu thấu. Mối tình ấy nói lên rằng: “Thiên Chúa quá yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để phàm ai tin vào Con của Người thì khỏi phải diệt vong, nhưng có sự sống đời đời.” (Ga 3,16). Như thế, mục đích của Nhập Thể là trao ban tình yêu và sự sống.
Con đường để Thiên Chúa đến với nhân loại không gì khác hơn là “đường Nhập Thể”. Đường Nhập Thể này thể hiện rõ nét nơi Đức Giê-su Ki-tô.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao Đức Giê-su lại đi Đường Nhập Thể để đến với con người và muôn vật muôn loài? Câu trả lời đơn giản nhất theo nội dung đức tin Ki-tô Giáo dựa trên hai khía cạnh căn bản: (1) Vì muốn giao hoà con người phạm tội với Thiên Chúa, và (2) vì Thiên Chúa yêu thương con người (GLGHCG 457). Theo khía cạnh thứ nhất, thánh Phao-lô cho chúng ta biết rằng vì A-đam thứ nhất, tội lỗi xâm nhập trần gian; nhờ A-đam Thứ Hai hay A-đam Mới, ân sủng lan tràn mặt đất. Ngài khẳng định: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, ngài biện luận như sau: “Như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: Mở đường là Đức Ki-tô, rồi khi Đức Ki-tô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người” (1 Cr 15,22-23). Đặc biệt, ngài giải thích: “Khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình” (Rm 8,3). Còn thánh Gio-an thì viết: “Nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: Đó là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính” (1 Ga 2,1). Quả thực, vì mọi người trong gia đình nhân loại đều bị đau khổ, ốm yếu, bệnh tật về mặt tâm linh và đương đầu với cái chết mà Đức Giê-su đã đi Đường Nhập Thể hầu cứu giúp tất cả. Người đã trở nên đồng hình đồng dạng với mọi người. Điều khác biệt duy nhất là Người lấy đi tội lỗi của con người và biến đổi con người trở nên khí cụ tình yêu của Người giữa dòng đời. Hơn nữa, nhờ Đường Nhập Thể của Đức Giê-su, con người có được tầm nhìn sâu rộng hơn về đau khổ, tội lỗi, sự chết cũng như vô số hình thức sự dữ khác trong thế giới thụ tạo.
Theo khía cạnh thứ hai, Đường Nhập Thể của Đức Giê-su diễn tả tình yêu vô bờ của Thiên Chúa. Đây chính là mục đích của Nhập Thể, như đã nói ở trên. Khía cạnh “tình yêu” nổi rõ trong Mầu Nhiệm Nhập Thể. Thiên Chúa không chỉ yêu con người bằng tình yêu trừu tượng nhưng bằng tình yêu mà con người có thể cảm nghiệm được. Khi trò chuyện với Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su nói về tình yêu Thiên Chúa như sau: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Như vậy, Đường Nhập Thể của Đức Giê-su cũng chính là Đường Tình Yêu của Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng thuở ban đầu theo Đức Giê-su, sự hiểu biết của các môn đệ về căn tính, đời sống và sứ mệnh của Thầy mình rất hạn chế. Dần dần, họ nhận ra Thầy Giê-su vừa giống mọi người, vừa khác mọi người mà họ từng gặp gỡ. Đường Nhập Thể của Đức Giê-su cho phép con người cảm nghiệm được tình yêu của Người (cũng là tình yêu Thiên Chúa) khác biệt với các hình thức tình yêu mà con người từng cảm nghiệm trong dòng lịch sử. Lời cầu xin của thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô diễn tả điều đó: “Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (Ep 3,17-19).
Đường Nhập Thể của Đức Giê-su vẫn luôn là Đường khó hiểu đối với tất cả mọi người trong gia đình nhân loại, bởi vì: Đức Giê-su là Đấng vô hạn đã trở nên hữu hạn; Đấng dựng nên muôn vật muôn loài lại trở thành thành phần trong muôn vật muôn loài; Đấng mà cả thế giới thụ tạo không chứa nổi lại trở thành trẻ thơ bé bỏng được bọc trong khăn, nằm trong máng cỏ; Đấng ở khắp mọi nơi lại trở thành người không nhà cửa; Đấng dựng nên mọi sự lại trở thành người nghèo khó hơn tất cả mọi người; Đấng là Nguồn Sống lại chết đau đớn trên thập giá. Chúng ta không bao giờ có thể liệt kê hết những điều khó hiểu về Đường Nhập Thể của Người.
Là một hữu thể bất toàn, đầy giới hạn, nên đứng trước “đường Nhập Thể” của Ngôi Lời, thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma cũng chỉ biết “im tiếng đi mà cung kính” trước mầu nhiệm tình yêu cao cả này. Thánh nhân đã dành giờ để suy niệm về mầu nhiệm này trong đợt tĩnh tâm dài ngày ở Rô-ma và đã nghiệm thấy:
Cuối cùng, tôi mới thấu hiểu được những mầu nhiệm của Chúa chúng ta; tôi sẽ tìm thấy sự sống ở nơi đó.
Tôi đã suy gẫm về ba điều trong việc Nhập Thể.
  1. Sự chuẩn bị của việc Nhập Thể qua những ước muốn của đức tin và đức mến.
Thiên Chúa muốn được con người ước muốn. Ước mong sao Chúa chúng ta giải gỡ và gìn giữ chúng ta khỏi thế gian này, và khơi dậy tình yêu. Những ước vọng của các Tổ phụ, các Ngôn sứ, những người công chính, của Đức Trinh Nữ diễm phúc và tôi, tôi không ước muốn nước trời; tôi lo sợ điều đó vì tôi sẽ trắng tay, vì tôi đã không làm được điều gì cả, vì có một luyện ngục kéo dài và khắc nghiệt đang đợi chờ tôi.
Tôi đã không ước mong, cũng như không mong chờ Chúa chúng ta ngự đến trong tôi vì tôi đã dành trọn con người mình cho những thứ bên ngoài. Tôi không khao khát Rước Lễ vì việc Hiệp thông mời gọi phải hồi tâm và sẽ ngăn cản tình yêu của tôi đối với việc học hành và đối với những công việc bên ngoài.
  1. Cuộc đời của Đức Maria trong biến cố Nhập Thể.
Mẹ đã tràn ngập niềm vui khi có được, và kết hiệp với, Ngôi Lời Nhập Thể. Exulta et lauda filia Sion, quia magnus in medio tui (Mừng vui lên, hỡi nữ tử Sion… Đức Chúa đang ở giữa ngươi – Xp 3,14 và 14). Mẹ đã dành trọn sự chú ý của mình cho Người Con chí thánh của mình, Đấng là Emmanuel của Mẹ, Đấng là nguyên lý, là tâm điểm và cùng đích của cuộc đời Mẹ. Mối bận tâm duy nhất của tâm hồn Mẹ hệ tại ở việc kinh ngạc trước sự tự hạ mình của Người, ở việc ngợi khen lòng nhân từ của Người, ở việc tôn thờ Người, ở việc yêu mến Người và phụng sự Người. Với Người Con yêu dấu của mình, Mẹ cảm thấy hạnh phúc ở bất kỳ nơi đâu.
Đây chính là cuộc đời mà Chúa chúng ta mong ước cho tôi – niềm hạnh phúc trong ơn gọi của tôi; tôi quá hạnh phúc trong lúc chờ đợi và chuẩn bị cho ơn gọi này.
Nếu tôi cưu mang Đức Giêsu trong mình, sống trong Đức Giêsu là Đấng đang sống trong tôi và làm mọi sự vì Đức Giêsu, thì Người sẽ trở thành Đấng chỉ bảo cho tôi, sức mạnh của tôi, niềm an ủi của tôi, và là tâm điểm tình yêu của tôi.
Đó chính là cùng đích mà tôi phải vươn tới bằng bất cứ giá nào; mọi thứ khác chỉ là không không vậy.
  1. Cuộc đời của Đức Giêsu trong Biến cố Nhập Thể.
Người đã tôn thờ Chúa Cha qua tình trạng khiêm hạ của Người, qua sự yếu đuối, qua giới hạn, và tình trạng bị cầm tù của Người; Người đã tạ ơn Chúa Cha vì lòng rộng rãi của Người luôn luôn gia tăng cùng với sự trưởng thành của Người về tuổi tác cũng như về sức khỏe thể lý; Người đã dâng lên Chúa Cha những nhân đức và tình yêu dành cho Mẹ đáng kính và tốt lành của Người – Đấng đã hoàn tất hiến lễ của Người.
Ngôi Lời Nhập Thể đã thánh hiến Mẹ rất thánh của Người, đã kết hiệp chính mình với mọi ý nghĩ, ước vọng và hành động của Mẹ, và biến chúng thành của chính mình để thờ lạy, yêu mến và phụng sự Cha Người cùng với tất cả những điều ấy; trên thiên đàng mới ấy, Người đã vui hưởng những niềm hoan lạc của sự thanh khiết và thánh thiện của tình yêu.
Ôi! Ngôi Lời Nhập Thể đã sẵn lòng chấp nhận được cưu mang trong vòng 9 tháng, và Người Mẹ chí thánh của Người thật dịu hiền biết bao! Thật là một niềm hạnh phúc đối với Mẹ Maria! Ngôi Lời Nhập Thể đã vui lòng cư ngụ trong thân mình của người trinh nữ này, trong trái tim đầy yêu thương này, trong tâm hồn tuyệt vời này!
Đức Giêsu muốn tôi chia sẻ ân sủng của Đức Maria trong biến cố Nhập Thể của Người qua việc Người đến sống trong tôi, để tôi có thể sống trong Người và cho Người; để Người có thể trở thành Đấng chỉ bảo cho tôi, trở thành tâm điểm cho những hành động của tôi, trở thành niềm hạnh phúc của tôi, trở thành thiên đường ân sủng của tôi ut operaretur (nơi mà Người có thể làm việc ở đó). Từ lâu rồi, tôi đã bị lôi kéo đến với đời sống nội tâm này cùng với Đức Giêsu, thế nhưng ma quỷ, bản tính quá năng động và tâm trí quá độc lập của tôi, và đặc biệt là tính hèn nhát của tôi đã luôn luôn ngăn cản tôi làm điều đó.
Ôi chao! ở tuổi 54, tôi phải bắt đầu những gì tôi sẽ hoàn tất ngay bây giờ! Thật buồn tẻ và khiêm nhường biết bao khi tôi nghĩ đến tất cả những điều ấy! Nhờ vào lòng thương xót của Thiên Chúa, tôi không yêu mến ai cả, tôi không bao giờ yêu mến bất kỳ người nào; tôi đã chỉ yêu mến bản thân mình vì tính kiêu căng, chứ không vì khoái cảm nhục dục hay tính tham lam, không! không! Ôi, với ân sủng của Chúa, ngày hôm nay tôi sẽ bắt đầu kết hiệp chính mình với việc tôn thờ Ngôi Lời Nhập Thể của Đức Maria, với tình yêu và việc phụng sự của Mẹ dành cho Người; tôi sẽ làm việc đó trước và sau mỗi hành động của tôi, trước và sau mỗi tiếng kêu của chiếc đồng hồ.
Sau khi chiêm ngắm, suy niệm, cảm nếm, và phần nào được Thần Khí khai mở tâm trí, thánh Ê-ma đã kết nối Mầu nhiệm Nhập Thể với việc nhập thể thiêng liêng, giống như việc thánh nhân đã nghiệm ra “Phòng Tiệc Ly Nội Tâm” là hoa trái của kỳ tĩnh tâm dài ngày tại Rô-ma này:
Trong việc tạo dựng nên con người, Thiên Chúa đã ban phát chính thân mình Ngài để làm nên phẩm giá cao quý của tâm hồn con người cũng như là vinh quang cho đời sống của con người. Anima justi sedes Dei (linh hồn người công chính là ngai vàng của Thiên Chúa – thánh Grêgôriô, Luân Lý).
Thiên Chúa đã hoàn thiện hình ảnh của Ngài, hoàn thiện họa ảnh của Ngài nơi con người qua việc giành được sự cộng tác của con người. Thế nhưng, tội lỗi đã phá đổ mọi sự. Con người sa ngã đã không còn muốn Chúa cư ngụ nơi tâm hồn mình nữa; nó bắt đầu chỉ quan tâm đến những cái bên ngoài – trở thành một tên nô lệ cho những thứ ấy.
Để kéo con người trở về với cái bản ngã bên trong của nó, trước hết Thiên Chúa đã thu hút sự chú ý của nó qua Biến cố Nhập Thể; sau đó Ngài tỏ lộ chính mình trước mặt con người, chinh phục tình yêu của tâm hồn nó và để cho tay của con người đụng chạm đến Ngài, Đức Giêsu Kitô đã che giấu chính mình, ẩn giấu nơi tâm hồn con người; đó là nơi mà Ngài nói với chúng ta, khuyên bảo chúng ta, an ủi chúng ta và thánh hiến chúng ta.
Ngài muốn thiết lập vương quốc của Ngài nơi chúng ta, và vì thế điều đó buộc chúng ta phải ở lại với Ngài, làm cho Ngài những gì mà Đức Trinh Nữ diễm phúc đã làm trong biến cố Nhập Thể của Ngài.
Vì thế, nếu chúng ta trung thành, thì Ngài sẽ an ủi và ban cho chúng ta sự bình an của Ngài. Bonum est nos tecum esse (Chúng con ở đây thật là hay – Mt 17,4). Đó là lý do tại sao Ngài nói với các tội nhân: Redite ad cor (Hãy hồi tâm Is 46,8); Praebe, fili, cor tuum mihi (Hỡi con, hãy chú tâm vào ta – Cn 23,26); Diliges Deum first of all ex toto corde tuo (Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng hết dạ – Mt 22,37); con tim chính là sự sống – Deus cordis mei; ubi thesaurus, ibi et cor tuum erit (Thiên Chúa của tâm hồn con; kho tàng anh ở đâu, thì lòng anh cũng ở đó – Mt 6,21).
Đối với thánh Ê-ma, Thiên Chúa vẫn nhập thể mỗi ngày trong tâm hồn con người. Qua việc Hiệp Lễ, chính Thiên Chúa lại hạ sinh trong cung lòng của những ai đón rước Người. Thánh nhân quả quyết rằng: “Hiệp lễ chính là mục tiêu của Mầu Nhiệm Nhập Thể” và “Thánh Thể chính là việc Nhập Thể được tiếp tục, được nhân lên, được kéo dài cho đến tận cùng thời gian.”  
Dưới lăng kính của tình yêu, thánh Ê-ma cảm nhận và kín múc được nguồn sống từ chính Đức Ki-tô, Đấng Cứu Độ chúng ta. Nguồn sống ấy được tuôn tràn nơi “đường Nhập Thể” và giờ đây được nối tiếp với Mầu Nhiệm Thánh Thể.
Khi chuẩn bị mừng biến cố Ngôi Lời Nhập Thể, chúng ta lại có cơ hội chiêm ngắm và cảm nếm nguồn sức sống từ Đức Ki-tô, Thái Tử hòa bình. Theo gương thánh Ê-ma, chúng ta hãy để cho vẻ đẹp của Mầu nhiệm Nhập Thể lan tỏa cuộc đời chúng ta. Hãy dừng lại trước máng cỏ đơn hèn, là nơi Ngôi Lời hạ sinh, để chiêm ngắm tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Tình yêu ấy vẫn đang tỏ hiện nơi Nhiệm Tích Thánh Thể. Cùng thánh Ê-ma, chúng ta “hãy đến tôn thờ Chúa Giê-su nơi Thánh Thể, là Đấng yêu thương chúng ta quá đỗi”.
Cát Bụi,sss.