Bạn rất thân mến,
Tôi đã đọc bài viết trên Vietcatholic bạn gởi và những suy tư bạn viết. Tất cả đều xoay quanh đề tài về linh mục và lối sống của những mục tử thời nay. Thế mà bạn lại mời tôi suy nghĩ… Tôi bật cười khi đọc những dòng nói về cuộc sống của một số linh mục đi ngược lại với vị cha chung. Cười là thế, nhưng tôi chợt giật mình vì tôi cũng là kẻ đang theo Đức Kitô và hơn thế nữa, một người dâng hiến là người bước theo Đức Kitô sát kề cơ mà.
Nhìn lại chặng đường 20 năm trong đời thánh hiến. Khởi sự ơn gọi của tôi bắt nguồn từ kinh nghiệm được Thiên Chúa yêu thương. Những ngày đầu chập chững bước vào nhà dòng. Tôi hăng hái và dấn thân mà chẳng phải nghĩ trước suy sau, đến độ có Dì già nói với tôi « Giờ biểu nó chết chắc nó cũng dám chết ». Vâng, cái thuở ban đầu ấy tôi còn hăng lắm, biểu làm gì cũng làm. Sáng sớm 4giờ dậy nấu vạc cơm lớn cho cả nhà dòng và trẻ nội trú rồi trẻ khuyết tật tất cả hơn 200 người. Đã thế, tối còn phải ra vườn cắt rau để sẵn cho buổi sáng nấu xào mà chỉ có hai người, một người chỉ phụ chút ít vì còn quét sân phía trước nhà dòng nữa. Từ 4giờ sáng đã làm việc nếu ngày nào tới phiên làm bếp, rồi 6giờ 15 sau điểm tâm là ai vào việc nấy, dù là mới vào một tuần hay một tháng thì chúng tôi cũng đều có việc. Tôi may mắn là được phụ lớp mẫu giáo 5 tuổi trong một năm đầu. Bước sang năm thứ hai, tôi được đi học sư phạm mầm non cùng các chị lớn. Có lẽ đây là những người đầu tiên trong nhà dòng được đi học có bài bản dù đó chỉ là hệ dân lập. Vì thế khi ra trường, tôi trở về nhà chính và tiếp tục đứng lớp. Ngay năm đầu làm giáo viên chính, tôi đã được cử đi thi hội giảng cấp thành phố, mặc dù tôi từ chối vì học ở Sài gòn mà lại về dạy ở Đồng Nai, hai nơi có nhiều sự khác biệt và năm đầu tôi chưa quen, thế nhưng tôi vẫn phải xin vâng vì không còn ai. Trẻ người, non kinh nghiệm nhưng tôi đã cố gắng hết mình, chỉ biết là vâng lời thì đi chứ không biết nghĩ đậu hay rớt. Vì thế, sau khi làm xong nhiệm vụ, tôi bình thản chẳng cần biết kết quả. Chúa thương kẻ khù khờ, trước khi về quê ăn tết, tôi được báo là đã đậu. Thì biết vậy, kết quả tốt thì cho nhà trường và nhà dòng.
Tạ ơn Chúa. Thế là đằng đẵng hơn 8năm theo ngành mầm non. Lúc nào lớp tôi cũng 60, 65 trẻ. Nhìn lại tôi thấy sợ, mà sao Chúa cho mình có sức để phục vụ và các lớp tôi giúp luôn được bình an. Chắc vì sáng nào tôi và các cháu cũng cầu nguyện vào đầu ngày học để nài nỉ Chúa gìn giữ mà.
Rồi cũng tới ngày tôi bước lên Thỉnh viện. Thời ấy các lớp huấn luyện còn ở chung nơi cộng đoàn nhà chính, nên dù là lên lớp nhưng tôi vẫn tiếp tục công việc và ở chỗ cũ. Thế mà lúc ấy tôi rất sợ hãi. Tôi cảm thấy quan trọng vì là bước chuyển tiếp trong đời tu.
Thời gian trôi qua, tôi lại tiến thêm một bước nữa: vào Tập viện. Đây là thời gian đặc biệt của đời dâng hiến mà có người đã nói « Tập viện là mùa xuân của đời tu ». Lớp tôi là lớp đầu tiên mà nhà dòng có quyết định bắt đầu 2năm tập viện. Hai năm cách biệt với nghề nghiệp, với người thân, với thế giới bên ngoài…cửa tu viện và chỉ chú tâm học hỏi , cầu nguyện. Chúng tôi còn làm một số công việc ở bếp và vườn. Các giờ tuy rất khít, thật mệt, thậm chí như phải chạy nhưng sao tôi thấy rất vui và hăng say lắm. Cứ sống phó thác trong bình an.
Sau hai năm tập đầy ân sủng, tôi được tuyên khấn-ngày hạnh phúc và đẹp nhất của đời hiến dâng. Không khách mời, không ồn ào hoành tráng bên ngoài nhưng là một thánh lễ mang đầy dấu ấn tình yêu. Lời kinh hiến dâng của St. Inhaxio mà lớp tôi chọn để cất lên sau lời khấn như mãi còn vang vọng và nhắc nhủ tôi « Lạy Chúa xin hãy nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu và ý chí con. Tất cả những gì con có và sở hữu… xin Chúa hãy sử dụng hoàn toàn theo Tôn Ý ». Vâng, tôi đã mạnh mẽ cất cao lời dâng hiến, tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng tôi theo ý Ngài. Tôi chỉ xin Tình yêu và Ân sủng và lấy thế làm đủ cho hành trình hiến thân. Từ đây một hành trình mới bắt đầu. Một cuộc sống mà những giá trị của đời sống thánh hiến : Cầu nguyện, Lời khuyên phúc âm, đời sống cộng đoàn và việc mục vụ đòi tôi sống, thực hành từng ngày.
Ròng rã 5 năm học viện, rồi cũng tới ngày tuyên khấn trọn. Tôi vẫn nhủ đã chọn và khấn thì ngay từ khi bước vào nhà dòng và nhất là lúc Tiên khấn đã là Trọn rồi, nhưng theo luật giáo hội và hội dòng thì vẫn phải vậy. Sau khi khấn trọn thì liên tiếp là những sứ vụ mới tôi được trao. Với ơn Chúa, sự hỗ trợ của mọi người bằng lời cầu nguyện và nhiều cách, tôi cũng dần hoàn thành.
Bạn mến, tôi muốn chia sẻ với bạn điều mà bạn day dứt là làm thế nào để sống như Thầy Giêsu, sống yêu và sống nghèo để nên dấu chỉ và là chứng nhân cho Nước Trời! Thế mà tôi lại dài dòng nói về đời tu của mình. Bạn biết đấy, đời dâng hiến của tôi khi tuyên khấn ba lời khuyên phúc âm là tôi chọn và khấn hứa sống theo Lối sống mà Thầy Giêsu đã sống. Và tất cả cuộc sống của tôi đều xoay quanh một giá trị duy nhất đó là Tình yêu của tôi với Thầy Giêsu.
Tôi luôn sống hăng say trong phục vụ, chuyên chăm cầu nguyện và sống phó thác, trong tay chẳng có gì, đến nỗi có những lần đi xe hết xăng phải cầm đồng hồ, đồng hồ dỏm người ta không chịu cầm mà tôi vẫn sống vui. Tôi sống mà không cần lo lắng đến ngày mai hay không nghĩ đến sự bảo đảm cho tương lai. Tôi thao thức, mong ước để sống sát kề Thầy Giêsu hơn trong cuộc sống nghèo, giản dị. Thế mà, ngày tháng dần trôi, tôi lại bị cám dỗ nhiều hơn. Người ta hỏi: ”Ông Tiền, ông bụt, ông tiên, Ba ông chụm lại, ông nào cao hơn?” Xin thưa : ”Ba ông chụm lại, ông Tiền cao hơn.” Bạn đồng ý chứ? Đó là lẽ thường !
Với lời khấn Khó Nghèo, tôi chọn sống nghèo vì yêu mến Chúa. Ở Việt nam chúng tôi không giữ tiền riêng (trên nguyên tắc). Chỉ những người có trách nhiệm, có chức quyền gì đó mới giữ và chi tiêu. Còn ở cộng đoàn trung ương, có một khoản gọi là ”Budget personnel” mà trong qui chế bổ túc của luật sống chúng tôi có nói đến. Nhưng với con số 25 đồng cho một tháng thì đã có lần tôi nhắc tới và bạn cười khì bảo sao bèo thế! Không đâu bạn ạ, cũng có thể mua được 2 đôi vớ hay vài cái thẻ gọi cho người thân đấy!
Vâng, luật sống của chúng tôi có nói: ”Khía cạnh vật chất của khó nghèo không được làm chúng tôi quên rằng giá trị chân chính là ở trong tấm lòng nghèo khó…”. Dường như chúng tôi đã quên mất khía cạnh tinh thần nghèo mà chỉ chú trọng đến cái nghèo sở hữu. Có lẽ các bề trên của tôi lo bề dưới không giữ được đức khó nghèo khi trao tiền vào tay họ. Rất nhiều khi chứng kiến các chị em hoặc chính tôi khi ra khỏi nhà mà không có đồng nào trong tay, hoặc có chăng bề trên chỉ đưa sát số cần chi và rồi có nhiều lần xe hư phải dắt bộ, hết xăng phải đổ thiếu hay khi lỡ đường thì nhịn đói…Chưa nói đến những lần về quê hay đi thăm người thân đau bệnh mà không tiền xe chứ đừng nói đến viên kẹo cho trẻ hay cái bánh cho mẹ già. Lần về thăm gia đình tôi cũng đã trải nghiệm : Soeur quản lý chỉ đưa đúng số chi cho những việc cần đã có tên. Tôi thầm nghĩ chắc văn hóa ở đây hay là văn hóa của nhà dòng là thế nên dù ở xa về thì cũng chẳng cần một chút quà biếu cộng đoàn Việt Nam hay người thân gì cả. Ôi, thế nhưng lạ lắm, cộng đoàn nào thì cũng sẵn sàng nhận và còn rất vui để nhận nữa cơ. Khổ hơn, khi tôi về đến cộng đoàn Việt Nam, tất cả mọi chi phí đi lại hay mua sắm thêm đồ dùng của tôi ở đâu ra? Chắc hẳn ai cũng nghĩ…việt kiều thì có đầy nên cũng chẳng bề trên nào quan tâm. Thế nhưng lại có một cha quen hỏi tôi : ”này, có cần tiền tiêu không?” tôi thấy rất vui về tấm lòng chân thành này, dù chẳng có là bao vì cha cũng là cha dòng, nhưng nó lại chứa đầy tình thương và quan tâm cụ thể.
Tất cả những cách cư xử của bề trên mà tôi tâm sự với bạn có thể đã là nguyên nhân khiến cho các bề dưới khó mà sống phó thác và thay vào đó là phải ”Thủ”. Chúng ta có thể sống nghèo, tin tưởng phó thác khi bước ra đường mà không tiền, không carte de crédit; hay những chuyến đi xa, trở về nước mà không xu dính túi? Có thể ta nói: được, nhưng nếu hoàn cảnh bắt buộc thì chúng ta mới dám liều vậy thôi. Vâng, gương Thầy Giêsu mời gọi ”Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”(Lc 9,58).
Mặc dù tôi vẫn khao khát theo Thầy, Thầy đi đâu tôi cũng xin đi theo. Nhưng cái lối sống nghèo của Thầy ”vô gia sản và vô gia cư ” làm tôi xót xa nhức nhối trong lòng. Thật khó mà để sống nghèo về cả tinh thần lẫn vật chất.
Tôi vẫn thường quan niệm: khi cần một triệu cũng tiêu mà không cần thì một xu cũng không xài. Thế nhưng những gì tôi nhận thì thường tay phải nhận, tay trái trao, hay như người ta nói: tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Vì xung quanh còn biết bao anh chị em tôi thiếu thốn, thế nên tôi lại thấy cái ‘Khi Cần’– cho tha nhân nhiều hơn.
Nghèo vật chất, tôi không sở hữu, không có của cải nhiều đã đành, nhưng không có một chút gì thì khi gặp người nghèo, người thân đau yếu, tôi có gì để gọi là sẻ chia tình yêu cách thực tế hay chỉ là lời nói suông mà như Thánh Giacôbê nói : ”Giả như có người anh chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hàng ngày mà có ai trong anh em lại nói với họ : ”Hãy đi bình an, mặc cho ấm, ăn cho no, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có lợi gì? ”(Gc 2, 15-16).
Nếu như đi làm việc bác ái xa xôi nơi này nơi khác thì có thể không phải sứ mạng của tôi, nhưng tôi cũng tự an ủi mình : Không có gì để cho thì ai cũng hiểu rằng đi tu thì làm gì có. Và đây là khía cạnh mà tôi phải sống : nghèo tinh thần, như luật sống chúng tôi xác định ”Chấp nhận mọi sự đều là ân huệ của Chúa, chúng tôi nhận của cải với lòng biết ơn mà không dính bén, dùng nó trong tâm tình cảm tạ. hài lòng về những điều đã có, chúng tôi vui vẻ đơn sơ Sống Trong Thiếu Thốn cũng như dư giả ”.
Bạn mến, chắc hẳn bạn sẽ bảo tôi: Bạn tự chọn mà! Đúng, tôi tự do chấp nhận giới hạn trong việc sử dụng của cải. Tôi muốn theo Thầy Giêsu đi trọn con đường hiến dâng nhưng chân tôi còn chạm đất. Mỗi ngày tôi đều phải Bắt Đầu Lại và tự nhủ sẽ cố gắng hơn ngày hôm qua. Lời Chúa trong sách Khải Huyền như thôi thúc tôi tự vấn lại tình yêu của tôi đối với Chúa mà thuở ban đầu thì nồng nàn là thế: ”Nhưng Ta trách ngươi điều này : ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu.” Vâng, sống nghèo, giản dị để yêu trọn vẹn hơn, nên giống Thầy Giêsu hơn. Không sở hữu, không chiếm hữu hay không mong ước để thanh thoát hơn mà Yêu thương và Sẵn Sàng Chia Sẻ. Tương lai của tôi nằm trong tay Chúa, bảo hiểm cuộc sống của tôi ở Nước Trời.
Lạy Thầy Giêsu, đường đời con đi xin Ngài nâng đỡ. Lối sống con theo xin sức mạnh Ngài trợ giúp, để con không còn hoang mang lo lắng, để con biết phó thác vào Chúa Quan Phòng, và rồi con có thể tự giải phóng khỏi dính bén với của cải, chỉ tựa nương trọn vẹn vào một mình Chúa và gắn bó với Ngài là Đấng đã yêu thương con và chọn con mà thôi.
Kẻ theo Thầy, sss.