Bước vào tháng cầu nguyện cho các linh hồn. Giáo hội mời gọi con cái mình suy niệm về mầu nhiệm sự chết. Mang thân phận của một con người, ai cũng phải đối diện với một thực tại đáng sợ là sự chết. “ Sự chết” được mỗi tôn giáo quan niệm một cách khác nhau nhưng cùng mang một mẫu số chung là chết không phải là hết. Giáo lý Phật giáo dạy rằng ‘cái chết chỉ là một sự chuyển tiếp, một hiện tượng hay biến cố trên dòng tiếp nối liên tục của sự sống’. Điều đó cho thấy sau khi người ta chết vẫn còn một cuộc sống khác theo vòng xoay của luật luân hồi. Hay trong quan niệm Đông phương thì cái chết chỉ là sự ngưng hoạt động của thể xác. Linh hồn thoát ra mở đầu một hành trình mới….Cùng thể hiện chung một tư tưởng, người Kitô hữu đặt niềm tin vào sự Phục Sinh của Đức Kitô, Ngài đã chết và đã sống lại sẽ cho con người sống lại vào ngày sau hết. Đó là sự sống đời đời dành cho những ai thuộc về Người.
Con người hiện hữu là một hữu thể có xác và hồn. Từ “thân xác” được dùng ở đây để chỉ con người trong thân phận yếu đuối phải chết. “Xác sống lại” có nghĩa là sau khi chết không những linh hồn bất tử được có sự sống, mà cả thân xác phải chết của chúng ta cũng được đảm nhận lại sự sống (GLHTCG 990). Con người dù sống trong thân xác tự nhiên nhưng Thiên Chúa đã mặc lấy cho nó một sự khao khát hướng về Trời cao. Đó là sự hy vọng và mong đợi niềm hạnh phúc sống bên Thiên Chúa là Cha của mình “Linh hồn con ước mong Ngài, ôi lạy Chúa” (Tv42,2). Con người khi chết đi đã để lại những mối dây thân ái, những kỉ niệm và bao giọt nước mắt tiếc thương… nhưng đấy là định mệnh và là cuộc đời của một con người: “cuộc đời con người nở hoa từ mặt đất-ở vào một địa điểm được xác định trên trần gian này-và cuộc đời con người được kêu gọi hướng về trời cao, về quê hương nơi con người xuất phát một cách nhiệm mầu” (huấn từ của ĐGH Bênêdictô XVI).
Khi chịu phép Thanh Tẩy, người tín hữu nhận lãnh ơn tái sinh và phục hồi phẩm giá làm con Thiên Chúa. Nhờ Đức Kitô, dù mang thân phận phải chết nhưng con người được gieo vãi một mầm hy vọng là sự phục sinh nhờ vào cuộc khổ nạn – Phục Sinh của Ngài. Niềm hy vọng đó vẫn được Giáo Hội chăm sóc và vun xới trong suốt cuộc hành trình cuộc đời mỗi người qua bao thế kỷ. Chính vì thế, tháng 11 là cơ hội để mỗi người tín hữu nhìn về ngày chung cuộc của đời mình. Đó có thật sự là ngày tôi ‘vẫn hằng mong đợi’ hay nó sẽ trở thành ngày khủng khiếp khi phải đối diện với bản án đời mình? Giây phút phó dâng linh hồn mình trong tay Thiên Chúa là Cha chính là khoảnh khắc tuyệt vời và là lời tuyên xưng cuối cùng trong cuộc hành trình của người theo Chúa. Vì thế mỗi cuộc cử hành Thánh Lễ an táng đều được đặt dưới dấu chỉ của niềm hy vọng, hân hoan, vui mừng… của kẻ chiến thắng đi về Nhà Cha. Qua cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, Thiên Chúa sẽ lấp đầy khoảng trống do tội lỗi đào sâu và tái lập sự chiến thắng trên cái chết. Nên ai chết trong Đức Kitô, sẽ luôn mang một niềm hy vọng chắc chắn sẽ được bàn tay Thiên Chúa cho họ được sống lại từ trong kẻ chết và dẫn họ vào trong vương quốc không hề lay chuyển vì được xây dựng trên đá tảng vững chắc là tình yêu của Thiên Chúa. Nó bảo đảm cho con người rằng nếu con người chết trong Đức Kitô, thì sự sống “thay đổi chứ không mất đi” và “ khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan thì lại được một chỗ ở vĩnh viễn ở trên trời” ( Kinh Tiền Tụng cầu cho những tín hữu dã qua đời 1).
Trong thời đại hôm nay, sự chết đã khiến con người sống trong thất vọng và đi tìm những an ủi ảo tưởng, thì người Kitô hữu phải là người đặt niềm tin vững vàng của mình nơi Thiên Chúa, nơi tình yêu vĩ đại đến độ có thể canh tân cả thế giới. Vì vậy cái chết không thể đe dọa con người nhưng chính vào ngày Thiên Chúa Quang Lâm thân xác con người sẽ được sống lại cùng với linh hồn, được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa và với nhau. Mầu nhiệm Thánh Thể chính là bảo chứng cho sự chiến thắng tình yêu của Đức Kitô trên những gì chia rẽ và chết chóc. Sự hiệp thông trong Thánh Thể đã liên kết người tín hữu cách trọn vẹn trong tình yêu của Thiên Chúa và bảo đảm cho họ sự sống lại và sự sống đời đời.
Khi đặt mình trước mầu nhiệm sự chết, tôi cảm thấy bàng hoàng và sợ hãi vì không biết phải đối diện như thế nào? Nhưng với niềm tin của người Kitô hữu, tôi được quyền hy vọng rằng mình cũng sẽ được sống lại cùng Đức Kitô trong ngày Người quang lâm. Vì chính tình yêu của Người đã cứu độ tôi khỏi tội lỗi qua cái chết trên thập giá và qua chiến thắng của Người là sự Phục Sinh vinh hiển.
Hoa Cúc Trắng, sss.