Trên giấy tờ khai sinh của mỗi người không chỉ có ngày tháng năm mà còn ghi viết cả địa điểm sinh ra ở đâu nữa. Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, cách đây 2018 năm sinh ra trên trần gian, nhưng không có giấy khai sinh bút tịch chứng từ lưu lại. Vậy làm sao biết được nơi sinh ra của Ngài ở đâu?
Ngôn sứ Micha vào thế kỷ thứ 8. trước Chúa giáng sinh đã tiên báo về điều này:
„ Phần ngươi, hỡi Bethlehem Ephrata, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Juda, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa. (Micha 5, 1-2)
Và Thánh sử Luca viết thuật lại chi tiết khung cảnh lịch sử nơi sinh ra của Chúa Giêsu:
„ Thời ấy, hoàng đế Augustus ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ.2 Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quirinus làm tổng trấn xứ Syria.3 Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi.4 Bởi thế, ông Giu-se từ thành Nazareth, miền Galile lên thành vua David tức là Bethlehem, miền Juda, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua David.5 Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai.6 Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa.7 Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.“ ( Lc 2, 1-7).
Như vậy nơi của Chúa Giêsu đã được loan báo chứng thực trong Kinh Thánh từ thời xa xưa và cùng vào thời điểm ngài chào đời ở thành Bethlehem.
Bethlehem là địa điểm như thế nào trong lịch sử đất nước Do Thái cùng ẩn chứa ý nghĩa đạo đức thần học gì ?
Bethlehem là một thành phố nằm sát ranh giới với thành phố Jerusalem, vùng phía Nam nước Do Thái, cụ thể là vùng phía Tây sông Jordan với khoảng hơn kém 30.000 dân số. Về phương diện chịnh trị hành chánh Bethlehem bây giờ thuộc vùng tự trị của chính phủ Palestina.
Theo nguyên ngữ nguồn gốc tiếng Do Thái chữ „Beth“ có nghĩa là „ngôi nhà“- Lehem hay cũng viết là Lechem có nghĩa là „ bánh mì“. Bánh mì là thực phẩm cho đời sống người dân. Như thế Bethlehem mang nghĩa là ngôi nhà bánh mì.
Theo tiếng Arabe thành phố này có viết là Beit Lahm, mà Lahm mang ý nghĩa là „thịt“ và nơi một số tiếng địa phương vùng miền Nam của Arabe thì Lahm mang ý nghĩa là „cá“.
Như thế Bethlehem mang ý nghĩa thực phẩm cho con người: ngôi nhà bánh mì, hay thịt hay cá. Và thịt hay cá cũng đều là thức ăn thực phẩm căn bản cho con người.
Trong Kinh Thánh Cựu ước, Bethlehem được nhắc đến trong sách Sáng thế ký ( St 35,19): bà Rahel vợ của tổ phụ Jacob được an táng ở Efrata bây giờ là Bethlehem.
Sau khi các Chi tộc Do Thái từ Aicập trờ về và chiếm ngự vùng Kanaan, Bethlehem được phân chia cho chi tộc Juda ( Josua 15,59 – 1 Sách Biên niên sử 4,22).
Ngôn sứ Samuel được Thiên Chúa sai đến Bethlehem tìm David và phong ông làm Vua Israel ( 1 Samuel 16,1), mà Vua David là tổ tiên của Chúa Giêsu. Cả ba thánh sử viết phúc âm Chúa Giêsu là Mattheus 2,1, Luca 2,4-11 và Gioan 7,42 đều thuật lại Chúa Giêsu Kito sinh ra ờ Bethlehem, rất có thể trong một hang động.
Bethlehem trở nên thánh địa linh thiêng lịch sử nơi sinh ra của Chúa Giêsu. Những người tín hữu Chúa Giêsu Kitô ngay từ thời thế kỷ thứ 2. đã rất tôn kính nơi thánh địa này. Và năm 333 sau Chúa giáng sinh thánh đường kỷ niệm Chúa giáng sinh dưới thời hoàng đế Constantino và Thánh nữ Helena đã được xây dựng ở đây để ghi dấu tưởng nhớ cùng cho mọi người tôn kính hành hương cầu nguyện.
Năm 386 Thánh giáo phụ Hieronimus đến Bethlehem sống trong một hang động sát liền bên cạnh đền thờ Chúa giáng sinh, nơi đây Thánh giáo phụ đã dịch bản kinh thánh Vulgata từ tiếng Hylạp sang tiếng Latinh. Trong thư số 46 chương 11 câu 3. Thánh giáo phụ khẳng định: „ Nơi đây trong một vùng nhỏ của trái đất đấng Tạo Hoá của trời cao đã sinh ra.“
Vương cung thánh đường thời hoàng đế Constantinus xây dựng, vào năm 529 bị hư hại nặng trong cuộc chiến nổi dậy của người Samariter. Sau đó vào đầu thế kỷ 6. đền thờ này bị phá hủy hoàn toàn. Sau đó hoàng đế Justinianus I. cho xây thánh đường Chúa Giáng Sinh mới rộng lớn hơn thay thế đền thở cũ bị phá đổ trước đó. Đền thờ mới được khánh thành dâng kính Mẹ Thiên Chúa.
Năm 614 quân đội Batư chinh chiến sang Israel chống lại đế quốc Byzantin đã phá hủy các đền thờ thánh đường khác, nhưng ngôi thánh đường Chúa Giáng sinh ở Bethlehem không bị người Batư phá hủy. Vì họ tìm thấy nơi cổng vào đền thờ có vẽ khắc ghi hình nổi Ba Vua với phẩm phục người Phương đông giống như người Batư. Đó là lý do tại sao họ không phá đền thờ Chúa giáng sinh còn tồn tại cho tới ngày nay.
Năm 1717 Giáo Hội Công Giáo tham gia vào việc trùng tu sửa đền thờ ngay chính nơi hài nhi Giesu được đặt nằm sau khi sinh ra có khắc vẽ hình ngôi sao bằng bạc 14 cánh với dòng chữ „ Hic de virgine Maria Christus natus est – Nơi đây Chúa Giêsu Kitô sinh ra từ cung lòng Đức Mẹ đồng trinh Maria.“. Ngôi sao có 14 cánh là hình ành biểu tượng nói đến 14 thế hệ trong gia phả Chúa Giêsu Kitô.( Mt 1, 1-17).
Chúa Giesu sinh ra ở Bethlehem như Kinh thánh sử sách ghi viết thuật lại. Theo ý nghĩa của ngôn ngữ Do Thái hay Palestina Bethlehem là „ ngôi nhà thực phẩm bánh mì, cá hay thịt“ cho con người.
Chúa Giêsu sau này đi rao giảng nước Thiên Chúa có đến nơi cũ mình đã sinh ra hay không, không thấy Kinh thánh nói đến. Nhưng Chúa Giêsu đã giảng: „ Ta là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ có sự sống đời đời. Bánh ta ban chính là thịt ta hiến thân cho trần gian.“ ( Ga 6,51)
Như thế có thể nói được rằng Chúa Giesu trở nên thực phẩm căn bản cho sự sống đời đời.
Nhưng còn cá ? Chúa Giêsu cũng đã làm phép lạ hai con cá và năm chiếc bánh biến hóa thành thực phẩm với số lượng nhiều đến nỗi dư thừa cho hàng ngàn ăn no đủ, khi họ kéo đến nghe giảng để không bị đói.
Chúa Giêsu đã kêu gọi Ông Andre và Ông Phero là những người sống bằng nghề chài lưới đánh bắt cá làm môn đệ đầu tiên, và tấn phong Phero làm giáo hòang đầu tiên của Giáo hội Chúa ở trần gian. Những vị giáo hoàng kế vị Thánh Phero đều mang đeo chiếc nhẫn ngư phủ tượng trưng quyền bính giáo hoàng.
„ Chúng ta không có nguồn thông tin nào khác về sự sinh ra của Chúa Giêsu Kitô ngoài lịch sử đời thơ ấu chúa Giêsu được thánh sứ Matthaeus và Luca viết thuật lại. Hai vị thánh sử tường thuật khác nhau về phương diện đạo đức thần học cũng như tin tức theo khía cạnh kịch sử.
Thánh sử Matthaeus không nói đến hoặc không biết về Thánh Giuse và Đức Mẹ Maria trước hết ở Nazareth. Nên Thánh Giuse muốn từ Aicập trở về trước hết đến Bethlehem, và sau đó có tin người con trai của vua Herode lên ngôi cai trị vùng miền xứ Juda, do đó mới đem gia đình về Galilea.
Thánh sử Luca trái lại ngay từ đầu đã rõ ràng sau khi Chúa Giêsu sinh ra gia đình thánh gia trở về Nazareth.
Hai vị thánh sử với hai tường thuật khác nhau, nhưng nói đến chung một thông tin giống nhau: Chúa Giesu sinh ra ở Bethlehem. Dựa vào những nguồn thông tin tường thuật này, chúng ta biết được Chúa Giêsu Kitô sinh ra ở Bethlehem và lớn lên trưởng thành ở Nazareth.“ (Joseph Ratzinger, Benedickt XVI. JESUS von Nazareth, Prolog die Kindheitsgeschichten, Herder 2012, tr. 75.)
Mừng lễ Chúa giáng sinh 2018
Lm.Daminh Nguyễn ngọc Long