+ Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6.
Ngôn Sứ là người được chọn lựa và được sai đi để loan truyền Tin Mừng cho muôn dân, là người nói nhân danh Thiên Chúa.
Đức Kitô là vị Thiên Sai đến mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa và những ý định của Ngài, nhờ đó chúng ta được cứu độ. Trong đời sống công khai, Ngài đã bị chống đối và khinh miệt, như lời thánh Gioan đã viết: Ngài đã đến nhà Ngài, nhưng gia nhân đã không tiếp nhận Ngài.
Chúa Giêsu cũng đã cảm nghiệm được những khó khăn và đau đớn ấy khi lãnh nhận sứ mạng làm ngôn sứ ngay trong xứ sở của Ngài. Ngài đã từng bị bạn bè và láng giềng ruồng rẫy.
Trang Tin Mừng hôm nay cho thấy những gì đã xảy ra khi Chúa Giêsu lần đầu tiên thuyết giảng nơi quê nhà Ngài, sau khi lãnh nhận phép rửa từ sông Giođan trở về. Khi Chúa đứng lên tuyên bố với đồng bào đồng hương rằng Thần Khí Chúa ngự xuống trên Ngài và chính Ngài làm ứng nghiệm lời Thánh Kinh, thì lập tức họ cảm thấy khó chịu ngay. Khắp hội đường đều nghi hoặc và dân chúng xầm xì bàn tán với nhau: “Anh ta không phải là con ông Giuse sao? Anh ta chẳng phải là một người nghèo khổ trong làng Nagiarét sao? Anh ta nghĩ mình là ai mà dám tự nhận mình là ngôn sứ? Đâu là bằng chứng cho thấy anh ta là Đấng Thiên Sai chứ không phải là tên mạo nhận?”.
Lời xầm xì càng lúc càng lớn và chẳng bao lâu đám dân bắt đầu la lên. Rồi tình hình đột nhiên không thể kiềm chế được nữa. Thánh Luca kể lại trong Tin Mừng như sau: “Dân chúng đứng dậy kéo Chúa Giêsu ra khỏi thành và dẫn Ngài lên đỉnh đồi trong thành phố dự tính xô Ngài lộn đầu xuống dưới. Nhưng Ngài đã bước qua giữa họ và bỏ đi nơi khác”.
Phải chăng đó cũng chính là sái số phận của người ngôn sứ, của người tông đồ, vì Chúa Giêsu cũng đã bảo: Môn đệ không trọng hơn Thầy, người ta đã bắt bớ Thầy thì người ta cũng sẽ bắt bớ các con.
Thực vậy, ngày hôm nay, Chúa Giêsu trở về Nadarét để rao giảng Tin Mừng, nhưng Ngài đã bị chính những người đồng hương chống đối, rồi trên khắp nẻo đường xứ Palestina, Ngài đã loan truyền Tin Mừng, đã chữa lành những tật bệnh đem lại mọi lợi ích cho con người, thế nhưng họ đã dám cho Ngài lấy quyền phép ma quỷ mà làm những việc đó. Ngài mạc khải Thiên Chúa là Cha và mình là Con, thì họ cho Ngài là kẻ phạm thượng, bị quỷ ám và điên khùng. Ngài đến đem bình an, chân lý và thiết lập nước Thiên Chúa thì bị mang tiếng là xách động là phản loạn. Họ bắt bớ và kết án Ngài tử hình trên thập giá. Sau cùng Ngài đã bị đóng đinh giữa hai tên trộm cướp.
Thân phận của người ngôn sứ là như thế và Chúa Giêsu cũng đã xác định cho các tông đồ: Các con sẽ phải đau khổ, khóc lóc, sẽ bị bắt bớ và điệu ra toà. Và như chúng ta thấy: Cuộc đời người sứ giả của Thiên Chúa phải gắn liền với thập giá và khổ đau, vì nơi thập giá, ơn cứu độ được biểu hiện qua sự chết và phục sinh của Đức Kitô. Bởi vì đau khổ là đường lên ánh sáng, gian khổ là đường về vinh quang và thập giá tới phục sinh và là điểm tựa cho người sứ giả để can đảm loan truyền lời Chúa.
Họ không sợ hãi vì có sức mạnh thần linh yểm trợ. Nơi thập giá, sức mạnh của Thiên Chúa thể hiện và sự yếu đuối của con người gặp được sự khôn ngoan tuyệt vời của Thiên Chúa. Thập giá giải hoà con người với Thiên Chúa và đem lại ơn cứu độ. Số phận của người môn đệ phải đồng hoá với số phận của Thầy chí thánh, bởi vì chính Chúa cũng đã ra điều kiện: “Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta.”
Người môn đệ không phải chỉ chết cho mình mà còn chết cho người khác. Đúng thế, thập giá họ vác chính là dấu chỉ họ chết cho thế gian. Họ sung sướng và hãnh diện vì được chịu khổ đau như thánh Phaolô đã viết: Phần tôi chẳng bao giờ tôi dám vênh vang, ngại trừ nơi thập giá Đức Kitô, Đấng đã đóng đinh thế gian cho tôi và tôi cho thế gian. Trong những giờ phút đen tối, họ nhìn vào thập giá Đức Kitô và tìm thấy ở đó một lý tưởng, một sức mạnh, một kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình.
Trước những hy sinh gian khổ chúng ta đã có thái độ nào: sẵn sàng chấp nhận chịu đóng đinh với Đức Kitô nghĩa là dám hy sinh, từ bỏ ý riêng để phục vụ ý Chúa hay không? Đức Kitô có phải là nguyên lý cứu độ hay đã trở nên cớ cho chúng ta vấp phạm.
Chúa Giêsu đã là gương mẫu cho các sứ giả Tin Mừng hôm nay. Phải luôn luôn ý thức về sứ vụ mang Lời Chúa của mình, biết rõ những khó khăn, thử thách và nguy hiểm sẽ gặp, nhưng vẫn một lòng trung thành hoàn tất sứ vụ, liều chết vì sứ vụ Chúa đã trao phó để làm sáng danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn.
Ngày nay sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa vẫn được Giáo Hội tiếp tục thi hành trên khắp thế giới. Biết bao người đã được ơn gọi lãnh lấy sứ vụ đó và đã hân hoan đón nhận, đang thi hành sứ vụ của mình một cách can đảm, nhiệt thành và kiên trì rất đáng thán phục. Họ cũng đang gặp đủ mọi thử thách, chống đối, ghen ghét, hãm hại bởi những người không muốn đón nhận Tin Mừng họ rao giảng. Họ đã sẵn sàng chịu đủ thứ hình khổ và cả cái chết nữa vì sứ vụ chuyển thông Lời Chúa theo gương Đức Kitô. Chúng ta tiếp tục cầu xin Chúa ban sức mạnh tinh thần cũng như thể xác cho họ như Chúa đã ban cho các vị Ngôn sứ, các Tông đồ ngày xưa và cho các vị tử đạo.
Chúng ta cầu xin cách riêng cho những người đã lãnh sứ vụ mang Lời Chúa, vì lý do này hay lý do khác mà sợ hãi, muốn tháo lui, muốn nín thinh… biết nhìn vào gương của Giêrêmia, của Chúa Giêsu, của các Tông đồ và bao nhiêu người đã và đang hết sức trung thành với sứ vụ của mình trong đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần.
Lm. Anmai, C.Ss.R.