“Đốt đèn, làm tạm, chầu giờ tháng Năm
“Tháng Sáu, kiệu ảnh Lái Tim…”
-
Hơn năm, sáu mươi năm rồi, tôi vẫn không thể nào quên được những câu hát vè mộc mạc rất dân gian nhà đạo ấy, hiểu như là một lời rao đầu lễ mỗi Chúa nhật ở nhà thờ, xứ đạo, làng quê. Nó nhắc bảo người ta nhớ lấy nằm lòng, đâu là những lễ buộc, cùng những luật điều phải giữ, phải làm, phải kiêng khem, phải sống sao cho xứng đáng suốt năm phụng vụ của người Công giáo Việt Nam. Nói dối mắc tội trọng, ông bà, cha mẹ và bọn tôi thuở ấy, hễ tin là tin như kinh tin kính, không sai chạy đi đâu, từng chân tơ kẽ tóc. Những gì thuộc về Chúa, về Mẹ, về Giáo hội thì thiêng liêng, chẳng hư mất, ngờ vực, có chết cũng cam lòng. Hỏi chứ, có xa xăm tít tắp mịt mù gì cho cam? Bấm đốt ngón tay, chỉ năm, sáu chục năm mới đây thôi, sao bể dâu, biến dịch ghê gớm thế? Đối với phần đông người giáo dân tầm tầm như chúng tôi, món quà quý hoá nhất, đơn giản nhất bấy giờ chỉ là được mẫu ảnh, cỗ tràng hạt, dây áo Đức Bà Carmelo, sợi cước đeo tượng Chúa chịu nạn hoặc quyển sách Gương Phúc, Gương Tội, Truyện Ông Thánh A-lê-xù, Ca Vè Cụ Sáu…Cả cái vốn liếng, gia tài thiêng liêng chỉ ngần ấy. Đỏ con mắt, kiếm đâu ra quyển sách Phúc Âm bằng tiếng mẹ đẻ mà đọc, y như nỗi khát khao cháy bỏng của nhà thơ tài hoa mà bạc mệnh Phan xi cô Hàn Mạc Tử (1912-1940). Nói chi đến những triết lý, thần học, giáo lý đẩu đâu? Ấy vậy mà đức tin và lòng đạo cứ bền cứ vững, mặc cho giặc giã, chiến tranh, đói khổ, cấm cách triền miên.Tôi còn nhớ rõ mồn một câu chuyện, thế này.Chả là, mưa bão năm ấy ở đâu tràn về.Nhà cửa, ruộng đồng, cây cối đổ nghiêng đổ ngửa, xơ xác, tang thương.Tượng Đức Mẹ ban ơn trên bàn thờ nhà tôi rớt xuống đất, vỡ tan tinh. Tôi nom rõ thầy mẹ tôi vừa khóc, vừa thu gom hết những mảnh vụn, bọc vào một cái túi vải sạch, rồi thả xuống giếng sâu trước sân nhà.Các cụ bảo, tượng cha đã làm phép, thiêng lắm, không được phạm sự thánh, Chúa phạt lòi con mắt ra cho mà coi! Nhờ ơn Đức Mẹ thương, những gầu nước từ cái giếng ấy đã chữa lành bao đứa trẻ trong cơn dịch đậu mùa cấp tính.
Trở lại chuyện tháng 6 như trên đã nói. Riêng những câu vè trên đây nói về việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu diễn ra trong tháng 6, mà dân gian nhà đạo mình quen miệng gọi là Tháng Trái Tim, Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu – Cor Jesu Sacratissimum. Tập quán ngôn ngữ rất đặc thù ấy, như đã thành cái nếp cắm rễ sâu trong suy nghĩ, trong cảm nhận và cả trong những diễn tả ứng xử rất đời thường của đông đảo bà con ta.Đến nỗi, chỉ thoáng nghe, thoáng đọc hoặc thấy ai chợt nói đâu đó đến chùm từ ngữ này, là y như ta đã có cảm xúc chạm vào cái thế giới nói năng rất đỗi kinh sách nhuần nhị của nhà thầy – nhà phước – nhà chung – nhà dòng – nhà thờ – xứ đạo, không lẫn vào đâu được. Chẳng hạn, Tháng 3 mừng kính thánh cả Giuse; Tháng 5 Dâng hoa Đức Mẹ; Tháng 8 thông công lễ đầu dòng; Tháng 10 Rosa lần chuỗi kính Đức Bà Mân Côi;tháng 11 viếng mộ – nguyện giỗ – cầu cho các đẳng linh hồn v.v.
Vâng, chỉ tính trong tháng 6 này – ngoài các Chúa nhật lễ trọng mừng kính Chúa Thánh Thần hiện xuống, lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi – còn có hai lễ trọng khác nữa, là Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu và Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, vào Thứ Sáu. Đặc biệt, lòng tôn sùng Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu (Thánh Thể) được cử hành rất trọng vọng và bài bản, gọi là phiên chầu lượt ở các giáo xứ đại diện cho giáo phận, dọc dài theo các Chúa nhật quanh năm phụng vụ.Nói đến bài bản, phụng vụ là nói đến phép tắc, cung cách, lễ nghi, chầu tạ, chiêm bái, tôn thờ.Kể cả những nghi thức phụ trợ gần xa, như rước sách, kiệu cờ, kinh nguyện, đàn ca, chuông khánh, mặt nhật (hào quang), nhà chầu, bàn thánh, chén thánh, bánh thánh, khăn thánh, phòng thánh, nhà tạm, đèn chầu, áo chầu, hát chầu, giúp chầu, chịu lễ (rước lễ), chầu đơn, chầu trọng thể…Đó là chưa nói đến những nơi được mở tuần đại phúc, những phiên chầu lượt quy tụ giáo dân hàng huyện hàng tổng tứ xứ thập phương, khăn gói rủ nhau tựu về thông công ròng rã mấy hôm liền.
Dù ai xuôi ngược đâu đâu
Nhớ phiên chầu lượt, rủ nhau mà về
Dù ai buôn bán trăm nghề,
Tới phiên chầu lượt thì về thông công.
-
Chuyện lễ bái, kinh hạt Chầu Mình Thánh Chúa của các vùng miền đạo ở xứ ta thì bao la, bát ngát. Chẳng ai còn lạ gì, kinh nhà đạo, gạo nhà chùa. Cứ kể lược qua, đã thấy, từ Sách Các Phép; Sách Cắt Nghĩa Các Lễ Phép và Chữ Đỏ;Sách Giải Nghĩa Bảy Phép Bí Tích trong danh mục xuất bản của các nhà in Ninh Phú Đường (1875); Tân Định (1889); Kẻ Sở (1904); Phú Nhai Đường (1916); Qui Nhơn (1939); Huế (1941), cho đến những bộ sách kinh nhật tụng của giáo dân, như Thánh Giáo Kinh Nguyện (Hà Nội, Phát Diệm, Thanh Hoá, Hưng Hoá); Toàn Niên Kinh Nguyện ( Hải Phòng, Bùi Chu, Bắc Ninh, Thái Bình) đầy ắp những kinh là kinh về Mình Thánh Chúa.Đặc biệt hơn cả, là quyển Mục Lục Nhựt Khoá – bản in đầu tiên tại Bangkok, Thái Lan, 1887 – có nhiều kinh bằng tiếng La Tinh: Tantum Ergo; Pange Lingua; Ubi Caritas, Ubi Amor est; Jesu Dulcis Amor… Dưới góc độ nghiên cứu thì bộ sách hiếm quý này, ngoài số lượng trang bài (520 trang giấy Bible, khổ 10×14, 5), còn có những chương đoạn Ca Vãn – Hát Mừng được biên tập khá côngphu, có giá trị về mặt ngôn ngữ và văn chương thi phú. Chẳng hạn, Tôi kính Lạy Chúa Giêsu; Ở Lưỡi Phải Ngợi Khen; Ở Giáo Nhơn; Ôi, Cây Thánh Giá; Ở Bánh Thiêng Liêng; Ở Bánh Trường Sinh; Ở Núi Thánh Xion v.v.
Đọc tuần báo Nam Kỳ Địa Phận những năm 1931-1932, mới thấy cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa ở đất Sài gòn năm xưa đã được cử hành trọng thể là dường nào.Phải nói đến cái quang cảnh của cả Sài gòn – Gia Định hơn 80 năm trước ngẩn ngơ khi đoàn rước đi qua những con phố ken cứng những người thành tâm, sùng mộ. Đây, ta đọc nhé: “Xưa, họ đạo có thói quen đi kiệu xung quanh các con đường Paul Blanchy, Mayer, Pellerin và d’Arfeuilles… Khách mời, gồm Đức cha Dumond (địa phận Kiansi, Trung Quốc) và 5 cha Lazaristes, Đức Cha Sài gòn chủ sự cầm Mình Chúa bước vô kiệu lần đầu tiên khai trương, do các nghệ nhân Phát Diệm làm.Cuộc rước theo thứ tự: Thánh giá đèn hầu, đại ban nhạc Tây, học trò thầy dòng Freres des Ecoles Chretiennes, đồng nhi nữ, con Đức Bà, các bà Saint Paul de Chartres, đồng nhi nam, hội giúp lễ, đồng nhi vãi bông, xông hương, đội Thiên Thần, quới chức tân cựu, kiệu Mình Thánh, hội tấn giáo, hội Môi Khôi, bổn đạo nam nữ. Kiệu lần lượt dừng lại ở 2 nhà tạm đồ sộ uy nghi. Một ở ngay cổng chính Institut Pasteur và một tại núi Đức Bà Lourdes bên trong nhà phước các bà Saint Paul.Kiệu sẽ đi qua các ngả đường lớn, như Barbler, Foucault, Paul Bert, Dakao, Tân An, Vạn Chài, Monceaux, Champagne, Xóm Lách, Cầu Kiệu, sang Phú Nhuận, rồi về lại nhà thờ Tân Định.”