Sống trọn vẹn Mầu nhiệm Thánh Thể 

Sống trọn vẹn Mầu nhiệm Thánh Thể :

cha thánh Eymard với lời khấn « toàn hiến bản vị»

(Le vœu de la personnalité, le don total de soi)

Thánh Phêrô-Julianô Eymard (1811-1868)

Phêrô Trần Đức Tuấn (tổng hợp tư liệu)     

 

  1. Các thuật ngữ  đồng nghĩa dùng trong  tu đức theo gương Chúa Giêsu

 Tiếng việt : Toàn hiến bản vị, từ bỏ chính mình, từ bỏ bản thân, tự hủy, tận hiến đời mình, tận  hiến bản vị…

Tiếng Pháp : don de la personnalité, don de soi, don total de soi, anéantissement, dépouillement de son être, de son moi…

Có tác giả dịch « vœu de la personnalité » là « Lời khấn bản vị », cách chuyển ngữ này xem ra « gọn » vì có bốn chữ giống như 3 lời khấn truyền thống.  Nhưng nếu hiểu theo ngữ cảnh của 3 lời khấn truyền thống thì từ «bản vị » dễ gây ngộ nhận. Do trong từ điển tiếng việt, nghĩa của từ « bản vị » mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cục bộ, cho nên, nếu người viết bài về đề tài này dùng từ « bản vị » thì nên chuyển ngữ rõ là : « lời khấn toàn hiến bản vị». Theo cách dùng từ của cha thánh Eymard, khi nói đến lời khấn toàn hiến bản vị (vœu de sa personnalité), cha muốn nhấn mạnh đến ý nghĩa lời khấn toàn hiến chính bản thân mình (vœu du don total de lui-même) theo gương Chúa Giêsu Ngôi Lời Nhập Thể. Chính vì thế mà  trong bài giảng (prédication) cho các sœurs  Nữ Tỳ Thánh Thể (PS 536,2) cha thánh có nói đến thuật ngữ: vœu d’incarnation cũng chính là lời khấn toàn hiến bản vị.  Cũng trong chiều hướng suy tư này, cảm nghiệm từ ý tưởng « abneget semetipsum » (…phải từ bỏ chính mình) ở câu 24, chương 6 trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (Mt,16,24) và trong Tin Mừng theo Thánh Luca (Lc 9,23), cha thánh Eymard có dùng cụm từ la-tinh là : absque sui proprio có nghĩa là từ bỏ chính mình, không có gì là thuộc về mình (sans propre personnel)

  1. Hành trình dẫn đến lời khấn « toàn hiến bản vị»

 2.1. Tuần tĩnh tâm Rôma lần thứ nhất :  Hồi tâm nhìn lại ơn gọi và sứ vụ sáng lập Hội dòng Thánh Thể

* Sau khi đã thành lập xong các cộng đoàn Paris (1856), Marseille (1859), Angers (1862) và trong lúc chờ tòa thánh chuẩn thuận Hội dòng theo đúng Giáo luật, cha Eymard đã thực hiện tuần tĩnh tâm Rôma  từ 17/5 đến 25/5 năm1863 tại tu viện Saints-Jean-et Paul (Rôma), trong tài liệu cùa Dòng Thánh Thể hay gọi là Tuần tĩnh tâm Rôma lần thứ nhất  (Première Retraite de Rome).

* Kết quả : Ngày 3/6/1863 ĐGH Pio IX đã ký chuẩn thuận có hiệu lực từ ngày 8/05/1863.

* Đây là tuần tĩnh tâm giúp cha nhìn lại toàn bộ « hành trình » đã trải qua trong tâm tình tạ ơn Chúa : vì Hội Dòng được sáng lập đúng thật là theo thánh ý Chúa. Về khung tổ chức và cơ cấu coi như hoàn tất, chỉ còn phần « nội tâm » của Hội dòng là cần được tưới tẩm,vun đắp. Đây chính là phần khó khăn nhất vì liên quan đến việc huấn luyện « thường huấn trong lòng hội dòng» sao cho đúng với đặc sủng mà cha đón nhận từ Thiên Chúa trong tư cách người sáng lập hội dòng Thánh Thể.

* Ngay từ tuần tĩnh tâm Rôma này, cha Eymard đã cầu xin Chúa Thánh Thần dẫn dắt mình và soi sáng cho mình cảm nghiệm được điều làm vui lòng Thánh ý Chúa nhất. Cha cảm nhận được « con đường » theo ơn gọi Thánh Thể là tận hiến cho Chúa chính bản thân mình (bản vị) « le don de ma personne ». Toàn hiến mọi thứ thuộc về bản thân mình cho Chúa còn quý hơn là thực hiện những cộng việc bên ngoài như là công việc tông đồ chẳng hạn.

2.2. Từ dự án Nhà Tiệc Ly Jérusalem (12/1863) đến Tuần Đại Tĩnh tâm ở Rôma (từ 25-01 đến 21/3/1865)

 Ngày 25 -01- 1865, cha bước vào đợt tĩnh tâm kéo dài 9 tuần để gặp gỡ Chúa với khắc khoải đi tìm Thánh ý Chúa.Tài liệu dòng hay gọi là Tuần Đại Tĩnh tâm ở Rôma (Grande Retraitre de Rome), tâm trạng của cha là tâm trạng trông chờ, mong mỏi, khổ tâm,thử thách.Nhờ cuộc tĩnh tâm này, cha Eymard cảm nghiệm được một điều : mọi thành tựu có được cho Hội dòng hay thậm chí cho dự án « Nhà Tiệc Ly » không phải là do công cán của mình. Một trải nghiệm rất thực tế cho đời sống tận hiến đó là : biết lột bỏ chính con người mình, chính bản thân mình ( le dépouillement de tout son être, de son moi).

  1. Lời khấn « « toàn hiến bản vị» (le vœu de la personnalité)

    * Vào ngày 21 /03/ 1865, ngày lễ kính thánh Benoît, ngay trong « tâm bão » của thử thách, cha đã đón nhận « cảm nghiệm đức tin » trong tâm tình tạ ơn : khấn với Chúa một điều : đó là Lời khấn toàn hiến bản vị. Lời khấn này không phải là lời khấn công khai trước mặt đại diện Giáo hội nhưng lời khấn này là lời khấn « trải nghiệm thần bí ». Đúng là cách sống khó nghèo, tức là từ bỏ chính bản thân mình, theo Jean Galot (1986 :156), linh mục Dòng Tên, giáo sư Thần học chuyên về Kitô-học (Christologie) có nhấn mạnh đến « Nét thần bí » (aspect mystique)  khi dấn thân « quên mình »,  từ bỏ chính mình trong cảm nghiệm đức tin sống trọn vẹn mầu nhiệm Nhập Thể theo gương Chúa Giêsu. Lời khấn cao trọng nhất làm biến đổi tận căn cha thánh Eymard : biết sẵn sàng đón nhận mọi quyết định gửi đến cho dù quyết định ấy hoàn toàn ngược với lòng mong muốn của mình.

    * Và nhờ « cảm nghiệm ân sủng » trong Tuần Đại Tĩnh Tâm này mà cha thánh Eymard « sẵn sàng » đón nhận kết quả : nếu nói về mặt giáo quyền thì Dự án Nhà Tiệc ly Jérusalem, nơi « dấu ấn kỷ niệm Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể » : là một dự án « thất bại » với thư trả lời « từ chối » vào khoảng cuối tháng 3. Ngày 30/3/1865 cha rời Rôma trong tâm trạng chấp nhận « từ bỏ » dự án Nhà Tiệc Ly ở Jérusalem.

    * Tuy nhiên, thất bại dự án Nhà Tiệc ly Jérusalem, lại là « thành công » trong cảm nghiệm đức tin sống mầu nhiệm Thánh Thể trọn vẹn. Đó là cha thánh Eymard được « ân sủng » lớn lao « cảm nghiệm được Chúa Giêsu cư ngụ trong « nhà tiệc ly nội tâm » của mình (le Cénacle intérieur), vì chính Chúa Giêsu Thánh Thể luôn hiện diện trong Nhà tiệc ly nội tâm này. Như vậy, không phải là chuyện cha hay hội dòng của cha sẽ ở trong nhà Tiệc Ly Jérusalem đó như là nơi để lại dấu ấn mầu nhiệm Tình yêu mà cốt yếu  là chính Chúa Giêsu Thánh Thể  sẽ « chiếm hữu » toàn diện con người của cha thánh Eymard như là Nhà Tiệc Ly có sức sống ! Như vậy, đó mới chính là Đức Kitô sống trong tôi.

    * Lời khấn « « toàn hiến chính bản thân mình » : Theo cha thánh lý giải, đó chính là lời khấn « sống mầu nhiệm Nhập thể » (vœu d’incarnation) (PS 536,2) : vì qua mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa đã hạ mình làm thân phận con người thật. Và qua mầu nhiệm ngôi hiệp (union hypostatique), tức là Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa thật vừa là con người thật (Vrai Dieu Vrai homme). Chúa Giêsu đã vâng theo thánh ý của Thiên chúa Cha chấp nhận « từ bỏ bản vị con người trần gian của mình, chấp nhận chịu chết trên thập giá để cứu độ nhân loại.

    * Với lời khấn này, cha thánh đã từ bỏ mọi ý riêng của mình, từ bỏ mọi thứ theo sở thích riêng của mình, tất cả chỉ còn lại cho mình là chính Chúa Giêsu sống trong mình như khi chính Chúa Giêsu ngự vào tâm hồn mình khi rước Mình Thánh Chúa, đúng như theo tin mừng Gioan (6,57) Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.

  1. Sống trọn vẹn Mầu nhiệm Thánh Thể  theo gương  cha thánh Eymard : từ tâm hồn đơn sơ đến lòng khát khao tìm Chân lý

    * Mỗi người công giáo, ngày Rước lễ lần đầu là ngày kỷ niệm « rất vui » vì lần đầu sống « cảm nghiệm » Chúa ngự vào tâm hồn mình theo cách hiểu thật đơn sơ : con được « rước Chúa » vào lòng con. Đây là « lần đầu » gặp gỡ Chúa Giêsu trong tâm tình « kết hiệp ». trong Chúa Giêsu Thánh Thể. Cuốn hút vào mầu nhiệm Thánh Thể, mình « tâm tình thủ thỉ » với Chúa Giêsu Thánh Thể xin Ngài « biền đổi » con người mình như là Ngài đã « biến đổi » bánh mì và rượu nho. Gặp gỡ Đức Kitô trong Thánh Thể mỗi khi tham dự cử hành Thánh Thể (Thánh Lễ) chính là Sống Hành Trình Đức Tin nối kết Bí tích Thánh Thể và Giáo Hội. Vì thế Thánh Thể và Giáo hội (thánh lễ mang tính Cộng đoàn) không thể tách rời nhau. Không ai yêu mến Thánh Thể mà lại không tham dự cử hành Thánh Thể. Ngay cả, có siêng năng Chầu Thánh Thể vẫn chưa « đủ » nếu thiếu phần tham dự tích cực vào Thánh lễ. Bởi lẽ, chầu Thánh Thể chỉ là phần nối dài của Cử Hành Thánh Thể. Các Thánh lúc nào cũng tìm thấy được niềm an ủi, niềm vui mỗi khi « đi gặp gỡ Đức Kitô » trong Thánh Thể. Khi hát Adoro te devote (Thờ Laỵ Chúa Giêsu) là lúc nhắc mình tin vào  sự hiện diện của Thiên Chúa trong Thánh Thể, mình đặt niềm hy vọng và yêu mến Ngài.Với một tâm hồn đơn sơ yêu mến Thánh Thể, vào ngày 25 -05-1845, cha thánh Eymard đã đón nhận ơn Đức tin « sống động » (foi vive) và « ơn » yêu mến Chúa Giêsu ngự trong Thánh Thể, yêu đến nỗi cha Eymard sau này vui mừng dâng lời khấn toàn hiến bản vị của mình : Bản vị (moi, personne) của cha Eymard được Lửa Thánh Thể thiêu đốt (consumée) để cha sống trọn vẹn mầu nhiệm Nhập thể theo gương Chúa Giêsu. Khi mình lãnh nhận Mình-Máu Thánh Chúa, là lúc chúng ta được biến đổi trong Đức Kitô. Jean Tauler,OP (thế kỷ 14)  (in Eck S.1994 :114); đã dùng hình ảnh lúc đón nhận Mình Thánh Chúa ví như là lúc « củi bỏ vào trong lửa và củi đó cũng trở nên « lửa », có nghĩa là lúc ấy « Mình Thánh Chúa » đã thiêu đốt mọi thứ « bất xứng » và làm cho « củi » ấy (lòng mình) chỉ còn là Ngọn Lửa (flamme) Mến Yêu Tinh Tuyền. Thánh Augustino đã từng có trải nghiệm như nghe Chúa Giêsu Thánh Thể nói với mình như sau : Ta là Thần lương nuôi dưỡng con, con lớn lên và  « ăn bánh này » (grandis et mange-moi) (in Eck S.1994 :114), con không làm thay đổi ta trong con mà chính con sẽ được biến đổi hoàn toàn trong Ta.

Hình cha thánh tổ phụ, tấm gương sáng cho Gia đình Eymard  «Sống trọn vẹn Mầu Nhiệm Thánh Thể » 

 

Nguồn tư liệu tham khảo :

1.Œuvres complètes- Saint Pierre-Julien Eymard, Édition électronique (NR 44, từ 118 đến 121)

  1. Jean Galot (1986), Vivre avec le Christ, Éditions SINTAL,Louvain, 240p.

  2. Suzanne Eck (1994), Initiation à Jean [Johannes]Tauler, Cerf,Paris,198 p.