“Đức Giêsu biến đổi…dung nhan chói lọi như mặt trời…bấy giờ Phêrô thưa: ‘Lạy Ngài chúng con ở đây thật hay!’…chợt…có tiếng từ đám mây: ‘…hãy vâng nghe Lời Người’ ” (Mt 17,2.4.5)
Mùa Chay là mùa chiến đấu (chúa nhật một); Mùa Chay cũng là mùa chuẩn bị giúp các tín hữu sống cao độ và thống nhất trong cuộc sống của mình hai chiều kích bất khả phân ly của Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu: Thập Giá và Phục Sinh. Đường đi là Thập Giá, nhưng đích tới là Phục Sinh. Mùa Chay tạo nên những phương thế thuận lợi giúp các tín hữu can đảm đối đầu và dám dấn thân trên con đường Thập Giá. Một trong những cách đó, chính là hé mở cho tín hữu thấy trước phần nào vinh quang phục sinh. Tin Mừng Chúa Nhật thứ II Mùa Chay trong cả ba năm A, B, C luôn đề cập đến biến cố Hiển Dung: Ba môn đệ Phêrô_Gioan_Giacôbê được thoáng thấy vinh quang thần linh đang tiềm ẩn trong con người Giêsu; Đức Giêsu đang chuẩn bị cho các ông đón nhận Thập Giá.
Thật vậy, văn mạch của trích đoạn Hiển Dung cho thấy rằng các môn đệ của Đức Giêsu không đảm nhận nổi con đường Thập Giá: sau lời tuyên tín Đức Giêsu là Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa hằng sống của Phêrô thì ông được Đức Giêsu hết lời khen ngợi và đặt ông là Đá Tảng nền của toà nhà Hội Thánh của Người (x.Mt 16,13-20). Tuy nhiên, ngay sau đó, Đức Giêsu đã mặc khải phương thức mà Người đã chọn để hoàn thành sứ vụ Mêsia: Đức Giêsu báo thương khó, tử nạn và phục sinh lần thứ nhất (16,21). Trước mặc khải kinh hoàng đó Phêrô vấp ngã, ngăn cản Thầy mình chối từ Thập Giá và bị Đức Giêsu mắng là “Xatan” (16,22-23). Rồi Đức Giêsu còn đi xa hơn nữa khi khẳng định rằng đường Thập Giá không phải là riêng cho Người mà là con đường BUỘC cho tất cả những ai muốn làm môn đệ, đi theo Đức Giêsu (16,24-28). Mặc khải ấy thực sự là một chướng ngại khó vượt qua nằm trên lộ trình theo Chúa của các môn đệ (x.Mt 26,56b). Vậy biến cố Hiển Dung (17,1-8) là một đặc ân giúp các môn đệ được nếm cảm trước vinh quang thần linh mà Đức Giêsu sẽ tỏ hiện trọn vẹn trong ngày phục sinh, nhờ đó họ đủ nghị lực hoàn tất lộ trình Thập Giá. Đó là góc nhìn từ phía Đức Giêsu! Còn về phía các môn đệ thì sao?
Có thể nói rằng Hiển Dung vừa là một hồng ân phù trợ, vừa là một thử thách mà Thiên Chúa qua đó mời các môn đệ phải chiến đấu và chiến thắng như Thầy của mình đã làm trong cuộc chiến 40 ngày ở hoang địa (x.Mt 4,1-11). Thật vậy, chúng ta thử làm một so sánh giữa hai biến cố:
TRONG HOANG ĐỊA: Cơn cám dỗ ba (4,8-10):
-
Quỷ cho Đức Giêsu nhìn thấy vinh quang trần thế.
-
Rồi dụ dỗ hãy thọ hưởng ngay tất cả.
-
Một cái bẫy được Quỷ giăng ra hòng đánh lừa Đức Giêsu thờ lạy bái phục Nó, bội phản Thiên Chúa.
-
Nhưng Đức Giêsu đã chiến thắng, vạch mặt Quỷ và đuổi Hắn đi xa Người: “Xatan kia, Cút!”; Chỉ thờ lạy Thiên Chúa, làm theo Thánh Ý Chúa mà thôi.
TRONG HIỂN DUNG: Một thử thách để đào tạo môn đệ.
-
Đức Giêsu đưa môn đệ lên núi cho họ thấy tận mắt vinh quang phục sinh của Người.
-
Dù không bị ai dụ dỗ, các môn đệ vẫn bộc lộ ra khuynh hướng chết người ẩn sâu trong bản tính phàm nhân tội lỗi: họ muốn chiếm hữu lâu dài, ngay tức khắc cái vinh quang tạm thời ấy.
-
Cái bẫy (đúng hơn là cơn thử thách đào luyện vì do Chúa tạo ra mà) là các ông đã quên mất thực tại còn đang phải “làm người” của ba Thầy trò: các ông đòi ở lại luôn trên núi nên đã đề nghị “dựng ba lều”; Điều ấy đồng nghĩa với việc các ông bỏ mặc chín môn đệ kia đang còn ở bên dưới và đang phải khốn khổ chiến đấu với Quỷ và đã thua trận (17,14-21). Qua chi tiết trên, các môn đệ đã lộ ra “tử huyệt” của kiếp tội nhân:
-
Cắt đứt tương quan với các anh em mình đang chiến đấu, chỉ thấy cái vinh quang trước mắt và đòi thọ hưởng ngay cho bản thân mình.
-
Đi ngược lại đường lối của Thầy là phải lên Giêrusalem (16,21).
Cái chết, sự hủy diệt đang rình rập các ông!
-
May thay, đây là đợt đào tạo của Chúa, nên Thiên Chúa đã can thiệp qua cuộc thần hiện: Cuộc thần hiện được diễn tả qua những nét văn chương quen thuộc: “đám mây” bao phủ các ông; “tiếng nói” từ đám mây. Cuộc thần hiện dập tắt ngay dòng tư tưởng sai lạc đang thống trị tâm trí của Phêrô, đưa các ông quay về lại thân phận thọ tạo của mình: “các ông ngã sấp mặt xuống đất”; Mọi khát vọng phàm nhân sai trái bị xóa tan.
Và tiếp đó là mặc khải thần linh: vị Thầy mà họ đang theo, vị Thầy vừa loan báo đường Thập Giá chính là “CON THIÊN CHÚA”; Thiên Chúa hài lòng về Người, đồng tình với chiến lược hành động của Người vừa được nói cho môn đệ (x.16,21-28).
Và cuộc thần hiện kết thúc bằng một lệnh từ trời: “Hãy vâng nghe Lời Người”. Như vậy nhân loại đã được Thiên Chúa trao cho bí quyết để vượt thử thách, đi trọn đường Thập Giá: Lời Chúa, cụ thể là vâng lời Đức Giêsu.
Tóm: Đức Giêsu đã chiến thắng Xatan trong hoang địa nhờ Lời Chúa (4,10)
Đức Giêsu đã thắng “Xatan – Phêrô” bằng cách làm theo “tư tưởng của Thiên Chúa” (16,23).
Và giờ đây, trên núi Hiển Dung này, đích thân Thiên Chúa xác nhận phải nghe theo Lời dạy và đường hướng của Đức Giêsu.
Và cuộc đời tiếp sau của Phêrô là một minh họa sống động cho chân lý “phải cậy dựa vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu”. Cứ mỗi lần Phêrô dựa vào nhiệt huyết nhân loại để hành động thì đều vấp ngã trước Thập Giá: – Tất cả môn đệ bỏ trốn khi Đức Giêsu bị bắt; – Phêrô tưởng là can đảm rồi ra cũng chối Thầy; – Không ai trong Nhóm mười hai dự nghi thức an táng Đức Giêsu; – Và khi Đức Giêsu đã an nghỉ trong phần mộ thì các tông đồ cũng “tự xóa sổ” trong căn phòng Tiệc Ly hạn hẹp.
May thay Đấng Phục Sinh đã đến vực họ dậy và ban cho họ hồn sống là Chúa Thánh Thần (x.Ga 20,22), nhất là trong Lễ Ngũ Tuần (x.Cv 2,1-4). Sức sống phục sinh thật sự làm chủ họ; Lời Chúa trở thành lẽ sống, quy luật hành động của họ, họ vượt thắng được nỗi sợ Thập Giá “phải vâng nghe lời Thiên Chúa trên hết” (x.Cv 4,19). Với hành trang là Lời Chúa, đoàn môn đệ vượt thắng Thập Giá tiến về Phục Sinh.
Ước mong trong Mùa Chay này, đặc biệt trong Năm Đức Phanxicô thiết lập “Chúa Nhật Lời Chúa” kính nhớ vào Chúa Nhật III Mùa Thường Niên hằng năm và Hiệp Hội Thánh Kinh Công Giáo đề nghị cử hành “Năm Lời Chúa” từ 1/12/2019 đến 30/9/2020, tất cả tín hữu: cá nhân, gia đình, cộng đoàn lên dự tính dành chút thời gian ĐỌC – SUY NIỆM và Tìm cách THỰC THI LỜI CHÚA cho chính mình để đồng hành với Đức Giêsu trên đường Thập Giá đưa đến Phục Sinh.
Frère Pierre Đình Long FSC