Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn (Ga 1,34)
Tin Mừng thứ tư không họa lại khung cảnh cụ thể việc Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Điều Tin Mừng thứ tư nhấn mạnh đó là LỜI CHỨNG của Gioan khẳng định với toàn dân rằng Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia được Gioan giới thiệu qua hai tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,29) và Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1,34). Thế nhưng cũng trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Gioan đã lập lại hai lần lời này “Tôi đã không biết Người” (x.1,31.33). Chắc là Gioan phải biết Đức Giêsu là em họ của mình. Điều mà ông không ngờ được chính là vai trò, vị trí độc nhất vô nhị của cậu em mình trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Điều mà trước đây ông “đã không biết” thì giờ đây ông đang hết lòng làm chứng.
Yếu tố nào đã giúp Gioan nhận ra Đức Giêsu là Đấng Mêsia của Thiên Chúa ? Chính Thiên Chúa đã cho dấu chỉ. Đó là là lời đáp của Gioan. Ông khẳng định sứ mạng của ông đến từ Thiên Chúa : chính Thiên Chúa đã sai ông đi làm phép rửa ; và với lòng đạo đức của người Do Thái, ông gọi Thiên Chúa là “Đấng sai tôi đi làm phép rửa “chứ không dám gọi trực tiếp danh thánh Chúa (x. Ga 1,33a).
Dù chưa biết Đấng Mêsia là ai, Gioan vẫn tin tưởng vào lời hướng dẫn của Thiên Chúa, ra đi làm phép rửa. Hành trang ông mang theo khi bắt đầu thi hành sứ mạng chỉ là một lời còn rất mơ hồ của Thiên Chúa : “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1,33b). Vậy theo Tin Mừng thứ tư, yếu tố chính giúp nhận ra Đấng Mêsia là “Đấng Tràn Đầy Thánh Thần”. Ở đây, trong bước khởi đầu sứ mạng, Gioan có tâm tình tín thác tất cả cho Thiên Chúa như tổ phụ Abraham : “Đi đến đất Ta sẽ chỉ cho” (x.St 12,1b). Abraham đi mà chưa biết mình đi đâu ! Gioan đi làm chứng mà chưa biết Đấng mình phải làm chứng là ai ! Gioan đã trung kiên thi hành sứ mạng được Thiên Chúa sai trong tình trạng “vô tri”: “Tôi đã không biết Người” (1,31a.33a) cho tới khi Đức Giêsu xuất hiện và chịu phép rửa. Và theo Tin Mừng Nhất Lãm thì Thần Khí tựa như chim bồ câu đã ngự xuống trên Đức Giêsu. Bắt đầu từ mặc khải đó, theo Tin Mừng thứ tư, sứ mạng chính của Gioan là làm chứng Đức Giêsu là Mêsia (x.Ga 1,34 ; 3,25 – 29). Trong đoạn Tin Mừng được trích đọc hôm nay, Gioan làm chứng Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” (câu 29) và là “Đấng Thiên Chúa tuyển chon” (câu 34, có dị bản : “Con Thiên Chúa”). Cả hai hình ảnh đều đồng quy về một điểm : Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Chúa đã chọn dùng để cứu thế nhân và phần Người Đức Giêsu đáp trả bằng hy sinh chính mạng sống, đổ máu ra để cứu dân. Thật vậy :
*Hình ảnh”con chiên” đối với người Do Thái là một biểu tượng đầy ý nghĩa liên hệ mật thiết với sự sống còn của họ :
– Trước tiên là “Con chiên thế mạng” cho Isaac, đó là “Con Chiên làm lễ toàn thiêu mà chính Chúa sẽ lo liệu” (x.St 22,8 – 9.13).
– Con Chiên Vượt Qua trong Xh 12,3. Đó là Con Chiên chịu sát tế : máu của nó bôi lên khung cửa nhà nào thì nhà đó được cứu; thịt của nó làm lương thực để dân Chúa khởi đầu bước chân của người tự do.
– Trong Lv 14,10 – 20, Con Chiên chịu sát tế để tẩy uế làm cho những ai đã bị ô uế vì bệnh cùi (hay vì lý do nào khác) sẽ được nên trong sạch hội nhập được vào cộng đoàn dân Chúa, được tham gia phụng tự của dân Chúa.
– Trong Is 53,6 – 7, Con Chiên chính là Người Tôi Trung của Thiên Chúa lãnh nhận trên mình tất cả tội lỗi của dân, đền tội thay và cứu họ.
Như vậy theo Tin Mừng thứ tư thì trong khi rao giảng mời dân thú tội, chịu phép rửa xin ơn tha thứ, Gioan cũng làm chứng luôn rằng chính Đức Giêsu là Đấng Đầy Tràn Thần Khí sẽ ban cho dân ơn tha thứ ngang qua việc Người đổ máu, hi sinh mạng sống để đền tội thay, cứu họ. Những điều đó là ý định của Thiên Chúa đã được loan báo dần, từ trước trong Cựu Ước. Nói cách khác, Đức Giêsu là Đấng làm theo ý Cha, là Con Cha, đẹp lòng Cha mọi đàng (x.Mt 3,17).
*Tước hiệu “Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn”, hoặc “Con Thiên Chúa” gợi lại ơn gọi của Israel : đám người nô lệ bị đe dọa diệt chủng (x.Xh 1,16 – 22) đã được Thiên Chúa giải cứu và chọn làm “sở hữu riêng của Người” (x.Xh 19,5 – 6), được gọi là “con đầu lòng” của Thiên Chúa (x.Đnl 4,22). Từ đó họ trở nên dân thánh (x. Đnl 7,6 ; 26,1), dân được chúc phúc (Is 44,3), dân tư tế (Xh 19,6), qua họ mọi dân tộc sẽ nhận biết Thiên Chúa (Is 49,5 – 6).
“Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn” và được Thánh Thần ngự xuống gợi lên hình ảnh Người Tôi Trung trong Is 42,1, được Thiên Chúa ưu ái tuyển chọn để trao cho sứ mạng “làm sáng tỏ công lý trước mặt muôn dân”, nghĩa là làm cho mọi người biết và tuân phục Thánh Ý Thiên Chúa.
Như vậy qua các cụm từ “Chiên Thiên Chúa”, “Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn”, Đấng có Thần Khí ngự trên, Gioan làm chứng rằng Đức Giêsu là Đấng được Thiên Chúa sai đến để phục hồi dân Chúa và nhân loại đã được Cựu Ứơc loan báo. Cách thức thi hành sứ mạng là Người đảm nhận lấy nơi mình toàn bộ tội lỗi và hậu quả mà nhân loại đã gây ra để tha thứ, giải cứu họ khỏi Ác Thần, biến đám tội nhân thành Dân Thánh. Dân riêng Thiên Chúa, Dân Tư Tế làm trung gian nối kết Thiên Chúa với nhân loại. Đó là sứ mạng mà Đức Giêsu phải hoàn tất trong giai đoạn sứ vụ công khai của Người : Người đã gánh hết tội lỗi nhân loại và đưa lên Thập Giá ; Người đã thiết lập Giáo Hội, các bí tích và trao ban Thánh Thần để Giáo Hội tiếp tục công trình cứu độ của Thiên Chúa cho đến tận thế.
Frère Pierre Đình Long FSC