“…Ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử…” Tôi là cửa của các con chiên” (Ga 10,2.7b).
Trong ba Chúa Nhật đầu của Mùa Phục Sinh, các bài đọc Tin Mừng cho chúng ta chiêm ngắm các hoạt động cuối cùng của Đấng Phục Sinh trong khoảng thời gian tám ngày, nhằm củng cố niềm tin vào Người của các môn đệ và chuẩn bị cho các vị ấy tiếp tục sứ vụ mà Chúa Cha đã trao cho Người mà không có sự hiện diện hữu hình của Người. Các Chúa Nhật tiếp theo, các bài đọc Tin Mừng đưa chúng ta về lại hành trình rao giảng công khai của Đức Giêsu. Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh được phụng vụ gọi là Chúa Nhật “Chúa chiên lành”. Tin Mừng cả ba năm ABC đều nói đến tương quan giữa Đức Giêsu – Chúa Cha – Đàn Chiên – Các Mục Tử ngang qua hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống chăn nuôi của người Do Thái tại Palestin.
Trong phụng vụ Công Giáo, Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh được gọi tên là Chúa Nhật “CHÚA CHIÊN LÀNH” để tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho nhân loại “NGƯỜI MỤC TỬ NHÂN LÀNH” là Đức Giêsu, đã dám hi sinh cả đến mạng sống mình để tha thứ, chữa lành, phục hồi, nuôi dưỡng, cứu độ đàn chiên. Hội Thánh nài xin Thiên Chúa ban nhiều “thợ gặt”, nhiều ơn gọi linh mục, tu sĩ đến các “cánh đồng” truyền giáo, lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. “Mầm Sống Thần Linh” do Đức Giêsu phục sinh mang đến tặng ban cho nhân loại cần có các tay thợ lành nghề tiếp tục chăm sóc chuẩn bị cho vụ mùa cánh chung bội thu.
Thông thường khi nói đến tương quan giữa Đức Giêsu với đàn chiên tín hữu, người ta nghĩ ngay tới vai trò Mục Tử của Đức Giêsu: Người là VỊ MỤC TỬ TỐT. Tuy nhiên, trích đoạn Tin Mừng được chọn đọc trong Chúa Nhật IV A Mùa Phục Sinh thì vai trò chính yếu của Đức Giêsu được nhấn mạnh tới lại là “CỬA”. Đức Giêsu lại nói: “Thật tôi bảo thật các ông: tôi là CỬA CỦA CÁC CON CHIÊN” (x.Ga 10,7.9).
Cách nói nghe lạ tai đối với chúng ta. Tuy nhiên nếu ta chịu khó tìm hiểu ý nghĩa của cách nói này thì sẽ thấy rằng đó là một mắc xích trọng yếu trong quá trình Thiên Chúa tỏ mình cho dân Chúa, giúp dân Chúa ngày càng tiến sâu vào mối tương quan phụ tử thân tình với Thiên Chúa. Thật vậy, cách nói “tôi là CỬA” tương đương với “Thầy là CON ĐƯỜNG…” (x.Ga 14,6). “Con đường” là yếu tố bắt buộc một khách lữ hành phải trải nghiệm để có thể đạt đến cùng đích mà mình ước mong. Vậy “cửa”, “con đường” ám chỉ gì?
Khi nói về Đức Giêsu, chúng ta thường tuyên tín Người là Thiên Chúa thật và cũng là con người thật, nhưng khi đến với Đức Giêsu thường chúng ta chỉ thấy Người là Thiên Chúa; Điều đó càng được củng cố thêm trong bối cảnh Mùa Phục Sinh: nhân tính của Đức Giêsu được đưa về trời, được tôn vinh là CHÚA, muôn vật phải tôn thờ…(x.Pl 2,10-11). Cũng như ba môn đệ trên núi Tabor lúc Đức Giêsu hiển dung, các ông quên mất Đức Giêsu đang là một con người vừa loan báo đường Thập Giá. Chúng ta quên mất yếu tố nào đã đưa chúng ta thông hiệp vào vinh quang thần linh của Thiên Chúa cách trung thực và chắn chắn. Yếu tố đó chính là NHÂN TÍNH của Đức Giêsu. Trước khi nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa thì các chứng nhân về phục sinh đều đã tiếp xúc trực tiếp bằng các giác quan với nhân tính của Đức Giêsu. Chính nhân tính đó đã từng bước một đào tạo, dẫn đưa họ đến đức tin chân chính.Vậy cái “CỬA”, “CON ĐƯỜNG” chính là những gì mà Đấng Phục Sinh tỏ bày hữu hình cho môn đệ được thấy, đó là NHÂN TÍNH của Người. Chính trong và qua nhân tính ấy mà Ngôi Lời Thiên Chúa đang hiện diện, điều khiển dòng lịch sử, và chỉ một mình Người mới đưa mọi sự về lại với Cha: “không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (x.Ga 14,6).
Trong bầu khí của Mùa Phục Sinh, các tín hữu đang phấn khích tôn vinh Đức Giêsu là CHÚA, thì Giáo Hội nhắc lại cho chúng ta đừng vội quên vị Thiên Chúa đó cũng là một con người trọn vẹn, cũng chịu mọi thử thách như bao con người khác, chỉ khác một điều là không phạm tội thôi (x.Dt 2,17a; 4,15); Người phải trải qua nhiều khổ đau của phận làm người mới học biết được thế nào là vâng phục (x.Dt 5,8) và chính nhờ vâng phục, chấp nhận phận tội nhân như thế (nghĩa là sống trọn vẹn kiếp làm con người) thì Người mới trở nên nguồn ơn cứu độ cho những ai thần phục Người (x.Dt 5,9), đền tội cho họ, làm cho họ nên công chính trong Người (x.Rm 8,3; 2Cr 5,21). Vậy nhân tính Đức Giêsu chính là cầu nối kết hiệp vũ trụ, con người vốn hữu hình với Thiên Chúa vô hình, thần linh. Ngoài “cánh cửa” Giêsu này, vũ trụ và con người không đạt đến Chúa được. Qua mặc khải mình là “cửa của các con chiên”, Đức Giêsu đang chuẩn bị trước cho các môn đệ sẵn sàng đương đầu với Thập Giá, giúp họ vững tin vào Người, cho dù lúc ấy xác thân Người bị bầm dập, tơi tả vì các nhục hình (x.Ga 14,29) và còn hơn nữa là nhận ra “tội nhân” Giêsu ấy chính là Thiên Chúa (x.Ga 13,19).
Đức Giêsu không nói “tôi là cửa của chuồng chiên”, mà lại nói “tôi là cửa của các con chiên” (10,7 dịch sát theo tiếng hi lạp: “amen, amen…êgô êimi he thura ton probaton”): điều mà Đức Giêsu muốn nhắm tới, khi dùng hình ảnh “cái cửa” không phải là một nơi chốn cố định (vì “cái cửa” không đi theo sát “con chiên” được) mà là một mối tương quan mật thiết gắn bó nhân vị của Người với đàn chiên, với từng con chiên của Người. Chính con người của Đức Giêsu là hồng ân mà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại và Thiên Chúa muốn nhân loại sẽ tiếp xúc, gặp gỡ Chúa qua con người Giêsu ấy. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã muốn chọn HÒM BIA làm phương tiên để đồng hành với dân trong suốt cuộc hành trình vượt sa mạc để về tới Đất Hứa, thì nay qua hình ảnh “cửa của các con chiên”, với tư cách là “êgô êimi” (tên mà Yavê Thiên Chúa mặc khải cho Môsê qua bụi gai rực cháy mà không tiêu tan: Xh 3,14). Đức Giêsu tỏ mình cho dân mới Người là trung gian duy nhất mà Thiên Chúa yêu thương ban tặng cho nhân loại để con người có thể gặp được Thiên Chúa và thông hiệp trọn vẹn vào sự sống thần linh của Thiên Chúa. Thật vậy, trong Kinh Thánh, “CỬA” cũng được dùng để ám chỉ lối vào thế giới của Thiên Chúa (x.St 28,17 “đây là CỬA Trời” trong giấc mơ của Giacob; x.Mt 7,13-14: vào Nước Trời bằng CỬA hẹp).
Kể từ khi nguyên tổ phạm tội trốn chạy Thiên Chúa, thì CỬA TRỜI đóng lại (x.St 3,8.23-24). Tương giao thân tình với Thiên Chúa tạm thời cắt đứt; “hình ảnh của Thiên Chúa” nơi con người bị lem ố đi! Mặc dù vậy, tận đáy thẳm tâm hồn, con người vẫn hướng vọng về trời cao: họ nài xin Thiên Chúa xé trời ngự xuống với họ (x.Is 63,19) và xin Thiên Chúa ngự đến dẫn đầu đưa dân Chúa qua CỬA về lại đồng cỏ bình an (x.Mk 2,12-13). Đức Giêsu được Cha sai đến để thực hiện dự tính đó: qua Thập Giá và Phục Sinh, Đức Giêsu trở nên CỬA TRỜI mở ra để các con chiên của Chúa có lối về lại nhà Cha qua CỬA GIÊSU (x.Ga 1,51).
Còn tron giai đoạn lữ hành, “lúa” và “cỏ lùng” còn lẫn lộn, thì “CỬA” Giêsu chính là chuẩn mực giúp biện phân đâu là mục tử tốt/xấu, con chiên nào là chiên thật sự thuộc về đàn chiên của Chúa (x.Ga 10,1-2; 10,9).
Những gì Đức Giêsu đã thực hiện cho toàn nhân loại, thì Đức Giêsu cũng muốn từng môn đệ hãy làm như Người. Đức Giêsu đã là CỬA để các môn đệ đến được với Cha, thì tới phiên mình mỗi môn đệ cũng phải là CỬA để những ai tiếp xúc với môn đệ đều có CỬA bảo đảm đến được với Đức Giêsu và trong Đức Giêsu đến được với Cha: như Thầy đã rửa chân cho anh em, anh em hãy rửa chân cho nhau (x.Ga 13,14); “Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em” (x.Ga 20,21). Chính thân phận làm người đầy yếu hèn, tội lỗi của chúng ta, Thiên Chúa đã hồi phục, sử dụng làm trung gian đem ơn cứu độ đến cho kẻ khác. Thật vậy những con người hèn yếu trốn chui trốn nhủi vì “sợ người Do Thái”, thì giờ đây, trong bài đọc một, đã trở thành “CỬA” tuôn ban Lời cứu độ đến cho muôn dân.
Hãy can đảm sống trọn vẹn ơn gọi làm người mà Chúa đã thương ban, hãy chứng tỏ cho mọi người thấy rằng phận người yếu đuối là “hình ảnh của Thiên Chúa” và là Con Thiên Chúa.
Frère Pierre Đình Long FSC