SUY NIỆM CHÚA NHẬT I PHỤC SINH – năm ABC

“ Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy…theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20,8-9).

Chúng ta bước vào Mùa Phục Sinh! Lẽ ra biến cố Đức Giêsu sống lại phải là điểm nổi bật trong các bản văn phụng vụ. Thế nhưng Tin Mừng của Chúa Nhật mở đầu Mùa Phục Sinh lại là một đoạn văn, trong đó Đức Giêsu hoàn toàn vắng bóng, cũng không đề cập gì đến biến cố Đức Giêsu sống lại. Bản văn Tin Mừng Ga 20,1-9 tập trung vào phản ứng của ba con người: Maria Macđala, Phêrô, và “người môn đệ Đức Giêsu thương mến”. Cả ba đang đối diện với một thực tại bí ẩn: NGÔI MỘ TRỐNG. Xác Đức Giêsu không còn trong mồ nữa, tảng đá lấp cửa mồ bị đẩy qua một bên. Điều gì đã xảy ra?

Bài đọc Tin Mừng mở đầu với một bầu khí ảm đảm, nặng nề: bóng đêm còn bao phủ không gian! Một dáng phụ nữ cô đơn, thẩn thờ lê bước tiến ra nghĩa địa, chắc là để đến mồ thương khóc người thân, níu kéo cách tuyệt vọng chút kỷ niệm còn đọng lại của người Thầy thân yêu bị xử án bất công. Còn nhóm môn đệ của Vị Thầy này đang có nguy cơ rã đám: Giuđa chết; Tôma đi đâu không rõ, còn lại mười người đang sợ hãi, lẩn trốn người Do Thái, ẩn mình trong phòng cửa đóng kín mít. Tất cả hầu như tê liệt. Thế nhưng rồi, có một sự chuyển biến đột ngột: ba nhân vật được nêu lên trong bản văn thoát ra khỏi cảnh tê liệt: họ CHẠY (câu 2.4), chạy ra mồ Đức Giêsu. Trước mắt họ, tảng đá lấp cửa mồ đã lăn qua một bên, xác Đức Giêsu biến mất. Huyệt mộ hoàn toàn trống vắng: Theo Gioan lúc đó chưa có các thiên sứ hiện ra, sứ điệp phục sinh chưa được công bố cho bất kỳ ai, Đức Giêsu cũng chưa hiện ra lần nào. Thế nhưng bản văn Tin Mừng kết thúc một cách hoàn toàn bất ngờ: “người môn đệ Đức Giêsu thương mến” (và có lẽ cả Phêrô) đã tin rằng Đức Giêsu đã phục sinh. Bình minh bắt đầu ló dạng, Sự Sáng đang dần đẩy lui đêm tối. 

Yếu tố nào đã làm nên cuộc đổi thay tuyệt vời đó? Điều gì đã khiến cho những con người yếu đuối, mỏng dòn, đang tuyệt vọng vì cái chết của Thầy, lại bỗng chốc trở nên những con người xác tín nhận ra rằng Đức Giêsu đã sống lại?

Đối tượng mà bản văn này nhắm tới là chúng ta, những con người đang sống ở thế kỷ XXI: chúng ta cũng đang tuyệt vọng trước lưỡi hái của Thần Chết, tất cả đều đang đối diện với nấm mồ; Nhưng chúng ta bị thiệt thòi, là không gặp được thiên sứ, chúng ta không được Đấng Phục Sinh hiện ra. Vậy dựa vào đâu để chúng ta chắc chắn được rằng Đức Giêsu đã phục sinh. Có nhiều câu đáp! Hôm nay chúng ta chỉ suy niệm trên những yếu tố được ghi lại trong Ga 20,1-9:

Để đưa tới đức tin mà người môn đệ Chúa yêu có được, Tin Mừng hôm nay mời chúng ta suy niệm ba yếu tố:

  1. Lòng mến đối với Đức Giêsu: Vì lòng yêu mến, gắn bó với Thầy, nên ngay khi ngày Sabat vừa qua, lúc trời còn tối, bà Macđala đã vội đi ra mồ Chúa. So với Ga 11,31 bà ra mộ một mình chắc là để than khóc theo tục lệ muốn kéo dài giây phút gần gũi với người thân đã chết. Việc làm này biểu lộ lòng quý mến sâu xa của bà đối với Đức Giêsu, tuy nhiên còn quá nặng tình cảm nhân loại. Bà đang đi tìm một người chết. Chính vì thế tình cảm thuần nhân loại ấy đã giam bà trong phạm trù giác quan, sự kiện, suy luận chủ quan ngay cả khi đứng đối diện với Chúa (x.20,15); Tình cảm ấy cản trở bà đi tới cái nhìn đức tin, bà không nhận ra được ý nghĩa của sự kiện, không nhận ra được đó là DẤU CHỈ Chúa đang gởi tới.

Tuy nhiên tình cảm ấy vẫn có một ý nghĩa tích cực: nó là bước khởi đầu góp phần vào đức tin của người môn đệ Chúa yêu. Thật vậy nếu không yêu mến Thầy thì Macđala đã không đi ra thăm mồ, còn các tông đồ thì đang lẩn trốn, do đó sự kiện tảng đá lấp cửa mộ bị lăn qua một bên không được loan báo, và kết quả mọi việc khác đi.

Hoa trái trước mắt thấy được của lòng mến đó chính là xóa tan bầu khí ảm đạm, nặng nề, lê lết của nỗi buồn Thập Giá. Thấy tảng đá lăn qua một bên, Macđala vụt CHẠY, chạy về báo tin cho các môn đệ Đức Giêsu. Nghe tin, Phêrô và người môn đệ Chúa yêu cũng bật dậy và CHẠY, chạy vội ra mồ.

  1. Ngôi mộ trống: Chạy nhanh hơn, người môn đệ Chúa yêu đến mồ trước, nhưng ông không vào chỉ đứng bên ngoài nhìn vô và thấy chung chung là các băng vài liệm còn đó (c.5); Phêrô đến sau, nhưng ông chạy thẳng luôn vào lòng ngôi mộ. Có thể nói Phêrô là người đầu tiên có mặt tại hiện trường, là người thứ nhất chứng kiến toàn bộ mọi chi tiết trong ngôi mộ trống, trong tình trạng nguyên tuyền nhất của nó. Điều đó hàm ý rằng chứng từ của Phêrô là có thế giá nhất, là nền tảng về chuyện ngôi mộ trống. Sau đó, người môn đệ Chúa yêu cũng vào (còn Macđala thì không: x.20,11).Họ thấy gì?

Họ thấy một trật tự lạ lùng: các vật dùng để tẫn liệm, dấu chỉ của sự chết bị xếp lại, để đúng chỗ, ngay ngắn. Một dấu hiệu ám chỉ quyền lực của sự chết đã bị khống chế, bị vô hiệu hóa, bị xếp qua một bên. Từ nay thừng chão bó chặt xác thân kẻ chết không còn khống chế Đức Giêsu được nữa (khác với Ladarô: khi ra khỏi mồ vẫn còn bị quấn trong vải liệm). Với chi tiết đó, thông tin “xác Thầy bị đánh cắp” (c.2b) của Macđala không có cơ sở. Như vậy điều gì đã xảy ra? Nhìn cách khách quan thì sự kiện trên chưa xác định rõ được điều gì. Nhưng đối với các môn đệ thì đó là một DẤU CHỈ GỢI NHỚ LẠI và GIÚP HIỂU LỜI CHÚA.

  1. Lời Chúa: Câu 9 có thể hiểu:trước khi chứng kiến ngôi mộ trống ngăn nắp trật tự thì Phêrô và người môn đệ Chúa yêu CHƯA HIỂU LỜI KINH THÁNH: “Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết”. Thật vậy mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh, qua hình ảnh “Người Tôi Trung” đã được Cựu Ước báo trước (x.Is 52,13-53,12…) và được Đức Giêsu công khai loan báo ba lần trong Tin Mừng Nhất Lãm và được Tin Mừng Gioan công bố cách khác “khi Ta được giương cao khỏi đất…”; Thế nhưng các môn đệ đã đồng loạt khước từ. Họ không hiểu gì những lời tâm huyết của Đức Giêsu, họ chỉ chạy theo mưu đồ muốn làm lớn, ngồi hai bên tả hữu Đấng Mêsia vinh quang. Họ không chấp nhận Thập Giá. Vì thế khi Thập Giá kinh hoàng ập tới, họ mất hết niềm hi vọng, quên mất lời loan báo phục sinh. Giờ đây đứng trước ngôi mộ trống ngăn nắp trật tự (ngăn nắp trật tự đâu vào đấy là đặc nét của công trình sáng tạo: x.St 1), nhờ ơn Chúa họ đã bừng tỉnh nhớ lại và HIỀU lời Kinh Thánh rằng Đức Giêsu phải sống lại; Thế là họ TIN. Tin không cần các bằng chứng thể lý, không cần kiểm chứng bằng giác quan thực nghiệm.

Chúa đã sống lại! Đó không chỉ là một biến cố lịch sử mà đó là niềm vui, ơn cứu độ mọi nơi, mọi lúc, mọi thời cho toàn nhân loại, cho toàn thể tạo thành. Niềm vui, hạnh phúc ấy phải là gia sản cho từng người chúng ta, hôm nay, tại nơi này. Do đó nếu chỉ dựa vào những yếu tố kiểm chứng thực nghiệm, tiếp cận giác quan để tin Chúa phục sinh thì làm sao con người thời đại hôm nay có được như các tông đồ. Tin Mừng hôm nay là một mặc khải giúp nhân loại mọi thời vượt qua được giới hạn giác quan thể lý để đi vào tương quan đức tin, tin rằng Đức Giêsu đã phục sinh, Người đang sống và đang điều khiển thế giới. Đó là

Lời Chúa
Lòng mến của tín hữu, của Giáo Hội đối với Đức Giêsu.

Và mỗi tín hứu phải là một chứng từ sống động để lôi cuốn thế giới đến với Lời Chúa. Và Lời Chúa sẽ giúp mọi người nhận ra và tin rằng Đức Giêsu đã phục sinh.

Chúa đã sống lại thật rồi. Halleluia.
Chúa đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.

Phần mỗi người hãy để “Chúa Giêsu ngự trị lòng ta”, giúp ta biết và hiểu Lời Chúa, biến chúng ta thành chứng nhân cho sự thật: Chúa đã sống lại.

Frère Pierre Đình Long FSC