“Chính anh em là muối cho đời… là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13a.14a)
“Chính anh em là muối cho đời… là ánh sáng cho trần gian”. Đó là lý tưởng mà Đức Giêsu khơi lên nơi các môn đệ và đòi hỏi họ trong Tin Mừng hôm nay.
Trước khi chia sẻ, tôi mời các bạn đọc Mt 5,1 – 12. Tôi đố các bạn : Có bao nhiêu mối phúc? Chín chứ không phải tám đâu ! Tuy nhiên nói là tám cũng không sai :
– Tám mối phúc trong Mt 5,1 – 10 được Đức Giêsu nói chung cho tất cả mọi người “PHÚC THAY AI” và theo một công thức ngắn gọn: “phúc thay ai…vì…”
– Còn mối phúc thứ chín được nhắm RIÊNG vào những người đã tin và theo Đức Giêsu làm môn đệ : “Phúc thay ANH EM…” và không theo công thức ngắn gọn trên (x.Mt 5,11 – 12).
Tôi nói dài dòng là để làm nổi bật lên khung cảnh mà trong đó Đức Giêsu đã đưa ra lời mời gọi làm “muối”, “ánh sáng”. Người môn đệ của Đức Giêsu phải luôn ý thức rằng : “VÌ THẦY” mà môn đệ bị người đời sỉ vả, bị thế gian bách hại, vu khống đủ điều…Vì sao ? Vì đường lối của Đức Giêsu làm lộ ra sự thối nát, hư hỏng, tối tăm của lối sống mà thế gian đang theo đuổi và coi như lẽ sống. Thật vậy, bài giảng “tám mối phúc thật”, được Đức Giêsu nói cho cả đám đông lẫn môn đệ (x.Mt 5,1), như là một bản tuyên ngôn làm đảo lộn những bậc thang giá trị mà người đời vẫn sùng bái kiếm tìm. Là những người được ơn Chúa giúp, đã tin vào bản tuyên ngôn ấy, giờ đây các môn đệ được Đức Giêsu mời gọi hãy ra tay cứu vớt cái thế giới đang dần thối rửa, đi vào bóng tối của giàu sang xa xỉ, truy hoan phóng túng, hưởng thụ vô độ… bằng MUỐI và ÁNH SÁNG của tám mối phúc được Đức Giêsu coi là cương lĩnh của Hiến chương Nước Trời. Dám sống như thế thì các môn đệ sẽ như Thầy, bị sỉ vả, bách hại, vu khống là chuyện không thế tránh, và suốt 2.000 năm lịch sử Giáo Hội, sự thật đó không ngừng diễn ra mọi nơi, mọi thời. Biết rõ đường Thánh Giá là lộ trình tất yếu mà các môn đệ phải theo, Đức Giêsu không mị dân, Người vẫn nói lên sự thật và không hề giảm bớt chút đòi hỏi nào : Anh Em phải là MUỐI, là ÁNH SÁNG.
Muối và ánh sáng là hai yếu tố quan trọng góp phần làm cho cuộc sống của con người có chất lượng hơn, sung sướng, hạnh phúc hơn. Thật vậy, muối và ánh sáng tác động trực tiếp trên hai giác quan của con người : vị giác (lưỡi) và thị giác (mắt). Hai giác quan này lại liên hệ mật thiết tới hai nhu cầu cơ bản nhất của đời người, chúng bám riết vào kiếp người từ lúc vừa cất tiếng khóc chào đời cho tới khi nhắm mắt lìa thế : đó chính là hai nhu cầu ĂN và NGỦ. Ăn ngon miệng, ngủ thẳng giấc là hạnh phúc tuyệt vời : “ăn được ngủ được là tiên”.
Tuy nhiên hai nhu cầu này lại có thể trở thành hai tai họa lớn cho con người và là cội nguồn của bao bệnh tật. Cuộc sống xô bồ của xã hội tiêu thụ hôm nay với những hậu quả đáng tiếc của nó cho cá nhân, xã hội, gia đình… là một minh họa tỏ tường mà ai trong chúng ta cũng đã có dịp chứng kiến. Trong hướng nhìn đó Tin Mừng mời gọi các tín hữu hãy làm tinh thần tám mối phúc trở nên một phẩm chất nội tại nơi bản thân mình (đừng để tiền của làm chủ đời mình, sống hiền lành, nhân ái, can đảm trong thử thách, kiên trì theo đuổi sứ điệp Tin Mừng…) ; rồi sau đó đem tinh thần tám phúc ấy làm muối ướp trần gian, làm ánh sáng bừng lên trong đêm tối bằng chính cuộc sống của mình, nhờ đó lòng người thế trần dần được ướp mặn không còn sợ các khuynh hướng xấu lôi cuốn, làm hư thối nữa.
Thêm nữa, dựa vào đặc tính bảo quản lương thực được lâu bền của muối, dân Do Thái còn sử dụng muối để kết Giao ước. Cam kết ấy được gọi là GIAO ƯỚC MUỐI, sẽ có giá trị vĩnh viễn (x.Ds 18,19). Do đó để bày tỏ lòng trung tín bền vững với Chúa, lễ phẩm tiến dâng phải được bỏ thêm muối vào (x.Lv 2,13 ; Ed 43,24). Từ ý nghĩa đó, khi nói môn đệ là “muối cho đời”, Đức Giêsu muốn các kitô hữu phải là Giao Ứơc hữu hình bền vững nối kết mọi người với Chúa và hơn nữa đưa họ vào mối tương quan làm môn đệ Chúa, nghĩa là làm cho họ trở thành “Muối cho đời” như chúng ta. Phương thức để thông truyền đặc tính của muối qua cho họ chính là SỐNG TINH THẦN TÁM PHÚC. Lễ vật của người môn đệ dâng lên Chúa, chắc chắn sẽ được nhận lời khi được ta dâng lên có “muối tám phúc” kèm theo.
Còn về hình ảnh ánh sáng : trước tiên, Thiên Chúa là ánh sáng, là nguồn ơn cứu độ cho kẻ tin (x.Tv 27,1 ; 18,19). Chúa sẽ soi sáng cho dân đang đi trong bóng tối (x.Is 9,1 ; Mi 7,8b). Phương thế cụ thể Chúa dùng để soi dẫn cho dân là Luật, là Lời Chúa (x.Cn 6,23 ; Tv 119,105) ; và trong dự tính cứu độ của mình, Chúa sẽ gởi đến cho dân một nhân vật được tiên tri Isaia gọi là Người Tôi Trung làm ánh sáng cho muôn dân (x.Is 42,6 ; 49,6) và Chúa cũng muốn Israel, dân Chúa cùng thông hiệp vào sứ vụ của Người Tôi Trung (x.Is 49,3).
Do đó khi Đức Giêsu nói các môn đệ là “ánh sáng cho trần gian”, người công bố thời hoàn tất lời hứa về ban “ánh sáng” đã đến. Thật vậy, trong dịp Lễ Lều, tưởng nhớ biến cố Chúa ẩn mình trong đám mây cột lửa, làm ánh sáng dẫn dân về Đất Hứa (x.Xh 13,21 – 22 ; 40,36 – 38), Đức Giêsu công khai tuyên bố “Tôi là ánh sáng thế gian” (x.Ga 8,12). Người chính là “ánh sáng” mà Cha sai đến (x.Lc 2,32). Người đã được Cha sai mang lửa (ánh sáng) xuống trần gian, Người mang lửa đó bừng lên mãnh liệt (x.Lc 12,49). Giờ đây Người muốn môn đệ Người tiếp tục sứ vụ đó (so với Ga 20,21b) làm ánh sáng cho trần gian bằng cách NỘI TÂM HÓA tinh thần tám phúc, biến thành phẩm chất nội tại của mình để rồi đồng thời đem tinh thần đó “ƯỚP MẶN” “CHIẾU SOI” trần thế.
“Làm muối”, “làm ánh sáng”, đó là hai cách nói diễn tả cùng một sứ mạng mà Đức Giêsu đã nhận từ Cha rồi truyền lại cho môn đệ : sứ mạng cứu thế bằng con đường tám phúc mà Đức Giêsu đã mang tới.
Frère Pierre Đình Long FSC