SUY NIỆM CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH – năm A

“Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác…” (Ga 14,15-16).

Chúng ta đang ở những giây phút cuối cùng của cuộc đời trần thế của Đức Giêsu. Những gì Người nói đây là di chúc giúp đoàn môn đệ định hướng cho tương lai vì Người sắp ra đi (có thể hiểu là “Thập Giá” lẫn “Thăng Thiên”). Người sẽ không còn hiện diện hữu hình và đồng hành với các môn đệ qua xác phàm nhân loại nữa. Vì thế Người muốn tận dụng những giây phút quý báu còn lại để chuẩn bị tương lai cho các môn đệ: để lại cho họ những bảo vật, những “bí kíp” giúp họ bước vào giai đoạn công khai, tự mình đảm nhận trực tiếp sứ vụ của mình mà không có sự hiện diện thể lý của Đức Giêsu nữa. Tin Mừng Gioan đang trình bày cho chúng ta bài diễn từ giã biệt của Đức Giêsu vào ngày thứ năm Tuần Thánh. Tin Mừng hôm nay là một trích đoạn trong bài diễn từ này. Tin Mừng này trình bày cho ta hai báu vật mà Đức Giêsu để lại cho môn đệ như là một bảo chứng thần linh cho sự thành công của sứ vụ tông đồ.

  1. Yêu mến Thầy, biểu lộ ra bằng giữ các giới răn của Người.
  2. Đấng Bảo Trợ khác, tức Chúa Thánh Thần, mãi ở cùng môn đệ.

Để hiểu tốt hơn Tin Mừng hôm nay, nên quay về lại với bầu khí Thứ Năm Thánh và Buổi Tiệc Ly theo Tin Mừng Gioan.

Sau rửa chân và bữa ăn (ý nghĩa: xem lại trong bài Suy niệm tuần trước), Giuđa bỏ đi và trời liền tối (x.Ga 14,30). Đức Giêsu cũng nhận thấy thực tại không sáng sủa nơi tâm tình các môn đệ: Người báo trước Phêrô sẽ chối Thầy, nhưng ông này không chịu nhận sự yếu đuối của mình mà lại tự tin cãi lại lời Thầy. Trong bóng đêm ảm đạm ấy, Đức Giêsu đã thắp sáng lên ánh lửa HI VỌNG của cậy trông, phó thác bằng diễn từ GIẢI THÍCH Ý NGHĨA VIỆC NGƯỜI SẮP RA ĐI:

  • Ra đi là tạm rời khỏi cái thân xác phải chết, đang còn đầy giới hạn của kiếp người để về với Cha, để khi trở lại thì thân xác phải chết đó được thông hiệp với sự sống vĩnh cửu của Cha. Mà còn tuyệt vời hơn nữa, ra đi còn là để DỌN chỗ trước cho môn đệ. Để rồi…
  • Sẽ trở lại đón các môn đệ, để Thầy trò sum họp vĩnh viễn trong Nhà Cha. Đó mới là Ý Cha. Ý Cha là cả cuộc đời của Đức Giêsu trong toàn bộ lịch sử cứu độ như là một tổng thể thống nhất chứ không phải là một biến cố rời rạc nào đó của cuộc sống của Người, bị tách rời ra khỏi tổng thể (khi nói “Thập giá riêng rẽ” là Ý Cha thì không đúng; “Thập Giá” trong tổng thể của lịch sử cứu độ mới là Ý Cha đích thực).

Theo những gì đang có trong văn bản hiện tại, diễn từ giã biệt của Tin Mừng Gioan kéo dài từ 13,31-17,26, có thể chia làm hai phần chính:

  1. 13,31-14,31: bài diễn từ thứ nhất với sứ điệp trọng tâm là ý nghĩa của việc Đức Giêsu ra đi. Diễn từ kết thúc với việc Đức Giêsu và môn đệ đứng dậy rời khỏi phòng Tiệc Ly (14,31b).
  2. 15,1-17,26: có lẽ là những tư tưởng được thêm vào sau nhằm bổ túc, khai triển những gì đã nói trong diễn từ trước (x.CGKPV, “Tân Ước” trang 459 chú thích “u”, 1994).

Tuần trước đã trích đọc 14,1-12 gồm lời giải thích ý nghĩa việc ra đi (14,2-3) và trả lời hai câu hỏi của hai môn đệ là Toma và Philipphê về ý nghĩa mà người vừa hé mặc khải – câu hỏi của Philipphê chỉ mới trả lời một nữa. Tuần này là phần trả lời tiếp theo cho câu hỏi của Philipphê.

Trong tuần trước chúng ta đã chia sẻ: câu đáp của Đức Giêsu không phải là một lập luận lý thuyết nhằm thỏa mãn trí tò mò giới hạn của Philipphê, nhưng là Đức Giêsu đang trình bày cho nhóm môn đệ thân tín nhất, mà Người hi vọng sẽ kế nghiệp Người, SỰ THẬT, SỰ SỐNG, ĐƯỜNG LỐI mà người đã nhận được từ Chúa Cha và giờ đây sắp ra đi, Người dốc túi truyền lại cho họ. Qua các câu 14,10-11a, Đức Giêsu mời môn đệ tin “Người và Cha là một” (Ga 10,30); Đây là bài toán thử để xem ai là môn đệ, chiên thật của Đức Giêsu (x.Ga 10,26-30). Nhưng lần mời gọi tin lần này, Đức Giêsu không dừng lại ở tương quan cá vị giữa Người và môn đệ mà còn mở ra cho tương quan sứ mạng sau này của môn đệ mọi thời: Với niềm xác tín “Đức Giêsu với Cha là một”, các môn đệ sẽ làm được những việc lớn lao hơn nữa (14,12).

Như vậy, Đức Giêsu không chỉ mặc khải riêng cho Nhóm Mười Hai mà còn cho tất cả mọi môn đệ mọi thời (là những người yêu mến Đức Giêsu và giữ lời Người nên được Cha yêu mến và Cha lẫn Đức Giêsu đến ở trong người ấy: 14,23). Phần thứ hai của câu đáp cho Philipphê nói về những ân huệ thần linh mà Đức Giêsu tặng ban cho đoàn môn đệ mọi thời để họ có được sự bình an của Người (x.Ga 14,27) nhờ đó chiến thắng mọi trở ngại trong ngoài để hoàn thành sứ mạng.

  1. Bảo vật thứ nhất là TÌNH YÊU ĐỐI VỚI ĐỨC GIÊSU được biểu lộ cụ thể qua việc giữ giới răn của Người: Tin Mừng hôm nay Ga 14,15-21 nhắc lại bảo vật mà Đức Giêsu đã yêu mến trao tặng cho môn đệ, đó là GIỚI RĂN CỦA NGƯỜI: “Thầy ban cho anh em một giới răn mới là HÃY YÊU NHAU như Thầy đã yêu anh em” (Ga 13,14). Đối với những ai tin vào Đức Giêsu thì giới răn yêu thương không hề là một bó buộc, một gánh nặng mà là HOA TRÁI, là cách biểu lộ ra bên ngoài tình yêu gắn kết của mình đối với Đức Giêsu: “ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14,15). Và khi ấy thì tình yêu của Chúa Cha và của Chúa Con (vốn đã ở sẵn trong người ấy, vì con người là “hình ảnh của Thiên Chúa” mà) sẽ tỏ hiện, lớn lên, sinh trái trong người đó (x.Ga 14,21).

Như vậy giữ giới răn “yêu nhau như Thầy đã yêu” là con đường giúp nhận ra được sự tỏ mình của Đức Giêsu, và nhờ đó “biết Người”, “thấy Người”, được Cha và Người đến ngự trong môn đệ, như thế thì sẽ THẤY và BIẾT CHA.

  1. Bảo vật thứ hai là Chúa Thánh Thần, được đoạn văn Tin Mừng hôm nay gọi là “ĐẤNG BẢO TRỢ KHÁC”, là “THẦN KHÍ SỰ THẬT”, và điều quan trọng là Đấng ấy “ở với anh em luôn mãi”. Từ nay cộng đoàn các môn đệ sống luật yêu thương sẽ là nơi Thần Khí của Cha và của Con cư ngụ vĩnh viễn. Điều đó là một bảo đảm chắc chắn cho sứ vụ của môn đệ, của Giáo Hội sẽ thành công theo như ý Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, MỖI LẦN, chọn ai cho một sứ vụ thì Thiên Chúa ban Thần Khí cho người ấy, và đó là bảo đảm của thành công. Giờ đây Thánh Thần đã được Đức Giêsu hứa ban vĩnh viễn cho đoàn môn đệ giữ giới răn yêu thương của Đức Giêsu.

Như vậy với “bảo vật” này, Ba Ngôi Thiên Chúa đã đến ngự trị giữa cộng đoàn môn đệ. Đấng Bảo Trợ khác (Thần khí) sắp được Đức Giêsu ban cho môn đệ, rồi môn đệ sẽ cảm nhận đích thân rằng “Thầy ở trong Cha, anh em ở trong Thầy và Thầy trong anh em” (14,20). Lúc ấy việc giữ giới răn yêu thương sẽ là tờ “visa” mà môn đệ được Đức Giêsu cấp cho ngay ở thế gian này để đi vào Tình Yêu Ba Ngôi Thiên Chúa (14,21).

Một khi đã “yêu mến và giữ giới răn Thầy”, và được Chúa Thánh Thần đồng hành trợ lực thì người môn đệ sẽ nhận được dụng mạo của Cha trong Đức Giêsu vì đã cảm nghiệm “Cha và Con là một” (x.Ga10,30).

Và rồi khi tới phiên mình và các thế hệ tương lai cũng thế. Việc Đức Giêsu đồng hóa Người với mọi người là hiển nhiên (vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn…) đối với những ai yêu mến, giữ luật Người và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

Frère Pierre Đình Long FSC