“Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi” … “Người này khi trở xuống mà về nhà thì đã được nên công chính rồi” (Lc 18,13b.14a).
Lời Chúa của Chúa Nhật XXX Mùa Thường Niên mời chúng ta tiếp tục suy gẫm về vấn đề cầu nguyện. Điểm nhấn của tuần này là CẦU NGUYỆN TRONG KHIÊM TỐN, và mục đích phải nhắm tới khi cầu nguyện không phải là những lợi lộc thế trần, nhất thời, chóng qua mà là để mong được Chúa công chính hóa (x. Lc 18,14a). Đối tượng thính giả lần này Đức Giêsu nhắm tới trực tiếp là “một số người TỰ HÀO CHO MÌNH LÀ CÔNG CHÍNH mà KHINH CHÊ NGƯỜI KHÁC” (18,9). Họ là hạng người :
* Làm tốt một số điều mà Lệ Luật dạy, và còn làm hơn nữa (18, 12).
* Dựa vào chút “công lao” ấy, họ hài lòng, hãnh diện, đắc ý đi đến chỗ tự kiêu cho rằng mình là công chính. Họ đã rơi vào “cơn cám dỗ Địa Đàng” lấy mình làm chuẩn mực, không còn chỗ nào cho Thiên Chúa trong họ. Chúa chỉ còn là tấm bình phong họ trưng ra để khoe bày “công lao” của họ. Thiên Chúa không còn chỗ trong tâm hồn, cuộc đời họ.
* Từ hình ảnh “chuẩn mực về bản thân” do họ vẽ ra, họ chê bai, kết án tha nhân với giọng điệu khinh bỉ (18,11).
Đứng nơi Đền Thờ, trước nhan Chúa tự khoe mình như thế, dựa vào một vài việc mình làm được thì đối với cái nhìn của Kinh Thánh, đó là kiêu ngạo và phạm thượng. Vì dân Chúa luôn xác tín rằng : chỉ có một mình Thiên Chúa là công chính (x. Tv 35,28 ; Tv 71,2.15.16b ; Br 1,15.22 ; Đn 9,7…) ; Trước mặt Chúa chẳng người nào là công chính (x. Tv 143,2) ; Nếu Chúa chấp tội thì ai được cứu (Tv 130,3) ; do đó ngay cả khi Chúa xét phạt thì đó cũng là cách Chúa biểu lộ sự công chính của Người (x. Br 2,9 ; Đn 9,4) ; và khi Chúa can thiệp xét xử mọi người theo đường lối Chúa thì đó lại là cách Chúa công chính hóa tội nhân (x. Tv 96,13), vì Thiên Chúa công minh cũng là Thiên Chúa xót thương, hay tha thứ. Cách Thiên Chúa công chính hóa tội nhân thật là đầy bất ngờ, vượt tầm suy lý nhân loại : THA THỨ (X. Tv 51,3.4.9.11.2…). Ông biệt phái này đã đi trệch đường lối của Thiên Chúa : những việc ông làm được vượt lên hơn những gì luật đòi hỏi là TỐT ; điều sai là ông đã đặt chúng thay thế vị trí của Thiên Chúa trong cuộc đời ông.
Ông không cần gì đến Thiên Chúa, ông không xin gì, ông không thấy những giới hạn của bản thân…, ông tự mãn tự phong cho mình là “công chính”; rồi lại còn dựa vào bản thân để kết án tha nhân với một giọng điệu khinh bỉ : “… con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia…” (18,11). Ông đang ăn phải “trái cây biết thiện ác” trong Vườn Địa Đàng. Cơn cám dỗ đã đánh gục Adam, Eva luôn bám sát, rình rập nhân loại, chờ ai sơ ý là quật ngã.
Cái chết của ông biệt phái là trong ông đã chứa đầy : “công đức tự cho mình là”, nên không còn chỗ nào để đón tiếp Thiên Chúa. Ông “tự hào cho mình là công chính”, nhưng Đức Giêsu lại quả quyết : ông biệt phái không được nên công chính (18,14b).
Đối nghịch lại với ông biệt phái “công chính tự phong” là một người thu thuế. Dưới cái nhìn nghiêm khắc của xã hội, tôn giáo, lề luật thì đây là một hình tượng tiêu biểu của tội lỗi (x. Mt 18,17b). Ông này cũng lên Đền Thờ cầu nguyện nhưng với một tâm tình khác hẳn :
* Chắc ông cũng muốn giữ Luật nên mới nên Đền Thờ, dù biết mình bất xứng với Thiên Chúa và bị bà con đồng đạo loại trừ. Ông chỉ dám “đứng đàng xa” (18,13) tách rời khỏi đám đông vì mặc cảm : chẳng dám ngước mắt lên trời, đấm ngực cầu nguyện :
* Ông ý thức rất rõ mình là tội nhân ; ông không có được một chút “công nghiệp” nào để trình dâng lên Chúa. Điều đáng lưu ý : dù biết mình tội lỗi, ông đã không lẫn trốn Chúa như Adam – Eva, mà lại đến Đến Thờ bày tỏ con người tội lỗi của mình cho Chúa.
* Ông chỉ còn một chỗ dựa duy nhất : lòng thương xót của Chúa đối với người tội lỗi : “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Và ông đã được lòng thương xót Chúa tẩy luyện!
Đức Giêsu kết luận : “Người này khi trở xuống mà về nhà thì đã được nên công chính rồi”. Còn kẻ “tự cho mình là công chính” với bao “công nghiệp” lại ra về tay trắng (x. Lc 1,52-53).
Một lần nữa Đức Giêsu không dạy cách xử thế. Đức Giêsu dạy khiêm nhường theo đức tin nghĩa là để được ơn cứu độ. Vậy “nâng mình lên” là lấy mình làm chuẩn mực và xây dựng ơn cứu độ của mình trên đó. Sụp đổ ! Còn “Hạ mình xuống” là phó thác tất cả, quy tất cả về Chúa với chỉ một ao ước được Thiên Chúa hoàn tất nơi mình ý định của Chúa (x. Lc 1,38). Đó là được Chúa CÔNG CHÍNH HÓA.
Frère Pierre Đình Long FSC