Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 01 ngày 11

Lm Erasto Fernandez, sss           .
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ     
      

  “Trước khi trở thành một tông đồ, chúng ta cần biết cách trở thành một môn đệ tốt. Muốn thánh hiến người khác, chúng ta cần thánh hiến chính mình. Đó chính là điều Đức Giê-su Ki-tô đã làm cho các môn đệ của Người; Người đã bắt đầu bằng việc làm cho các ông trở nên thánh thiện”. [Hội thảo về ‘Việc thánh hiến những hành vi của con người’].

Chúng ta đã biết ngay từ khởi đầu, trước khi  sai các môn đệ ra đi, Đức Giê-su đã dạy các ông tỏ lòng biết ơn với tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Nhưng ở phần cuối các sách Tin Mừng, chúng ta thấy rất ít người trong các ông đã học được những bài học hết sức quan trọng này. Cả Phê-rô và Giu-đa đều phản bội Chúa theo những cách thức nghiêm trọng, Phê-rô đã có thể trở về với tình yêu tha thứ của Thiên Chúa, còn Giu-đa thì không- có lẽ vì ông cảm thấy lỗi lầm của mình (phát xuất từ chủ nghĩa cá nhân và sự cứng lòng) lớn hơn cả quyền năng của tình yêu cứu chuộc nơi Thiên Chúa.

Nguyên nhân đằng sau hai hành động khác biệt này đáng được lưu ý. Phê-rô đã mở lòng ra đủ để tin rằng tình yêu của Chúa Cha hoàn toàn khác biệt với tất cả mọi hình thức tình yêu khác mà ông đã cảm nghiệm. Ông không cần biết điều này đã được tỏ lộ ra cho mình… có lẽ cái nhìn của Đức Giê-su trong Cuộc Tử nạn đã đủ để thuyết phục ông nhận ra lòng nhân hậu không biên giới của Thiên Chúa: ông đã ra ngoài và khóc. Phê- rô trở lại vì ông đã ngước nhìn Đức Giê-su và không bao giờ để cho mình quên đi tất cả những gì Đức Giê-su đã dạy các ông về tình yêu của Chúa Cha.

Thật không may, Giu-đa dường như chỉ chú ý vào chính mình, vào tội ác mà ông cảm thấy vượt trên cả sự tha thứ của Chúa Cha. Có lẽ tất cả những gì ông nhớ chỉ là những lời răn đe của các ngôn sứ, những người đến trước Đức Giê-su, đòi hỏi một sự thay đổi tích cực nếu con người muốn cảm nghiệm được sự tha thứ của Thiên Chúa. Gio-an Tẩy giả đã rao giảng rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ sắp giáng xuống? Vậy các anh hãy sinh những hoa quả xứng với lòng hối cải. Đừng vội tự nhủ rằng: ‘Chúng ta có tổ phụ là ông Áp-ra-ham’. Quả thế, tôi bảo các anh: Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.” (Lc 3,7-10). Ở đây, chúng ta nhận ra sự thay đổi đạt được hiệu quả với điều kiện trước tiên là phải cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa.

Một người môn đệ chân chính phải nhận ra rằng dù mình có đi lạc, nhưng Người Mục tử nhân lành luôn luôn ở gần kề; Người sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi con chiên lạc ấy lại được đưa về đoàn chiên một cách an toàn. Điều đó cho thấy rằng người môn đệ phải biết chia sẻ với người khác khi người ấy trở thành một tông đồ. Đức Giê-su đã đưa ra cho các môn đệ rất nhiều ví dụ về sự tha thứ của Thiên Chúa trong suốt giai đoạn dạy dỗ các ông, nổi bật nhất là trường hợp tha thứ cho người phụ nữ phạm tội ngoại tình. Tuy nhiên, thường thì không phải chính mẫu gương của người khác mới thuyết phục được người ta, nhưng là chính kinh nghiệm của bản thân chúng ta được chia sẻ một cách khiêm tốn. Chúng ta đã có kinh nghiệm gì về lòng thương xót của Thiên Chúa để nói với người khác? Chúng ta có thể bắt chước thánh Au-gus-ti-nô làm một “cuộc trở về” để tôn vinh Thiên Chúa vì sự tha thứ bao dung của Người?