Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 01 ngày 20

Lm Erasto Fernandez, sss.
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ     
      

  Một đời sống thuần túy chiêm niệm không thể là đời sống Thánh Thể cách sung mãn: Lò lửa phải phát ra ngọn lửa.” [gửi cho  cha De Cuers, tháng 5 năm 1861].

Một trong những sai lầm phổ biến nhất liên quan đến đời sống thiêng liêng chính là sự đối nghịch của hai khuynh hướng: đời sống chiêm niệm và đời sống hoạt động. Chúng ta thường nói về hai khuynh hướng này như thể chúng là hai khía cạnh độc lập với nhau, mỗi khuynh hướng đều có thể tồn tại mà không cần quy chiếu đến khuynh hướng khác. Có lẽ, cách thích hợp hơn cả là chấp nhận cả hai khi xem đời sống Ki-tô hữu đồng nghĩa với đời sống Thánh Thể vốn bao gồm cả hai chiều kích chiêm niệm và hoạt động. Sau hết, Thánh Thể chính là nguồn mạch và trung tâm của đời sống Ki-tô hữu. Bước theo Đức Giê-su như những người môn đệ của Ngài (các Ki-tô hữu) không có nghĩa là làm cho những cảm thức về Thánh Thể nơi Ngài trở thành của chính chúng ta.

Giờ đây, hai chiều kích của đời sống Thánh Thể là: chiêm niệm mà qua đó chúng ta vẫn ở lại và thinh lặng trước Thiên Chúa như chính Người đã mạc khải cho chúng ta. Điều này chủ yếu xảy ra trong suốt phần Phụng vụ Lời Chúa. Đặc biệt khi chúng ta lắng nghe ‘bằng con tim’ hơn là bằng cái đầu, chúng ta bắt đầu hiểu được Thiên Chúa thực sự là ai, Người đã yêu thương chúng ta, những đứa con yêu quý của Người, như thế nào. Và chúng ta đã được chuẩn bị như thế nào để làm việc cho Người! Tuy nhiên, chiều kích chiêm niệm sẽ không bao giờ là một điểm kết thúc. Một người Ki-tô hữu không thể nói như thánh Phê-rô: “Lạy Thầy, chúng con ở đây thật là hay; nếu Thầy muốn, con xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Mô-sê và một cho Ê-li-a” (Mt 17,4). Người ta không thể ở lại mãi trên đỉnh núi; người ta cần phải xuống núi và chia sẻ kinh nghiệm với người khác vì điều gì được mạc khải cho một ai đó thì không bao giờ chỉ cho riêng một mình họ. Và điều này làm phát sinh ra chiều kích hoạt động của đời sống Thánh Thể!

Vì thế, vào cuối Thánh Lễ, chính Thánh Thể gửi đến cho các Ki-tô hữu một sứ mạng để ra đi : ‘Lễ xong, chúc anh chị  em về bình an!’. Cụ thể hơn, điều chúng ta được mời gọi chính là: ‘Hãy đi và chia sẻ với người khác những gì mà Thiên Chúa vì lòng nhân hậu của Người đã mạc khải cho anh chị em’. Và chính nhờ việc chia sẻ với người khác mà chúng ta lại gặp gỡ Chúa Phục Sinh và thậm chí được mạnh mẽ hơn. Nhớ lại hai môn đệ trên đường Em-mau: họ đã nhận ra Chúa Phục Sinh qua việc bẻ bánh, họ đã mau chóng lên đường quay trở lại Giê- ru-sa-lem để chia sẻ tin mừng với toàn thể cộng đoàn. Và ‘trong lúc họ còn đang nói thì chính Chúa Phục Sinh lại hiện ra giữa họ và nói, ‘Bình an cho anh em!’ (Lc 24,26-39).

Thật không may, hầu hết các Ki-tô hữu dường như chỉ xem việc bước theo Chúa Giê-su như một việc mang tính cá nhân và quy hướng trực tiếp đến lợi ích của riêng mình! Chiều kích tông đồ hoàn toàn bị lãng quên trong đời sống hằng ngày của họ. Sự mất cân bằng này cần được điều chỉnh lại thậm chí trong thời đại của chính chúng ta, vì điều này cũng rất cần thiết trong thời đại của cha Eymard. Hoạt động của chúng ta chính là ngọn lửa giữ cho lửa Thánh Thể luôn cháy sáng suốt cả ngày! Nhưng ngọn lửa không thể tiếp tục bừng cháy lâu được nếu nó không được đốt nóng từ nhiên liệu là chính đời sống cầu nguyện chiêm niệm và thinh lặng trước sự hiện diện chữa lành của Chúa!