Lm Erasto Fernandez, sss.
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ
“Làm đẹp lòng Chúa có nghĩa là yêu mến những gì Ngài yêu thích, muốn những gì Ngài muốn”.
Đóng góp đáng chú ý của cha Eymard cho Giáo Hội và cho thế giới ở thời đại của cha, chính là:cha khẳng định rằng tình yêu chính là thực tạinền t ảng của đời sống Ki-tô hữu. Việc đánh giá của cha về vai trò của tình yêu trong đời sống Ki-tô hữu như một tia sáng chiếu xuyên qua bóng đêm dày đặc của một thế giới đầy tội lỗi. Tuy nhiên, đối với cha Eymard, tình yêu không chỉ là một cảm xúc hay một ước muốn chóng qua. Như thánh Gio-an và thánh Phao-lô, hai tác giả Kinh Thánh yêu thích của cha, đã nhấn mạnh rằng: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta; cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1 Ga 3,16) và thêm nữa: “Anh em yêu quý, chúng ta hãy yêu mến nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu mến, thì đã được sinh ra do bởi Thiên Chúa, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu mến, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa đã được bày tỏ nơi chúng ta như thế này: Thiên Chúa đã sai người Con của mình, người Con Duy Nhất, đến trong thế gian để nhờ người Con ấy mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu mến chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội vì tội lỗi chúng ta. Anh em yêu quý, nếu Thiên Chúa đã yêu mến chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu mến nhau. Thiên Chúa, chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu mến nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người đã được nên hoàn hảo nơi chúng ta” (1 Ga 4,7-13).
Hơn thế, thánh Gio-an nhắc nhở chúng ta rằng không chỉ là lời nói nhưng phải bao gồm những hành động cụ thể, đặc biệt là sự vâng phục của chúng ta đối với Chúa Cha: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu mến nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu mến bằng việc làm, cách chân thật” (1 Ga 3,18-19). Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su nhắc nhở các môn đệ: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ những điều răn của Thầy” (Ga 14,15). Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô dường như đã nhận ra sự liên hệ giữa tình yêu và sự vâng phục một cách rõ ràng nơi chính cuộc đời của ngài. Điều ưu tiên hàng đầu trong tâm trí của ngài luôn luôn là sự vâng phục, không quan tâm đến cái giá phải trả như thế nào.
Thậm chí khi cha đoan chắc rằng chính Chúa đã mời gọi cha để lập Dòng Thánh Thể, và thậm chí sau khi rời bỏ Dòng Marist, cha vẫn tìm một phán quyết trong quyết định của Đức
Tổng Giám Mục Paris. Cha nhận ra rằng cha sẽ nhận lời của Đức Tổng Giám Mục như là phán quyết sau cùng: Nếu như Đức Giám Mục chấp thuận nguyện vọng thành lập một hội dòng mới của cha Eymard và mời cha vào giáo phận của ngài, thì đó quả thực là dấu chỉ xác thực về thánh ý của Thiên Chúa và cha sẽ đón nhận nó mà không quản ngại những khó khăn. Và đây là điều mà cha thánh đã làm khi Đức Tổng Giám Mục Sibour ở Paris hân hoan chào đón cha với đôi tay rộng mở. Và chúng ta biết Đức Tổng Giám Mục đã không chấp nhận dự án của cha Eymard nên cha đã vui vẻ trở lại với vị trí khiêm hạ giữa các tu sĩ Marist mà không mấy bận tâm đến việc bị sỉ nhục hay cảm giác thất bại.
Vì thế, cha Eymard đã tìm cách làm đẹp lòng Thiên Chúa không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động qua sự vâng phục đầy yêu thương đối với thánh ý của Chúa. Bằng cách này, cha đã cho thấy bất cứ việc gì cha làm, không chỉ để mong nhận được lời chúc phúc của Chúa, nhưng còn chứng tỏ khả năng chịu đựng và hiệu quả của việc tông đồ. Dự án này vẫn tiếp tục có giá trị bao lâu cha còn quan tâm đến nó.