Lm Erasto Fernandez, sss.
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ
“Hãy yêu mến Chúa nhân lành, mọi sự chỉ là không không vậy.” [ ]
Không có gì bí mật về đường lối vĩ đại của cha Eymard trong việc khám phá ra Tình Yêu chính là thực tại nền tảng của đời sống Ki-tô hữu. Nhưng điều quan trọng hơn đó là đối với cha Eymard, Tình Yêu không chỉ là một sự cuốn hút chóng qua, một điều gì đó mà cha đã ao ước nắm bắt được, vì sự phổ biến hay tính đặc trưng. Ước muốn của cha là một sự nhận thức sâu sắc sinh ra từ thử thách cá nhân, một điều gì đó giống như khám phá của thánh Phao-lô rằng: Đức Ki-tô là trung tâm cho việc dấn thân của ngài ‘Ai sẽ giải thoát tôi khỏi tình trạng khốn nạn này… Tạ ơn Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô’ (Rm 7,2425). Sự giác ngộ của Phao-lô diễn ra trước khi ngài cầu xin sự can thiệp của Thiên Chúa trong tình trạng khốn khổ của ngài, Thiên Chúa đã đưa ra một giải pháp ngang qua sứ mạng của Đức Giê-su. Và đó là điều làm cho ngài biết ơn Chúa Cha và Đức Giê-su.
Hơn nữa, lời khẳng định của cha Eymard, đó là: tình yêu mà chúng ta đề cập đến sẽ là một điều gì đó hiện thực và có ý nghĩa, chứ không đơn thuần là những lời lẽ trống rỗng. Đặc biệt, nó phải duy trì sự thử thách về đức vâng phục trong những tình huống khó khăn, như thánh Gio-an đã chỉ ra. Tình yêu của chúng ta sẽ tuôn đổ vào sự vâng phục, một thái độ quy phục được thực hiện khi đối diện với những khó khăn và đau khổ ghê gớm. Hình ảnh xác thực nhất nảy ra trong đầu chính là hình ảnh của chính Đức Giê-su, Đấng đã cầu nguyện liên lỉ trong Vườn Giệt-si-ma-ni để không phải nhận chén đau khổ. Tuy nhiên, Ngài đã khẳng định rằng mọi sự sẽ theo ý Cha muốn. Sự sẵn sàng hy sinh tất cả này biểu lộ tình yêu sâu thẳm mà Đức Ki-tô dành cho Chúa Cha. Cũng thế, tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa cũng như đối với anh em mình có thể là sự thử thách về đức vâng phục cũng như việc phục vụ anh em. Chỉ khi ấy nó mới là một điều gì đó có giá trị.
Đối với cha Eymard, mọi sự ngoài ý muốn của Chúa Cha thực sự sẽ chẳng có giá trị gì. Những công trình vĩ đại, những cảm nghiệm tâm linh sâu sắc hay bất cứ thứ gì cũng không thể sánh với một thái độ quy phục nhỏ bé đối với Chúa Cha vì lòng yêu mến. Hơn nữa, dường như cha chỉ ra rằng nếu có thể, tình yêu ấy sẽ lan rộng ra đến mức độ cảm xúc. Hãy yêu mến Chúa nhân lành, cha khuyên như vậy! Quả vậy, nhìn chung khi những cảm xúc không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, thế nhưng chúng ta cũng sẽ chú ý đến những cảm xúc này vì những cảm xúc này đem lại sức mạnh cũng như động lực đối với một quyết định và cuộc sống nói chung. Nếu không có một sự gắn bó thiết tha với Chúa Cha và vương quốc của Người, cuộc đời chúng ta sẽ thiếu đi ngọn lửa mà cha Eymard đã khơi lên trong suốt cuộc đời của cha. Cha không bao giờ có thể phụng sự Chúa một cách hâm hẩm hay nửa vời. Đối với cha, hoặc là tất cả hoặc là không có gì! Và cha đã ao ước nhận ra phẩm chất tương tự nơi tất cả những môn đệ của cha. Một cuộc đời hết lòng tận tụy như thế quả thực là một hình ảnh hiếm thấy, một đặc ân được trao tặng và được một số người thuộc mọi thế hệ đón nhận!
Ao ước và ước mơ của cha Eymard chính là:trong số những con người quảng đại này, hầu hết sẽ là các tu sĩ Thánh Thể, sẽ có những người cảm nếm được tình yêu của Chúa Cha trong và qua Đức Giê-su. Và trong lần kỷ niệm 200 năm ngày sinh của cha, việc tìm cách hiện thực hóa giấc mơ của cha sẽ thực sự chính đáng, có ý nghĩa và thách đố! Phải chăng đó có thể là thái độ biết ơn của chúng ta đối với Đấng Sáng Lập vào dịp kỷ niệm ngày sinh của ngài?!