Lm Erasto Fernandez, sss.
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ
“Thập giá là thử thách của tình yêu và là vinh quang của tình yêu.” [ ]
Tất cả chúng ta đã quen thuộc với thực tế là: vào giai đoạn mà cha Eymard sống, nhìn chung người ta chú trọng đến
những kiểu hành xác và khổ chế. Chống lại nền tảng này, cha Eymard đã khẳng định tình yêu thì quan trọng hơn là sự đau khổ hay việc đền tội. Thế nhưng, cha đủ nhạy bén để nhận ra sự nối kết sâu sắc giữa tình yêu và thập giá. Đối với cha Eymard, chính thập giá mới quan trọng hơn, chứ không phải đau khổ vì đau khổ: đau khổ phải được chấp nhận như một phần nằm trong ý định của Thiên Chúa dành cho chúng ta! Chính tình yêu đã dẫn Đức Giê-su đến việc chấp nhận Thập giá trong cuộc đời Ngài, và tình yêu cũng chính là một sự diễn tả ý định của Thiên Chúa: “Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha” Ngài đã liên lỉ cầu nguyện như vậy trong Vườn Giệt-si-ma-ni. Chính thánh Gioan là người nối kết tình yêu với sự vâng phục trong Tin Mừng của ngài “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ những điều răn của Thầy” (Ga 14,15). Và vâng phục Chúa Cha là nguồn linh hứng duy nhất đối với Đức Giê-su để Ngài chấp nhận cuộc khổ nạn và cái chết.
Khi xem xét kỹ cách cư xử của loài người, chúng ta thấy rằng tình yêu chân thật và sâu đậm sẽ làm cho mọi mức độ đau khổ trở nên dễ dàng. Chẳng phải một người mẹ, bằng tình yêu tự nhiên dành cho đứa con của mình, đã dám chấp nhận thức trắng đêm để ở bên cạnh giường của đứa con đang mắc bệnh, thế nhưng bà vẫn tiếp tục đi làm vào ngày hôm sau như thể bà đã có một giấc ngủ yên bình vào đêm hôm trước? Lòng trung thành, tinh thần yêu nước cũng như những đức tính tương tự cho phép những người trẻ cam chịu đau khổ vì đất nước của mình!
Thế nhưng, cha Eymard cũng có thể nhận ra mặt tích cực của Thập giá, đó chính là vinh quang của tình yêu. Thập giá làm sáng lên vẻ đẹp cũng như vẻ lộng lẫy của tình yêu vì Thập giá làm cho tinh thần của con người vươn đến những đỉnh cao tuyệt diệu, tinh thần ấythườngkhông thể đạt được động lực thúc đẩy phát xuất từ trách nhiệm, bổn phận và sự sợ hãi. Thực ra, đau khổ trong dự án được đề ra càng lớn, tình yêu càng chiếu tỏa trên đau khổ ấy, nếu và khi tình yêu là nhân tố biến đổi. Một tình yêu như vậy sẽ chữa lành, sẽ đặt sự sống mới vào một con người đang chết dần chết mòn, tình yêu ấy sẽ tiếp thêm sinh lực và đổi mới! Chỉ tình yêu ấy mới có thể đưa tội nhân cứng lòng nhất quay trở về. Đó chính là thứ tình yêu mà Phê-rô nhận ra nơi ánh mắt của Đức Giê-su khi cái nhìn của hai người gặp nhau vào đêm Thương Khó. Tình yêu ấy minh chứng một lời mời gọi thức tỉnh đối với Phê-rô, và là nguồn mạch của hàng loạt những chuyển biến nội tâm sâu sắc trong cuộc đời ông, mà sau này làm cho ông trở thành ‘đá tảng’ khi ông được tuyển chọn. Cũng thế, chính thập giá đã đưa tất cả các vị đại thánh trong lịch sử của Hội Thánh, chẳng hạn như thánh Ca-tari-na thành Si-ê-na cũng như những vị thánh khác, đến gần với Chúa và Thầy của họ.
Sau khi cảm nếm được tình yêu của Thiên Chúa một cách sâu đậm hơn nơi Phòng Tiệc Ly, cha Eymard đã sẵn sàng chấp nhận bất kỳ và hàng loạt những đau khổ của bản thân, không gì là quá nặng nề đối với cha; bấy giờ cha đủ mạnh để xoay xở mọi thứ một cách dễ dàng: đau khổ về thể lý, sự chống đối từ phía người khác, những lời lăng mạ và những đau khổ từ phía những người thân cận, những khó khăn liên quan đến những ơn gọi cũng như việc đào tạo họ một cách xứng hợp, vấn đề tài chính cùng những trở ngại khác, danh sách này hầu như là vô tận. Thế nhưng, giờ đây cha Eymard có thể nhận ra vinh quang của tình yêu nơi những thập giá mà cha gánh vác một cách vui vẻ! Thực tế, cha đã biết ơn vì những khó khăn này và thậm chí có lẽ còn cầu xin thêm nữa.