Lm Erasto Fernandez, sss.
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ
“Hãy tin tưởng khi cầu nguyện; đó chính là sức mạnh không hề lay chuyển mà Thiên Chúa ban cho chúng ta.” [ ]
Đối với hầu hết các Ki-tô hữu, cầu nguyện là vấn đề xin xỏ điều gì đó từ Thiên Chúa khi không ai có thể giúp đỡ chúng ta khi chúng ta cần. Tuy nhiên, bài suy niệm ngắn này sẽ chỉ ra rằng cầu nguyện không có nghĩa là thông báo cho Thiên Chúa về những gì xảy ra cho chúng ta, như thể là Người đã không biết mọi sự! Đó cũng không phải là vấn đề ‘khóa chặt bàn tay của Thiên Chúa’ để buộc Người ban cho chúng ta những gì chúng ta muốn, thế nhưng Người biết điều đó không tốt cho chúng ta! Cầu nguyện chính là vấn đề từ bỏ chính mình để chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc đời mình và vâng theo lời của Người. Đức Giê-su đã phán dạy chúng ta “Không phải bất cứ ai nói ‘Lạy Chúa, Lạy Chúa’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu, nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha trên trời” (Mt 7,21). Vì như ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã nói ‘Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi – sấm ngôn của Ðức Chúa , kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng’ (Gr 29,11).
Những kế hoạch của Thiên Chúa đều là những điều tốt nhất đối với chúng ta, nhưng Cái Tôi lại ở nơi chúng ta, vì tầm nhìn và sự hiểu biết của nó thì có giới hạn, nên nó không thể lúc nào cũng cùng chung cái nhìn với Thiên Chúa và do đó nó sẽ tìm cách ngăn cản. Khi chúng ta đến trước mặt Chúa trong lúc cầu nguyện, điều chúng ta phải làm đó là, trước hết, thinh lặng để chúng ta có thể lắng nghe sứ điệp của Người nói với chúng ta. Nếu chúng ta mở lòng ra và đón nhận, Thiên Chúa sẽ dẫn dắt chúng ta ngang qua Thần Khí của Người để hoàn toàn đón nhận ý định của Người cũng như những ơn lành thường xuyên mà Người đặt vào trong chúng ta. Vì thế, ân huệ của cầu nguyện chính là ân huệ của Chúa Cha để đảm bảo rằng chúng ta luôn luôn mở lòng ra với ý định của Người dành cho chúng ta.
Song song với khía cạnh nền tảng này của việc cầu nguyện, cũng có một hình thức cầu nguyện tạ ơn và ngợi khen mà qua đó chúng ta ngợi khen Thiên Chúa vì sự nhân lành chúng ta nhận ra nơi Người cũng như trong cách đối xử của Người với chúng ta, hay thậm chí là những hành động kỳ diệu của Người được diễn tả trong Sách Thánh. Nhiều Thánh vịnh cũng là một ví dụ hữu ích của việc cầu nguyện này. Tuy nhiên ý tưởng mà chúng ta có ở đây sẽ là một lời ngợi khen Thiên Chúa hoàn toàn vô vị lợi, nghĩa là chúng ta ngợi khen Thiên Chúa vì chính lòng nhân từ của Người, chứ không phải vì chúng ta là những người được hưởng lợi từ lòng nhân từ ấy. Cách cầu nguyện này là một con đường khác mà chúng ta có thể loại bỏ (hoặc quên đi/ chết đi) Cái Tôi ra khỏi cuộc đời mình. Vì cần phải có một sự từ bỏ bản thân cao độ để có thể ngợi khen Thiên Chúa thậm chí khi chúng ta không tìm được ích lợi từ lòng nhân lành của Người, hay ngợi khen Người vì đã chúc lành cho những người khác thay vì cho chúng ta!
Khi chúng ta nói cầu nguyện là một sức mạnh vô biên, thì ý tưởng đầu tiên của chúng ta đó là: sức mạnh ấy được quy hướng trực tiếp tới việc thay đổi ý định của Thiên Chúa dành cho chúng ta và sắp đặt những gì chúng ta nghĩ là tốt cho chúng ta. Hơn nữa, chính sức mạnh ấy hoạt động theo chiều ngược lại. Thực ra, một trong những phương tiện mạnh mẽ nhất mà chúng ta có để thay đổi chính mình (chứ không phải Thiên Chúa) đó là việc cầu nguyện chân thành được thực hiện trong sự hiệp nhất với Chúa Giê-su, hay như chính Người đã nói ‘bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy cầu xin Chúa Cha thì Người sẽ ban cho anh em!’ Cầu nguyện nhân danh Đức Giêsu có nghĩa là cầu nguyện theo cách mà chính Đức Giê-su đã làm trong vườn Giệt-si-ma-ni ‘xin đừng theo ý Con, một theo ý Cha!’ Khi ấy, việc cầu nguyện sẽ chủ yếu và duy nhất hướng đến việc làm cho chúng ta vâng theo ý định của Thiên Chúa trong mọi sự!