Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 02 ngày 24

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    

 “Hôm nay Chúa gọi em, ngày mai e rằng quá trễ.” [Cha Eymard đã nói như thế với các chị gái của mình là Marianne và Nanette, 1837]

Câu nói này có thể rất quen thuộc với các tu sĩ Dòng Thánh Thể, vì nó được trích dẫn thường xuyên và trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Cha Eymard đã nói những lời này với chị gái Marianne của mình. Chính bà là người đã đề nghị cha ở lại dù chỉ một ngày, trước khi rời bỏ giáo xứ để gia nhập dòng Marist. Câu trả lời của cha Eymard cho thấy cha đã đặt Thiên Chúa lên trên hết trong cuộc đời mình và sẽ làm bất cứ việc gì cho Thiên Chúa, dù điều đó có thể làm tổn thương đến những người thân cận và thân thương của chính cha. Có thể vào lúc đó cha đã nhớ đến lời của Đức Giê-su “Hễ ai yêu cha hay mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy; và hễ ai yêu con trai hay con gái hơn Thầy thì không xứng với Thầy…” (Mt 10,37-38). Cũng có thể là đằng sau suy nghĩ của cha, có một thực tế là: phải mất nhiều thời gian và phải cố gắng nhiều để nhận được sự cho phép của Đức Giám mục đến nỗi cha không muốn mạo hiểm bỏ lỡ cơ hội.

Một lý do thích hợp khác giải thích cho việc từ chối này, đó là: cha lo sợ những cảm xúc của mình có thể là điều tốt hơn đối với cha và điều đó sẽ khiến cha dễ dàng ở lại vì những người thân yêu của mình. Dù là lý do gì đi nữa, chắc chắn nó cho thấy sự mở lòng hoàn toàn của cha để thi hành ý muốn của Thiên Chúa trong cuộc đời cha, không cần biết phải trả giá thế nào, cá nhân hay một đặc điểm nào khác vốn soi sáng mọi chuyện thông qua câu chuyện về cuộc đời lận đận của cha. Trong bất kỳ trường hợp nào, thậm chí nếu cha ở lại, người ta tự hỏi cha sẽ làm gì trong ngày đó: hầu như cha sẽ hoàn toàn dâng hiến chính mình không phải cho các chị gái mình cũng như không phải cho Chúa! Với một khí cụ quá ngoan đạo và trung thành, chẳng lẽ Chúa lại không thể làm gì?

Vì thế, không cần phải băn khoăn vì sau này khi có nhiều nhân vật nổi tiếng khác tìm cách thành lập một hội dòng Thánh Thể, thì cha Eymard là người duy nhất đã thành công trong việc thành lập hội dòng tồn tại cho đến ngày nay. Lời nhận xét này không có nghĩa là bỏ qua việc đánh giá những người khác có liên quan đến những dự án này, nhưng để nhấn mạnh đến chân lý là Thiên Chúa thực hiện những việc kỳ diệu qua những con người dâng hiến hoàn toàn vào tay Ngài, như Đức Giê-su vậy. Ngài muốn người ta sẽ không ngoái lại đàng sau, khi họ đã tra tay cầm cày, sẽ không tìm cách làm lợi cho những người thân yêu của mình và chỉ khi ấy họ mới sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Ngài. Chính những con người này thể hiện một ‘sự điên dại’ (cha Eymard gọi đó là ‘sự phóng đại’) trong cách làm của mình cũng như trong việc mở rộng tình yêu. Họ sẽ thực sự làm được những việc lớn lao cho Thiên Chúa và cho nhân loại.

Sự liều lĩnh như vậy thường phát xuất từ việc nhận thức sâu sắc về những việc Chúa đã làm cho tôi/chúng ta! Sự nhận thức càng sâu sắc thì những hành động và quyết định của những con người như vậy, những con người xuất hiện trước mặt chúng ta như những kẻ ‘ngoài cuộc’, sẽ càng ‘kỳ lạ’, có thể nói như vậy. Thế nhưng đó là vì chúng ta không chia sẻ kinh nghiệm sâu sa về Thiên Chúa mà người khác đã có. Ở đâu có tình yêu sâu đậm, không có gì là không thể và không có gì là quá mắc để có thể dâng hiến. Tình yêu làm cho mọi sự thành có thể và tình yêu không bao giờ nói ‘đủ rồi’!