Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 02 ngày 28

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    

 Thánh Thể là nguồn cảm hứng tuyệt vời nhất của tâm hồn chúng ta” [ ]

Rõ ràng, lời trích dẫn này không dùng từ Thánh Thểđể ám chỉ đến nghi thức Thánh Lễ, nhưng là đề cập đến bản chất của tất cả những gì mà Thánh Thể muốn diễn tả. Được nhìn từ lăng kính của Đức Ki-tô, Thánh Thể đơn giản chỉ là ‘tái hiện lại’ việc trao ban chính mình một cách hoàn toàn, quảng đại của Đức Giê-su qua việc vâng phục Chúa Cha và vì tình yêu dành cho anh chị em của Ngài,là tất cả những kẻ tội lỗi như chúng ta! Chính tình yêu đã dẫn Đức Giê-su đến Thập giá. Qua cử chỉ khả kính này, Đức Giê-su đã bẻ bánh, biểu trưng cho việc bẻ hoàn toàn cuộc đời của Ngài vì anh em mình… và sau đó Ngài thực sự đã trao ban chính mình trên Thập giá. Và với các môn đệ, Ngài nói: (Anh em) hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy!

Bảo toàn mạng sống là phản ứng tự nhiên của con người trong lúc khủng hoảng. Khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là cứu mạng sống mình bằng bất cứ giá nào, dù đó là một sự sợ hãi thể lý mà chúng ta đối diện, một sự chối bỏ của xã hội, một sự nhục nhã hay một sự buộc tội về luân lý. Và thường thì để bảo vệ mạng sống của mình, chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì, thậm chí là nói dối, khiển trách hay kết án người khác vì những sai lầm của chúng ta, hay thậm chí còn nhẫn tâm loại bỏ đi tất cả bằng chứng buộc tội vốn là những vật hay thậm chí là con người. Chống lại nền tảng tự nhiên của việc quan tâm đến bản thân này, mẫu gương của Đức Giê-su quả là kỳ diệu: Ngài ý thức và sẵn sàng chấp nhận bị buộc tội và kết án cách bất công, Ngài đã chọn lựa để cho nọc độc của tội lỗi đi ngang qua mình nhằm tẩy sạch nhân loại khỏi quyền lực phá hủy của tội lỗi. Và khi làm việc ấy trong chính cuộc đời mình, Ngài đã mời gọi các môn đệ: ‘hãy làm việc này như một sự tưởng nhớ đến Thầy!’ để duy trì niềm cậy trông vào sự sống thật cho đến cùng. 

Vì thế, Thánh Thể mời gọi và thách đố chúng ta vươn đến những tầm cao tuyệt đỉnh, trong đó mức độ đầu tiên là chúng ta tự do chọn lựa để đền bù tội lỗi của chính mình. Ở một mức độ khác hay mức độ cao hơn, chúng ta tỏ lộ ra chính mình sẵn sàng chấp nhận đau khổ và chịu chết vì những lỗi lầm và thất bại của những con người mà chúng ta không hề hay biết trong cuộc sống. Điều này sẽ trở nên vĩ đại nếu chúng ta chấp nhận cái chết thể lý thực sự trong những tình huống này. Nhưng có lẽ, điều cao cả hơn chính là chúng ta có thể chấp nhận cái chết từng phần, có thể nói là từng ly từng tí, trong đó sự chối bỏ, sự kết tội và những điều khác sẽ trở thành lương thực hằng ngày của chúng ta. Những nhà lãnh đạo vĩ đại như Mahatma Gandhi, Nelson Mandela và những nhân vật khác đã cho chúng ta thấy rằng đây không phải chỉ là một ý tưởng hiếm thấy. Việc chia sẻ trong Thánh Thể sẽ biến đổi mỗi Ki-tô hữu thành một anh hùng cứu độ mà qua đó nó đem lại cho chúng ta sức mạnh ân sủng của Ngài: ‘đừng sợ; Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế!’

Thánh Thể không làm cho chúng ta trở thành ‘những anh hùng không được ca tụng trong thơ ca’, những con người làm những việc vĩ đại và những hành động anh hùng cho anh em mình,thế nhưng về sự quảng đại, thì Thiên Chúa luôn luôn vượt trội hơn cả: dưới cái nhìn của Ngài, mỗi nỗ lực nhỏ bé đều được ghi nhận và được tưởng thưởng! Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ đúng khi chúng ta xem Thánh Thể không phải là một phương tiện dành cho mình để đạt được một điều gì đó từ Thiên Chúa, nhưng như một cơ hội để dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa cũng như cho anh em của Ngài, là những người đang cần giúp đỡ! Nguyện xin cho chúng ta trước hết hiểu thấu được sự thúc đẩy này của Thánh Thể, và sau đó tìm được sức mạnh để vươn tới những tầm cao này qua những tình cảnh trong cuộc sống thường ngày của chúng ta.