“Thánh Thể đem lại cho cộng đoàn Ki-tô hữu sức mạnh để thể hiện sự kính trọng và thực hành bác ái với tha nhân” [ ]
Cũng trong lời khẳng định này, chắc chắn cha Eymard không nói việc cử hành Thánh Thể đơn thuần chỉ là một nghi thức, nhưng là việc cử hành đầy ý nghĩa và bằng cả tâm hồn. Thực tế, điều này có ý nói rằng: trong phần Phụng vụ Lời Chúa, chúng ta thực sự khám phá một vài ưu phẩm của Thiên Chúa thông qua những biến cố đã được thuật lại cho chúng ta. Nếu điều này xảy ra trong thực tế, việc loan báo đó không thể là một việc loan báo nóng vội; bên cạnh việc công bố những bản văn một cách rõ ràng và dễ hiểu, cộng đoàn cần có thời gian cần thiết để hấp thụ những điểm then chốt đã được nhắc đến. Hơn nữa, những điều này ít ra cũng cần được chia sẻ vì kết quả sẽ sâu sắc hơn và ảnh hưởng lâu dài hơn.
Khi đã nắm bắt được ít là một ưu phẩm của Thiên Chúa từ các bài đọc, bấy giờ chúng ta được khích lệ để dâng cuộc đời mình vào bàn tay của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương. Chúng ta nhớ lại lời động viên của Ngài: “Hãy đến cùng Ta hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề…’ (Mt 11,28). Khi nhận ra tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho chúng ta, chúng ta sẽ không còn sợ hãi để dâng cho Ngài những chỗ mờ tối của cuộc đời chúng ta, không còn lo sợ lời khiển trách và sự trừng phạt của Ngài, chúng ta sẽ chạy đến cùng Ngài như đến với một thầy thuốc tâm linh và kêu lên “Lạy Thầy! xin cho tôi được nhìn thấy…” (Mc 10,51-52). Và còn gì hơn nữa, giới răn mới mà Chúa Giê-su ban cho chúng ta sẽ không còn khó khăn nữa.
Khi đã cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ không rời bỏ và đối xử thậm tệ với những người hàng xóm của mình hay những thành viên trong gia đình mình. Kinh nghiệm về việc cử hành của chúng ta sẽ làm cho chúng ta tìm kiếm những cơ hội để chia sẻ tình yêu của Thiên Chúa với tất cả những ai chúng ta gặp gỡ, vì thế sẽ làm cho cuộc đời của chúng ta trong “cộng đoàn” thực sự là một cuộc đời Ki-tô hữu, nơi mà tất cả mọi người đều cùng một lòng một ý, không một ai coi bất kỳ cái gì mình có là của riêng (Cv 4,32-35). Điều này không có nghĩa là sẽ không có một Khanania hay một Xaphira ở giữa chúng ta, nhưng đây sẽ là ngoại lệ chứ không phải là quy luật.
Không nghi ngờ gì, trong một cộng đoàn như thế, nhân đức căn bản sẽ là một sự kính trọng chân thành dành cho tất cả những ai là con cái của cùng một Cha. Đối với họ, Chúa Giê-su cũng đã chịu chết và luôn luôn hiện diện nơi Bí Tích Tình Yêu. Chúng ta cũng sẽ nhận ra rằng khi Tình Yêu được chia sẻ, hơn là bị giảm thiểu đi, nó sẽ gia tăng và sẽ trở nên vững mạnh, mạnh hơn cả sự chết! khi nhìn lại hiện trạng tại nhiều nơi trên thế giới, chúng ta sẽ thấy vô số những tấm gương (đôi lúc cả những người không đi theo Đức Ki-tô) đã sống một cuộc đời hy sinh bản thân mình. Thần Khí như ngọn gió thổi đến những nơi Người muốn, để đụng chạm đến những tâm hồn của tất cả những ai mở lòng ra đón nhận. Nhưng chẳng lẽ Người lại không hoạt động một cách mạnh mẽ hơn nơi những con người ý thức mình như những công cụ vô vị lợi? Trong và qua họ, Người sẽ loan truyền ngọn lửa Tình Yêu của Người đến khắp cùng bờ cõi của thế gian trong một thời gian ngắn!