Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 03 ngày 09

 

Đừng để cho tư tưởng của Thiên Chúa vẫn chỉ là trừu tượng. Hãy luôn luôn đặt tâm hồn con vào đó.” [Gửi cho một người con thiêng liêng]

 

Qua lời khuyên này, chúng ta thấy được sự khôn ngoan sáng suốt của cha Eymard trong việc hướng dẫn người khác về đời sống thiêng liêng của họ. Dường như, cha rất am hiểu những kế hoạch vĩ đại và khổng lồ mà người ta thường gặp khi cầu nguyện, nhưng những kế hoạch này đã mau chóng bị quên lãng hay chỉ được thực hiện một cách miễn cưỡng bên ngoài việc cầu nguyện. Cha cũng chứng tỏ rằng giải pháp cho việc cầu nguyện thiếu hiệu quả thật là đơn giản, nghĩa là chúng ta cần cảm nhận được những gì chúng ta cầu nguyện. Cầu nguyện không phải chỉ là vấn đề của từ ngữ, đặc biệt khi chúng ta phải trích dẫn những lời nguyện như khi cầu nguyện với Kinh Phụng vụ (Kinh nguyện của Hội Thánh). Thậm chí những kinh nguyện này có thể được chuyển thành lời nguyện cá nhân nếu chúng ta gạt bỏ sự chia trí để ‘hướng lòng mình về những gì chúng ta cầu nguyện!’ Lời khuyên này của cha Eymard không hoàn toàn nguyên văn. Trở lại thời Cựu Ước, dân Do Thái đã cầu nguyện với kinh berakkah, một kinh nguyện ngợi khen được đọc một trăm lần mỗi ngày! Rõ ràng, nếu một ai đó cố gắng ngợi khen Thiên Chúa một trăm lần một ngày, thì sự chú ý của người ấy rõ ràng là sẽ chuyển từ việc ngợi khen và lý do để ngợi khen sang số lần người ấy đã cầu nguyện bằng kinh nguyện này và nhiều điều khác đã bị bỏ đi! Vì thế, các Rabbi đã khuyên những người Do Thái sùng đạo thực hành ‘kawanna halleb’, nghệ thuật của ‘việc hướng lòng mình vào những gì mình cầu nguyện!’

Khi người ta hướng lòng mình vào lời cầu nguyện, chắc chắn người ta biết mình đang nói gì. Cầu nguyện không thể chỉ dừng lại mãi ở cấp độ của việc trích dẫn. Người ta cần dừng lại và nhớ lại những tình cảnh gợi lên việc ngợi khen Thiên Chúa, người ấy cũng cần suy xét một cách thấu đáo những gì người ấy đã cảm nghiệm được, chỉ khi đó việc diễn tả lời ngợi khen của người ấy mới chân thành. Đây chính xác là điều mà cha Eymard khuyên nhủ, mở rộng chủ đề đến mọi ý tưởng mà chúng ta có về Thiên Chúa. Chúng ta dễ dàng hài lòng với những điều phổ quát; thế nhưng những điều này sẽ mau chóng xóa sạch dấu vết nơi tâm trí và tâm hồn chúng ta. Nhưng khi chúng ta suy niệm và nhìn vào sự diễn tả của tình yêu Thiên Chúa từ nhiều góc độ khác nhau cũng như trong những trường hợp cụ thể, thì những cơ hội này sẽ ở lại trong tâm trí của chúng ta lâu hơn và gợi lên những hình thức cầu nguyện riêng tư hơn.

Trong cách tiếp cận này, cha Eymard làm theo động lực của tiến trình ‘yêu đương’ tự nhiên. Người ta không thể yêu thương nhau nếu họ không ý thức dành thời gian cho người khác và nỗ lực để đánh giá về bản tính đáng yêu của người khác. Họ càng thường xuyên và càng sáng tỏ trong việc nhận ra tính cách đáng yêu của người khác, thì những cơ hội lớn dành cho mối tương quan của họ sẽ càng sâu sắc và thân mật. Ở đây, động lực của ‘việc từ bỏ chính mình’ trong tiến trình này là quan trọng và cần thiết, bằng không chúng ta sẽ chỉ kết thúc với việc yêu thương chính mình và lợi dụng người khác để đem lại ích lợi cho bản thân mình. Mặc dù chúng ta có thể đánh lừa chính mình khi nghĩ rằng chúng ta thực sự yêu thương người khác, tuy nhiên những dấu hiệu mách lẻo sẽ giúp chúng ta nhận ra sự thật của mối tương quan của chúng ta: nóng giận, ghen tương, so đo tính toán và những điều khác đại loại như thế!