“Thiên Chúa là vị khách của con người nơi Bí tích Thánh Thể.” [ ]
Lời khẳng định này của cha Eymard rõ ràng gợi lên trong tâm trí biến cố đã được đề cập đến trong sách Sáng Thế 18,1-15, trong đó chúng ta biết khi tiếp đón và dọn bữa ăn cho ba vị khách trong lều của mình, ông Áp-ra-ham thực sự đã tiếp đón Thiên Chúa, Đấng đến với ông trong sự cải trang. Thiên Chúa thực sự là vị khách của ông Áp-ra-ham trong bữa ăn đó. Như chúng ta thấy trong biến cố lịch sử này, Thiên Chúa viếng thăm dân Người để chúc phúc cho họ theo những cách thức đặc biệt. Ở đây, lời hứa với Áp-ra-ham về việc ông sẽ có một người con trai đã được nhắc lại. Đây là điều dường như khó có thể tưởng tượng nổi đến nỗi Sara thực sự đã bật cười với ý tưởng đó! Đường lối của Thiên Chúa không chỉ kỳ lạ mà còn là đường lối vượt trên khả năng nắm bắt của con người.
Trong Thánh Lễ, mặc dù chính Thiên Chúa là Đấng mời gọi chúng ta đến dự Bàn tiệc của Ngài (Bàn tiệc Lời Chúa và Bàn tiệc Thánh Thể), thế nhưng trong thực tế thì chính Thiên Chúa là Đấng đến với chúng ta như một vị khách. Ngài biết rằng nếu để cho chúng ta tự ý xoay sở lấy, chúng ta sẽ không bao giờ đủ xứng đáng để đón tiếp Ngài vào cuộc đời chúng ta, vì thế Ngài đã chủ động đi bước trước để đến với chúng ta. Tất cả những gì Ngài đòi hỏi chúng ta chính là một sự rộng mở để đón rước Ngài, lắng nghe Lời Ngài khi Ngài nói, không chỉ lắng nghe âm thanh và câu cú, nhưng còn ý nghĩa bên trong của những lời Ngài phán. Mặc dù điều này nghe có vẻ dễ dàng và đơn giản, thế nhưng chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng đường lối của Thiên Chúa không phải đường lối của chúng ta ‘trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi bấy nhiêu’ Đức Chúa phán (Is 55,810). Cũng vậy, trong phần thứ hai của Thánh Lễ, cũng chính Thiên Chúa ấy đến với chúng ta dưới hình bánh bị bẻ ra để được chia sẻ và được ăn. Cũng vậy, chú ý đến sự hiện diện của Ngài giữa chúng ta là điều cốt yếu, vì cách thức chúng ta đón rước Ngài sẽ làm nên mọi sự khác biệt trong thế giới.
Câu chuyện trong Tin Mừng soi sáng cho phần thứ nhất của Thánh Lễ chính là câu chuyện cô Maria ngồi dưới chân Chúa Giê-su, lắng nghe Ngài, trong khi cô Mát-ta tất bật với “nhiều chuyện!” (Lc 10,38-42). Điều mà cô Maria đã chọn, Chúa Giê-su đoan chắc với cô rằng, sẽ không bị lấy mất. Kế đến, có lẽ câu chuyện hay được nhắc đến nhất trong Tin Mừng chính là câu chuyện người đàn bà tội lỗi đến và sụp lạy dưới chân Chúa Giê-su trong suốt bữa ăn, bà đã rơi nước mắt xuống chân Ngài và lấy tóc mà lau chân Ngài, xức dầu quý lên chân Ngài. Sau này, Chúa Giê-su nói: “tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.” (Lc 7,36-50). Khi Chúa Giê-su đến với một ai đó như là một vị khách, Ngài để lại biết bao nhiêu ơn lành, biến đổi con người ấy. Rõ ràng điều này được tìm thấy trong câu chuyện của ông Da-kêu (Lc 19,1-10). Khi vào nhà của Da-kêu như vị khách của ông, Chúa Giê-su đã trả lại cuộc sống cho ông bằng việc đem lại cho ông một mục đích mới và một cuộc đời mới, và một hương vị mới để sống theo cách khác!