Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 03 ngày 22

 

Cầu nguyện là tôn vinh lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa.” [ ]

 

Cầu nguyện là điều thiết yếu trong đời sống Ki-tô hữu. Mỗi một tín hữu không chỉ học cách cầu nguyện ngay từ lúc nhỏ, nhưng còn gắn kết với việc cầu nguyện trong suốt ngày sống. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có những quan niệm sai lạc về mục đích và hiệu quả của cầu nguyện. Hầu hết các Ki-tô hữu đều quen thuộc với việc cầu xin và có lẽ đây là cách cầu nguyện được thực hành nhiều nhất, tất cả chúng ta thực hành việc tạ ơn và ngợi khen từ thời nọ đến thời kia. Tuy nhiên, khi chúng ta chú ý đến tất cả những gì mà Đức Giê-su nói với chúng ta về tình yêu bao la của Chúa Cha dành cho chúng ta, Ngài biết những gì chúng ta cần trước cả khi chúng ta cầu xin, Ngài sẽ không cho chúng ta một hòn đá khi chúng ta xin bánh, Ngài sẽ không bao giờ để cho một sợi tóc trên đầu chúng ta rơi xuống mà không có sự chấp thuận của Ngài… chúng ta nhận ra rằng chúng ta không nên quá chú trọng đến việc cầu xin.

Thứ hai, vì cầu nguyện nhắm đến sự từ bỏ mình, chúng ta cần hiểu biết hơn và dành nhiều thời giờ để ngợi khen và tạ ơn. ‘Vinh quang’ trong Kinh Thánh được định nghĩa là ‘sự tuyệt vời của một người nào đó được nhận ra qua hành động’. Vì vậy, sự tuyệt vời của một nghệ sĩ vĩ cầm được nhận ra khi người ấy thực sự chơi nhạc cụ. Lắng nghe những giai điệu phát ra từ cây vĩ cầm của anh ta, thính giả sẽ ‘nhận ra’ vinh quang của anh, kỹ năng của anh trong nghệ thuật chơi violon cũng như vỗ tay tán thưởng kỹ năng của anh! Cũng vậy, nếu chúng ta ước muốn ‘tôn vinh’ Thiên Chúa của chúng ta, trước tiên việc chúng ta cần làm đó là quan sát, chăm chú nhìn, suy niệm về quyền năng kỳ diệu nơi hành động của Ngài. Vì thế, khi chúng ta cảm nhận được quyền năng quan phòng của Thiên Chúa dành cho chúng ta, chúng ta không thể không ngợi khen và tôn vinh Ngài; chúng ta có thể tôn vinh Ngài trước mặt những người khác khi chúng ta nói cho họ biết về những gì mình đã cảm nghiệm được, hoặc chúng ta cũng tôn vinh Ngài khi chúng ta nói với chính Thiên Chúa về những kinh nghiệm ấy qua việc cầu nguyện.

Nhiều Thánh vịnh chúng ta thường đọc đều là những lời nguyện ngợi khen tuyệt đẹp, thế nhưng đối với chúng ta, để cầu nguyện bằng Thánh vịnh một cách có ý nghĩa, trước tiên chúng ta cần bước vào kinh nghiệm của các vịnh gia. Một điểm cần ghi nhớ trong tâm trí, đó là: việc ngợi khen chủ yếu ám chỉ đến cảm xúc, đó là một sự bùng phát mãnh liệt để tán dương lòng nhân từ không thể tin được của Thiên Chúa. Ở đó luôn có yếu tố của ngạc nhiên, của băn khoăn và biết ơn (một kinh nghiệm tuyệt vời) trong lời nguyện ngợi khen. Lòng nhân từ của Thiên Chúa dành cho chúng ta vượt trên cả sự mong chờ của chúng ta, chính xác là vì Thiên Chúa không bao giờ ban hay chúc lành cho chúng ta ít một: lòng nhân từ của Ngài luôn luôn là một ân huệ bao la. Vì thế, khi chúng ta nhận ra sự không giới hạn của lòng nhân hậu và tình yêu nơi Thiên Chúa, chúng ta không thể không ngợi khen Ngài.

Nói chung, các Ki-tô hữu ngày nay cần tập trung nhiều vào việc ngợi khen hơn là xin ơn. Đây là một việc thực hành hữu ích cho đức tin của chúng ta cũng như làm cho chúng ta ngày càng biết mở lòng ra với tất cả những gì Chúa Cha muốn đổ xuống trên chúng ta. Vì thế, lời đề nghị của cha Eymard rất phù hợp với thời đại chúng ta. Thế nhưng, cần nhớ rằng việc ngợi khen của chúng ta không nên chỉ giới hạn ở số lần khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta được hưởng ân huệ nhờ Thiên Chúa… chúng ta cần học cách ngợi khen Thiên Chúa vì chính lòng nhân hậu của Ngài. Thánh vịnh 104 là một ví dụ điển hình về việc ca tụng này.