“Đức Giê-su Ki-tô muốn mọi người tôn trọng và yêu thương anh chị em của Người.” [ ]
Một trong những hiệu quả chính yếu của Thánh Lễ mà chúng ta cử hành cũng như nội tâm hóa trong việc cầu nguyện trước Thánh Thể chính là sự hiệp nhất, chúng ta không chỉ ngày càng được hiệp nhất sâu sắc với Ba Ngôi đến độ chúng ta dâng hiến chính mình vào tay Ngài, nhưng chúng ta còn được biến đổi để trở nên ‘một thân thể, một tinh thần trong Đức Ki-tô’, sự kết hiệp của chúng ta với thân mình của Đức Ki-tô cũng được đào sâu và được củng cố. Người ta có thể thắc mắc liệu những mối dây này (với các anh chị em Ki-tô hữu của chúng ta theo chiều ngang) có thể xảy ra không nếu như không có sự cộng tác hết mình và nỗ lực chân thành của chúng ta. Có một câu ngạn ngữ thần học cổ thời nói rằng: ‘Giáo hội làm nên Thánh Thể và Thánh Thể làm nên Giáo hội’, điều ấy ngụ ý rằng nếu chúng ta không có một cộng đoàn đức tin, thì chúng ta không thể có Thánh Thể. Thế nhưng cùng lúc ấy, chính Thánh Thể mà chúng ta cử hành lại làm cho Hội thánh trở thành Thân Thể của Đức Ki-tô. Việc cử hành mang tính cá nhân sẽ tạo ra một nhóm Ki-tô hữu sống theo chủ nghĩa cá nhân.
Tuy nhiên, chúng ta cần ghi nhớ trong đầu rằng các yếu tố bánh và rượu không cản trở Đức Ki-tô biến đổi chúng thành chính Thân Mình Người. Chúng ta, những con người, có thể đóng khung tất cả những nỗ lực của Người nhằm biến đổi chúng ta ngày càng nên giống Người hơn. Và đó là vì Cái Tôi nơi chúng ta, Cái Tôi bị thúc ép bởi tất cả những nỗi sợ hãi, những quan niệm sai lầm, những thành kiến và những thứ khác, cản trở những nỗ lực của Thiên Chúa nhằm biến đổi chúng ta. Và đó là lý do vì sao chúng ta thấy rất nhiều Ki-tô hữu có thiện ý, là những người tham dự Thánh Lễ mỗi ngày và sẽ không từ bỏ việc thực hành này vì bất cứ lý do gì trong thế gian, thế nhưng cũng vẫn còn những con người theo chủ nghĩa cá nhân thậm chí là sau nhiều năm tham dự Thánh Lễ. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một ý chí tự do, tôn trọng những lựa chọn của chúng ta và sẽ không tạo ra bất kỳ sự thay đổi nào trong cuộc đời chúng ta nếu không có sự ưng thuận thật lòng và chân thành của chúng ta.
Một trong những dấu chỉ cho thấy chúng ta ngày càng được trở nên Thân Mình của Đức Ki-tô chính là chúng ta có thể kính trọng mỗi người và mọi người xung quanh chúng ta, thậm chí khi và đặc biệt khi họ không đồng tình với chúng ta. Đặc biệt điều này sẽ trở nên khó khăn khi đối xử với những người chúng ta thương mến và những người thân cận với chúng ta; khi chúng ta nhận ra những người này đang chọn lựa đi sai đường, chúng ta muốn can thiệp ngay lập tức và sửa sai cho họ. Đó là lúc chúng ta cần nhớ lại mẫu gương của chính Đức Giê-su, Đấng có lòng kiên nhẫn vô biên với mười hai môn đệ của Người (cũng như với chúng ta) và với những người Do Thái nói chung, những người cản trở mọi nỗ lực của Người để lôi kéo họ vào trong Giao ước với Chúa Cha. “Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Ðã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu!” (Mt 23,37).
Tuy nhiên, chúng ta tiếp tục yêu thương anh chị em mình và tình yêu này sẽ thôi thúc chúng ta ít ra là dâng họ lên Chúa trong lời cầu nguyện của chúng ta, đợi chờ ‘giờ’ đến. Vì khi giờ của Chúa (kairos) đến, thì không gì có thể cản trở Ngài hoàn tất kế hoạch và dự định của Ngài dành cho chúng ta! Dĩ nhiên, lúc đó, chúng ta cần tiếp tục cầu xin Chủ mùa gặt cho chúng ta thêm kiên nhẫn và tôn trọng những lời đáp trả của những người xung quanh chúng ta.