Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 3 ngày 31

 

Hãy ở lại dưới chân của Nhiệm Tích Thánh Thể’  [ ]

Đối với cha Eymard, có lẽ được trao ban như một ân huệ đặc biệt, Thánh Thể luôn luôn là chính con người Đức Giê su chứ không phải chỉ là sự hiện diện khách thể thực sự của Ngài ở bên ngoài. Chính nơi Bí Tích Thánh Thể mà chúng ta gặp gỡ con người Đức Giêsu, Chúa phục sinh, Đấng đang sống một cách thực sự và tròn đầy giữa chúng ta. Và điều Ngài mong muốn nhất khi ở lại với chúng ta nơi Bí Tích Thánh Thể chính là chúng ta tương quan với Ngài như một nhân vị, qua cuộc đối thoại cá nhân vàtình yêucủa hai bên dành cho nhau. Nếu không có niềm tin sâu đậm và sống động, mức độ tương quan với con người Đức Giêsu sẽ thật là khó đối với các Ki-tô hữu, tuy nhiên, nếu chúng ta thường xuyên tự nhắc nhở mình về sự hiện diện cá nhân của Đức Giêsu, thì sẽ làm cho điều đó trở nên dễ dàng hơn.

Hơn nữa, điều đó cũng sẽ làm cho việc cầu nguyện của chúng ta đơn giản và hiệu quả hơn. Đơn giản là bởi vì không có gì đơn giản hơn việc đáp trả lại một người bạn yêu dấu mà chính chúng ta nhận ra sự hiện diện của người ấy. Chúng ta sẽ không cần những lời lẽ thanh tao và những lời nguyện dài dòng mà chúng ta thường bám vào đó như thể là muốn gây ấn tượng đối với Thầy chí thánh của chúng ta. Tất cả những gì chúng ta cần, đó là: một con tim rung động với tình yêu và điều đó sẽ đảm bảo cho mối hiệp nhất của chúng ta với Đức Giê-su, Đấng đang hiện diện ở đó với chúng ta, cho dù chúng ta không nói một lời nào cả.

Tuy nhiên, khi chính Đức Giêsu thu hút sự chú ý của chúng ta để liên kết tình yêu của chúng ta dành cho Ngài với tình yêu dành cho anh em của chúng ta, thì điều quan trọng cần đảm bảo đó là: trong lúc chúng ta dành thời giờ để trò chuyện với Đức Giêsu, thì chúng ta không ở lại trong sự bất hòa với bất kỳ anh em nào của mình ít nhất là không phải một cách ý thức và tự do. Chúng ta nhớ lại lời răn dạy của Đức Ki-tô: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24). Là con người, nhiều lần chúng ta sẽ gặp khó khăn, không nghi ngờ gì, nhưng chúng ta làm cho những tương quan căng thẳng ấy trở thành chủ đề cho cuộc đối thoại và trò chuyện của chúng ta với Chúa.

Ngạc nhiên biết bao khi sự hiện diện của Đức Giê-su có sức mạnh rút ra điều tốt nhất nơi chúng ta, thậm chí khi chúng ta đang phải chiến đấu trong một thời gian dài để loại bỏ khỏi mình những ngáng trở bằng sự khéo léo của chính chúng ta. Quả thực, chẳng có gì mà Đức Giê-su không thể làm nơi một con người biết mở lòng ra đón nhận tình yêu biến đổi của Ngài. Vì thế, chúng ta cần thực hiện sự hiệp nhất này ở hai cấp độ: sự hiệp nhất cá nhân của chúng ta với Đức Giê-su nơi Bí Tích Tình Yêu, cũng như sự hiệp nhất của chúng ta với tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là với những người chúng ta giao tiếp hằng ngày. Vì suy cho cùng, tình yêu của chúng ta đối với người thân cận sẽ luôn luôn là sự thử thách về sự chân thành cũng như chiều sâu của tình yêu mà chúng ta dành cho Thiên Chúa. Thánh Gio-an nhắc nhở chúng ta “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Ðây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình.” (1 Ga 4,20-5,1).