Ngày 3 Tháng Mười
Lm Erasto Fernandez, sss.
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ
“Đừng hướng tâm hồn con vào những thành quả đạt được trong việc phục vụ Thiên Chúa, thậm chí là vào những cảm xúc êm đẹp, vì tất cả những thứ đó luôn biến đổi và không chân thật.” (Gửi cho Bá tước D’Andigne, tháng 11/1866)
Đây là một lời khuyên khác của cha Eymard dành cho người con linh hướng của mình. Dù việc đối chiếu này nhắm đến cùng đích của đời sống con người hay nhắm đến một dự án cụ thể nào trong cuộc sống, thì điều quan trọng là phải đặt mình diện đối diện với Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của cuộc đời chúng ta và cũng là mục tiêu mà chúng ta nhắm tới. Tuy nhiên, cha Eymard rất khôn ngoan khi chỉ ra rằng nếu việc đối chiếu mà chúng ta có trong đầu được liên kết với bất kỳ thành tựu nào của chính chúng ta hay với những thành tựu được thực hiện cho Thiên Chúa, thì người ta sẽ nhìn cuộc đời như một việc phục vụ bị ép buộc vì chúng ta mong đợi một sự đền đáp nào đó.
Thánh Phao-lô đề cập đến tổ phụ Áp-ra-ham trong cuộc tranh luận của ngài: ‘Vậy phải nói sao về ông Áp-ra-ham, tổ phụ chúng tôi theo huyết thống? Ông đã được gì? Giả như ông Áp-ra- ham được nên công chính vì những việc ông làm, thì ông có lý do để hãnh diện, nhưng không phải trước mặt Thiên Chúa. Thật vậy, Kinh Thánh nói gì? “Ông Áp-ra-ham đã tin Thiên Chúa và điều ấy đã được kể cho ông là điều công chính.” Người nào làm việc, thì tiền công trả cho người ấy không được kể là ân sủng, mà là nợ. Còn người nào không làm việc nhưng tin vào Đấng làm cho kẻ vô đạo nên công chính, thì đức tin của người ấy được kể là điều công chính. Cũng vậy, vua Đa-vít nói về hạnh phúc của người được Thiên Chúa kể là công chính mà không xét đến việc làm: “Hạnh phúc thay lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung! Hạnh phúc thay người Chúa không kể là có tội!”…
“Như vậy, ông là cha của hết mọi người tin mà không được cắt bì, để họ được kể là công chính. Ông cũng là cha của những người thuộc giới cắt bì, mà không phải chỉ được cắt bì, nhưng còn dõi bước trên đường đức tin của cha chúng ta là ông Áp-ra- ham, đức tin ông đã có khi chưa được cắt bì. Thật vậy, không phải nhờ Lề Luật, mà ông Áp-ra-ham hay dòng dõi ông nhận được lời hứa sẽ được thừa hưởng thế gian làm gia nghiệp, nhưng nhờ sự công chính do đức tin…Bởi vậy, vì tin mà người ta được hưởng gia nghiệp; như thế lời hứa là ân sủng Thiên Chúa ban, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Áp-ra-ham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai dựa vào Lề Luật, mà còn cho những ai dựa vào lòng tin của ông…-trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hóa có” (Rm 4:1-17).
Nếu những đóng góp của chúng ta cho Nước Chúa theo nghĩa những hoạt động không nên là cơ sở cho mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, thì những cảm xúc cần phải có nền tảng vì chúng không minh nhiên và hay thay đổi! Thực tế, những cảm xúc đến rồi đi, thế nhưng chính sự tin tưởng sẽ giúp chúng ta bám chặt vào Thiên Chúa, viên đá tảng cho ơn cứu độ của chúng ta. Và trong mối tương quan giao ước cụ thể thì chính Thiên Chúa là người đi bước trước và mời gọi chúng ta bước vào giao ước với Ngài! Chúng ta hoàn toàn không xứng đáng hay có quyền đòi hỏi đối với tình yêu của Ngài và chia sẻ trong sự sống của Ngài, chính Ngài là Đấng ban phát hoặc rút lại. Chính tình yêu khoan hồng của Ngài khiến Ngài chia sẻ sự sống của Ngài với chúng ta. Vì thế, chúng ta sẽ vẫn mãi là những đầy tớ bất xứng trước mặt Chúa dù khi được đồng bàn với Ngài trong vương quốc của Ngài. Điều duy nhất còn lại và không thay đổi trong mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa đó là chính tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Không nghi ngờ gì khi Ngài thường được nhắc đến như một phiến đá, một thành trì hay một pháo đài!