Ngày 5 Tháng Mười
Lm Erasto Fernandez, sss.
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ
“Chúng ta hãy ngắm nhìn Thiên Chúa cùng sự nhân lành của Ngài trong mọi sự. Chúng ta hãy yêu mến những hành động quan phòng của Ngài vốn khôn ngoan và đầy ân sủng.” [Gửi cho bà Josephine Gourd, tháng 8/1867]
Khi một người nào đó bắt đầu cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa, người ấy sẽ thấy tình yêu hoạt động nơi tất cả mọi sự xung quanh mình. Đây cũng là kết quả của cái nhìn ‘đức tin’ được gia tăng do người ấy phát huy. Người ta bắt đầu ‘hiểu’ được đường lối của Thiên Chúa một cách rõ hơn và thậm chí nhiều lần họ có thể tiên liệu xem tiếp theo Thiên Chúa sẽ hành động như thế nào. Một ví dụ điển hình chính là việc cử hành Mầu nhiệm Vượt qua trong đời sống chúng ta. Khi Thiên Chúa muốn đổ tràn những ơn lành phi thường xuống một ai đó, trước tiên Ngài đảm bảo mọi sự sẽ diễn ra theo hướng ngược lại. Điều này làm cho người đó cảm thấy mình bị mất quyền kiểm soát trong tình huống đó và đây là một sự thử thách hữu ích cho niềm tin của họ.
Trong những trường hợp này, nếu Cái Tôi vẫn còn mạnh, người ấy sẽ phải cố gắng để kiểm soát được tình thế cũng như cố gắng hết sức để đẩy lui Cái Tôi. Tuy nhiên, Thiên Chúa lặp lại chiến thuật của Ngài theo hướng ngược lại- và trò chơi kéo co này sẽ tiếp tục diễn ra cho tới khi người ấy thức tỉnh và nhận ra điều gì đang thực sự xảy ra. Và lúc đó, hoặc là người ấy sẽ từ bỏ cuộc chiến để biết kiềm chế và phó thác hoàn toàn vào bàn tay của Thiên Chúa, hoặc là phá đổ và từ bỏ Thiên Chúa. Tuy nhiên, khi một ai đó phân định được điều này, chẳng bao lâu người ấy sẽ bắt đầu biết phó thác vào bàn tay Thiên Chúa một cách tự do và đầy lòng yêu mến, cũng như để cho Ngài sắp xếp mọi sự theo cách Ngài chọn.
Quyết định cộng tác với Thiên Chúa hơn là chống lại Ngài xem ra cần phải cân nhắc. Vì lý do, người ấy cần giữ gìn sức lực thay vì phản kháng và chống cự, người ấy sẽ có thêm nhiều sức mạnh để thực hiện những việc Thiên Chúa đòi hỏi. Bên cạnh đó, đức tin đảm bảo cho người ấy rằng cuối cùng kết quả sẽ vượt xa mong đợi và rõ ràng là nó không chỉ liên quan đến người đó nhưng còn đến mọi người xung quanh. Điều này cho thấy ‘đó là việc Chúa làm, và thật là kỳ diệu trước mắt chúng ta!’ (Tv 126). Hơn nữa, mỗi kinh nghiệm tích cực đều đào sâu đức tin của người ấy và làm cho người ấy nhận ra Thiên Chúa đang làm việc trong mọi sự xảy ra trong cuộc đời mình.
Bước kế tiếp đó là khi người ấy có thể phân định hay suy đoán được những hành động của Thiên Chúa dành cho sự phản kháng rành rành của mình. Và khi người ấy có thể đưa ra một câu trả lời đúng, niềm vui của người ấy sẽ không có biên giới và sự cộng tác của người ấy sẽ quảng đại hơn. Đây là một sự diễn tả khác về chân lý ‘không phải tôi sống, nhưng chính Đức Ki-tô sống trong tôi’ (Gl 2,20). Hoặc ‘tôi có sức chịu đựng được hết, nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi’ (Pl 4,13). Thánh Phao-lô nhớ lại ngài đã học được bài học này như thế nào trong thời gian ngài kêu gọi ‘các học trò’ của ngài: ‘tôi đã học cho biết bằng lòng với mọi hoàn cảnh của tôi. Tôi học cho biết sống nghèo hèn, và học cho biết sống dư dật. Trong mọi hoàn cảnh và tình huống, no hay đói, dư dật hay thiếu thốn, tôi đã học được bí quyết sống như vậy.’ (Pl 4,11-12).
Cuộc đời sẽ hạnh phúc và bớt căng thẳng hơn biết bao nếu chúng ta cũng học được bài học này và sống những đòi hỏi ấy trong từng ngày sống của mình!