Ngày 9 Tháng Mười
Lm Erasto Fernandez, sss.
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ
“Hãy để sự trung tín của con chứa đựng trước hết trong việc hoàn thành tốt những thực hành bên ngoài trong luật sống của con, điều đó có nghĩa là hoàn thành chúng đúng lúc và đúng chỗ… đó là những gì đức hy sinh cần có.” [Gửi cho bà Na-ta- ly Gióc-đan, tháng 8/1867]
Bây giờ khi đề cập đến việc hoàn thành thời khóa biểu của một người, cha Eymard đề nghị chúng ta hãy bắt đầu với mức độ bên ngoài, với những thực hành được thực hiện vào những thời điểm và nơi chốn cụ thể. Vì thế, chúng ta phải có lịch trình hằng ngày về những công việc: cầu nguyện, làm việc, học hành, đời sống cộng đoàn, hoạt động tông đồ,… Những điều này sẽ hình thành nên khung thời khóa biểu của chúng ta. Thế nhưng trên hết, mỗi người phải quyết định một “kế hoạch” cho riêng mình, qua đó họ quyết định xem loại người nào mà họ muốn trở thành.
Vì thế nếu tôi chọn lựa trở thành loại người biết yêu thương, biết hy sinh bản thân mình, thì tôi sẽ cần phải thực hiện những hoạt động (cư xử, đọc sách, liên kết với những người cùng chí hướng khác,…) vốn đem đến một khuôn mẫu đối chiếu của tình yêu và sự hy sinh! Khi chọn lựa tình yêu như nguyên tắc hướng dẫn cho cuộc đời mình, tôi không thể liên kết với những con người không biết yêu thương, ích kỷ vì bầu khí này sẽ làm lu mờ việc nhận ra sứ mạng của tôi trong cuộc đời. Càng liệt kê sứ vụ này rõ ràng bao nhiêu, thì lại càng dễ dàng lên lịch trình làm việc bấy nhiêu. Kế hoạch nói cho chúng ta biết những gì chúng ta cần làm và những gì cần tránh, không cấp bách cũng như không quan trọng. Vì vậy, người nào biết chọn lựa để tạo nên một sự khác biệt tích cực trong cuộc đời của người khác thì chắc chắn không thể nào dành hết thời gian trước TV để xem hết chương trình này đến chương trình khác. Điều đó có thể là quá nương chiều theo một cách nào đó, thế nhưng nếu nó được thiết lập thành một nền tảng thì điều đó sẽ đưa đến một lối sống phóng đáng và không có mục đích.
Tuy nhiên, trong lời đề nghị của cha Eymard, câu hỏi được đặt ra liên quan đến chương trình làm việc hằng ngày của chúng ta. Nơi đâu chương trình ấy được chọn lựa một cách khôn ngoan, nó sẽ không chỉ bao gồm các hoạt động về tâm linh, chẳng hạn như: cầu nguyện, đọc sách thiêng liêng, suy niệm,… nhưng còn thời giờ dành cho các bài tập thể dục, các tương quan xã hội với những người khác, dành thời giờ quý báu cho các thành viên trong gia đình hay cộng đoàn mình, những giờ phút thinh lặng và rút lui khỏi những hoạt động, thực sự nghỉ ngơi và giải trí, thỉnh thoảng dành thời giờ để học những kỹ năng mới, hoạt động sáng tạo và nghệ thuật theo khả năng và sở thích của mình. Một người mà chỉ lao đầu vào tất cả các hoạt động, ít nhất là trong một tuần, chắc chắn sẽ có một cuộc sống chất lượng vốn không thường xuyên bắt gặp được nơi nhiều người.
Một trong những khó khăn gặp phải trong vấn đề này chính là duy trì sự kiên định và kỷ luật. Rõ ràng là có vô số những ngáng trở ngăn cản chúng ta trung thành với lịch trình này. Bên cạnh nỗi đau tự nhiên và những gian truân phát sinh ra trong lịch trình này, cũng có những yếu tố không lường trước được xảy ra từ thời điểm này đến thời điểm khác. Vì thế, một sự uyển chuyển cũng phải được đưa vào lịch trình này để giải quyết những vấn đề khẩn cấp. Trong mọi sự, nếu người ta nghiêm túc về loại người mà người ta muốn trở thành, thì việc tuân thủ lịch trình đã chọn lựa không phải là một vấn đề lớn! Nó sẽ diễn ra một cách tự nhiên và bền vững trong suốt cuộc đời người ấy, bắt nguồn từ bên trong chứ không phải bị ép buộc hay được trù định trước.