Ngày 16 Tháng Mười
Lm Erasto Fernandez, sss.
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ
“…Khi con ở với Chúa chúng ta, đừng để mình suy nghĩ đến những người khác, con chỉ bận tâm với Chúa chúng ta, chỉ một mình Chúa thôi. Nói ít về con đối với Đức Giê-su, nói nhiều về Đức Giê-su đối với chính con. Trong tình yêu thực sự, chúng ta cần quên đi chính mình, đạt đến một cuộc sống hiệp nhất với Chúa chúng ta qua sự nhận thức sâu sắc của tâm hồn. Điều đó không mệt mỏi và có thể hòa hợp với mọi thứ khác.” [Gửi cho cô Stephanie Gourd, tháng 8/1867]
Tiếp tục với dòng tư tưởng trên, một lần nữa cha Eymard nhấn mạnh rằng người ta phải luôn luôn xem Đức Giê-su như là mục tiêu cho sự chú ý của mình. Bấy giờ thái độ của chúng ta sẽ là ‘Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?’ và khi chúng ta đã làm theo lời đề nghị của Đức Maria đã nói với các gia nhân tại tiệc cưới Ca-na ‘Người bảo gì, các anh cứ làm theo’ (Ga 2:1-11), chắc chắn chúng ta có thể mong chờ những điều kỳ diệu từ nơi Người. Thế nhưng, trong những tình huống này, thật không dễ gì để cố gắng nhớ lại rằng niềm hy vọng của chúng ta chỉ ở nơi Người mà thôi. Chúng ta không cần kể lể toàn bộ câu chuyện về những cơn đau bệnh cũng như những phiền phức của chúng ta vì chắc chắn Người đã biết tất cả những thứ đó rồi. Nhưng, nếu chúng ta có thể chú ý hơn vào những ưu phẩm của Người cũng như những hành động kỳ diệu mà Người làm vì chúng ta, thì chúng ta sẽ bớt sợ hãi.
Dù đứng ở góc độ nào, cha Eymard luôn luôn trở lại với điểm mấu chốt: Bạn không thể làm tôi hai chủ cùng một lúc, Thiên Chúa và Cái Tôi. Vì thế, chúng ta càng biết ra sức làm việc mà không đặt Cái Tôi làm trung tâm, thì sẽ trở nên dễ dàng hơn trong việc chuyển đổi vị trí trung tâm ấy về Đức Giê-su. Hơn thế, cha trở về một ý tưởng then chốt khác, đó là: tính siêu việt của đời sống nội tâm. Khi sự hiệp thông nội tâm với Chúa trở nên một khía cạnh quan trọng trong đời sống tâm linh của chúng ta, bấy giờ chúng ta nhận ra rằng chúng ta thực sự dùng ít sức mạnh tinh thần và do đó không mệt mỏi hay không dễ dàng nhụt chí. Vả lại, khi chính tình yêu ấy chi phối những lời đáp trả của chúng ta đối với Đức Giê-su, thì chúng ta không cần quan tâm đến bất kỳ khó khăn nào xảy đến trên con đường của chúng ta, mối bận tâm chính của chúng ta là đáp trả lại Người một cách tốt nhất.
Tình yêu làm cho mọi sự trở nên có thể và làm cho dự án quá đơn giản và có thể chấp nhận được đến nỗi chúng ta không cần để ý đến việc chúng ta phải hy sinh nhiều. Bởi vậy, nếu ở cấp độ tự nhiên, điều đó là đúng trong mối tương quan của chúng ta với những người xung quanh, thì chẳng lẽ lại không đúng trong mối tương quan của chúng ta với Đức Giê-su sao?
Đây có thể là điều mà Đức Giê-su đang tìm kiếm nơi các môn đệ được Người tuyển chọn vào đêm của Bữa Tiệc Ly. Người mời gọi tất cả các ông cùng đi với Người vào vườn Giệt-si-ma-ni và tìm kiếm sự hiện diện an bình xung quanh Người. Người nài nỉ
‘Hãy tỉnh thức và cầu nguyện với Thầy đôi chút’. Thế nhưng, tâm hồn các ông nặng trĩu và cơn buồn ngủ ập xuống các ông, đến nỗi điều này đưa đến sự than phiền từ tâm hồn nặng trĩu của chính Đức Giê-su: ‘Anh em không thức với Thầy được một giờ sao?’ Tình yêu của các ông dành cho Thầy ít sống động, các ông sẽ hăng hái chia sẻ giờ phút khó khăn với Người, mặc dù các ông không làm gì nhiều để loại bỏ chúng đi. Nhưng đó không phải là điều Người tìm kiếm. Tất cả những gì Người muốn đó là biết các ông đang ở với Người, sẵn sàng chia sẻ giây phút khó khăn mà Người đang phải cố gắng chịu đựng và trung thành với ý muốn của Chúa Cha bằng bất cứ giá nào.