Ngày 20 Tháng Mười
Lm Erasto Fernandez, sss.
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ
““Dường như khi Đức Giê-su chịu chết, Trái tim Người không chết, máu Người vẫn ấm nồng thậm chí sau cái chết của Người trong Ngôi vị Thiên Chúa. Đức Giê-su nói ‘ai ăn thịt Ta thì ở lại trong Ta, và Ta ở lại trong người ấy’. Thật là một sự chia sẻ sự sống tuyệt vời và thánh thiêng ‘Ở lại với Đức Giê-su, trong Đức Giê-su, đó là trở nên tôi tớ thờ phượng của Người.” [Gửi cho nữ bá tước D’Andigne, 8/1867]
Mầu nhiệm cao trọng nhất trong niềm tin của chúng ta chính là Mầu Nhiệm Phục Sinh của Đức Giê-su. Dù đã báo trước cho các môn đệ biết về chân lý này, nhưng tất cả các ông khó lòng chấp nhận và tin vào Mầu nhiệm đó. Và thậm chí ngày nay, khi chúng ta nhìn nhận chân lý về Sự Phục sinh này, thì hầu như ít ai chịu nỗ lực đào sâu mầu nhiệm này để hiểu biết thêm dù chỉ là những điều nhỏ nhặt nhất. Một cách đơn giản, điều đó nhắc nhở chúng ta rằng qua cái chết, Đức Giê-su hoàn toàn được biến đổi để nên một với Chúa Cha và đó là hoa trái của sự dâng hiến vô điều kiện trong tình yêu và niềm tin. Trước hết, điều này diễn ra khi chết vì vậy chỗi dậy từ cõi chết làm nên một mầu nhiệm, một khoảnh khắc không có khoảng trống xen giữa.
Đức Giê-su là Chúa Phục sinh khi Người chịu chết trên Thánh giá và sẽ mãi là như vậy. Nhưng điều quan trọng là giờ đây chúng ta luôn đụng chạm đến Người như là Chúa Phục Sinh trong vinh quang. Nhớ lại những biến cố trong cuộc đời Người có thể là một sự chỉ dẫn và sự dạy dỗ cho chúng ta, nhưng chúng ta không gặp Chúa trong những trường hợp ấy. Vì thế, chúng ta có thể dành nhiều giờ để chiêm niệm thời thơ ấu của Đức Giê-su, nhưng chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể gặp Đức Giê-su Hài Đồng. Vì vậy, lòng tôn sùng của chúng ta đối với “Hài Nhi Giê- su” vốn quá phổ biến trong Giáo Hội ngày nay, vẫn mãi không sinh hoa trái nếu việc đó không dẫn chúng ta đến với Chúa Phục Sinh thực sự. Ngày nay, Chúa Phục Sinh đang ở với chúng ta chủ yếu trong Phụng vụ như đã được trình bày trong Tin Mừng Luca.
Chúa Phục Sinh bắt gặp hai môn đệ khi họ bước đi mệt nhọc đang lúc nhớ lại những biến cố xảy ra vài ngày trước đó. Không cần biết họ đã trải qua những biến cố trong tuần vừa qua như thế nào, họ không thể tiến gần hơn nữa để hiểu được mầu nhiệm này. Chúa đã cùng đi với họ và sau khi dành dịp để giải thích tiền đề của họ, Người đưa họ quay trở lại Sách Thánh từ Mô-sê cho đến hiện tại và chỉ ra cho họ thấy ý nghĩa thực sự của những gì được viết về Đấng Mê-si-a. Vì thế, Người đã chỉ ra cho các ông “nơi” đầu tiên mà các ông sẽ gặp gỡ Người là Chúa Phục Sinh qua việc chia sẻ Lời Chúa, và trong khi giải thích Sách Thánh, tâm hồn họ đã bừng cháy, một dấu chỉ về sự hiện diện thực sự của Người đối với họ!
Khi họ về đến làng, Người “làm ra vẻ muốn đi tiếp” để tạo cho họ cơ hội thực hành những gì họ đã học, có nghĩa là bẻ chính mình ra vì lợi ích của anh em mình. Họ nảy ra ý định nài ép Người ở lại với họ vì ngày sắp tàn. Và khi các ông quy tụ quanh Bàn ăn, một lần nữa họ ‘nhận ra’ Chúa Phục Sinh qua việc bẻ bánh. Vội vã trở về Giê-ru-sa-lem, họ bắt đầu thuật lại kinh nghiệm của mình cho những ai đang quy tụ ở đó và “trong khi họ còn đang nói” thì Chúa hiện ra với họ. Nơi thứ ba chính là việc chia sẻ đức tin trong cộng đoàn. Vả lại khi Chúa dẫn đưa họ ngang qua Sách Thánh và chia sẻ với họ một bữa ăn có cá nướng, thì bấy giờ họ trở thành một cộng đoàn được Người sai đi để trở thành chứng nhân cho sự Phục Sinh của Người, loan báo ơn hoán cải cho tất cả mọi người. Vì thế, khi họ tham gia vào sứ mạng rao giảng thì họ sẽ gặp được Chúa Phục Sinh. Và sau cùng, Người đã dẫn họ đến Bê-ta-ni-a, nơi mà Cuộc khổ nạn của Người bắt đầu, và sau khi chúc phúc cho họ, Người đã biến mất để họ đi theo con đường của mình đến Can-vê và chịu chết, và cuối cùng là chia sẻ sự Phục Sinh. Do đó, đối với chúng ta, gặp được Chúa Phục Sinh là điều quan trọng nhất trong tất cả những hình thức tôn sùng của mình!