Ngày 23 Tháng Mười
Lm Erasto Fernandez, sss.
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ
“Tốt hơn là hãy lôi kéo mình dậy hơn là để mình té nhào xuống đất. Hãy tiếp tục lên Rước lễ: đó là sự sống của con và nhân đức duy nhất của con… Đức Giê-su đang ở lại trong con. Hãy xem việc Hiệp lễ như một ân huệ tinh tuyền đến từ lòng nhân hậu từ bi của Thiên Chúa, một lời mời gọi đến với bàn tiệc ân sủng của Người, bởi vì con là kẻ nghèo túng, yếu đuối và bệnh tật. Vì vậy, con hãy đến với niềm vui sướng.” [Gửi cho bà Antoinette de Granville, 10/1867]
Thành ngữ “té nhào xuống đất” nói lên sự thất bại, một sự bất lực hoàn toàn, chủ yếu do kẻ thù hay do chính quyết định của chúng ta muốn từ bỏ chiến đấu. Khi điều này xảy ra, không ai có thể giúp đỡ chúng ta, ngay cả Thiên Chúa Toàn Năng vì chúng ta từ chối hợp tác. Thế nhưng nếu chúng ta tiếp tục nâng mình dậy, thì ít ra điều đó nói lên ước muốn tiếp tục tiến bước, dù gặp khó khăn ghê gớm. Bao lâu người ta còn lê bước thì vẫn còn những dấu hiệu của sự sống nơi người ấy và do đó vẫn còn tràn trề hy vọng. Nói tóm lại, dù khi đối diện với những khó khăn ghê gớm nhất, chúng ta không nên mất hy vọng, vì Chúa chúng ta là Đấng chinh phục và chiến thắng khải hoàn dù chiến thắng của Người không tỏ hiện một cách rõ ràng.
Chân lý về sự Phục Sinh tiếp tục nhắc nhở chúng ta rằng cuối cùng Chúa sẽ chiến thắng và Người bảo đảm với chúng ta:“Đừng sợ, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Vì thế, chúng ta trở về với Người như nguồn sức mạnh duy nhất và sự nâng đỡ của chúng ta vì Người đã chia sẻ vinh quang của Người cho những ai đi theo Người. Chúng ta lên Rước lễ cùng với Người không phải vì chúng ta tốt lành, nhưng hãy xem việc Hiệp lễ như một phần thưởng dành cho sự trung thành. Hơn nữa, chúng ta đến với Người vì chúng ta vẫn cần được trở nên giống như Người, cụ thể là trong tình yêu kiên vững của Người với Chúa Cha và sự vâng phục không thắc mắc của Người đối với thánh ý của Cha. Khi Người chia sẻ sự sống và tình yêu của Người với chúng ta, điều đó giống như một chiếc xe nhào lộn mà pin yếu không thể khởi động được. Lấy năng lượng từ Người, chúng ta sẽ tìm thấy sự sống mới được tiêm vào chính mình và ít ra chúng ta có thể bắt đầu một nỗ lực mới.
Không nghi ngờ gì, sự bắt đầu lại này từ Đức Giê-su quả là một ân huệ của Thiên Chúa dành cho chúng ta, đặc biệt khi những tài nguyên của chính chúng ta cạn kiệt. Chính trong lúc ấy, chúng ta cần bám víu vào Đức Giê-su như tảng đá của ơn cứu độ- Đấng mời gọi chúng ta khi nói rằng “Đến cả đi, hỡi tất cả những ai đang khát, hãy mua sữa…” (Is 55,1). Việc chạy đến với Người chính là thừa nhận sự bất lực của chúng ta và niềm cậy trông của chúng ta vào Người. Người sẽ không bỏ rơi chúng ta trong giờ phút chúng ta cần giúp đỡ. Người được sai đến với những tội nhân và nâng họ dậy từ đống tro tàn và đặt họ lên giữa những hoàng tử và vua chúa (Lc 1,46-55). Không gì hiệu quả cho bằng việc lôi kéo lòng từ bi và sức mạnh của Chúa xuống trên chính chúng ta hơn là một sự khiêm tốn thừa nhận khả năng bất lực của mình, một sự thừa nhận được thực hiện bằng đức tin và tình yêu sâu đậm, chứ không phải bằng việc cầu xin thấp hèn.
“Lạy Chúa, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa lành con” sẽ trở thành niềm vui của chúng ta và chúng ta có thể đoan chắc rằng chúng ta sẽ nghe được những lời đảm bảo của Người “Chắc chắn, Ta muốn con được chữa lành!” (Mc 2,40-45). Vì thế, chúng ta hãy đến cùng Chúa-Tảng đá của chúng ta, với niềm vui và sự tín thác và chúng ta sẽ được tiếp thêm sinh lực vì Người không bao giờ từ chối tâm hồn khiêm cung bất cứ điều gì nó cần!