Ngày 24 Tháng Mười
Lm Erasto Fernandez, sss.
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ
“Con hãy đề phòng sự lười biếng: Điều đó có thể lắm; về việc không quảng đại trong những gì Thiên Chúa mời gọi con làm… Vậy con nên làm gì?… hy sinh những thứ không cần thiết hay vô ích cho nhu cầu sử dụng của cá nhân con, hay phù hợp với hoàn cảnh của con. Bấy giờ con sẽ tìm được bình an nơi chính mình.” [Gửi cho bà Antoinette de Grandville, 11/1867]
Trong một tình huống mà người con linh hướng cảm thấy mình chưa nỗ lực hết mình, và không quảng đại trong việc dâng lên Thiên Chúa tất cả những gì Ngài đòi hỏi, cha Eymard khuyên người ấy hãy ra sức chống đỡ và hãy bắt đầu bằng việc loại bỏ khỏi mình tất cả những của cải không cần thiết và vô ích, những của cải vốn được tích trữ để đảm bảo sự an toàn của người ấy. Khi làm cho mình trở nên bất lực, giống như một trẻ thơ, bấy giờ chúng ta mới có thể chờ mong sự hiện diện uy quyền của Chúa trước mắt chúng ta một cách nhãn tiền hơn vì “ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 14,11). Chúa chờ đợi để đổ tràn tình yêu của Ngài vào trong chúng ta, thế nhưng nếu chúng ta đã chứa đựng đầy ắp Cái Tôi rồi, thì sẽ không còn chỗ để chúng ta đón nhận tất cả những gì Ngài muốn ban tặng chúng ta nữa. Do đó, cần phải làm cho mình trở nên trống rỗng, thậm chí đôi lúc phải dùng vũ lực nếu chúng ta muốn cảm nghiệm quyền năng của tình yêu Ngài!
Tuy nhiên, khi chúng ta khởi sự và tước bỏ những thứ xung quanh mình, thì thật là hữu ích để trông chờ Chúa nói những gì Ngài muốn chúng ta làm. Không có điều gì nơi chúng ta tước bỏ khỏi chúng ta những gì chúng ta nghĩ là không cần thiết khi chúng ta không dâng lên Thiên Chúa mọi sự Ngài đòi hỏi nơi chúng ta. Điều này sẽ xảy ra trước và kế đó chúng ta có thể thêm những gì chúng ta nghĩ là chúng ta có thể dâng chính sự lựa chọn tự do của mình. Làm theo thánh ý Chúa luôn luôn đặt lên trước việc làm theo ý của chúng ta, không cần biết ý hướng của chúng ta tốt dường nào! Có lẽ điều mà cha Eymard đề nghị sẽ là bước đầu tiên để chúng ta có được bình an nội tâm; dĩ nhiên sau đó chúng ta có thể lắng nghe cẩn thận hơn những gì Chúa đòi hỏi chúng ta.
Hơn nữa, có thể xảy ra là sự lười biếng mà người ta cảm nghiệm được đơn giản chỉ là kết quả của sự khô khan mà người ta trải qua trong đời sống cầu nguyện không lâu sau khi mới bắt đầu cuộc hành trình. Bấy giờ, trong suốt giai đoạn này, người ta được khuyên rằng không nên giảm bớt thời gian cho việc cầu nguyện, dù cho việc cầu nguyện có trở nên vô vị và khô khan. Mà hơn thế, nếu có thể, người ta nên dành nhiều thời gian hơn cho việc cầu nguyện không phải như một bổn phận hay như một việc xưng tội, nhưng như một sự bày tỏ tình yêu. Điểm then chốt ở giai đoạn này chính là bám víu vào con người của Đức Giê-su mặc dù sự hiện diện của Người dường như xa xôi và không khả thi. Trong suốt cuộc thử thách về đức tin này, chúng ta cũng có thể dâng lên Chúa những tâm tình của Mẹ Maria, đặc biệt là việc dâng hiến tuyệt vời của Mẹ vào bàn tay Thiên Chúa mọi sự trong cuộc đời Mẹ, niềm tin vững mạnh của Mẹ vào Con của Mẹ là Đức Giê-su cũng như sự phụ thuộc hoàn toàn của Mẹ vào Chúa Cha. Chúng ta cũng nhớ lại tất cả những Ki-tô hữu can trường, những người đã xây dựng chi thể của Hội thánh và tiếp tục chiến đấu bằng tình yêu và niềm cậy trông, không màng đến những gian nan xảy đến cho mình là gì. Chúng ta liên kết chính mình với các vị ấy cũng như chia sẻ những nỗ lực của họ.
Sau hết, điều hữu ích trong suốt giai đoạn thử thách này là tiếp tục ngắm nhìn Đức Giê-su, Đấng không bỏ rơi chúng ta nhưng thực sự đang ở rất gần, dù cho sự hiện diện ấy không được cảm nhận một cách hữu hình đi nữa.