Lm Erasto Fernandez, sss.
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ
“Hãy nỗ lực hết mình để đạt được một tinh thần kiên vững của tình yêu Thiên Chúa trong những việc bổn phận của con, những hoạt động và những tình trạng nội tâm của con.” [Gửi cho nữ bá tước D’Andigne, 11/1867]
Hành trình thiêng liêng trong suốt giai đoạn thử thách và khô khan này có thể sánh ví với một chiếc xe lửa đang băng qua một đường hầm tối tăm. Trong tình cảnh ấy, trước hết chúng ta tự nhủ rằng đường hầm sẽ làm cho hành trình của chúng ta trở nên ngắn hơn và dễ dàng hơn, dù có đôi chút bất tiện và vô vị. Trong lúc băng qua đường hầm, mục tiêu của chúng ta chính là điểm kết thúc vì khi đó chúng ta sẽ lại tràn ngập trong ánh sáng. Chúng ta chịu đựng giai đoạn đen tối này vì biết chắc rằng đó chỉ là tình trạng tạm thời và là một sự chuyển tiếp và nó sẽ dẫn chúng ta đến đích của mình đúng giờ.
Vì đức mến là nhân đức cao trọng nhất mà chúng ta có thể thực hiện và trong giai đoạn cụ thể này có lẽ đó là điều khó nhất để tập trung vào, chúng ta cần đạt đến nhân đức ấy bằng tất cả niềm say mê và sức mạnh lớn lao hơn. Lúc đầu, điều này sẽ đòi hỏi chúng ta rất nhiều cố gắng, nhưng khi đã thành thói quen rồi, nó sẽ ngày càng trở nên một tính khí kiên vững có sức chịu đựng. Hành động bằng tình yêu bao gồm việc để mắt đến người mà chúng ta yêu mến, để ý đến điểm tốt của người ấy cũng như những đức tính đáng quý của người ấy. Bao lâu chúng ta không để ý đến chính mình nhưng đến những người khác, chúng ta sẽ nhận ra rằng những khó khăn chúng ta đối diện sẽ không phải là không chịu đựng nổi.
Lợi dụng chân lý “các thánh cùng thông công” qua đó chúng ta tin rằng tất cả chúng ta chỉ là một, không quan tâm đến việc chúng ta đến từ đâu hay những phẩm chất của chúng ta là gì, chúng ta hướng đến sự tốt lành và những nhân đức của các thành viên khác mà có lẽ mạnh mẽ hơn chúng ta có ngay thời điểm hiện tại. Những người này không cần phải là những người chúng ta thực sự quen biết, nhưng chúng ta nhớ lại rằng Đức Giê-su đã đảm bảo: Hội thánh của Người thì thánh thiện và qua đó Người có ý nói bất cứ lúc nào cũng luôn luôn có ít nhất một vài thành viên được thực sự kết hợp với Người và với Nước Trời. Chúng ta nhớ đến những người ấy và chia sẻ sự quảng đại và tình yêu của họ.
Giai đoạn này trong đời sống tâm linh của chúng ta có thể sánh ví với hành trình trên con tàu của các môn đệ trong khi Đức Giê-su ngủ thiếp đi ở đàng lái (Mc 4,35-41). Khi giông tố nổi lên, các môn đệ hốt hoảng và vội vàng đánh thức Người dậy và xin Người cứu giúp. Thánh Tê-rê-sa, Bông Hồng Nhỏ, thường nói rằng nếu ngài ở trên chiếc tàu đó với Đức Giê-su khi giông tố nổi lên, ngài sẽ không làm phiền Người ngủ. Đối với thánh nhân, điều quan trọng cần biết, đó là: Đức Giê-su đang hiện diện trên cùng chiếc tàu sắp bị lật bởi những đợt sóng dữ dội. Thậm chí nếu con tàu bị chìm đi nữa, thì bao lâu Đức Giê-su còn ở với thánh nhân, thánh nhân nhận ra rằng mình sẽ được an toàn và Người sẽ để mắt nhìn đến họ trong cơn giông tố ấy. Điều này nói thì dễ, nhưng thực hành thì không dễ chút nào nếu đức tin của người ta vào con người của Đức Giê-su không thực sự mạnh mẽ.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng đức tin của chúng ta sẽ không trở nên mạnh mẽ cho đến khi đức tin ấy bị thử thách và được thử luyện qua nhiều cách khác nhau, thậm chí là những điều khó khăn. Mỗi vinh quang đem lại cho chúng ta một sự đảm bảo lớn lao hơn rằng Đức Giê-su sẽ không bao giờ để cho chúng ta rơi vào khủng hoảng bao lâu chúng ta còn ở lại gần Người. Người ấp ủ chúng ta trong cánh tay Người và không sự dữ nào có thể làm hại chúng ta được (Is 49,16)!
Chúa là mục tử chăn dắt tôi nên tôi chẳng thiếu thốn gì… dù qua lũng âm u, tôi sợ gì nguy khốn vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm! (Tv 23,1-4).