Lm Erasto Fernandez, sss.
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ
“Hãy tin cha, quên mình đi hơn là quên Chúa, hãy để ý kỹ đến từng chi tiết về lòng nhân từ của Ngài, về sự Quan phòng của Ngài trong hành động. Hãy để cho tình yêu của Ngài trở thành điểm khởi phát; sự vĩ đại của tình yêu ấy được thể hiện nơi sự bất xứng của chúng ta.” [Gửi cho bà Antoinette de Grandville, tháng 12/1867]
Người ta có thể nói rằng toàn bộ mục đích của đời sống tâm linh chính là học cách đánh mất hay quên đi chính mình để Đức Giê-su sống trong tôi và qua tôi. Tuy nhiên, thật không dễ để quên đi chính mình vì điều đó ảnh hưởng đến mọi thứ chúng ta quen thuộc. Thế nhưng, khi một người nào đó có thể đạt đến mức độ gạt bỏ chính mình, nghĩ đến người khác và cụ thể là Đức Giê-su thay vì chính mình, thì cuộc sống trên trái đất này sẽ trở nên một thiên đường vậy. Để làm cho việc thay đổi cá tính được dễ dàng, cùng với Đức Giê-su, chúng ta cần thường xuyên để ý kỹ đến những ưu phẩm tuyệt vời của Người.
Ban đầu, việc này đòi hỏi một nỗ lực có ý thức về phía chúng ta, nhưng nó có thể mau chóng trở thành một thói quen nếu chúng ta kiên trì thực hành. Trong mọi tình cảnh, chúng ta hãy trở về với Đức Giê-su_Đấng đang hiện diện với chúng ta và bình tĩnh cầu xin Người đón nhận cùng hướng dẫn hành động của chúng ta trong tình cảnh ấy. Chẳng bao lâu khi chúng ta thực lòng dâng lên Người một cơ hội thì Người sẽ ra tay đón nhận và chúng ta sẽ kinh ngạc về sự khác biệt xảy ra trong đời sống thực hành của mình. Chúng ta cần thực hiện điều này, cụ thể là trong lúc cầu nguyện vốn là thời giờ quan trọng mà qua đó chúng ta không đánh mất bất kỳ một ân huệ quý giá nào mà Chúa Cha đã chuẩn bị cho chúng ta. Không phải lúc nào người ta cũng có thể đảm bảo rằng mình sẽ hoàn toàn cảnh giác và chú ý đến lời của Chúa Cha đang nói với chúng ta khi cầu nguyện, nhưng khi chúng ta cầu nguyện trong và qua Đức Giê-su, thì chúng ta có thể mong chờ những điều vĩ đại xảy ra.
Một chỗ quan trọng khác mà chúng ta cần trở về với Đức Giê-su đó là khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa, trong phần Phụng vụ Thánh Thể, trong suốt Kinh nguyện của Hội Thánh, hay thậm chí trong lúc cầu nguyện riêng. Điều quan trọng trong những lúc này đó là đón nhận sứ điệp chính xác mà Chúa mong ước trao cho chúng ta, cũng như đáp trả một cách tương xứng với sứ điệp đó. Tất cả việc này chỉ có thể xảy ra với sự trợ giúp và linh hứng của Chúa-Đấng đang hiện diện với chúng ta. Tình yêu của Ngài dành cho chúng ta đảm bảo cho chúng ta rằng Ngài sẽ chẳng bao giờ để chúng ta sa ngã. Thế nhưng, điều quan trọng là chúng ta hãy trở về với Ngài bằng niềm cậy trông, tình yêu, và chờ đợi sự hài lòng của Ngài.
Cách làm này không có ý nói rằng chúng ta không được dùng thời giờ và rắc rối để chuẩn bị cho việc cầu nguyện hay những hoạt động khác của chính mình. Đơn giản, điều đó chỉ có ý nói rằng sau khi làm tất cả mọi sự bằng sức lực của mình, chúng ta sẽ cầu nguyện với một sự sẵn sàng để thay đổi toàn bộ kế hoạch mà Chúa sẽ đòi hỏi chúng ta. Và đôi lúc, chúng ta thấy Ngài linh hứng cho chúng ta vào phút cuối, thử thách chúng ta để từ bỏ kế hoạch của mình và để cho Ngài dẫn dắt chúng ta trong việc cầu nguyện. Nếu chúng ta có thể lấy hết can đảm để cho Đức Giê-su trở thành người hướng dẫn của chúng ta trong những tình cảnh đó, chúng ta sẽ mau chóng hiểu rằng cần phải luôn luôn lắng nghe Ngài và bước đi theo sự chỉ dẫn của Ngài. Vào cuối buổi cầu nguyện, chúng ta nhận ra rằng bất cứ điều tốt nào có được trong lúc cầu nguyện đều là công việc của Ngài, chúng ta sẽ dễ dàng dâng lên Ngài lời ngợi khen và những lời tạ ơn mà không cần hướng đến bất kỳ điều gì ở nơi chúng ta. Thậm chí khi người khác tạ ơn và ngợi khen chúng ta vì việc cầu nguyện linh hứng chúng ta làm, chúng ta sẽ hướng tất cả những lời ngợi khen ấy về Đức Giê-su, là Chúa và là Thầy của chúng ta.