Lm Erasto Fernandez, sss.
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ
“Hãy an tâm về tương lai của Hội dòng nhỏ bé của con; nó sẽ lớn mạnh và sẽ trở nên thánh thiện. Tuy nhiên, mỗi người con trong hội dòng sẽ làm cho con chết đi hai lần vì ơn gọi cũng như sự sống còn của hội dòng. Đời sống thánh thiện được mua bằng cái chết” [Gửi cho cô Maguerite Guillot, 2/1866]
Cô Guillot là một cộng sự viên thân thiết của cha Eymard trong việc thành lập ngành nữ của Dòng Thánh Thể. Là một con người có nội tâm sâu sắc, không cần phải bàn cãi, thế nhưng chắc chắn là không giống khả năng của cha Eymard, cô thường tham khảo ý kiến của cha để tìm kiếm sự hướng dẫn trong những lúc khó khăn. Cũng giống như ngành nam, các chị cũng phải trải qua hàng loạt những vấn nạn ngay lúc khởi đầu và đối mặt với những thời điểm căng thẳng, mà không biết tương lai của Hội dòng sẽ ra sao. Điều này đi ngược lại với nền tảng mà cha Eymard đảm bảo với cô rằng nếu đây là công việc của Chúa thì Hội dòng chắc chắn sẽ sống sót qua những thăng trầm của cuộc sống. Không nghi ngờ gì, khi đưa ra lời khuyên này cho cô, cha Eymard đang nghĩ về trường hợp của chính cha cũng tương tự như vậy, và cha tìm cách gia tăng thêm niềm tin của mình_niềm tin mà vốn cũng trở nên yếu ớt khi bị tấn công tư bề!
Trong khi cha Eymard tin tưởng vào sự sống còn, nói đúng ra là sự phát triển của cả hai nhánh thuộc Dòng Thánh Thể, cha đã đủ nhạy cảm để nhận ra rằng phải trả một cái giá cho thành công này và đó là “việc chết đi cho bản thân”, cụ thể là đối với những ai cộng tác với hai hội dòng non trẻ thiếu kinh nghiệm. Khi nhìn vào chính mình, cha đã nỗ lực để Đức Giê-su chi phối công việc nhỏ bé của cha; thực tế, cha càng đối diện với nhiều thử thách, thì cha lại càng xác quyết rằng Thiên Chúa đang hành động qua cha. Cha đã tìm kiếm một cách tỉ mỉ để phân định ý muốn của Chúa và cái giá phải trả, cha đã trung thành với nó bao nhiêu có thể và nỗ lực hết mình. Cha vui mừng dâng tất cả đau khổ được xem như cái giá phải trả cho sự thành công của công việc của Thiên Chúa. Khi nhận ra cách làm này có hiệu quả, cha đã thân tình khuyên cô Guillot cũng làm như vậy.
Trong lời khuyên của cha, có một nguyên tắc phân định tâm linh khác mà cha Eymard học được từ chính kinh nghiệm bản thân của mình. Nhìn chung, thập giá xảy đến trong cuộc đời chúng ta không phải từ những người ngoài cuộc nhưng từ chính chúng ta. Cũng như chính dân Do Thái, dân được tuyển chọn, đã treo Đức Giê-su trên thập giá thế nào, thì cuộc đời chúng ta cũng vậy, chính chúng ta cũng sẽ tự kết án chính mình. Và phần tốt nhất chính là khi họ làm việc này, họ nghĩ rằng họ đang phục vụ Thiên Chúa. Không phải vì nhân danh Chúa mà những người Pha-ri-sêu đòi hỏi cái chết của Đức Giê-su khi cho rằng Ngài đã xúc phạm đến Thiên Chúa? Chẳng phải điều này cũng xảy ra với Stê-pha-nô và sau này là với chính Phao-lô, cũng như nhiều người khác qua nhiều thế kỷ sao? Vì thế, ở đây chính những ứng sinh cũng sẽ là những kẻ kết án các vị bề trên và những nhà đào tạo của họ, đặc biệt khi họ nại vào phẩm chất của lời đáp trả trong cuộc đời họ!
Ngày nay trong Hội thánh, khi người ta đề cập quá nhiều đến Sự Phục Sinh cũng như vẻ sáng láng hơn của công trình do Đức Ki-tô thực hiện, thì quan điểm của cha Eymard lại là: chỉ qua cái chết thì sự sống mới có thể bắt đầu. Đây là điều cần thiết để uốn nắn sự quân bình và đưa chúng ta trở lại đường ray!